Phòng dịch cúm bùng phát trong trường học

(CDC Hà Nam)

Trẻ đến trường luôn đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh trong đó có cúm, thuỷ đậu, sởi – quai bị – rubella… Đặc biệt nguy hiểm khi các bệnh này đang diễn biến hết sức phức tạp vào những tháng cuối năm.

Bệnh cúm thường sẽ xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em, nhất là trẻ tiền học đường và học đường. Nguyên nhân là do sức đề kháng của trẻ tương đối yếu. Kháng thể chống virus ở trẻ hầu như rất kém nếu không được tiêm chủng đầy đủ. Trẻ em thường được tập trung nhiều ở các trường học, nhà trẻ… và đây là điều kiện để virus cúm lây truyền.

Trẻ mắc cúm có thể diễn tiến cấp tính thành viêm phổi, suy hô hấp, hoặc khởi phát các bệnh tiềm tàng như hen suyễn, thuyên tắc phổi mãn tính – COPD khiến trẻ phải nghỉ học dài ngày. Nguy hiểm hơn, cúm còn có thể diễn tiến ác tính, gây viêm não, viêm cơ tim, suy đa cơ quan, dẫn đến những gánh nặng bệnh tật lâu dài như viêm khớp, các bệnh lý tim mạch, khờ khạo, kém phát triển về thần kinh và vận động.

Ngoài cúm, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella cũng là những mối nguy hiểm tiềm tàng trong môi trường học đường, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và tương lai của các em.

Trước nguy cơ cúm và nhiều dịch bệnh tấn công trường học, nhà trường tuyên truyền tới cha mẹ và học sinh tiêm mũi vắc xin cúm, thủy đậu, sởi – quai bị – rubella.

Sau dịch Covid-19 nhà trường luôn đẩy mạnh các công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học như thường xuyên nhắc nhở các em vệ sinh lớp học và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, khử khuẩn lớp học và trường học… Tuy vậy, vẫn không thể tránh khỏi sự tấn công của mầm bệnh từ bên ngoài.

Cuối năm là thời điểm giao mùa nên học sinh bị cúm khá nhiều. Lo lắng các em bị bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập, được sự đồng lòng của phụ huynh, học sinh, nhà trường cần nhắc nhở cha mẹ học sinh đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm. Mỗi năm có từ 5-10% người lớn và 15-42% trẻ em trên toàn cầu mắc cúm, trong đó có khoảng 250.000 đến 500.000 người tử vong. Tiêm phòng có thể giảm tỷ lệ tử vong do cúm 70-80% tuy nhiên hiệu lực bảo vệ của vắc xin cúm chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm vì virus cúm có khả năng thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm. Do đó, người dân nên tiêm nhắc lại vắc xin mỗi năm 1 lần nhằm tăng cường đề kháng, phòng ngừa kịp thời chủng virus cúm đang lưu hành.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe, trẻ nên được tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh như thủy đậu, sởi – rubella – quai bị, ho gà – bạch hầu – uốn ván, dại, tả, viêm não Nhật Bản, phế cầu khuẩn, thương hàn…

Các bệnh nguy hiểm ở trẻ học đường đều có vắc xin phòng ngừa. Tiêm phòng là cách đơn giản, hiệu quả bảo vệ sức khỏe của các em.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Thư Bác Hồ gửi Hội nghị cán bộ y tế (27/02/1955)

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch chiều ngày 11/10/2021

Ngọc Nga

CDC Hà Nam tiếp tục thông tin về xét nghiệm 02 trường hợp nghi nhiễm SARS-COV-2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Ngọc Nga