Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

(CDC Hà Nam)

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS, với nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 25-40%. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Quá trình lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra theo 3 con đường sau:

Trong thời kỳ mang thai: Virus HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua nhau thai để vào cơ thể thai nhi. Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra sớm ngay khi thai nhi mới được 8 tuần tuổi và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên người ta nhận thấy tỷ lệ lây truyền HIV qua nhau thai tương đối cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần. Khoảng 20-30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ được cho là lây truyền qua bánh nhau.

Trong khi sinh: Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra muộn quanh thời kỳ chuyển dạ. Nguyên nhân khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo (nuốt nước ối, virus trong máu và dịch âm đạo của mẹ có chứa HIV) hoặc do sự trao đổi máu mẹ – thai nhi khi chuyển dạ (ở giai đoạn này các cơn co tử cung của mẹ có thể “bơm mạnh” máu mẹ chứa HIV vào tuần hoàn của thai nhi làm cho trẻ dễ bị nhiễm HIV từ mẹ). Có khoảng 50- 60% số trẻ em bị lây truyền HIV trong giai đoạn này. Tuy nhiên nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn…

Khi cho con bú: Cho dù nồng độ virus HIV không cao trong sữa mẹ, nhưng vẫn gây nguy cơ lây nhiễm cho trẻ khi trẻ bú sữa mẹ nhiễm HIV. Khi trẻ bú mẹ, HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ và lây nhiễm cho trẻ này, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng. Hoặc trong trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV còn có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc trong khoang miệng và gây nhiễm HIV cho trẻ. Khoảng 20-30% số trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ được cho là bị lây qua bú sữa mẹ, tùy thuộc vào thời gian và cách nuôi con bằng sữa mẹ.

Để giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con thì việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm ARV là yếu tố có tính chất quyết định. Vì những đứa con khỏe mạnh, không nhiễm HIV, mọi phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần đi làm xét nghiệm trước khi mang thai, hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ để được điều trị ARV càng sớm càng tốt nếu dương tính với HIV.

Hiện nay, nhiễm HIV hoàn toàn không còn là căn bệnh “vô phương cứu chữa”, phụ nữ mang thai nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con không nhiễm HIV. Điều đó chỉ có thể  có được thông qua các hoạt động dự phòng sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý và điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV khi có thai.

Phụ nữ có thai nên xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt:

Xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai là một xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai. Việc phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và con.

Lợi ích của xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai bao gồm:

Giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con: Khi phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus sớm và hiệu quả, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống dưới 1%, thậm chí là 0%.

Tăng cường sức khỏe cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV: Điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) có thể giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác và tăng khả năng sống sót cho cả mẹ và con.

Giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình: Điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) có thể giúp giảm chi phí điều trị cho cả mẹ và con.

Phụ nữ mang thai nên xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt, những xét nghiệm này hiện đều được bảo hiểm y tế chi trả.

Bộ Y tế đã ra Thông tư số 09/2021/TT-BYT ngày 30/6/2023 hướng dẫn quy định quy trình, thời điểm, số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ. Theo đó, phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng nhiễm HIV và đồng ý làm xét nghiệm HIV được chỉ định xét nghiệm HIV trong những lần khám thai định kỳ hoặc khi chuyển dạ, sinh con theo Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai của Bộ Y tế. Cụ thể:

Xét nghiệm HIV lần thứ nhất càng sớm càng tốt.

Xét nghiệm HIV lần thứ hai cho các trường hợp có hành vi nguy cơ cao quy định tại Khoản 6 Điều 2 Luật Phòng chống HIV/AIDS như sau:

+ Có hành vi nguy cơ cao trong vòng 3 tháng trước khi xét nghiệm HIV lần thứ nhất;

+ Có hành vi nguy cơ cao sau khi được xét nghiệm HIV lần thứ nhất.

Phụ nữ mang thai muốn biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, chị em có thể đến các cơ sở y tế gần nhất. Tất cả các cơ sở y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố, đều có thể xét nghiệm sàng lọc HIV. Trong đó có 01 phòng xét nghiệm khẳng định đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định các trường hợp HIV dương tính theo quy định của Bộ Y tế đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam. Người dân nếu có nhu cầu tư vấn, xét nghiệm phát hiện HIV hãy đến các cơ sở y tế/phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cấp phép hoạt động về tư vấn, điều trị, xét nghiệm phát hiện HIV trên địa bàn tỉnh.

Một số cơ sở y tế/ phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh:

  1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
  2. Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
  3. Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.
  4. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

                                                                                                                               ThSBS. Phạm Thị Thu

                                                                                                                           Khoa Phòng, chống HIV/AIDS

Bài viết liên quan

Sáng 22/6: Có 36 ca mắc COVID-19 ở TPHCM; Việt Nam ghi nhận tổng cộng 13.530 ca

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch sáng ngày 30/10/2021

Ngọc Nga

Thành lập cơ sở cách ly y tế tập trung quy mô 400 giường tại Trường Cao đẳng nghề tỉnh Hà Nam

Ngọc Nga