Thuốc lá – “Sát thủ” âm thầm tàn phá sức khoẻ

(CDC Hà Nam)

Trong một đề tài nghiên cứu của bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh về cấp cứu đột quỵ, trên cơ sở khảo sát các hồ sơ bệnh nhân đột quỵ não, xác định 40% số bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá. Càng ngày, số người trẻ tuổi là nam giới bị đột quỵ não, nhồi máu cơ tim càng tăng cao hơn trước, tạo áp lực trong cấp cứu, điều trị và kinh tế mỗi gia đình.

Vào nhập viện trong tình trạng bị hẹp van tim, bệnh nhân L.V.V. (62 tuổi, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm) được các bác sỹ tiến hành đặt 1 stent nhánh bên phải. Trước đó, ông V. cũng đã được đặt stent một bên trái. Theo các bác sỹ, một trong những nguyên nhân khiến cho bệnh nhân V. bị hẹp động mạch vành là do có tiền sử hút thuốc lá trong thời gian dài. Ông V. cho biết: “Tôi bắt đầu hút thuốc lá từ năm 15 tuổi, trung bình mỗi ngày hết khoảng 1 gói thuốc. Cách đây 2 năm, thấy đau tức ngực, khó thở nên đã nhập viện điều trị thì phát hiện mình hẹp động mạch vành”.

Không riêng gì bệnh nhân V., rất nhiều bệnh nhân bị mắc các bệnh về tim mạch khi đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều có tiền sử hút thuốc lá. Qua thực tiễn đã cho thấy, đối với những người hút thuốc lá, sau khi phẫu thuật, việc phục hồi khó khăn hơn so với những người không hút thuốc.

Chia sẻ với phóng viên, bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn khẳng định: Một trong số thủ phạm gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim ở những bệnh nhân đã và đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam là do hút thuốc lá. Bởi, hút thuốc lá gây xơ vữa động mạch, những mảng vữa xơ sẽ làm cho lòng mạch máu trở nên gồ ghề, giảm đi sự trơn nhẵn vốn có. Khi lòng mạch hẹp dần sẽ gây thiếu máu ở những cơ quan, tổ chức sau chỗ hẹp. Đến một lúc nào đó, ở vị trí lòng mạch bị chít hẹp co lại hoặc những mảng vữa xơ động mạch long vỡ ra gây bít tắc toàn bộ lòng mạch khiến cho mạch máu không thể chảy qua được gây nhồi máu các cơ quan, tổ chức phía sau như: nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, nhồi máu thận…

Anh Đinh Quang Minh, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tâm sự: Bố tôi gần 60 tuổi, bất ngờ bị đột quỵ não khi chuẩn bị ăn cơm tối. Ông tự nhiên không nói được, ngồi không vững, mất cảm giác tay, chân bên phải. Gia đình đã nhanh chóng đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây các bác sỹ chẩn đoán bố tôi bị đột quỵ não. Gần 20 năm nay bố tôi thường xuyên hút thuốc lá. Gia đình đã khuyên ông bỏ thuốc lá nhiều lần nhưng không được. Hi vọng sau đợt điều trị này ông sẽ dừng hẳn việc hút thuốc để không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ”.

Trong nghiên cứu của mình, bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn chỉ ra rằng: Người có nguy cơ bị đột quỵ cao, gồm những người có tiền sử đột quỵ, được đánh giá và cung cấp thông tin về các yếu tố nguy cơ do lối sống (ít vận động, hút thuốc lá, chế độ ăn, thừa cân và lạm dụng rượu bia). Từ một khảo sát thực tế mang tính khoa học, thực tiễn ở 111 bệnh nhân đột quỵ não, trong đó trên 70% số bệnh nhân có độ tuổi từ 60 trở lên, 53,15% là bệnh nhân nam cho thấy, 40% số bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, 5% đái tháo đường, 7% nghiện rượu, 2,5% tim mạch, 5% đã từng bị đột quỵ trước đó.

Rõ ràng, tỷ lệ người bị đột quỵ có liên quan đến thuốc lá cao nhất, nhưng vấn đề đặt ra tại sao trong số đó có cả phụ nữ. Ở Hà Nam, số phụ nữ hút thuốc lá không nhiều, không thường xuyên. Tuy nhiên, theo bác sỹ CKII Nguyễn Văn Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người không hút thuốc lá nhưng sống trong môi trường có khói thuốc vẫn bị ảnh hưởng một cách thụ động. Trong nhiều cuộc hội thảo về tác hại của thuốc lá, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho biết, số trường hợp tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% trong tổng số người tử vong do bệnh tật và thương tích. Và, một trong những nguyên nhân có liên quan là thuốc lá. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, 900.000 người trong số này là bị ảnh hưởng thụ động của thuốc lá, hay còn gọi là hút thuốc thụ động.

Tác hại của thuốc lá đối với các bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim thực tế đã và đang được chứng minh rất rõ ràng bằng những đề tài nghiên cứu chuyên sâu. Nhưng giải pháp để hạn chế ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khoẻ con người chính là việc tự ý thức, nhận thức của mỗi người dân về thuốc lá. Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn cho rằng: Mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được thực thi nhiều năm nay, công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cũng tăng cường hơn, hệ thống hơn, tuy nhiên người dân vẫn hút thuốc lá rất nhiều, thậm chí ngay tại bệnh viện, nơi đầu tiên bị cấm… Tất cả đều do ý thức của con người, phải nhận thức nghiêm túc về ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khoẻ của bản thân và những người xung quanh. Khói thuốc lá mang đến cái chết lặng lẽ, từ từ nên người ta có thể không thấy ngay được sự nguy hiểm của nó. Song, ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, mỗi năm đã có gần một nghìn trường hợp bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim vào nhập viện cấp cứu và điều trị, trong số này nhiều trường hợp có tiền sử hút thuốc lá.

Để phòng tránh đột quỵ hiệu quả, bác sỹ Tuấn cho biết: Người dân câng kiểm soát và điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ, xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, tập thể dục hằng ngày, khám sức khoẻ định kỳ để tầm soát kịp thời các bệnh về tim mạch, tiểu đường… và đặc biệt là phải từ bỏ ngay thói quen thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào… Bất kỳ người dân nào, kể cả người trẻ, khi có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, nôn, yếu chan tay, méo miệng… thì cần đến các cơ sở y tế thăm khám trong thời gian vàng.

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Tổ chức tập huấn cai nghiện thuốc lá cho y tế thôn/xóm/cộng tác viên

hanh phan

Tăng cường tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá nơi công cộng

Mậu Ngọ

Giáo dục con em về tác hại của thuốc lá

Mậu Ngọ