Tăng cường phòng chống bệnh Tay chân miệng

(CDC Hà Nam)

Trước tình hình cả nước số ca mắc Tay chân miệng gia tăng trở lại, và số ca nhập viện cũng tăng, việc hiểu biết rõ các dấu hiệu đặc trưng của bệnh cũng như các biến chứng của bệnh là vô cùng cần thiết.

 Các dấu hiệu đặc trưng của bệnhTay chân miệng bao gồm sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

 Đa số các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bệnh Tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hoá: nước uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày bị nhiễm vi rút từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua các dịch tiết đường hô hấp hoặc hạt nước bọt.

Để phòng chống bệnh Tay chân miệng, ngành y tế khuyến cáo thực hiện theo phương châm 3 sạch: ăn (uống) sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch. Cụ thể:

1/ Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

2/ Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.

3/ Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4/Phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ở trẻ: nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng,..) để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan.

5/ Khi trẻ mắc bệnh, cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng (sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi,..) để nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Đặc biệt khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Các trường cần đặc biệt lưu ý việc theo dõi giám sát phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày. Bên cạnh đó nhà trường cũng cần đề nghị phụ huynh thông báo rõ lý do nếu con em mình nghỉ học. Phụ huynh khi có con mắc bệnh hãy chủ động cho trẻ nghỉ học, thông tin đến nhà trường lý do trẻ nghỉ học.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Mẹ cần làm ngay những việc này khi bé ngạt mũi, sổ mũi hoặc khó thở

Ngọc Nga

Có thêm hơn 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong tháng Bảy

CDC Hà Nam

Đa số phụ nữ không biết các triệu chứng ung thư quan trọng này

Ngọc Nga