Tiêm vắc xin COVID-19, cơ hội “vàng” để bảo vệ sức khỏe

(CDC Hà Nam)

Hiện nay, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, với số ca mắc giảm nhanh trong nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng. Có được kết quả ấy là sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, vắc xin phòng COVID-19 chính là chìa khóa quan trọng nhất trong phòng, chống dịch và là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Người dân đã thay đổi nhận thức về lợi ích của việc tiêm vắc xin

Ghi nhận tại điểm tiêm Trạm Y tế xã Kim Bình (TP. Phủ Lý) trong những ngày tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 vừa qua, từ sáng sớm đã có khá đông người dân đưa trẻ đến đăng ký tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Chị Trần Thanh Xuân ở thôn Kim Thượng, cho biết: “Tôi đã từng nhiễm COVID-19, nhưng nhờ đã tiêm ba mũi vắc xin nên triệu chứng bệnh cũng nhẹ. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan nhất là đối với trẻ em nên khi nhận được thông báo tiêm mũi 3, tôi liền cho các cháu tham gia ngay. Hy vọng vắc xin sẽ phòng được dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe để các cháu yên tâm đến trường học hành và vui chơi”.

Đồng quan điểm với chị Xuân, anh Nguyễn Văn Long ở xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm) chia sẻ: “Dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp và rất nguy hiểm, nhất là khi có thông tin xuất hiện các biến chủng mới, vì vậy tiêm vắc xin là bảo vệ cho chính mình nên mình phải đi tiêm khi đến lịch tiêm nhắc lại”.

Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, người dân đã thay đổi nhận thức về lợi ích của việc tiêm vắc xin trong phòng chống dịch COVID-19, nhất là tiêm các mũi nhắc lại. Cùng với tâm lý lo ngại biến chủng mới xuất hiện, nên số lượng người dân Hà Nam đi tiêm vắc xin COVID-19 tăng lên nhanh chóng. Nhiều người dân đã chủ động đến các điểm tiêm tại trạm y tế phường, xã; trung tâm y tế huyện/thành phố/thị xã để tiêm mũi 3, mũi 4 vắcxin COVID-19 nhằm tăng cường hơn nữa hệ miễn dịch của cơ thể.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Ngành Y tế, tính đến ngày 23/8/2022, tỷ lệ tiêm mũi 3 (nhắc lại lần 1) cho người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh: 395.826/612.219 mũi (đạt 64,65%); Số tiêm mũi 4 (liều nhắc lại lần 2) cho người từ 18 tuổi trở lên là 78.811 mũi; Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi: 36.754/72.258 đạt 50,86%; Tỷ lệ tiêm mũi 2 trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi: 53.615/99.307 đạt 53,99%.

Hiện nay, Ngành Y tế tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh và UBND nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi; mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi; mũi 3, mũi 4 cho người trừ 18 tuổi trở lên theo quy định. Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, hoàn thành mục tiêu trong thời gian tới, Ngành Y tế đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường đôn đốc, cung cấp danh sách, số lượng cần tiêm chủng. Rà soát kỹ các đối tượng được tiêm chủng, triển khai mời người dân tham gia tiêm chủng bằng nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về nhân lực, trang thiết bị và cung cấp đầy đủ lượng vắc-xin COVID-19 cho các địa phương. Tại các điểm tiêm, bố trí đầy đủ, khoa học khu vực chờ tiêm, khu vực tiếp đón, phòng khám sàng lọc trước khi tiêm, phòng tiêm, khu vực theo dõi sau tiêm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiêm vắc xin COVID-19 cho mọi người dân biết tham gia đầy đủ.

Với những cố gắng không ngừng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đến nay tình hình dịch bệnh của địa phương đã được kiểm soát và đẩy lùi, các hoạt động kinh tế – xã hội được khôi phục, từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Đặc biệt, từ đầu tháng 4/2022 đến nay, số ca mắc Covid-19 mới tại Hà Nam giảm sâu; trung bình ghi nhận chỉ khoảng 20 ca bệnh/ngày; trong đó 99,5% số ca bệnh có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng; không có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên nguy cơ tái nhiễm còn cao do nhiều người dân có tâm lý chủ quan khi cho rằng đã mắc Covid-19 sẽ không mắc lại, từ đó không áp dụng các biện pháp phòng dịch; nhiều người đã tiêm mũi 3 nhưng trải qua một thời gian dài, khả năng miễn dịch sẽ giảm đi. Mặc dù gần đây, dịch có giảm, nhiều người nhiễm thấy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, không triệu chứng nặng, nhưng những ảnh hưởng hậu COVID-19 là có và đang gây rất nhiều triệu chứng, hệ lụy khác nhau liên quan đến tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, cơ xương khớp, nội tiết… Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 203 triệu chứng hậu COVID-19, nên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 4 vẫn là “lá chắn” cần được củng cố, rất cần thiết phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh.

Qua trao đổi, bác sĩ Vũ Thị Lan, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) cho biết: kháng thể từ việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian và cơ thể sẽ giảm khả năng bảo vệ. Sau khi tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1 và mũi 2) thì khả năng bảo vệ là trên 80%, sau 3-6 tháng hiệu lực bảo vệ giảm dần, chỉ còn 50% (nhất là với chủng Omicron). Nếu tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) kháng thể tăng lên được 70%, nhưng lại giảm dần từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 xuống còn 30%. Do đó nếu không tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) thì khả năng bảo vệ cơ thể sẽ mất dần và trở về như người chưa tiêm, nếu xuất hiện chủng COVID-19 mới thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng và có thể tử vong.

Vì thế, mọi người dân nên tham gia tiêm mũi nhắc lại để tạo được miễn dịch tốt nhất cho cơ thể, chống lại các biến chủng mới, đừng vì những lời đồn thổi, những nhận định thiếu căn cứ khoa học mà bỏ qua cơ hội vàng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Mậu Ngọ

 

 

Bài viết liên quan

Yêu cầu báo giá

Ngọc Nga

Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Ngọc Nga

Thủ tướng ra Công điện về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc

Ngọc Nga