Tiêm vắc xin phòng COVID-19: An toàn được đặt lên hàng đầu

(CDC Hà Nam)

Việt Nam trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 đang phải đối mặt với biến thể Delta của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh và rộng. Hiện nay việc áp dụng “5k và tiêm vắc xin” vẫn là công thức phòng bệnh tối ưu nhất để nhanh chóng đẩy lùi dịch COVID-19. Các loại vắc xin phòng COVID-19 là vắc xin mới nên công tác đảm bảo điều kiện an toàn tiêm chủng cần phải tuân thủ thật nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, người được tiêm chủng cũng cần trang bị những kiến thức và chủ động thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế khi tham gia tiêm chủng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Thanh Dương – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết, công tác bảo quản và phân phối vắc xin phục vụ các điểm tiêm chủng trong tỉnh được thực hiện như thế nào?

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Dương: Theo chỉ đạo của Ngành Y tế, tất cả các loại vắc xin phòng COVID-19 khi phân bổ về tỉnh sẽ được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp nhận và bảo quản. Ngay sau khi tiếp nhận bàn giao, toàn bộ vắc xin sẽ được bảo quản trong kho vắc xin của Trung tâm trước khi triển khai tiêm theo đúng quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ nhằm bảo đảm chất lượng vắc xin tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm.

Căn cứ kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo các đợt của Sở Y tế, Trung tâm sẽ lập kế hoạch cấp vắc xin và vật tư tiêm chủng cho các đơn vị được phân công tiêm vắc xin COVID-19. Các đơn vị này cũng chủ động cử cán bộ đầu mối phối hợp chặt chẽ với Trung tâm để tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin theo đúng quy định tới điểm tiêm chủng.

TS.BSCKII Nguyễn Trọng Khải (người đứng ngoài bên phải) – TUV, Giám đốc Sở Y tế, DSCKI Trần Viết Huệ – Phó giám đốc Sở Y tế (người đứng giữa) cùng ThS.BS Nguyễn Thanh Dương – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kiểm tra, giám sát tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại điểm tiêm CDC Hà Nam.

Phóng viên: Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực tham gia thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 ra sao, thưa ông?

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Dương: Tất cả các đơn vị tham gia tiêm chủng vắc xin COVID-19 đều phải thành lập các đội tiêm chủng đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị y tế và con người để thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng đã được Bộ Y tế hướng dẫn. Tất cả cán bộ, nhân viên y tế tham gia tiêm chủng đều được tập huấn kỹ lưỡng về quy trình tiêm chủng an toàn, quy định xử lý các tai biến sau tiêm chủng và thông tin cụ thể của từng loại vắc xin.

Trước khi thực hiện tiêm chủng, người tiêm chủng được cán bộ y tế khám sàng lọc, đo thân nhiệt, huyết áp, khai thác tiền sử bệnh và chỉ thực hiện tiêm với các trường hợp đủ điều kiện về sức khỏe.

Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nên ngoài các điểm tiêm chủng lưu động sẽ có các điểm tiêm chủng cố định đặt tại các bệnh viện, trung tâm có đủ năng lực cấp cứu. Vì vậy đối với các điểm tiêm lưu động chỉ thực hiện tiêm chủng cho những người hoàn toàn khỏe mạnh. Các trường hợp có các bệnh mãn tính kèm theo sẽ được chuyển về tiêm chủng tại các cơ sở điều trị để đảm bảo xử trí kịp thời khi có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

Trước và trong quá trình tiêm, Ngành Y tế đều bố trí các đoàn kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng công tác chuẩn bị các điều kiện tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng tại các điểm tiêm nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại tỉnh đạt hiệu quả cao nhất.

Phóng viên: Xin ông cho biết, các bước thực hiện tiêm chủng đối với vắc xin phòng COVID-19? Trong các bước thực hiện có điểm gì khác so với tiêm chủng các loại vắc xin thường quy?

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Dương: Các bước thực hiện tiêm chủng đối với vắc xin phòng COVID-19 gồm có:

Khai báo y tế, đo thân nhiệt;

Hoàn thiện phiếu đồng ý tiêm chủng;

Hoàn thiện khám sàng lọc, tư vấn trước khi tiêm chủng;

Thực hiện tiêm chủng vắc xin;

Theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Điểm khác so với tiêm chủng các loại vắc xin thường quy:

Đối tượng tiêm chủng chủ động tải app hồ sơ sức khỏe toàn dân trên trang điện tử http//hssk.kcb.vn, cập nhật thông tin cá nhân. Khi đến điểm tiêm chủng, phối hợp với nhân viên y tế, chủ động cập nhật các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng.

Đối với tiêm vắc xin COVID-19, đối tượng tiêm cần được hướng dẫn và ký phiếu đồng thuận tiêm chủng.

Phóng viên: Vắc xin phòng COVID-19 là loại vắc xin mới nên bên cạnh việc chuẩn bị tốt các điều kiện về bảo quản vắc xin, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đội ngũ nhân lực tham gia tiêm chủng… thì ông có những lưu ý gì để đảm bảo an toàn cho người được tiêm chủng?

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Dương: Những đối tượng được tiêm vắc xin COVID-19 cần lưu ý một số nội dung sau để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm chủng:

Thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh, thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Khai báo trung thực về tiền sử, bệnh sử của bản thân, tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân.

Người được tiêm chủng sẽ được theo dõi phản ứng sau tiêm tại cơ sở y tế trong vòng 30 phút đến 60 phút tại điểm tiêm và được hướng dẫn phát hiện các dấu hiệu bất thường, cách thức ghi chép các biểu hiện trên cơ thể sau tiêm để tiếp tục theo dõi tại nhà, nơi làm việc trong vòng 24 giờ và theo dõi thêm ít nhất 7 ngày sau tiêm chủng.

Cập nhật thường xuyên các phản ứng thông thường sau tiêm chủng trên app, đặc biệt theo dõi sức khoẻ nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường đến ngay các cơ sở y tế để được khám và theo dõi và xử trí  kịp thời.

Phóng viên: Trong khi nguồn vắc xin còn hạn hẹp, trước sự phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, ông có khuyến cáo gì tới người dân?

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Dương:  Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp, số lượng người mắc bệnh tiếp tục gia tăng. Vì vậy người dân cần thực hiện đúng các quy định đối với từng tình huống dịch trên địa bàn mình sinh sống theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và ngành y tế như:

Thực hiện nghiêm thông điệp 5K “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập- Khai báo y tế” của Bộ Y tế.

Người dân không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác phòng, chống dịch COVID-19. Phát huy tính tự giác khai báo y tế hoặc thông báo ngay cho chính quyền địa phương các trường hợp bất thường, người từ vùng dịch về, người nhập cảnh trái phép…để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

Liên hệ với đường dây nóng của Bộ Y tế 1900.9095, các số điện thoại trực phòng chống dịch của Ban chỉ đạo các cấp để được tư vấn khi cần thiết.

Dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp và khó lường, Ngành Y tế đã và đang không ngừng nỗ lực cùng với các cấp, các ngành và toàn dân quyết tâm, đồng lòng chiến thắng dịch bệnh. Với các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã và đang được tích cực triển khai trên cả nước, chúng ta tin Việt Nam sớm chiến thắng đại dịch.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Nga (thực hiện)

 

Bài viết liên quan

Những việc cần làm nếu chẳng may trở thành F0

Ngọc Nga

Tiếp tục thực hiện thật tốt các hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm  

CDC Hà Nam

Tập huấn phòng chống bệnh không lây nhiễm cho cán bộ y tế năm 2023

hanh phan

Để lại bình luận