Triệu chứng bệnh cảm lạnh

(CDC Hà Nam)

Trong cuộc đời, chắc hẳn ai cũng từng bị cảm lạnh ít nhất một lần. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn bối rối và tự hỏi bị cảm lạnh nên làm gì, bị cảm lạnh uống thuốc gì. Trong bài viết này, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về bệnh cảm lạnh. 

Cảm lạnh thông thường là một bệnh nhiễm trùng tại đường hô hấp trên do virus gây ra. Các triệu chứng chủ yếu xuất hiện nhiều tại mũi và họng. Chủng virus phổ biến nhất gây ra bệnh cảm lạnh là Rhinovirus, chiếm từ 10 đến 40% các trường hợp cảm lạnh.

Triệu chứng bệnh cảm lạnh

Khác với bệnh cảm cúm, các triệu chứng của cảm lạnh thường không nghiêm trọng bằng, nhưng vẫn khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Chúng bao gồm:

  • Ngạt mũi và sổ mũi. Dịch chảy ra từ mũi ban đầu thường trong, lâu dần trở nên đặc hơn và có màu vàng hoặc xanh.
  • Hắt xì nhiều lần
  • Đắng miệng
  • Ngứa rát tại cổ họng
  • Ho khan
  • Đau mỏi người, đau đầu, choáng váng
  • Đôi khi có các cơn sốt nhẹ về chiều.

Cảm lạnh sẽ thuyên giảm trong vòng vài ngày đến vài tuần, cho dù người đó có dùng thuốc hay không. Tuy nhiên, virus cảm lạnh cũng có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Sốt cao trên 39 độ C hoặc kéo dài hơn 3 ngày
  • Thở khò khè, hụt hơi, mất giọng
  • Viêm tai giữa: Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình bao gồm đau tai hoặc sốt trở lại sau cảm lạnh thông thường.
  • Hen suyễn: Cảm lạnh có thể khiến người bệnh thấy khó thở, ngay cả khi không bị hen suyễn. Nếu người bệnh bị hen suyễn, cảm lạnh có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn.
  • Viêm xoang cấp tính: Ở người lớn hoặc trẻ em, cảm lạnh thông thường không khỏi có thể dẫn đến sưng, đau (viêm) và nhiễm trùng xoang.
  • Bội nhiễm: Cảm lạnh thông thường có thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng khác, bao gồm viêm họng liên cầu khuẩn, viêm phổi và viêm thanh khí phế quản hoặc viêm tiểu phế quản ở trẻ em. Những nhiễm trùng này cần được điều trị bởi bác sĩ.

Đặc biệt là ở trẻ em, sự khó chịu có thể khiến chúng quấy khóc, bỏ ăn, ngủ li bì hoặc co giật. Khi đó, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để có phương pháp chăm sóc và điều trị phù hợp.

Diễn biến của bệnh cảm lạnh

Bệnh cảm lạnh rất dễ lây lan vì virus truyền từ người này sang người khác qua đường giọt bắn. Hơn nữa, những triệu chứng ban đầu của bệnh cảm lạnh thường không rõ ràng, nên dễ bị bỏ qua.

  • Giai đoạn 1: Từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3

Cảm giác hơi ngứa ở cổ, một vài cái hắt hơi hoặc cơn nhức đầu nhẹ có thể xuất hiện trong vài ngày đầu tiên. Tuy nhiên, đôi khi nó thoáng qua đến mức bạn không nhận biết được.

Có thể là ngay sáng hôm sau khi thức dậy, cổ họng bạn bắt đầu ngứa ran và bạn bắt đầu cảm thấy uể oải.

Đây cũng là thời điểm mà bạn có thể phát tán và lây lan virus sang những người xung quanh. Vì thế, hãy đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người khác.

  • Giai đoạn 2: Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7

Đây là lúc số lượng và mức độ hoạt động của virus là cao nhất. Những ngày này có thể là thời gian tồi tệ nhất đối với bạn. Các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn và bạn thậm chí có thể bị sốt.

Trong khoảng thời gian này, người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều hơn và có chế độ ăn uống hợp lý. Bên cạnh đó, người bệnh vẫn phải cách ly với những người xung quanh, vì virus vẫn có khả năng lây lan.

  • Giai đoạn 3: Từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 10

Đây được gọi là giai đoạn phục hồi, vì cảm lạnh thông thường sẽ kết thúc sau 8-10 ngày. Người bệnh sẽ cảm thấy khỏe hơn và bắt đầu muốn ăn nhiều thứ hơn. Triệu chứng còn sót lại cuối cùng sau 10 ngày thường là ho khan.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ và các triệu chứng tiếp tục xấu đi. Khi đó, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Làm thế nào bảo vệ đôi mắt trẻ khi học online

Ngọc Nga

Những điều cần chuẩn bị để “đối phó” với các đợt nắng nóng

CDC Hà Nam

Làm gì để hạn chế suy giảm thính lực ở người cao tuổi

CDC Hà Nam