Ung thư bàng quang và cách dự phòng

(CDC Hà Nam)

 Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang không phải lúc nào cũng có nguyên nhân rõ rệt. Các nhà nghiên cứu cho rằng ung thư bàng quang có liên quan đến hút thuốc lá, phơi nhiễm tia bức xạ, nhiễm ký sinh trùng và tiếp xúc với hóa chất… nhưng điều này cũng chưa được nhiều đồng thuận.

Tuy vậy, các nhà khoa học đã xác định được một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm:

-Tuổi tác, giới tính là một yếu tố nguy cơ ung thư bàng quang

Nguy cơ ung thư bàng quang tăng lên theo độ tuổi. Ung thư bàng quang có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng hiếm khi gặp ở những người dưới 40 tuổi. Và nhiều nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng nam giới có nhiều khả năng mắc ung thư bàng quang hơn so với phụ nữ.

Điều này cho thấy những người mắc  đái tháo đường, béo phì,… cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.

-Thuốc lá và nguy cơ ung thư bàng quang

Người hút thuốc lá, xì gà hay ống điếu làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang bằng cách tạo ra các hóa chất có hại tích tụ trong nước tiểu. Khi hút thuốc, cơ thể xử lý các hóa chất trong khói và thải một số vào nước tiểu. Những hóa chất độc hại này gây tổn thương niêm mạc bàng quang và tăng nguy cơ ung thư.

-Tiếp xúc với hóa chất nơi làm việc

Khi cơ thể tiếp xúc với hóa chất, thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc các chất độc hại từ máu và di chuyển chúng xuống bàng quang. Một số hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang như asen, các chất sử dụng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và các loại sơn. Đặc biệt, người hút thuốc lá và tiếp xúc với môi trường làm việc nhiều hóa chất sẽ có nguy cơ ung thư bàng quang rất cao.

-Tiểu sử đã từng điều trị ung thư

Các nhà nghiên cứu cho rằng, người có tiền sử điều trị ung thư trước đó, điều trị với thuốc chống ung thư cyclophosphamide (Cytoxan) làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Những người được xạ trị nhằm vào xương chậu để điều trị một bệnh ung thư trước đó có thể có nguy cơ cao phát triển ung thư bàng quang về sau.

-Viêm nhiễm bàng quang mạn tính, viêm hệ tiết niệu tái diễn

Viêm bàng quang mạn tính, nhiễm trùng tiết niệu tái diễn, sử dụng ống thông đường tiểu lâu dài … có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang tế bào vảy. Ở một số vùng trên thế giới, ung thư biểu mô tế bào vảy có liên quan đến viêm bàng quang mạn tính do nhiễm ký sinh trùng sán máng.

-Tiền sử gia đình mắc ung thư

Các nghiên cứu ghi nhận được nhiều bệnh nhân mắc ung thư bàng quang có người thân trong gia đình bị ung thư. Nếu đã bị ung thư bàng quang, sẽ có nhiều khả năng để mắc thêm một lần nữa. Nguy cơ cao mắc bệnh nếu một hoặc nhiều thân nhân có tiền sử ung thư bàng quang, mặc dù bệnh ung thư bàng quang gia đình rất hiếm gặp. Tiền sử ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (HNPCC), còn gọi là hội chứng Lynch, có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở hệ thống tiết niệu, tử cung, đại tràng, buồng trứng và một số cơ quan khác.

-Không uống đủ nước

Nước có vai trò đào thải các chất độc hại trong cơ thể ra bên ngoài thông qua tiểu tiện. Vì thế, nếu không uống đủ nước, bạn sẽ có nguy cơ đối diện với ung thư bàng quang. Nhiều nghiên cứu cho rằng nước uống có liên quan đến các bệnh hệ tiết niệu, viêm nhiễm và các vấn đề nghiêm trọng khác trong đó có ung thư bàng quang.

Bên cạnh các nguyên nhân có thể thay đổi ở trên, ung thư bàng quang còn đến từ những yếu tố không thể thay đổi như chủng tộc, khu vực sinh sống, tuổi tác, giới tính, dị tật bẩm sinh…

  1. Cần làm gì để dự phòng ung thư bàng quang?

Mặc dù không có cách nào bảo đảm ngăn ngừa hoàn toàn ung thư bàng quang, có thể thực hiện các bước để giúp giảm nguy cơ là điều nên làm.

– Không hút thuốc lá đồng nghĩa rằng những chất gây ung thư trong khói thuốc không thể tập trung được trong bàng quang. Nói không với thuốc lá là cách để phòng bệnh ung thư bàng quang nói riêng và các loại bệnh khác.

– Thận trọng với các hóa chất và nếu phải làm việc với thường xuyên với các hóa chất, thì cần phải thực hiện tất cả những hướng dẫn an toàn để tránh phơi nhiễm. Cần dùng nước sạch để sinh hoạt, ở nơi chưa có nước sạch nếu nghi ngờ nguồn nước không đảm bảo nên làm xét nghiệm để kiểm tra hàm lượng asen, thạch tín trong nước ra sao để khắc phục.

– Ngoài ra cần uống đủ nước hằng ngày nhất là hiện mùa nắng nóng việc đổ mồ hôi nên cơ thể thiếu nước trầm trọng. Việc uống đủ lượng nước mỗi ngày (khoảng 2-3 lít) có thể làm giảm 25% nguy cơ ung thư bàng quang, bởi nước có thể loại bỏ bất kỳ các – tác nhân gây bệnh ung thư ra khỏi bàng quang trước khi chúng lan và phát triển trong cơ thể.

Việc cải thiện chế độ ăn cho đủ dinh dưỡng sẽ giúp ngăn ngừa phần nào ung thư bàng quang, nhất là ăn nhiều các loại rau họ cải như: súp lơ xanh, bắp cải có thể làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang ở nam.

Điểm đặc biệt cuối cùng là cần khám sức khỏe định kỳ. Đây là một việc quan trọng để phát hiện sớm những vấn đề của sức khỏe. Hoặc nhận thấy cơ thể mình có dấu hiệu hiệu bất thường như: thấy máu trong nước tiểu khi đi tiểu tiện nên đi khám bác sĩ ngay để phát hiện ung thư bàng quang sớm và điều trị.

Biểu hiện bệnh ung thư bàng quang

Đái ra máu, đái nhiều lần, đái khó hoặc đái không tự chủ là những biểu hiện phổ biến nhất của bệnh ung thư bàng quang.

Có dấu hiệu tắc nghẽn đường niệu: ví dụ như giảm lực dòng chảy, cảm giác trống không hoàn toàn, dòng chảy không liên tục, căng thẳng,…

Ở giai đoạn muộn khi đã có di căn, bệnh nhân sẽ có biện hiện của di căn hoặc bệnh tiến triển. Ví dụ như đau bụng, xương bên sườn hoặc đau vùng chậu. Biểu hiện toàn thân thường là sốt, sút cân, thiếu máu,…

Thanh Huyền

 

Bài viết liên quan

 Bộ Y tế cảnh báo về việc lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

admin

7 giải pháp hiệu quả giúp ổn định, hạn chế tái phát bệnh gout

CDC Hà Nam

Vượt qua Stress như thế nào?

Ngọc Nga