Vì sao người cao tuổi dễ mắc đái tháo đường?

(CDC Hà Nam)

Người cao tuổi thường mắc các bệnh và buộc phải dùng nhiều loại thuốc. Những thuốc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những bất thường tiềm tàng về chuyển hóa glucose phát triển thành đái tháo đường lâm sàng.

Khi người cao tuổi (NCT) mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) sẽ gặp nhiều khó khăn và phức tạp hơn trong điều trị. Vì thế việc phát hiện bệnh ĐTĐ ở giai đoạn sớm là biện pháp phòng bệnh tốt nhất và can thiệp kịp thời sẽ làm giảm mức độ hoặc ngăn chặn các biến chứng của bệnh.

Nguyên nhân người cao tuổi dễ mắc đái tháo đường

ĐTĐ là một trong những bệnh mạn tính thường gặp có tỷ lệ mắc mới, mắc tăng lên theo tuổi. NCT chiếm khoảng 40% trong cộng đồng người mắc bệnh. Phần lớn NCT mắc bệnh ĐTĐ là type 2.

Ngoài ra có khoảng 10% NCT có bệnh ĐTĐ không được chẩn đoán, không được điều trị và thậm chí có nguy cơ cao hơn về đau ốm dẫn đến tử vong do ĐTĐ. Khoảng 20% NCT có rối loạn dung nạp glucose, có nguy cơ phát triển bệnh mạch máu lớn liên quan đến ĐTĐ.

Việc phát hiện bệnh ĐTĐ ở giai đoạn sớm chính là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ làm giảm mức độ hoặc ngăn chặn các biến chứng của bệnh. Những biến chứng đó thường là giảm thị lực, thậm chí mù lòa do bệnh ĐTĐ, cắt cụt chi dưới do bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh thần kinh và bệnh nhiễm trùng, bệnh thiếu máu cơ tim, tai biến mạch máu não và suy thận mạn… Tất cả đều làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh ĐTĐ cao tuổi.

NCT mắc bệnh ĐTĐ cũng dễ mắc một số biến chứng cấp, nguy cơ bị mất natri, mất nước, hạ huyết áp, tăng áp lực thẩm thấu, hạ kali máu , giảm bài tiết insulin và các biến cố tắc mạch. Khi bị nhồi máu cơ tim hoặc nhiễm trùng máu, những người bệnh cao tuổi hay bị shock, có thể nhiễm toàn lactic, đặc biệt ở người mắc ĐTĐ nhưng kiểm soát đường huyết kém.

Đái tháo đường ở người cao tuổi khó chẩn đoán

Để chẩn đoán ĐTĐ sớm ở NCT cần phải có sự phối hợp của các bên, đặc biệt là bác sĩ, do nhiều NCT mắc bệnh ĐTĐ không có triệu chứng. Ngay ở thời điểm chẩn đoán ĐTĐ, các biến chứng muộn đã xuất hiện nhưng cũng không có triệu chứng. Người bệnh đi khám bệnh chỉ với những triệu chứng không đặc hiệu, thậm chí cả thầy thuốc và bệnh nhân đều coi rằng đó là biểu hiện của “sự lão hóa bình thường”.

Ngoài ra, sự suy giảm trí nhớ của NCT cũng gây khó khăn không nhỏ cho khai thác bệnh sử hoặc tình trạng đa bệnh lý sẽ làm phức tạp hơn cho chẩn đoán và điều trị. Các triệu chứng như sút cân nhẹ và vừa, mệt mỏi… có thể không được nhận thấy và dễ bị bỏ qua.

Thậm chí những triệu chứng kinh điển của tăng glucose máu như tiểu nhiều, khát, uống nhiều và ăn nhiều thường được lý giải theo bệnh khác của NCT: đái nhiều có thể nhầm là đái dầm do không nhịn được tiểu vì các vấn đề cơ học của bàng quang theo tuổi tác hoặc do nhiễm trùng tiết niệu.

Uống nhiều thường nhẹ hoặc không rõ do tăng ngưỡng của thận với glucose và giảm cơ chế khát với tuổi già. Ăn nhiều khó được nhận thấy vì NCT thường chán ăn khi bị mắc bệnh. Nhiễm trùng, nhất là ở mức độ nhẹ thường không có triệu chứng vì thế không được điều trị…

Những bệnh hay gặp ở NCT mắc ĐTĐ bao gồm viêm đau quanh khớp vai, teo cơ, suy kiệt, tổn thương thần kinh ĐTĐ, bệnh lý về da với phỏng nước nội thượng bì. Một số người bệnh cao tuổi có thể đến bệnh viện với các triệu chứng của các biến chứng mạn tính của ĐTĐ như: mất thị lực, bất thường thần kinh ngoại vi, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim sung huyết, bệnh mạch máu ngoại vi hoặc bệnh mạch máu não… nhưng ở họ lại không có dấu hiệu tăng glucose máu. Đây là lý do giải thích tại sao tỷ lệ bệnh ĐTĐ không được chẩn đoán ở nhóm tuổi này thường cao.

Điều trị và các giải pháp

NCT mắc ĐTĐ sẽ rất khó khăn trong điều trị và điều chỉnh thuốc, chế độ sinh hoạt… Thế nên cần có các chế độ nghiêm ngặt, quản lý người bệnh, dùng thuốc, lối sống như thế nào là rất cần thiết.

  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Giảm cân bằng cách kết hợp chế độ ăn cân bằng, hợp lý về dinh dưỡng, giảm thu nhập các đường đơn và chất béo.
  • Có chế độ tập luyện thường xuyên, đúng kỹ thuật
  • Người bệnh cần phải được kiểm soát huyết áp, rối loạn lipid máu.
  • Cần được phát hiện và ưu tiên điều trị theo từng giai đoạn biểu hiện bệnh.
  • Nên phổ biến kiến thức cho NCT bị ĐTĐ. Những kiến thức về các yếu tố nguy cơ; chế độ dùng thuốc, cách lựa chọn thuốc; hướng dẫn cách tự theo dõi, tự xử lý những cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân là việc làm bắt buộc của thầy thuốc.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Thuốc chống virus “chữa khỏi” bệnh tay chân miệng?

CDC Hà Nam

Cơ thể thường xuyên xuất hiện 5 triệu chứng này, rất có thể u tủy đang ghé thăm

Ngọc Nga

Thói quen sai lầm khi dùng quạt có thể khiến bạn liệt mặt, thậm chí sốc nhiệt, tử vong

Ngọc Nga