Vai trò của các Vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

(CDC Hà Nam)

Vi chất dinh dưỡng có vai trò hết sức cần thiết đối với cơ thể con người, việc tiêu thụ đủ cả về số lượng, chất lượng vitamin và khoáng chất là chìa khóa “vàng” cho cơ thể khỏe mạnh, thậm chí còn có thể giúp chống lại bệnh tật. Hơn nữa, một số vitamin và khoáng chất có thể hoạt động như chất chống oxy hóa, ngăn chặn quá trình lão hóa, giúp phục hồi tế bào và các mô tổn thương nhanh hơn. Đồng thời, vi chất dinh dưỡng cũng là thành phần chủ yếu để tạo ra các hormone, dịch tiêu hóa, tham gia vào quá trình chuyển hóa, bài tiết và nhiều cơ chế hoạt động của cơ thể. Từ đó giúp cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ cả về thể chất, trí tuệ.

Vì vậy khi thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là với trẻ em sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự phát triển về thể chất và trí tuệ.

Để tăng cường hệ miễn dịch, bữa ăn cần đa dạng các loại thực phẩm. Các chất dinh dưỡng trong thức ăn bao gồm Protein (chất đạm); Lipid (chất béo); Glucid (chất đường bột); Vitamin, chất khoáng; Nước và chất xơ. Từ đó, cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết. Đặc biệt, các loại vitamin A, C, D, E, Sắt, Kẽm… đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa, duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Nguồn thực phẩm cung cấp giàu Vitamin và khoáng chất:

– Thực phẩm giàu Vitamin A và Beta-caroten: Như lòng đỏ trứng, trứng gà, gan gà, gan lợn. Các loại rau màu xanh đậm và quả chín màu vàng/màu đỏ cũng chứa nhiều Beta-caroten như rau dền cơm, rau ngót, rau muống, cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ…

– Thực phẩm giàu Vitamin C: Như cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, súp lơ, củ cải, rau đay, rau dền đỏ, rau ngót.

– Vitamin D cùng với canxi, phospho giúp xương, khối cơ và răng khỏe mạnh, phòng chống nhiễm trùng. Cần 400IU Vitamin D hàng ngày, cơ thể có thể tự tổng hợp khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời và có thể bổ sung vitamin D hoặc từ một số loại thức ăn được bổ sung thêm vitamin D (như các loại sữa). Uống bổ sung với người ở trong nhà, ít ra ngoài không tiếp xúc đủ ánh nắng.

– Thực phẩm giàu vitamin E: Chủ yếu có nguồn gốc thực vật như dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt (hướng dương, hạnh nhân…), quả bơ.

– Nguồn cung cấp selen: Là các loại thực phẩm như gạo lứt, yến mạch, hạt điều, nấm, chuối, cá, trứng, tôm, rong biển, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, sữa, sữa chua, .

– Sắt và Kẽm: Thịt các loại, hải sản như: hàu, cua… và nội tạng động vật: gan, tim., (lưu ý đảm bảo nguồn an toàn). Một số loại sữa thường dùng được tăng cường sắt, kẽm.

Vì vậy, để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng, cần thực hiện tốt những nội dung sau đây:

  1. Ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm: Ưu tiên lựa chọn các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng.
  2. Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.
  3. Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D.
  4. Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A.
  5. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.
  6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

Ngày 1-2 tháng 6, hãy cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A theo hướng dẫn của Trạm Y tế xã/phường/thị trấn.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Việt Nam ghi nhận ca mắc 2019-nCoV thứ 15 là trẻ mới ba tháng tuổi

Ngọc Nga

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:  Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

hanh phan

Hà Nam đã và đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh

CDC Hà Nam

Để lại bình luận