Vi chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe và tăng sức đề kháng phòng chống COVID-19

(CDC Hà Nam)
Với thông điệp “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, phát triển trí tuệ, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng, góp phần phòng chống dịch COVID-19”, hoạt động chính của Ngày vi chất dinh dưỡng là cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A miễn phí tại các điểm xã, phường. Trong hai ngày 1 – 2/6, các bà mẹ đưa trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã, phường.

Theo kế hoạch, ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay sẽ có trên 6 triệu trẻ dưới 5 tuổi được uống vitamin A, hàng triệu trẻ từ 24 – 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn được uống thuốc tẩy giun. Hoạt động này thực sự có ý nghĩa như một ngày hội “Chăm sóc sức khỏe trẻ em” và là món quà nhân văn trong ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thời gian qua nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững. Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2018 tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 12,8%; Thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; Tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện; Kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao….

Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao (23,2% năm 2018) và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 28,4% và Tây Nguyên là 32,7%. Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam.

Trẻ được bổ sung vitamin A phòng chống thiếu vitamin A tiền lâm sàng.

GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, việc thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, phát triển thể lực, trí tuệ… của trẻ. Chẳng hạn, thiếu vitamin A ảnh hưởng đến sự phát triển của đôi mắt, nếu thiếu nặng sẽ gây mù lòa; Thiếu sắt gây thiếu máu, ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi, giảm khả năng học tập và thiếu i ốt gây đần độn và kém phát triển trí tuệ… Trong khi đó, nếu trẻ được quan tâm ngay từ đầu về dinh dưỡng hợp lý thì sẽ cải thiện rất đáng kể.

Nhằm bổ sung vi chất cho trẻ, hằng năm có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 – 60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ từ 24 – 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có nguy cơ cao, bổ sung uống vitamin A cho trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi tại 41 tỉnh mỗi năm 2 lần, bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống 1 liều vitamin A; Đồng thời việc bổ sung vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã, phường trong toàn quốc.

Ðối tượng dễ bị thiếu vitamin A là trẻ em dưới 3 tuổi; Trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh sởi, viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài vào suy dinh dưỡng nặng có nguy cơ thiếu Vitamin A; Bà mẹ đang cho con bú nhất là trong năm đầu.

Để phòng chống thiếu vitamin A cần bảo đảm ăn uống đầy đủ, thời kỳ mang thai và cho con bú, bà mẹ cần ăn đủ chất, chú ý thức ăn giàu Vitamin A, caroten, đạm, dầu mỡ; Cho trẻ bú mẹ đủ thời gian và chú ý tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ; Bảo đảm nuôi dưỡng trẻ từ khi ăn bổ sung, bữa ăn cần có đầy đủ chất dinh dưỡng và Vitamin A; Chú ý các loại thực phẩm giàu Vitamin A và caroten như: Gan, trứng, sữa, cá, rau lá xanh thẫm, các loại quả có màu vàng, da cam.

Các bà mẹ nên bổ sung dự phòng qua các chương trình triển khai phân phối viên nang Vitamin A liều cao dự phòng trên phạm vi toàn quốc cho tất cả các đối tượng.

Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, phát triển trí tuệ, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng, góp phần phòng chống dịch COVID-19.

Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng cần:

1.Ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm; Ưu tiên lựa chọn các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng.
2.Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
3.Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ. Thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D.
4.Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A.
5.Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun.
6.Phụ nữ tuổi sinh đẻ; Phụ nữ mang thai nên uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

Khánh Mai (Suckhoedoisong.vn)

 

 

Bài viết liên quan

Tác nghiệp trong vùng dịch – Chuyện bây giờ mới kể!

Mậu Ngọ

9 cách tối ưu hóa hệ thống miễn dịch khi đang thực hiện cách ly xã hội

Ngọc Nga

Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa xuân – hè

CDC Hà Nam

Để lại bình luận