Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế): Tổng kết công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và SKSS năm 2020, triển khai phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021 tại Hà Nam

(CDC Hà Nam)

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; các Sở Y tế, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản và Bệnh viện Sản Nhi của 31 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc Trung bộ trở ra.

Về phía Ngành Y tế Hà Nam, có ông Trương Thanh Phòng – Phó Giám đốc Sở Y tế cùng với sự tham dự của đại diện Bệnh viện Sản nhi; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các khoa phòng liên quan.

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (SKBM-TE), công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em – sức khỏe sinh sản (CSSKBMTE/SKSS) năm 2020, cả nước đã đạt một số mục tiêu quan trọng như: Phối hợp xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, đề án, kế hoạch hành động và tài liệu chuyên môn hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em – SKSS; bổ sung hoàn thiện và cập nhật nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn; các chỉ tiêu phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong năm thực hiện đều cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra. Trong năm 2020, tỷ lệ phụ nữ mang thai được quản lý thai đạt trên 97%; tỷ lệ phụ nữ khám thai từ 3 lần trở lên trong thai kỳ đạt gần 90%; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 97%; tỷ lệ phụ nữ đẻ có cán bộ được đào tạo hỗ trợ đạt trên 98%; tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi cũng như tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi đều giảm…

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Bên cạnh đó, các hoạt động nuôi con bằng sữa mẹ cũng được nhiều tỉnh thực hiện có hiệu quả. Tính đến tháng 12/2020 đã có 14 bệnh viện tại 8 tỉnh được Bộ Y tế và Sở Y tế trao danh hiệu Bệnh viện thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc. Theo đó, Vụ SKBM-TE phối hợp với Dự án Alive và Thrive tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và giám sát việc vận hành Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Phụ Sản – Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh; giám sát hỗ trợ để chuẩn bị triển khai Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Nhi Trung ương… Ngoài ra, Vụ SKBM-TE cũng đã phối hợp với các Vụ, Cục, Bệnh viện Sản-Nhi hỗ trợ chuyên môn các hoạt động như: chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật cấp cứu sản khoa; hỗ trợ can thiệp về dự phòng các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con; đào tạo giảng viên tuyến tỉnh về dự phòng và sàng lọc đái tháo đường thai kỳ; tập huấn cho cán bộ tuyến tỉnh và tuyến huyện về kỹ năng phát hiện sớm, điều trị và phòng ngừa di chứng của vàng da sơ sinh; đào tạo giảng viên tuyến tỉnh và cán bộ y tế tuyến cơ sở xử trí lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; giám sát hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật trong CSSKSS và tập trung vào đào tạo kỹ năng của người đỡ đẻ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19…

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, thách thức phải đối mặt, đó là: sự khác biệt vùng miền về tình trạng sức khỏe dinh dưỡng và tử vong ở bà mẹ, trẻ em; xu hướng thay đổi mô hình bệnh tật, tử vong; tình hình dịch bệnh và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; một số hạn chế trong triển khai các nội không ổn định, cơ chế chính sách còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách BHYT, thu hút nhân lực công tác tại huyện miền núi khó khăn, chính sách đối với nhân viên không chuyên trách ở xã, gói dịch vụ cơ bản TYT xã chi trả dịch vụ dự phòng, y tế công cộng,…

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em sẽ tiếp tục rà soát, các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện mới các văn bản, kế hoạch hành động, đề án, hướng dẫn chuyên môn; tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế giao; phối hợp các bệnh viện đầu ngành chỉ đạo tuyến xây dựng và triển khai bộ công cụ, bảng kiểm khi thực hiện công tác giám sát, chỉ đạo tuyến tại các địa phương; nâng cao năng lực đáp ứng mạng lưới CSSKBMTE/SKSS trong đáp ứng với dịch bệnh, thiên tai thảm họa; nâng cao hiệu quả kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, theo dõi, giám sát; chú trọng công tác truyền thông, ứng phó với các sự cố y khoa. Đặc biệt, tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, huy động sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức quốc tế, các đơn vị tư nhân nhằm tăng cường hơn nữa nguồn lực cho công tác CSSKSS…

Cũng tại hội nghị, các đại biểu được nghe một số tham luận như: Báo cáo công tác chỉ đạo tuyến sản khoa của Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Báo cáo công tác chỉ đạo tuyến về lĩnh vực sơ sinh của Bệnh viện Nhi Trung ương; Triển khai tư vấn và khám bệnh, chữa bệnh từ xa về sản phụ khoa và sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ SKBM-TE đã ghi nhận những nỗ trong việc củng cố hệ thống, mạng lưới, nâng cao toàn diện chất lượng CSSKBMTE/SKSS từ tuyến Trung ương đến cơ sở, ông đánh giá cao những nỗ lực của toàn thể các cán bộ, nhân viên y tế trong lĩnh vực CSSKSS; luôn xác định CSSKBMTE/SKSS là nội dung công tác ưu tiên của Ngành và mong muốn công tác CSSKSS trong năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tích hơn nữa, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác của toàn ngành Y tế, nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Thanh Phòng – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nam cảm ơn sâu sắc Bộ Y tế, Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em đã chọn thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam làm nơi tổ chức Hội nghị tổng kết này. Thay mặt Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nam xin gửi lời chúc sức khỏe đến các đồng chí Lãnh đạo Vụ, Viện, Bệnh viện và quý đại biểu tham dự Hội nghị.

Phan Hạnh

Bài viết liên quan

Hà Nam: Công bố 11 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin

Hơn 2.200 người được lấy mẫu xét nghiệm hôm qua 13/6 đều âm tính với SARS-CoV-2

Ngọc Nga

Những vitamin hỗ trợ sinh sản

CDC Hà Nam

Để lại bình luận