Điểm báo ngày 21/8/2020

(CDC Hà Nam)
Khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế; Người bệnh 994 công bố sáng 20-8 không nhiễm Covid-19; Các ổ dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát…

 

Phòng, chống dịch cần quyết liệt hơn

Đã gần 20 ngày, TP Hồ Chí Minh không có thêm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, để khống chế được dịch bệnh một cách hiệu quả, lâu dài, các ngành, các cấp thành phố cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp phòng, chống cũng như thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Là quận trung tâm của thành phố, thời gian qua, quận 1 đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân. Chủ tịch UBND quận 1 Phạm Văn Dũng cho biết: Quận đã nhắc nhở hơn 100 trường hợp và phạt 21 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Ngoài ra, quận 1 cũng phát miễn phí hơn 2.000 khẩu trang cho người dân. Còn tại quận Thủ Đức, quận đang thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đối với khu vực có ca mắc Covid-19 (người bệnh thứ 517) đã hết hạn phong tỏa, các trường hợp F1 được xét nghiệm và cho kết quả âm tính, quận đang tiến hành giám sát các trường hợp F2. Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết: Đến nay, quận đã xét nghiệm 3.048 người về từ vùng dịch, trong đó có 2.745 trường hợp có kết quả âm tính, 303 trường hợp đang chờ kết quả. Hiện nay, quận tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở tại các khu vực đông người như chợ truyền thống, các quán ăn có số người đến đông cần giữ đúng độ giãn cách để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh…

Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, kể từ khi phát hiện ca bệnh mới vào ngày 29-7, các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch theo quy định; khẩn trương truy vết, điều tra người tiếp xúc để cách ly y tế và xét nghiệm kiểm tra, kể cả những trường hợp phát hiện dương tính ở nơi khác nhưng có liên quan người dân của thành phố. Từ tám ca mắc bệnh phát hiện trong cộng đồng của TP Hồ Chí Minh có liên quan ổ dịch ở Đà Nẵng, thành phố đã điều tra và tiếp cận được 891 người tiếp xúc gần hoặc có liên quan các ca bệnh để tổ chức cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm, tất cả đều đã có kết quả âm tính. Đến nay, gần 20 ngày kể từ khi ghi nhận ca bệnh sau cùng, trên địa bàn thành phố chưa phát hiện có trường hợp lây nhiễm từ tám ca bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, trước sự diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố khuyến cáo các đơn vị, người dân không được chủ quan, ngược lại phải luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh. Công tác phòng, chống dịch bệnh phải được triển khai thường xuyên, trên mọi lĩnh vực để có thể chủ động ứng phó trước mọi tình huống, ngăn không cho dịch lây lan ra cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: Thành phố đã thực hiện xét nghiệm cho tất cả những trường hợp đến từ tâm dịch Đà Nẵng. Đồng thời, để chủ động tầm soát, phòng ngừa những ca có nguy cơ, ngành y tế thành phố, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục vận động người dân đến từ Đà Nẵng khai báo y tế để được xét nghiệm kiểm tra, theo dõi sức khỏe (riêng trong hai ngày 15 và 16-8 đã có 868 người khai báo thêm). Ngoài ra, thành phố sẽ mở rộng việc rà soát, xét nghiệm sàng lọc đối với người đến từ các địa phương có nhiều ổ dịch trong cả nước như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội, Hải Dương…

Từ thực tế trên thế giới và trong nước, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối tại các cơ sở y tế, không để dịch bệnh xuất hiện và lây nhiễm chéo tại đây. “Các cơ sở khám, chữa bệnh phải tiếp tục duy trì biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế để hạn chế tối đa lây nhiễm trong cơ sở y tế và bảo vệ nhân viên y tế; tập huấn cập nhật kiến thức chẩn đoán, điều trị Covid-19 theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, huy động các y sĩ, bác sĩ giỏi để điều trị cho các ca nhiễm, không để xảy ra chết người, không để lây nhiễm chéo cho cán bộ y tế”, Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn trong công tác điều trị bệnh, ngành y tế thành phố cũng đề nghị tăng cường tổ chức khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh và công khai danh sách các bệnh viện khám tại nhà. Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường công tác xét nghiệm sàng lọc đối với những người có triệu chứng hô hấp khi đến khám tại các cơ sở y tế; tổ chức xét nghiệm tầm soát những người có nguy cơ cao như lái xe, tiểu thương tại các chợ đầu mối, nhân viên tại các nhà hàng,… để có thể phát hiện sớm các trường hợp nguy cơ.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Chính vì thế, mỗi đơn vị, người dân thành phố đều phải xác định tâm thế sống chung với dịch Covid-19 nhằm chủ động, nêu cao tinh thần cảnh giác phòng, chống dịch bệnh. Mọi sự lơ là, chủ quan ở bất cứ khâu nào, đơn vị nào cũng đều có thể gây ra hậu quả lớn, phá tan mọi thành quả mà thành phố đã đạt được trong thời gian qua. “Thành phố là nơi có mật độ dân số đông, lại có nhiều hoạt động sôi động, nên chỉ cần một ca lây nhiễm trong cộng đồng thì dịch bệnh sẽ lây lan rất nhanh, khó kiểm soát. Mỗi người dân vì thế phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh, phải là chiến sĩ trên mặt trận này thì mới có thể khống chế hiệu quả dịch bệnh trong tình hình mới như hiện nay” – đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết. (Nhân dân, trang TPHCM).

 

Chưa thực hiện nghiêm quy định giãn cách

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch, từ 0 giờ ngày 19-8, nhiều  nhà hàng, quán ăn, quán giải khát trên địa bàn thành phố đã thực hiện việc giãn cách và các yêu cầu về công tác phòng dịch, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở và khách hàng chưa chấp hành nghiêm túc.

Sáng 19-8, quán phở Lâm tại phố Hàng Vải (quận Hoàn Kiếm) vẫn đông khách như mọi ngày. Thay vì cho khách ngồi tập trung trong quán, chủ quán đã tận dụng cả những mặt bằng, bàn, ghế mà các cửa hàng gần đó chưa sử dụng đến để tranh thủ bán trong buổi sáng. Nhờ đó, khách đến ăn phở được ngồi rộng hơn mọi ngày. Toàn bộ nhân viên phục vụ quán, người trông xe đều tuân thủ đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ. Chủ quán cho biết: “Thực hiện yêu cầu của chính quyền phường, chúng tôi tuân thủ các quy định về giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, quán ăn trong khu phố cổ có diện tích hạn chế, lúc đông khách cũng khó bảo đảm chấp hành đúng khoảng cách giãn cách 1 m giữa khách hàng theo yêu cầu”. Cũng giống quán phở này, nhiều hàng quán trên địa bàn thành phố cũng đã rút bớt lượng bàn, ghế, để tạo khoảng cách giữa các bàn với nhau.

Quán cà-phê Cộng ở số 94 đường Láng (quận Đống Đa) những ngày này cũng bố trí một nhân viên đứng ở cửa ra vào để đo thân nhiệt và xịt sát khuẩn tay cho tất cả người vào quán. Quán ăn ở số 29 phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) treo biển yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 m khi mua hàng. Nhiều hàng quán khác thì đã chủ động mua vật liệu, lắp đặt các vách ngăn bằng nhựa trong để tăng cường chống dịch. Quán cơm ở phố Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm) sau ba tháng không phải dùng tấm vách ngăn bằng nhựa đặt trên bàn ăn, nay lại lắp lại để ngăn cách giữa các khách hàng. Bà Lưu Quế Mai, chủ quán chia sẻ: “Mỗi lần lắp đặt vách ngăn, cửa hàng tốn thêm chút chi phí, nhưng chúng tôi vẫn chủ động làm, để bảo đảm an toàn cho khách hàng”.

Trước đó, ngày 18-8, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND về một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà máy, công trường thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định. Các nhà hàng ăn uống, các quán cà-phê từ 0 giờ ngày 19-8 thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể phải giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1 m, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi, nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, thực hiện sát khuẩn tay, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc. Thực hiện chỉ đạo này, chính quyền các địa phương đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền để các hộ kinh doanh trên địa bàn chấp hành, tuân thủ.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở đã triển khai các biện pháp chống dịch, vẫn còn nhiều cơ sở, hàng quán và người dân chủ quan, lơ là không thực hiện. Qua khảo sát, một số quán trà đá vỉa hè trên đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn gần Trường đại học Luật Hà Nội, quận Đống Đa) vẫn có đông người ngồi túm tụm, không tuân thủ quy định giãn cách. Quán ốc ở số 89 trên đường Văn Tiến Dũng (quận Bắc Từ Liêm), quán cháo lòng ở 18 phố Hàng Đồng, quán cà-phê số 175 phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm)… sáng 19-8 vẫn có nhiều khách hàng ngồi sát nhau ăn uống…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhưng việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của người dân trong đợt này không bằng đợt dịch trước, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn… Chính vì vậy, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và lây lan từ các bệnh viện và hàng, quán là rất cao. Đại diện Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại khi người dân xuất hiện tâm lý chủ quan trong việc thực hiện giữ khoảng cách khi ra ngoài xã hội. Các hoạt động tập trung đông người như đi lễ chùa, uống bia, tụ tập trong quán nước… vẫn diễn ra phổ biến.

Tại các cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 với lãnh đạo các đơn vị, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm công tác phòng, chống dịch, giám sát chặt chẽ, quyết liệt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung trên địa bàn không do quân đội quản lý. Những trường hợp không thực hiện, thành phố sẽ xử lý nghiêm và buộc đóng cửa. Đồng thời, người dân cần tăng cường ý thức phòng, chống dịch, tuân thủ đúng các khuyến cáo, yêu cầu về bảo đảm an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch. (Nhân dân, trang Hà Nội).

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 2: “Ngày thứ 2 Hà Nội giãn cách phòng chống dịch Covid-19: Nơi chấp hành nghiêm, chỗ vẫn lơ là chủ quan”.

 

Người bệnh 994 công bố sáng 20-8 không nhiễm Covid-19

Chiều 20- 8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết trường hợp người bệnh thứ 994, nam, 87 tuổi, cư trú tại xã Khải Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ (ca bệnh được công bố sáng 20-8) là trường hợp phức tạp, mẫu xét nghiệm ban đầu dương tính với SARS- CoV- 2. Trong đêm 19 và sáng 20-8, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã tiến hành xét nghiệm bằng nhiều phương pháp khác nhau để thẩm định và đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Với kết quả xét nghiệm khẳng định của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bộ Y tế rút trường hợp thứ 994 ra khỏi danh sách những người bị nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, người bệnh này vẫn đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh. Ngay tối 20-8, các biện pháp phong tỏa Bệnh viện E được dỡ bỏ.

Cũng tại cuộc họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã làm việc với các tỉnh, thành phố để chuẩn bị công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 8. Hiện nay Bộ đang phối hợp chặt chẽ Bộ Y tế, theo dõi sát tình hình dịch bệnh để đến sát ngày thi có phương án bảo đảm an toàn sức khỏe cho thí sinh, tuân thủ quy định về phòng, chống dịch.

* Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, ngày 20-8, có thêm 14 người bệnh mắc Covid-19, trong đó Đà Nẵng 11 người; Quảng Nam một người mắc; hai người nhập cảnh, cách ly ngay tại Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh. Như vậy đến nay cả nước có 1.007 người mắc Covid-19. Trong đó, ca bệnh 1007 là người từ Ghi-nê Xích Đạo về nước ngày 29-7 đã cách ly 14 ngày và được cho về địa phương tự cách ly tại nhà. Tuy nhiên, ngày 19-8 người bệnh được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính SARS-CoV-2  nên được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi để cách ly điều trị.

* Ngày 20-8, Bộ Y tế đã trao Giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định vi-rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR cho Bệnh viện C Đà Nẵng. Phòng xét nghiệm RT-PCR của Bệnh viện C Đà Nẵng được cán bộ Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh tăng cường ra Đà Nẵng lắp đặt, hiệu chỉnh trong thời gian “kỷ lục” 48 giờ.

* Từ ngày 20-8, TP Hồ Chí Minh chính thức thực hiện giám sát y tế đối với người đến từ các tỉnh, thành phố đang có dịch Covid-19 hoặc đang thực hiện giãn cách xã hội, gồm Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị. Theo hướng dẫn, sẽ có bốn nhóm đối tượng nguy cơ được quản lý, giám sát từ áp dụng cách ly tập trung đến khai báo y tế qua mạng để kiểm soát nguồn lây. Tính đến ngày 20-8, thành phố đã có 19 ngày không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, tuy nhiên, công tác triển khai phòng, chống dịch vẫn được triển khai nghiêm ngặt.

Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại và có diễn biến phức tạp, ngày 20-8, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư  MTTQ Việt Nam ban hành Công văn số 1279 gửi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục vận động nhân dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42- NQ/CP ngày 9-4-2020 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ. (Nhân dân, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong. trang 3: “Ca bệnh 994 là trường hợp khó”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Rút trường hợp BN 994 khỏi danh sách những người nhiễm SARS-CoV-2”; Thanh niên, trang 2: “Vì sao rút công bố bệnh nhân 994 liên quan đến Bệnh viện E”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Bộ Y tế rút ca bệnh 994 ra khỏi danh sách người mắc Covid-19”; An ninh Thủ đô, trang 6: “Bộ Y tế rút trường hợp BN 994 ra khỏi danh sách  mắc Covid-19”.

 

Đà Nẵng bước đầu kiểm soát được dịch

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Đà Nẵng bước đầu được kiểm soát, đoàn công tác Bộ Y tế gồm trưởng đoàn và các nhân sự chỉ đạo sẽ rời Đà Nẵng, trong khi các bộ phận chuyên môn tiếp tục ở lại để hỗ trợ thành phố.

Ngày 20/8, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã gặp mặt đoàn công tác của Bộ Y tế trước khi đoàn rời Đà Nẵng sau hơn 20 ngày nỗ lực hỗ trợ giúp TP phòng, chống dịch COVID-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Với sự tăng cường lực lượng và trang thiết bị y tế, về cơ bản đến nay thành phố Đà Nẵng đã đảm nhận tốt và nâng cao đáng kể năng lực giám sát, xét nghiệm và điều trị …

Ông Sơn đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Đà Nẵng đã bước đầu được kiểm soát, đồng thời đưa ra các khuyến cáo, biện pháp triển khai công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh chính quyền và nhân dân không được chủ quan, tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như Chính phủ, địa phương đã ban hành trong thời gian qua.

Ông Huỳnh Đức Thơ thay mặt chính quyền và nhân dân Đà Nẵng bày tỏ lòng biết ơn đến đoàn công tác của Bộ Y tế. Trước tình hình dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã kịp thời cử đoàn công tác đặc biệt vào để hướng dẫn, hỗ trợ thành phố triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, giám sát, xét nghiệm và điều trị COVID-19; tư vấn đưa ra các giải pháp, biện pháp kịp thời để ứng phó với tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện giãn cách và tiến hành “làm sạch” các bệnh viện lớn như Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng để nhanh chóng phục vụ công tác khám chữa bệnh của nhân dân.

“Đoàn công tác đã không nề hà khó khăn, luôn có mặt tại các điểm nóng, tuyến đầu để tham gia hướng dẫn, hỗ trợ thành phố. Sự hỗ trợ của đoàn công tác đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, năng lực điều tra, xét nghiệm và điều trị COVID-19 đã được nâng cao, đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay”, ông Thơ ghi nhận.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng mong muốn đoàn công tác tiếp tục quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ Đà Nẵng trong công tác phòng chống dịch trong thời gian đến.

Cũng trong ngày 20/8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đã cho xuất viện 10 bệnh nhân mắc COVID-19 được chữa khỏi. Đến nay ngành y tế thành phố đã điều trị khỏi 96 bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Về hoạt động mai táng trong giai đoạn dịch bệnh lây lan, ngày 20/8, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành  những quy định cụ thể. Theo đó yêu cầu những trường hợp nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 tử vong, các đơn vị liên quan phải khâm liệm và xử lý thi hài trong vòng 6 giờ kể từ khi tử vong.

Thi hài nhiễm virus SARS-CoV-2 phải được hỏa táng (không mai táng) trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong, không tổ chức lễ tang, theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

Với những thi hài không liên quan đến virus SARS-CoV-2, thời gian tổ chức lễ tang cũng phải gói gọn thời gian, không quá 24 giờ kể từ khi tử vong. Gia đình phải thông tin cho chính quyền biết việc tổ chức tang lễ.

Ngoài ra, gia đình có người qua đời phải thông tin cho họ hàng, bạn bè cử đại diện đến tham dự tang lễ để tránh tập trung đông người. Trong đám tang phải bố trí điểm sát khuẩn tay và đo thân nhiệt tại cổng ra vào.

Tại TP Đà Nẵng cơ quan chức năng đã ghi nhận hai đám tang có 9 người mắc virus SARS-CoV-2 tham dự. Mỗi đám tang đều kéo dài 2 đến 3 ngày.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Với sự tăng cường lực lượng và trang thiết bị y tế, về cơ bản đến nay TP Đà Nẵng đã đảm nhận tốt và nâng cao đáng kể năng lực giám sát, xét nghiệm và điều trị … Ông Sơn đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Đà Nẵng đã bước đầu được kiểm soát, đồng thời đưa ra các khuyến cáo, biện pháp triển khai công tác phòng chống dịch trong thời gian đến. (Tiền phong, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 1: “Đà Nẵng bước đầu kiểm soát được dịch Covid-19”.

 

Phát hiện gần 1.400 trường hợp F1, F2 nhờ Bluezone

Nhờ ứng dụng truy vết tiếp xúc Bluezone, cơ quan y tế địa phương đã phát hiện 1.391 trường hợp nghi từng ở gần người nhiễm hoặc người nghi nhiễm mới, ngoài danh sách truy vết truyền thống.

Hải Dương – một trong những tỉnh bùng phát dịch COVID-19 đã ghi nhận 261 trường hợp F2 được truy vết qua Bluezone nhờ 74 trường hợp F1 cung cấp dữ liệu tiếp xúc do ứng dụng Bluezone ghi lại. Trước đó từ những ca nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 tại Hà Nội, Đà Nẵng, đã truy vết được nhiều F1, F2 từ ứng dụng Bluezone.

Đại diện Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, ứng dụng truy vết tiếp xúc Bluezone đang phát huy vai trò của nó. Những ngày qua, do triển khai hàng loạt giải pháp ở các địa phương, với việc ra quân đồng loạt của đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông nên số lượng người tải Bluezone tăng mạnh, lên hơn 20 triệu người vào hôm qua (20/8).

Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, TPHCM, Hải Dương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ số lượng người dùng Bluezone trên dân số. Tại Đà Nẵng gần 40,4 % dân số đã cài Bluezone. Tại Hà Nội cũng có 2.397.000 người dùng cài đặt ứng dụng Bluezone, chiếm 29,8% dân số. Tại TPHCM con số này cũng khoảng 2.397.000 người dùng được cài đặt, chiếm 26,7% dân số.

Đại diện Cục Tin học hóa cho biết, nếu Việt Nam có 50 triệu người cài đặt và sử dụng Bluezone sẽ đạt hiệu quả bảo vệ cả cộng đồng. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bluezone.

Các cơ quan, tổ chức đề nghị cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, trường học đề nghị phụ huynh, học sinh, bệnh viện đề nghị bệnh nhân và người đến khám chữa bệnh cài đặt và sử dụng Bluezone. Đặc biệt với các bệnh viện, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp viễn thông đã sẵn sàng bố trí nhân lực hỗ trợ hướng dẫn cài đặt Bluezone tại bệnh viện.

Bộ cũng đề nghị các địa phương kêu gọi các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cơ sở công cộng tập trung đông người vận động khách hàng cài đặt và sử dụng Bluezone.

Bluezone là ứng dụng sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (Bluetooth Low Energy) để ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh cùng cài đặt và sử dụng Bluezone.

Những tiếp xúc của người dùng Bluezone với người dùng Bluezone khác được ghi vào lịch sử tiếp xúc. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc sẽ chỉ được sử dụng để phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.

Đại diện Cục Tin học hóa cũng cho biết, Bluezone chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, tuyệt đối không đưa lên máy chủ, không thu thập vị trí, vì vậy không lưu lại thông tin người dùng. Bluezone chỉ ghi nhận 2 người có gặp nhau lúc nào đó và trong bao lâu, chứ không biết ở chỗ nào. Người dùng Bluezone sẽ ẩn danh do sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra. Vì vậy, vấn đề bảo mật thông tin không đáng lo ngại. (Tiền phong, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 5: “14.000 người lao động cài đặt Bluezone”.

 

Hoãn cưới lần hai, xung phong vào tâm dịch

Sáng nay (20/8), bác sĩ Cao Thị Kim Băng (SN 1992) – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã cùng 15 bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh Nghệ An lên đường vào “chi viện” cho bệnh viện dã chiến chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng. Đây cũng là lần thứ 2 trong năm bác sĩ Băng hoãn cưới.

Trước đó, gia đình bác sĩ Băng thống nhất tổ chức đám cưới cho chị cùng anh Đào Công Dũng (SN 1988) vào hồi tháng 4/2020. Tuy nhiên, thời điểm này chưa kịp làm đám cưới thì dịch bùng phát, buộc phải giãn cách xã hội nên hoãn cưới.

Hết lệnh giãn cách xã hội, gia đình hai bên ấn định và chọn lịch cưới vào ngày 21/8 (Âm lịch). Chị Băng đã sắp xếp công việc, làm công tác chuẩn bị cho ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời. Chị không ngừng nghĩ đến một đám cưới đông đủ bạn bè, được khoác trên vai chiếc váy trắng cô dâu sánh vai bên chồng, đó sẽ là một ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

5 ngày trước, khi nghe tin bệnh viện điều động bác sĩ tham gia chiến dịch hỗ trợ cho Đà Nẵng, chị nghĩ mình có năng lực và phụ hợp tham gia cùng đoàn nên ý định đăng ký tham gia. Nhưng nghĩ đến ngày cưới, chị vẫn lưỡng lự, đắn đo và phải đấu tranh tư tưởng trong 1 ngày để đi đến quyết định xung phong tham gia cùng đoàn vào tâm dịch.

Khi có quyết định chính thức được cử vào Đà Nẵng hỗ trợ, bác sĩ Băng cũng lo ngại không biết nói sao để thuyết phục hai bên gia đình và chồng sắp cưới vì mọi thứ đã được chuẩn bị gần xong. Ban đầu nghe tin, gia đình và chồng sắp cưới cũng bất ngờ, buồn và lo lắng. Nhưng tất cả sau đó đều động viên bác sĩ Băng yên tâm lên đường. Bởi chồng và gia đình tôn trọng quyết định của nữ bác sĩ và hơn hết, họ xác định đó là trọng trách, nhiệm vụ cao cả mà gác lại niềm hạnh phúc của cá nhân.

“Khi tôi nói chuyện hoãn cưới để vào Đà Nẵng tham gia chống dịch, ai cũng bất ngờ. Nhưng may mắn chồng và gia đình đồng thuận nên tôi yên tâm và vui mừng. Trước lúc lên đường, anh ấy động viên cố gắng chăm sóc bản thân thật tốt để có sức khỏe hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bác sĩ Băng kể.

Nữ bác sĩ chia sẻ, mẹ chị vì thương con, lo lắng nên khóc rất nhiều. Còn bản thân chị cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao, khi nào hết dịch sẽ trở về lo hạnh phúc của riêng mình. Chị biết hiện tại Đà Nẵng là tâm điểm dịch, rất phức tạp. Nhưng khi nhìn thấy những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm chiến đấu với dịch, chị không còn lo lắng mà thay vào đó là sự cảm thương, muốn góp sức mình vào cuộc chiến chống dịch.

“Chặng đường phía trước sẽ rất khó khăn và gian nan. Nhưng đây cũng là cơ hội để bản thân tôi được đem những kiến thức, hiểu biết để góp sức vào phòng chống dịch. Ngoài ra cũng là dịp học hỏi kinh nghiệm về đóng góp vào công tác phòng dịch của tỉnh nhà trong thời gian tới”, nữ bác sĩ nói.

Bác sĩ Tăng Xuân Hải – Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bác sĩ Băng là bác sĩ trẻ, nhưng có 3 năm công tác tại bệnh viện với tinh thần nhiệt huyết, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cũng theo bác sĩ Hải, trong lần cử các bác sĩ vào Đà Nẵng, tại Nghệ An có 16 người. Riêng tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An có hai người, ngoài bác sĩ Băng còn có bác sĩ Nguyễn Viết Minh (31 tuổi), hiện đang công tác tại Khoa Sinh hóa giải phẫu. (Tiền phong, trang 10).

 

Xử lý nghiêm vụ phó chủ tịch phường tổ chức sinh nhật trong khu cách ly

Phó chủ tịch UBND một phường ở tỉnh Quảng Trị đang thuộc diện F1 tổ chức sinh nhật, chụp ảnh cùng vợ mình là bệnh nhân COVID-19 số 904 (BN904), vi phạm quy định giãn cách trong khu cách ly y tế.

Ngày 20/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng ký công văn hoả tốc yêu cầu kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, Chủ tịch tỉnh giao UBND TP Đông Hà chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ thông tin ông H.V.C., Phó chủ tịch UBND phường 5, TP Đông Hà, thuộc diện F1 đang cách ly tập trung lại tổ chức sinh nhật trong khu cách ly Trung tâm Y tế TP Đông Hà. Đồng thời, có hình thức xử lý nghiêm khắc (nếu có vi phạm), báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 30/8.

Trước đó, chiều 19/8, BS Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Đông Hà, có văn bản báo cáo gửi Sở Y tế Quảng Trị và UBND TP Đông Hà về việc chấp hành quy định về giãn cách trong khu cách ly y tế, liên quan cán bộ thuộc diện thành phố quản lý.

Cụ thể, ông H.V.C. (SN 1976, ở TP Đông Hà) vào khu cách ly của Trung tâm Y tế TP Đông Hà từ ngày 6/8. Ông C. tiếp xúc gần với 3 trường hợp mắc COVID-19 (được xác định tại Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bảo Châu ở phường Đông Giang, TP Đông Hà). Trong quá trình cách ly tại Trung tâm Y tế TP Đông Hà, ông C. và gia đình luôn được nhân viên y tế ở đây thăm khám, dặn dò và nhắc nhở các quy định về phòng, tránh dịch bệnh trong khu vực cách ly.

Tuy nhiên, lúc 19h30 ngày 15/8, có người quen ông C. biết sinh nhật ông nên gửi bánh kem vào khu cách ly. 20h5 cùng ngày, ông C. gọi vợ (BN904 đang bị cách ly đặc biệt tại Trung tâm Y tế TP Đông Hà) qua phòng mình để tham gia buổi sinh nhật.

Sau đó, BN904 qua phòng ông chụp ảnh, ghi hình để lưu giữ làm kỷ niệm. Đến 20h8, BN904 lấy ít trái cây rồi về phòng ăn một mình. Theo lời ông C. thuật lại, khi qua phòng ông C., BN904 chủ động ngồi tránh xa và đeo khẩu trang, chỉ khi chụp hình thì mới tới gần người thân. Sau đó, con của ông C. lấy điện thoại của ông đăng các hình ảnh buổi sinh nhật lên Facebook.

Sau khi biết được sự việc, bác sĩ phụ trách khu cách ly đã trực tiếp vào gặp ông C., yêu cầu ông thực hiện các biện pháp giãn cách đúng quy định, gỡ bài trên mạng xã hội.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP Đông Hà, gia đình ông C. được đưa vào cách ly lúc 21h30 ngày 6/8. Ngày 13/8, vợ ông C. được công bố là bệnh nhân COVID-19 và được cán bộ trực khu cách ly tách biệt với các thành viên còn lại trong gia đình có kết quả âm tính (ông C., 2 người con và 1 cháu). Thế nhưng, khoảng 19h30 ngày 16/8, ông C. vẫn đem đồ ăn qua cho BN904 và bị nhân viên y tế nhắc nhở.

Chiều 20/8, Chủ tịch UBND TP Đông Hà Nguyễn Tăng cho hay, quan điểm của chính quyền thành phố là xử lý nghiêm, không bao che, dung túng cán bộ vi phạm.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Bí thư Thành ủy Đông Hà, nói rằng, trong lúc thành phố thực hiện giãn cách xã hội, một công chức bình thường hành động như vậy cũng không thể chấp nhận được, huống hồ đây là một phó chủ tịch UBND phường. “Chúng tôi đã giao UBND TP Đông Hà báo cáo vụ việc. Cụ thể, đợi ông C. thực hiện cách ly xong, thành phố sẽ họp xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật”, ông Thắng nói. (Tiền phong, trang 10).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 3: “Sẽ kỷ luật chủ tịch phường làm sinh nhật trong khu cách ly”.

 

Các ổ dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 20/8. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo dự và chủ trì cuộc họp.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 1.007 ca mắc, trong đó, có 666 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 525 ca. Riêng trong ngày 20/8, nước ta ghi nhận thêm 14 ca mắc mới, trong đó có 2 ca nhập cảnh, 12 ca còn lại ở Đà Nẵng (11 ca) và Quảng Nam (1 ca).

Từ 25/7 đến hết ngày 20/8, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 15 tỉnh, thành phố (các trường hợp mới được phát hiện này chủ yếu đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng gồm: Đà Nẵng (367), Quảng Nam (96), Đắk Lắk (03), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Ngãi (05), Hà Nội (12), Thái Bình (01), Đồng Nai (02), Hà Nam (01), Bắc Giang (06) và Lạng Sơn (04), Thanh Hóa (01), Quảng Trị (07), Hải Dương (12), Khánh Hòa (01).

Về tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, tại cuộc họp Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm hiện tại các trường hợp nghi ngờ ở hai địa phương này đã được truy vết và cách ly, lấy mẫu triệt để, tiến hành xét nghiệm với số lượng mẫu lớn… Trong những ngày gần đây số ca mắc mới đã giảm rõ rệt. Có thể nói tình hình dịch ở hai địa phương này đã được kiểm soát.

Bộ Y tế cũng nhận định, những ngày tới tại Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn có thể ghi nhận những ca mắc mới rải rác trong cộng đồng. Chúng ta phải tiếp tục truy vết, kịp thời phát hiện ca mắc mới để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.

Báo cáo về tình hình dịch ở Hà Nội, từ 23/7 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 11 trường hợp mắc mới, trong đó có 8 trường hợp có mối liên quan dịch tễ tới ổ dịch Đà Nẵng, 1 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (BN867) và 2 trường hợp mắc gần đây nhất là đi từ vùng dịch Đà Nẵng về. Như vậy, các trường hợp bệnh tại Hà Nội đều có sự liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ổ dịch tại Đà Nẵng.

Đối với ổ dịch tại Hải Dương, tới thời điểm hiện tại đã ghi nhận 12 trường hợp (BN906, 907, 908, 950, 963, 970, 971, 972, 973, 977, 978, 993), tất cả đều liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi. Kết quả phân tích gene cho thấy virus trên bệnh nhân BN867 (có lịch sử di chuyển giữa Hà Nội và Hải Dương) tương đồng với virus gây bệnh đang lưu hành tại Đà Nẵng.

Ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (từ ngày 8/8 – BN867), Bộ Y tế đã phối hợp với địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch.

Đến nay, ổ dịch tại Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với địa phương khẩn trương triển khai công tác truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng,… để nhanh chóng dập dịch. Kinh nghiệm từ Hải Dương cho thấy, ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, nếu chính quyền địa phương cần phối hợp với cơ quan y tế triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì sau khoảng hơn 1 tuần chúng ta có thể kiểm soát tình hình.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng điều đáng mừng đến thời điểm này là tại các địa phương đã ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng không có tín hiệu phức tạp hơn.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tiến hành phân tích, dự báo tình hình lây lan, khả năng kiểm soát. Các địa phương cần rút kinh nghiệm, nâng cao cảnh giác, củng cố hệ thống phòng thủ, phát hiện thật sớm, khoanh vùng nhanh để giảm thiểu mức độ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Khoanh vùng, khống chế kịp thời dịch Covid-19 tại một số địa phương”; An ninh Thủ đô, trang 6: “Đã kiểm soát được dịch Covid-19 tại miền Trung”.

 

Công suất xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam được nâng lên rõ rệt

Chỉ riêng trong giai đoạn chưa đầy 1 tháng từ 23/7/2020 đến 13h ngày 19/8/2020, hệ thống xét nghiệm của ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm 390.490 mẫu, chiếm 47.8% tổng số mẫu xét nghiệm từ đầu dịch COVID-19

Để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tăng sau thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và một số địa phương, Bộ Y tế đã chỉ đạo và thực hiện tăng năng lực xét nghiệm cho toàn bộ ngành y tế.

Chỉ riêng trong giai đoạn chưa đầy 1 tháng từ 23/7/2020 đến 13h ngày 19/8/2020, hệ thống xét nghiệm của ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm 390.490 mẫu (so với 426.718 mẫu được thực hiện từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam cuối tháng 1/2020 đến 24/7/2020), chiếm 47.8% tổng số mẫu xét nghiệm từ đầu dịch.

Theo đó, trong tuần đầu tiên mỗi ngày xét nghiệm 5.500 mẫu. Tuần thứ 2 trung bình mỗi ngày xét nghiệm 15.500 mẫu, gấp 2,7 lần so với tuần thứ 1. Tuần thứ 3 mỗi ngày xét nghiệm gần 25 nghìn mẫu, gấp gần 4 lần so với tuần thứ 1 và gấp 1,6 lần so với tuần thứ 2.

Tính từ 25/7 đến nay, Đà Nẵng xét nghiệm nhiều mẫu nhất (khoảng 86 nghìn mẫu), tiếp theo là TP Hồ Chí Minh và Quảng Nam.

Nếu so sánh với các giai đoạn trước của dịch COVID-19 ở Việt Nam, có thể thấy công suất xét nghiệm được nâng lên rõ rệt. Trong giai đoạn từ 22/1/2020 tới 05/03/2020, xét nghiệm được 3094 mẫu, trung bình 70 mẫu/ngày.

Trong giai đoạn từ 06/03/2020 đến 22/4/2020, xét nghiệm được 182.109 mẫu, trung bình 3874 mẫu/ngày.

Trong giai đoạn từ 23/4/2020 tới 22/7/2020, xét nghiệm được 237.815 mẫu, trung bình 2631 mẫu/ngày.

Trong giai đoạn từ 23/7/2020 đến 13h ngày 19/8/2020 đã thực hiện 390.697 mẫu, trung bình 14.470 mẫu/ngày.

Hiện cả nước có 123 phòng xét nghiệm có khả năng xét nghiệm bằng phương pháp RealTime-PCR với công suất tối đa hơn 46 nghìn mẫu/ngày. Trong số trên có 71 phòng xét nghiệm khẳng định, công suất các phòng này là hơn 36 nghìn mẫu/ngày.

Bộ Y tế đã thành lập hệ thống hỗ trợ xét nghiệm tại 3 khu vực để giúp các địa phương nâng công suất xét nghiệm trong trường hợp cần thiết. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Nông thôn ngày nay, trang 5: “Công xuất xét nghiệm của Việt Nam tăng cao”.

 

Thêm 14 bệnh nhân, số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam lên hơn 1.000

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tới hết ngày 20.8, Việt Nam ghi nhận thêm 14 BN Covid-19 (từ BN 994 – 1.007), trong đó có 12 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

Cụ thể, trong số 14 BN mới có 11 BN tại Đà Nẵng (BN 994 – 998 và BN 1.001 –  1.006), 1 BN tại Quảng Nam (BN 999) và 2 BN là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay tại TP.HCM (BN 1.007) và Khánh Hòa (BN 1.000). Các BN tại Đà Nẵng có độ tuổi từ 24 – 65, gồm 6 trường hợp là người chăm sóc BN tại các Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Đà Nẵng; 3 trường hợp là F1 (tiếp xúc gần) của các BN trước đó; 1 trường hợp là nhân viên y tế và 1 trường hợp khác là BN tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Như vậy, đến hết ngày 20.8, Việt Nam đã ghi nhận 1.007 ca bệnh Covid-19 kể từ khi dịch xuất hiện. Trong số này, có 666 ca do lây nhiễm trong cộng đồng; số mắc mới tính từ ngày 25.7 đến nay là 525 ca. Về tình hình điều trị, trong ngày 20.8 có thêm 9 BN được công bố khỏi bệnh, bao gồm 8 BN tại Trung tâm y tế H.Hòa Vang (BN 503, BN 580, BN 660, BN 688, BN 704, BN 769, BN 818, BN 921) và BN 635 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Số BN đã được chữa khỏi là 542 ca; số tử vong là 25 ca. (Thanh niên, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Việt Nam ghi nhận bệnh nhân thứ 1.000 nhiễm Covid-19”.

 

Bệnh nhân dương tính sau 2 lần xét nghiệm âm tính có bất thường?

Trước lo ngại của nhiều người về việc một số bệnh nhân Covid-19 có kết quả xác định dương tính với SARS-CoV-2 sau 2 – 3 lần xét nghiệm âm tính, các chuyên gia y tế đã lý giải rõ hơn về hiện tượng này.

Cân nhắc với nhận định “ủ bệnh cả tháng”

Lý giải về trường hợp bệnh nhân (BN) 852, một bác sĩ làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, sau 2 lần đầu xét nghiệm âm tính, đến lần thứ 3 mới dương tính, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho rằng nhận định BN “ủ bệnh cả tháng” là không đúng. Vì thời kỳ ủ bệnh của BN là 14 ngày và trong thời gian đó lịch sử tiếp xúc rất nhiều nguồn. Những trường hợp như BN 852 là do cơ quan chức năng chưa phân tích kỹ được những nguồn lây bệnh khác. “Quy trình 14 ngày cách ly theo dõi là theo quy chuẩn của chuyên gia, chuẩn quốc tế, sau đó là của Bộ Y tế chỉ định. Không phải tự mình đưa ra con số 14 ngày. Đà Nẵng vẫn làm theo quy trình chuẩn của Bộ Y tế”, bà Yến nói.

TS-BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng. Theo bác sĩ Cấp, quá trình âm thầm nhân lên của vi rút là “thời gian ủ bệnh”. Trong thời gian này, do vi rút chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính, và những người này vẫn có thể trở thành dương tính vào những ngày sau. Thời gian ủ bệnh của hầu hết các BN là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có thể dài hơn.

TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng cho rằng với một số ít trường hợp phát hiện nhiễm vi rút sau 3 lần xét nghiệm chưa phải là bất thường, chưa là yếu tố khẳng định vi rút đó biến đổi. “Hiện, vẫn thực hiện cách ly 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Nga nói.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, các nghiên cứu về gien của SARS-CoV-2 trên các BN tại VN hiện chưa ghi nhận có biến đổi liên quan đến độc lực. Vi rút này hiện mới được xác định có biến đổi về gien với khả năng lây lan nhanh hơn.

Tăng cường tầm soát trong bệnh viện

Trước tình hình lây nhiễm phức tạp của dịch Covid-19, ngày 19.8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã có văn bản yêu cầu giám đốc các sở y tế, các BV tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo BCĐ, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Tại Đà Nẵng đã phát hiện nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, trong đó có nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người mắc bệnh. Một số địa phương khác cũng đã xuất hiện các ca nhiễm liên quan đến vùng dịch Đà Nẵng và những ca nhiễm chưa xác định được nguồn lây.

BCĐ đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch đã ban hành; thực hiện sàng lọc, cách ly và chỉ định xét nghiệm chẩn đoán sớm ca bệnh nghi ngờ theo quy định cho người bệnh, người nhà hỗ trợ chăm sóc người bệnh đó tại khoa khám bệnh và các khoa lâm sàng; đồng thời chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở nhân viên y tế, người cung cấp dịch vụ có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm, hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, những người đi từ vùng dịch về hoặc những người có triệu chứng sốt, viêm đường hô hấp, để phát hiện sớm, cách ly phù hợp theo quy định. Ngoài ra, mọi khoa lâm sàng phải có buồng cách ly tạm thời người bệnh nghi nhiễm trong quá trình điều trị cho tới khi có kết quả xét nghiệm loại trừ. Các BV bố trí đủ nhân lực chăm sóc toàn diện người bệnh tại các khoa trọng điểm như: khoa hồi sức tích cực, khoa cấp cứu, khoa truyền nhiễm, khoa bệnh nhiệt đới và người bệnh có chỉ định chăm sóc cấp 1 tại các khoa lâm sàng khác. Tuyệt đối không để người nhà, người chăm sóc dịch vụ chăm sóc đối tượng người bệnh này trong giai đoạn hiện nay. Các cơ sở khám, chữa bệnh dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú của người nhà người bệnh. (Thanh niên, trang 3).

 

Xử nghiêm hành vi gieo rắc nguy cơ dịch bệnh ra cộng đồng

Bạn đọc bức xúc, yêu cầu phải xử thật nghiêm tình trạng tái chế khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng để tung ra thị trường nhằm trục lợi, để triệt xóa nguy cơ gieo rắc dịch bệnh ra cộng đồng.

Găng tay y tế đã qua sử dụng được thu gom về chất đống

Tình trạng tái chế khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng để tung ra thị trường nhằm trục lợi, mà lực lượng chức năng TP.HCM liên tục phát hiện những ngày qua, khiến bạn đọc bức xúc, yêu cầu phải xử thật nghiêm để triệt xóa nguy cơ gieo rắc dịch bệnh ra cộng đồng.

Trong bài viết Phát hiện hàng triệu khẩu trang, găng tay đã qua sử dụng tại nơi sản xuất, Thanh Niên thông tin lực lượng quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang (ở Q.2. Q.Tân Phú, Q.Bình Tân), phát hiện hàng triệu khẩu trang và nguyên liệu sản xuất khẩu trang không hóa đơn chứng từ, thậm chí là hàng phế phẩm đã qua sử dụng.

Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM triệt phá 2 đường dây sản xuất, mua bán hàng triệu găng tay y tế (GTYT) giả với quy mô cực lớn. Theo thông tin ban đầu, những người làm giả số lượng GTYT này khai đã mua găng tay qua sử dụng về tái chế và đóng gói để tung ra thị trường. PC03 cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 bị can để điều tra về hành vi làm giả GTYT.

 “Quá khủng khiếp !”

Xem những hình ảnh được đăng tải trên Thanh Niên, nhiều bạn đọc (BĐ) đã thốt lên “Quá dã man!”, “Quá khủng khiếp!”… Theo BĐ, nếu số khẩu trang, GTYT được những cơ sở nêu trên “tung” ra thị trường trót lọt thì quả thật tai hại, bởi đây là thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành; người dân, ngành y tế đang rất cần nhu cầu về sử dụng khẩu trang, GTYT. Việc làm và bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng chẳng khác nào làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. BĐ Leon bức xúc: “Những loại khẩu trang, GTYT đã qua sử dụng, không đạt chất lượng này mà vào đến phòng mổ, bệnh viện… không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hành vi này chẳng khác nào cố tình lây nhiễm cho cộng đồng”. Đồng quan điểm, BĐ Thái kiến nghị: “Cần xử lý mạnh tay với loại tội phạm này, bởi họ làm giàu bất chấp, gieo rắc nhiều bệnh nguy hiểm cho người mua sử dụng”.

“Cần khép những người này tội cố ý lây truyền bệnh. Cần nghiêm trị để kẻ khác đang manh nha trục lợi trên đống rác thải nguy hại cho người dùng dừng lại”, BĐ Phạm Đình Thuyết viết.

Khẩn trương làm rõ “rác y tế” tuồn ra từ đâu ?

Thanh Niên cũng từng đặt câu hỏi về nghi vấn GTYT đã qua sử dụng tuồn ra từ các cơ sở y tế, tuy nhiên một nguồn tin của PV Thanh Niên khẳng định cơ quan điều tra vẫn đang đấu tranh làm rõ… Nhưng nguồn tin này cho rằng, ngành y tế TP cần kiểm soát quá trình thu gom, xử lý các loại rác thải y tế tại bệnh viện, cơ sở y tế; kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi câu kết mua bán các loại GTYT đã qua sử dụng ra thị trường, nếu có. BĐ Trương Nam Anh đặt vấn đề: “Làm sao họ có thể thu mua (khẩu trang, GTYT đã qua sử dụng – PV) được nhiều thế?”. Còn BĐ Nguyễn Hải đề nghị: “Họ đã bất chấp lương tâm để kiếm tiền. Nên xử hình sự thật nặng những người này”.

Trong khi đó, BĐ Minh Bạch nêu ý kiến: “Các cơ quan chức năng nghĩ gì khi tình trạng làm ăn gian dối của một số doanh nghiệp phi đạo đức gây ra, mặc cho thời gian gần đây chúng ta đã xử lý nhiều trường hợp tương tự. Phải chăng mức độ xử lý chưa đủ sức răn đe những “cái đầu” chuyên làm ăn gian dối khi có thể? Hay đạo đức làm người của những người này đã xuống cấp tới mức “hết thuốc chữa”? Bất luận vì lý do gì, những việc làm thất đức này cần phải bị nghiêm trị. Đây là đòi hỏi bức xúc, có thật của người dân trong tình hình hiện nay”. (Thanh niên, trang 9).

Cùng chủ đề Báo Khoa học & Đời sống, trang 2: “TPHCM: Thu giữ khẩu trang có dấu hiệu đã qua sử dụng”.

 

Chống tế bào ung thư bằng dinh dưỡng hợp lý

Căn bệnh ung thư đang trở thành nỗi ám ảnh với mọi người. Điều đáng nói là đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, nên nhịn ăn để bỏ đói tế bào ung thư. Trong khi trên thực tế, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng, kịp thời và kèm theo chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp hỗ trợ quá trình điều trị bệnh ung thư hiệu quả.

Nhịn ăn, bỏ đói tế bào ung thư là phản khoa học

Tại Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người đang phải chiến đấu với bệnh ung thư. Trung bình mỗi năm, nước ta có gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân tử vong. Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp đến là dạ dày, gan, đại trực tràng. Ở nữ giới lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi…

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phòng, chống ung thư (Bệnh viện K), ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều bệnh nhân ung thư không chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian trị bệnh nên dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng và suy kiệt trầm trọng hơn.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng đã chỉ ra rằng, chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân. Tình trạng phổ biến trên đa số bệnh nhân ung thư hiện nay chính là suy kiệt cơ thể. Nhiều bệnh nhân không thể theo hết được các liệu pháp điều trị do cân nặng và thể lực bị suy giảm trầm trọng. Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị, tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tử vong.

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Quang Biểu, Khoa Xạ trị – Xạ phẫu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, trong số các bệnh nhân tử vong vì ung thư có 80% bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Rất ít bệnh nhân quan tâm đến việc ăn uống thế nào cho hợp lý. Thậm chí, nhiều bệnh nhân thiếu hiểu biết, do lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát còn ăn kiêng quá mức dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Gần đây, mạng xã hội có nhiều thông tin cho rằng, nếu người bệnh ung thư duy trì chế độ dinh dưỡng nhiều dưỡng chất thì đồng nghĩa với việc nuôi các tế bào ung thư. Về vấn đề này, GS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, phụ trách Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện K) khẳng định, không thể phân tách rạch ròi thức ăn nào là dành cho tế bào khỏe mạnh, thức ăn nào là dành cho tế bào ung thư. Điều này đồng nghĩa với việc lựa chọn cách ăn kiêng khem thái quá, “quan điểm để tế bào ung thư chết đói” là vô lý và phản khoa học.

Cũng theo GS.TS Lê Thị Hương, có một thực trạng hiện nay là bệnh nhân ung thư thường lựa chọn chế độ ăn kiêng một cách cực đoan. Bởi họ lo sợ rằng, nếu nạp nhiều chất dinh dưỡng vào cơ thể sẽ “vỗ béo” tế bào ung thư khiến bệnh phát triển nhanh hơn. Thậm chí, không ít bệnh nhân ung thư còn nghĩ rằng, với cách tuyệt thực như vậy có thể ép chết tế bào ung thư và mình có thể khỏi bệnh. Quan niệm sai lầm về dinh dưỡng này được cổ xúy trên các trang mạng xã hội. Điều đáng tiếc là không ít những kênh trực tuyến bán thực phẩm ăn kiêng, đồ thực dưỡng bám vào tâm lý này của người bệnh ung thư mà đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu khoa học.

Không cần ăn kiêng nghiêm ngặt

Theo GS.TS Lê Thị Hương, ung thư là một bệnh mạn tính, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Song song với đó, tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh. Do vậy, hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư giúp hồi phục tình trạng suy mòn, suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư. Cùng với đó, các phương pháp điều trị ung thư, như: Hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân. Vì vậy, mục tiêu dinh dưỡng trong thời gian này là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, phục hồi và điều trị bệnh.

GS.TS Lê Thị Hương khuyến cáo, với người bệnh đang điều trị ung thư không cần kiêng khem nghiêm ngặt mà chỉ nên lưu ý một số điểm. Cụ thể là ăn ít nhưng đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng và giàu đạm. Mặt khác, người bệnh nên được bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (như sữa dinh dưỡng) và kiểm soát được lượng thực phẩm ăn vào. Người bệnh nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút, tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng. Không nên ăn uống đồ có đường, nước ngọt, thức ăn nhiều chất béo. Nếu không ăn được thức ăn thông thường, người bệnh có thể chuyển sang chế độ ăn mềm, nhuyễn (như: Cháo, súp…) nhưng vẫn bảo đảm cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Cùng với việc tầm soát phát hiện sớm giúp việc điều trị hiệu quả, Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Quang Biểu, Khoa Xạ trị – Xạ phẫu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) khuyến cáo, dinh dưỡng có tác dụng nâng đỡ thể trạng để giúp người bệnh có đủ sức theo được hết các liệu pháp điều trị nặng nề. Để bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm các nhóm chất: Đạm – bột đường – béo – vitamin, khoáng chất – nước. Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao… sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khỏe để chống lại ung thư chứ không phải cung cấp thêm chất đạm cho khối u phát triển như nhiều người vẫn lầm tưởng. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế

Theo thống kê, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế  đối với học sinh, sinh viên có sự phát triển ổn định, tăng dần qua các năm. Năm học 2020-2021, ngành Bảo hiểm xã hội đặt mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố hướng dẫn các nội dung nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên trong năm học mới.

Theo đó, để triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên trong năm học tới, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo Sở GD-ĐT và các sở, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành Bảo hiểm xã hội tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Bảo hiểm xã hội các địa phương cần chú ý 6 nội dung tuyên truyền trọng tâm về bảo hiểm y tế học sinh sinh viên trong năm học mới. Nhấn mạnh hoạt động tuyên truyền ý nghĩa, giá trị nhân văn, nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng của chính sách bảo hiểm y tế nói chung và bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên nói riêng.

Trong đó, chú trọng lợi ích của học sinh sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế. Đi kèm với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện bảo hiểm y tế là tuân thủ pháp luật, là trách nhiệm công dân của mỗi học sinh, sinh viên; Tuyên truyền việc quỹ Bảo hiểm y tế hỗ trợ y tế trường học thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên. Tuyên truyền việc quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí xét nghiệm, điều trị Covid-19 đối với người có thẻ bảo hiểm y tế.

Đồng thời, cần nhấn mạnh 6 thông điệp tuyên truyền bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Vì sức khỏe con em, vì tương lai đất nước, hãy tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên; bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đồng hành cùng năm học mới; học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế được chăm sóc sức khỏe ngay tại trường học; sức khỏe học sinh, sinh viên gắn liền với BHYT toàn dân; tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên là góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam lưu ý, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố căn cứ diễn biến tình hình thực tiễn về dịch Covid-19 tại địa phương để lựa chọn các hình thức truyền thông phù hợp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và địa phương. (An ninh Thủ đô, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/8/2018

admin

Để lại bình luận