Nhận biết sớm triệu chứng liên quan COVID-19

(CDC Hà Nam)
Virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền cao tại các cơ sở y tế, những nơi đông người và ở không gian kín. Chủ động phòng bệnh bằng việc thực hiện 5K theo khuyến cáo của ngành y tế, vệ sinh mũi họng theo dõi phát hiện sớm triệu chứng nghi mắc.

Virus lây trong môi trường kín

Theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh nhân COVID-19 do Bộ Y tế ban hành, virus SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (như qua giọt bắn, hạt khí dung, không khí) và qua đường tiếp xúc. Virus cũng có khả năng lây truyền cao tại các cơ sở y tế, những nơi đông người và ở không gian kín.

Bên cạnh đó, virus  cũng liên tục biến đổi tạo ra nhiều biến thể khác nhau trên toàn thế giới làm cho khả năng lây lan mạnh hơn và khó kiểm soát hơn.

Khoảng gần 20% số bệnh nhân COVID-19 có diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày.

Các biểu hiện nặng bao gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện…Trong đó khoảng 5% rất nặng với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, …), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.

Ở môi trường lạnh, ẩm, mặt phẳng kim loại/nhựa virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại 1-3 ngày. Virus này tồn tại trong cơ thể khoảng 4 tuần kể từ khi xâm nhập. Nhưng bên ngoài môi trường, rất dễ bị chết bởi ánh sáng tự nhiên, tia cực tím và nhiệt độ cao. SARS-CoV-2 có thể bị tiêu diệt bởi các chất như:  Ether, cồn 70 độ, xà phòng, chất khử trùng chứa Chlor… Do đó, cùng với thực hiện vệ sinh, khử khuẩn theo khuyến cáo của cơ quan y tế, thực hiện thông thoáng nơi ở, phòng cách ly giúp hạn chế sự tồn tại của virus (nếu có).

Chủ động bảo vệ và lưu ý về triệu chứng sớm

Tuy nhiên, hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Có các trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.

Người bệnh COVID-19 không triệu chứng là người nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR, nhưng không có triệu chứng lâm sàng (không có biểu hiện bệnh). Dù vậy, khi mang mầm bệnh, ca không triệu chứng vẫn có thể lây nhiễm nếu không tuân thủ các hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan y tế.

Với ca bệnh có triệu chứng, người bệnh khởi phát, hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.

Hiện bệnh chưa có thuốc đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là tiêm phòng vaccine, phát hiện sớm và cách ly ca bệnh. Các biện pháp theo dõi và điều trị chung cho các bệnh nhân COVID-19, đó là: Người bệnh được nghỉ ngơi, cần được đảm bảo thông thoáng (mở cửa sổ, không sử dụng điều hòa), có thể sử dụng hệ thống lọc không khí.

Quyết định số 3416/QĐ-BYT có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, mục VIII, khoản 2 đã nêu rõ các biện pháp theo dõi và điều trị chung, trong đó nhấn mạnh:

– Nghỉ ngơi tại giường, phòng bệnh cần được đảm bảo thông thoáng, có thể sử dụng hệ thống lọc không khí hoặc các biện pháp khử trùng phòng bệnh khác.

– Vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý;

– Súc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường;

– Giữ ấm

– Uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải.

– Đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, bổ sung vitamin nếu cần thiết.

– Giảm ho bằng các thuốc giảm ho thông thường nếu cần thiết.

Mậu Ngọ tổng hợp

Bài viết liên quan

Phòng chống bệnh sâu răng đối với học sinh tiểu học

hanh phan

Cập nhật Covid-19: Thế giới hơn 20 triệu ca mắc, nhiều nơi nguy cấp

Ngọc Nga

Gần 1.600 trường hợp đã được xét nghiệm với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua

CDC Hà Nam

Để lại bình luận