Điểm báo ngày 02/6/2022

(CDC Hà Nam)
Không nhận đủ vaccine được phân bổ, các địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch; Nguy cơ bệnh sốt rét xâm nhập từ người nhập cảnh; Ngành y tế với nỗi lo “làm gì cũng có thể sai”; Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết và tay, chân, miệng

 

Không nhận đủ vaccine được phân bổ, các địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch

Ngày 1/6, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.047 ca nhiễm mới tại 40 tỉnh, thành phố; có 9.542 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh.
Trong khi các địa phương như: Bắc Ninh, Quảng Bình, Lai Châu ghi nhận số ca mắc tăng từ 20 đến 40 ca thì cũng có nhiều tỉnh, thành phố có số ca mắc giảm như: Nam Ðịnh, Hải Phòng, Phú Thọ. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong bảy ngày qua là 1.108 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.720.426 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 9.471.840 ca được điều trị khỏi và có 43.079 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế vừa có Công điện 708/CÐ-BYT gửi Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp nhận và triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19.

Công điện nêu rõ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có quyết định phân bổ vaccine phòng Covid-19 đợt 146 và 147, tuy nhiên một số địa phương vẫn chưa tiếp nhận hoặc có văn bản đề nghị không nhận vaccine hoặc điều chuyển vaccine đã được phân bổ. Ðể tăng cường công tác tiêm chủng nhằm đạt các mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tránh lãng phí, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm chủng đối với số lượng vaccine được phân bổ đợt 146 và 147; tiếp tục rà soát đối tượng, tập trung đẩy mạnh việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu, đồng thuận và đi tiêm chủng các mũi tiếp theo (mũi 3, mũi 4) kịp thời, đầy đủ.

Tại công điện, Bộ Y tế tiếp tục nêu rõ, nếu địa phương nào không tiếp nhận đủ vaccine và không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Sáng 1/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19. Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 114 và các hướng dẫn, công điện của Bộ Y tế về công tác tiêm chủng. Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng đôn đốc các địa phương, bộ, ngành liên quan báo cáo về tiến độ tiêm và số ca mắc Covid-19 theo tháng và theo nhóm tuổi; tìm các giải pháp thúc đẩy tiêm vaccine tại các địa phương có tỷ lệ còn thấp. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương đôn đốc các địa phương và tổng hợp báo cáo nhu cầu vaccine; phối hợp đơn vị chức năng liên quan vận chuyển ngay vaccine đến 13 tỉnh, thành phố chưa nhận vaccine dù đã được phân bổ (Nhân dân, trang 8; An ninh thủ đô, trang 7).

 

Nguy cơ bệnh sốt rét xâm nhập từ người nhập cảnh

Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) hiện đang điều trị cho hai người mắc bệnh sốt rét sau khi trở về nước từ Angola. Ðáng chú ý, từ nhiều năm nay Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía bắc hầu như không còn ca bệnh sốt rét nên việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt rét từ nước ngoài trở về ở nhiều cơ sở y tế tuyến dưới còn khó khăn và dễ bị bỏ sót.

Anh Nguyễn Ðình Th. (38 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) có 12 năm làm việc và sinh sống tại Angola vừa về nước được hơn một tuần. Năm ngày trước khi vào viện, anh Th. xuất hiện sốt cao, rét run, kèm đau đầu nhiều khi sốt. Tình trạng sốt tập trung chủ yếu vào buổi chiều, ngày thường có hai cơn sốt nên đã đến khám tại cơ sở y tế gần nhà. Tại đây, các bác sĩ không phát hiện ra bệnh, nên người bệnh được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh trong tình trạng nặng hơn và sau đó được chuyển tới Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Sau khi khai thác yếu tố dịch tễ, người bệnh có đi Angola về kết hợp xét nghiệm máu thì các bác sĩ phát hiện ra ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum trong máu.

Trường hợp thứ hai là một sản phụ 32 tuổi, ở Hà Nội, mang thai tháng thứ 6. Chị H. đi lao động tại Angola được tám năm và đã bị sốt rét vào năm 2021, đợt này mới trở về từ Angola được một tuần. Trước vào viện ba ngày chị xuất hiện sốt cao, rét run thành cơn, chủ yếu sốt về chiều tối. Sau cơn sốt vã mồ hôi nhiều, kèm nôn, buồn nôn, đau đầu nhiều… chị đi khám phòng khám tư, sau đó được đưa vào Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương làm xét nghiệm và được chẩn đoán là mắc sốt rét. Do có thai và kèm bệnh lý hạ tiểu cầu cần theo dõi nên chị H. được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) nơi có nhiều chuyên khoa cùng phối hợp để có thể theo dõi và điều trị cho hai mẹ con.

PGS, TS Ðỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: Trong những năm vừa qua, bệnh sốt rét ở Việt Nam được kiểm soát khá thành công bởi có chương trình phòng, chống bệnh sốt rét hiệu quả ở các địa phương cũng như có đầy đủ thuốc sốt rét để điều trị, cho nên tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét giảm nhiều, chỉ còn ở một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên và phía nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây các bệnh viện tiếp nhận một số bệnh nhân sốt rét do đi từ châu Phi về, nên được gọi là sốt rét “nhập khẩu”. Các bác sĩ lưu ý, sau một thời gian gián đoạn do dịch Covid-19, việc khôi phục lại các đường bay cho người Việt Nam đi lao động, công tác tại châu Phi, đặc biệt là Angola trở về nước gia tăng, làm cho nguy cơ bệnh sốt rét xâm nhập theo những người nhập cảnh từ khu vực châu Phi cũng tăng theo.

PGS, TS Ðỗ Duy Cường khuyến cáo: Người dân trở về nước từ vùng dịch tễ có sốt rét cần được khám sàng lọc, điều tra dịch tễ và xét nghiệm ngay xem trong máu có ký sinh trùng sốt rét hay không và cần khai báo y tế với cơ quan chức năng. Khi có biểu hiện sốt cần đi khám ngay để tránh nhầm lẫn và bỏ sót. Cả hai bệnh nhân hiện đang điều trị tại Trung tâm nêu trên bị sốt ngay sau khi về Việt Nam nhưng y tế ở địa phương không phát hiện ra, không để ý yếu tố dịch tễ là đi từ châu Phi về nên dễ bỏ sót. Do các triệu chứng sốt rét không điển hình rầm rộ, dễ gây nhầm với các bệnh khác như cảm cúm, Covid-19, sốt xuất huyết, hay nhiễm trùng tiết niệu…

Trong những năm qua đã có nhiều cảnh báo về những trường hợp sốt rét đi từ châu Phi, nhất là các trường hợp công nhân, người lao động làm việc tại Angola trở về. Do vậy, cần lưu ý yếu tố dịch tễ và khai báo với cơ quan y tế hoặc thực hiện các xét nghiệm bởi sốt rét có thể trở thành sốt rét ác tính và nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế đã có những trường hợp sốt rét trở thành ác tính với triệu chứng sốt cao liên tục, có thể đi vào hôn mê sau ba đến năm ngày, nguy hiểm đến tính mạng. Kèm theo hôn mê là suy đa phủ tạng (gan, thận, phổi,…) hoặc thiếu máu, co giật, hạ đường huyết… Tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời, đúng thuốc và thuốc tốt thì các chức năng sẽ dần hồi phục. Các thuốc sốt rét hiện nay có sẵn (Artesunate, Arterakin) được Bộ Y tế cung cấp theo chương trình phòng, chống bệnh sốt rét (Nhân dân, trang 8; Tiền phong, trang 10).

 

Ngành y tế với nỗi lo “làm gì cũng có thể sai”

Thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội (sáng 1/6), đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã bày tỏ nhiều nỗi niềm, trăn trở của ngành Y tế sau những “cơn bão lớn”.

Theo ông, thành công của ngành Y tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19 đã được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức. Những sai lầm cũng đã phải trả giá đúng theo nguyên tắc công tội phân minh. Song vấn đề được đặt ra lúc này, là sau “cơn bão lớn” việc phục hồi và phát triển tốt hơn của một ngành trụ cột trong an sinh xã hội diễn ra như thế nào?

“Không thể vì những vi phạm xảy ra mà chúng ta để cả một hệ thống tê liệt. Những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm đấu thầu trang thiết bị vật tư thuốc men… không được cải thiện mà thậm chí còn tệ hơn bao giờ hết”, ông Hiếu phản ánh và nhấn mạnh, nếu các đại biểu QH có thời gian thăm những bệnh viện của địa phương mình ứng cử sẽ nhận thấy tình hình “nguy hiểm này”.

Ông cho biết, rất nhiều các nhân viên y tế, cán bộ bảo hiểm xã hội và các cử tri – người bệnh đã gửi gắm nỗi lo lắng, những khó khăn hiện nay cũng như tương lai của hệ thống y tế Việt Nam. Tuy nhiên, tìm được câu trả lời không hề dễ dàng vì những vướng mắc đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ, ai cũng nhận ra nhưng ngày càng nhiều và phức tạp hơn.

Hoang mang trong thời bình

Theo ông, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế là nỗi lo lớn nhất ở đại đa số các bệnh viện công và cả tư hiện nay. Nguồn nhân lực chất lượng cao đã thiếu nay còn càng ít hơn vì mức lương không tăng mà có xu hướng giảm theo các thống kê ở hệ thống công lập.

“Không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới, hiện đại khiến các bác sĩ giỏi đến đâu cũng nản lòng”, ông Hiếu cảnh báo.

Với tư cách là một bác sĩ vẫn trực tiếp điều trị bệnh nhân, ông Hiếu bày tỏ mong muốn các cấp lãnh đạo cấp cao hiểu được phần nào những khó khăn mà ngành Y tế đang gặp phải. Nó không chỉ là về vật chất mà trong lúc này chủ yếu lại từ tinh thần. Sự ổn định và có phương hướng phát triển rõ ràng là điều nhân viên y tế cần nhất lúc này.

Theo ông, đại dịch COVID vừa qua đã chứng minh khả năng vượt khó khăn của ngành Y tế Việt Nam. Với nguồn lực hạn chế nhưng tỷ lệ tử vong của Việt Nam thấp so với nhiều quốc gia giàu có, trong đó, công đầu chắc chắn là những cán bộ, nhân viên y tế Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông, trong “thời bình” nhân viên y tế lại vô cùng hoang mang khi những biến cố dồn dập xẩy ra.

“Những “con sâu” đã bị gạt bỏ ra khỏi hệ thống nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng vì đụng đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh”, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, đồng thời mong Quốc hội đặc biệt lưu ý đến vấn đề trên (Tiền phong, trang 2).

Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết và tay, chân, miệng

Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhưng dịch sốt xuất huyết và tay, chân, miệng đang gia tăng cục bộ tại một số địa phương. Ðể chủ động phòng, chống, nhất là không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”, Bộ Y tế và chính quyền các địa phương đang tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Huyện Hóc Môn (thành phố Hồ Chí Minh), là một trong năm quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh có số ca mắc sốt xuất huyết cao từ đầu năm đến nay khi ghi nhận 47 ổ dịch, với 747 ca bệnh sốt xuất huyết (tăng 139% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có một trường hợp tử vong.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Thụy Mỵ Châu: Nguyên nhân bùng dịch thời gian qua là bởi huyện có hơn 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, vẫn còn một số hộ gia đình trữ nước bằng lu, hồ để sử dụng cho việc chăn nuôi, chăm sóc cây cảnh tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Bên cạnh đó, ý thức người dân trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết chưa cao, vẫn còn tình trạng người dân ngủ không mắc màn. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý điểm nguy cơ sốt xuất huyết của huyện, xã, thị trấn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết khi xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ gia đình không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; nguồn nhân lực thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các trạm y tế xã, thị trấn còn thiếu…

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, trong bốn tháng đầu năm, toàn thành phố ghi nhận 8.481 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng 28% so cùng kỳ năm 2021), trong đó có bảy người chết.

Ðáng lo ngại, từ ngày 13/5 đến 19/5, thành phố ghi nhận 943 ca sốt xuất huyết, tăng 156 ca (20%) so trung bình bốn tuần trước, trong đó, số ca bệnh tăng chủ yếu là trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Ngoài dịch bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, thành phố còn ghi nhận 2.562 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng với 96% số trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Ðức cho biết, qua thực tế kiểm tra cho thấy, vẫn còn sự lơ là, chủ quan của người dân đối với dịch bệnh này. Do vậy, UBND thành phố yêu cầu lãnh đạo địa phương cần làm tốt hơn công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thực trạng, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể cùng phối hợp dồn sức chống dịch. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, khâu tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức là vô cùng quan trọng, tuy nhiên việc truyền thông cần đi vào thực chất, không chỉ dừng lại ở hình thức. Bên cạnh việc kiểm tra, nhắc nhở, các cơ quan chức năng cũng cần xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức không thực hiện tốt các biện pháp ngành y tế đề ra, góp phần giúp người dân điều chỉnh ý thức, thay đổi hành vi trong phòng, chống dịch…

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 30.168 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong. So cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 17,9% và số tử vong tăng 8 trường hợp. Ðáng chú ý, tại khu vực phía nam, số mắc chiếm 85,4% số mắc cả nước và tất cả ca tử vong (13 ca) đều tại khu vực này; tỷ lệ mắc/100 nghìn dân của khu vực này cũng cao nhất cả nước (59,5 ca/100 nghìn dân).

Ngoài sốt xuất huyết, cả nước ghi nhận 8.017 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng, trong đó có một trường hợp không qua khỏi. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc cả nước giảm 4,3 lần; tử vong giảm 9 trường hợp. Bộ Y tế nhận định, thời tiết khí hậu nóng ẩm cùng với việc giao lưu đi lại… là những điều kiện thuận lợi cho các bệnh lưu hành gia tăng, nhất là sốt xuất huyết, tay, chân, miệng… và có thể bùng phát dịch bệnh tại các địa phương thời gian tới.

Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp dự phòng, ngăn chặn sự bùng phát dịch sốt xuất huyết và tay, chân, miệng và các dịch bệnh mùa hè khác; chú trọng phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao… Sở y tế các địa phương quyết liệt kiểm soát dịch, tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan và kéo dài tại cộng đồng.

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Giáo dục và Ðào tạo các địa phương chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh tay, chân, miệng và các dịch bệnh trong trường học; bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà-phòng và có vị trí thuận tiện cho người chăm sóc trẻ, trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà-phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp nước uống, nước sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể…

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: Cần tăng cường sự phối hợp của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; các ban, ngành phối hợp ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân nhận biết sớm các triệu chứng hoặc những dấu hiệu cảnh báo bệnh để đến cơ sở y tế kịp thời, hạn chế các trường hợp tử vong. Và quan trọng nhất là tạo phong trào sâu rộng đến từng người dân, mỗi gia đình tại các địa phương trong việc chủ động tìm và xử lý các vật đọng nước – nơi sinh sản của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết (Nhân dân, trang 8).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 04/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/6/2019

CDC Hà Nam

COVID-19: Cập nhật mới nhất đến 08h00 ngày 14/2/2020

Ngọc Nga