Điểm báo ngày 19/11/2018
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Bộ Y tế tích cực cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh; Cấp cứu bằng xe 2 bánh: Nên nhân rộng; Bảo hiểm y tế góp phần giảm nghèo bền vững…
Nghiện game online: Dễ gây trầm cảm
Tình trạng nghiện game online trong giới trẻ ngày càng phổ biến và dễ gây ra bệnh trầm cảm. Thế nhưng vấn đề này lại rất ít được quan tâm. Thậm chí, ngay cả khi phát hiện con mình nghiện thế giới “ảo” kèm theo những biểu hiện của chứng trầm cảm, không ít phụ huynh cũng e dè việc đưa con đi khám, chữa bệnh.
Chơi game giỏi… dễ trầm cảm
Theo Thạc sĩ Lê Thanh Hà, Học viện Quân y 103, trong 10 năm qua, tỷ lệ sử dụng internet tại Việt Nam gia tăng với tốc độ chóng mặt, gấp 10-100 lần các nước khác trong khu vực châu Á. Độ tuổi sử dụng internet trung bình ở Việt Nam (năm 2015) cũng trẻ nhất (21 tuổi), đặc biệt tỷ lệ người sử dụng dưới 19 tuổi rất cao, lên đến 50%. Qua khảo sát các hành vi sử dụng internet trực tuyến của người Việt Nam, có đến 87% người vào internet nghe nhạc trực tuyến và tới 62% để chơi game online.
Theo một nghiên cứu gần đây của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, có đến 11,6% thanh niên Việt Nam tuổi 15-19 bị trầm cảm, 17,9% thanh niên từ 20 đến 24 tuổi bị trầm cảm. Điều đáng nói, có nhiều bệnh nhân trầm cảm liên quan đến việc nghiện chất, nghiện game.
Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) thời gian gần đây cũng tiếp nhận điều trị không ít trường hợp thanh thiếu niên mắc các chứng trầm cảm, tâm thần do nghiện game online. Nhiều trường hợp do không được phát hiện bệnh kịp thời dẫn tới sức khỏe suy kiệt, trí tuệ sa sút nghiêm trọng.
Điển hình là một học sinh lớp 11 (ở Hà Nội) dù đã 16 tuổi nhưng trí tuệ, tương tác chỉ như một trẻ lên 10. Sau khi bố mẹ bỏ nhau, trẻ cũng ít nhận được sự quan tâm của người mẹ. Thời gian ăn uống, học tập, đứa trẻ dồn hết vào game. Từ khi trở thành “con nghiện” game online, tính tình em cũng thay đổi, hay cáu gắt, thậm chí chửi mắng cả mẹ. Thế nhưng, phải đến khi thấy con ốm yếu, gầy gò, người mẹ mới đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả, trẻ đã mắc bệnh trầm cảm…
Bác sĩ Nguyễn Tất Định, Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) chia sẻ, một tỷ lệ lớn trẻ nghiện game online kéo dài sẽ dẫn đến sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí có thể chết vì kiệt sức do chơi game liên tục trong nhiều giờ hay hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo.
Thực tế, có những trường hợp nhập viện điều trị dù đã 21 tuổi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ 12 tuổi. Những người nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này cũng như giải thích các động cơ của nhiều tội phạm nghiêm trọng.
Còn theo bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, game online đang âm thầm phá hủy năng lực học tập, nhân cách của không ít trẻ, ảnh hưởng cuộc sống và chất lượng lao động. Người nào chơi game càng giỏi thì nguy cơ trầm cảm càng cao. Bởi họ thường có tâm lý chán nản do các trò chơi đã quá đơn giản, dễ dàng không còn cảm thấy thú vị để chinh phục, không tìm được niềm vui trong cuộc sống…
Điều trị như thế nào?
So với điều trị nghiện rượu hay ma túy, việc điều trị nghiện game không mất nhiều thời gian, tiền bạc, nguy cơ tái nghiện thấp. Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, có khoảng 1/3 bệnh nhân sau lần điều trị đầu tiên tái nghiện, còn sau lần thứ hai thì số tái nghiện rất ít. Điều trị nghiện game cần phải thay đổi, cách ly môi trường, không cho bệnh nhân tiếp cận với phương tiện chơi game, đồng thời sử dụng thuốc lập lại đồng hồ sinh học.
Tuy nhiên, bác sĩ La Đức Cương cho rằng, điều trị chứng nghiện game không khó nhưng sự thay đổi về nhân cách thì khó có thể phục hồi. Thế nhưng, không ít gia đình khi phát hiện bệnh của con lại muốn giấu và chỉ đến bệnh viện khi bệnh đã nặng. Điều đó khiến việc điều trị càng khó khăn hơn. “Gia đình cần chú ý việc chơi game của trẻ.
Trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu như: Lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai thì nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm thần để điều trị càng sớm càng tốt”, bác sĩ La Đức Cương khuyến cáo.
Trước tình trạng nhiều thanh thiếu niên mắc bệnh trầm cảm do nghiện game online như hiện nay, trong năm 2019, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cùng các cộng sự tiến hành nghiên cứu điều trị về nghiện game và trầm cảm ở thanh thiếu niên. Dự án được thực hiện trong 3 năm và có từ 200 đến 300 thanh thiếu niên nghiện game online hoặc bị trầm cảm sẽ tham gia quá trình nghiên cứu này. Việc nghiên cứu tập trung vào đo lường ngưỡng hormone của trẻ nghiện game và trầm cảm, xác định được sự bất thường, để từ đó có biện pháp can thiệp, điều chỉnh kịp thời.
Đây sẽ là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về nghiện game online với hy vọng mở ra cơ hội điều trị tốt nhất đối với các rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng cũng như đem lại cơ hội bảo tồn, ổn định tâm lý của trẻ sau điều trị nghiện game online. (Hà Nội mới trang 5)
Cấp cứu bằng xe 2 bánh: Nên nhân rộng
Mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đưa vào thí điểm mô hình cấp cứu cơ động bằng xe 2 bánh tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Mô hình này giúp hoạt động cấp cứu ngoại viện hiệu quả hơn trong điều kiện giao thông còn nhiều khó khăn nên rất cần được nhân rộng.
Chỉ sau 2 tuần hoạt động, mô hình cấp cứu bằng xe 2 bánh đã được người dân đánh giá là tiện lợi. Đơn cử, ông Nguyễn Tám (92 tuổi, ngụ tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi bị đau, co giật từ bàn chân trái lên đến khớp gối và có dấu hiệu nặng dần. Người thân gọi điện đến Trung tâm Cấp cứu 115 để đưa tôi đến bệnh viện. Ngay sau đó, lực lượng cấp cứu đã đến nhà bằng xe máy 2 bánh, trong đó có bác sĩ và điều dưỡng viên đến tận giường tôi thăm khám, tiêm, kê đơn thuốc”. Theo ông Tám, sau một ngày được cấp cứu tại nhà, sức khỏe của ông đã đỡ rất nhiều.
Tương tự, bệnh nhân L.T.H (54 tuổi, ngụ tại quận 1) được gia đình gọi đến bệnh viện báo là mệt và khó thở. Tuy nhiên, lúc này xe cứu thương của bệnh viện đang đi cấp cứu cho một trường hợp khác, các bác sĩ đã tự lấy xe gắn máy cá nhân tới nhà người bệnh. Chỉ sau khoảng 10 phút, bác sĩ đã có mặt, kịp thời sơ, cấp cứu rồi mới đưa bệnh nhân đến bệnh viện để hỗ trợ tích cực.
Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, sau hơn 2 tháng thực hiện, mô hình xe cấp cứu cơ động 2 bánh đã được Hội đồng Khoa học công nghệ của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thẩm định và góp ý kế hoạch triển khai. Hội đồng nhất trí với đề xuất của bệnh viện là chọn loại xe tay ga có động cơ 100-125 phân khối vừa chi phí thấp vừa giúp cho y, bác sĩ dễ dàng vận hành, nhất là nhân viên nữ. Xe 2 bánh phục vụ cứu thương sẽ được trang bị túi thuốc, dụng cụ cấp cứu…
Khi có trường hợp cần hỗ trợ y tế khẩn cấp nhưng người bệnh ở khu vực hẻm sâu hoặc vào những khung giờ cao điểm… thì người nhà bệnh nhân có thể liên hệ với bệnh viện. Lúc này, các nhân viên y tế sẽ sử dụng xe gắn máy 2 bánh để tiếp cận, xử lý cấp cứu ban đầu cho người bệnh. Nếu trường hợp bệnh nặng, xe cứu thương chuyên dụng 4 bánh sẽ được điều động để phối hợp chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
Nói về mô hình này, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết, xuất phát từ thực tế đội ngũ cấp cứu ngoại viện 115 tiếp cận người bệnh khó khăn do giao thông không thuận tiện, đường sá nhỏ hẹp nên bệnh viện đã đề xuất với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh được thí điểm cấp cứu ngoại viện bằng xe 2 bánh. Mục đích là để nhân viên cấp cứu có thể tiếp cận bệnh nhân một cách nhanh nhất, sơ, cấp cứu kịp thời, bảo đảm thời gian “vàng” trong cấp cứu.
Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, mô hình cấp cứu cơ động 2 bánh của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn là đề tài sáng tạo khoa học nhằm đáp ứng yêu cầu cấp cứu người dân trên địa bàn quận 1, nơi đông dân cư, nhiều khách du lịch… Sở Y tế đã thông qua dự thảo quy trình sử dụng xe cấp cứu 2 bánh được vận hành thí điểm để rút kinh nghiệm và hoàn thiện. Sau đó, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn sẽ trình lại quy trình chính thức để Sở ban hành.
Đặc biệt, Sở Y tế lưu ý việc luôn giữ mối liên lạc giữa nhân viên y tế đi cấp cứu với bệnh viện và sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhóm đi cấp cứu bằng xe 2 bánh với nhóm thường trực xe ô tô cứu thương; khi có yêu cầu cần chuyển bệnh nhân về bệnh viện thì xe ô tô cứu thương sẽ kịp thời tiếp cận. Tiếp đó, nếu thành công thì mô hình này sẽ triển khai tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố. (Hà Nội mới trang 6)
Từ chối thanh toán hàng trăm tỷ đồng do gian lận chi phí BHYT
– Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, có những cơ sở y tế chỉ định điều trị nội trú tràn lan, các bệnh nhân mắc cúm thông thường, viêm họng cũng vào nằm nội trú; chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng không đúng hướng dẫn của Bộ Y tế…
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, chỉ trong 9 tháng đầu năm, Quỹ BHYT trên địa bàn đã bội chi khoảng 600 tỷ đồng. Nguyên nhân một phần do tăng giá dịch vụ y tế, trong đó có nhiều giá bất hợp lý. Ngoài ra do thông tuyến khám chữa bệnh và chỉ định thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và chỉ định vào điều trị nội trú không hợp lý.
Bên cạnh lý do khách quan trên, bội chi còn do các cơ sở y tế chỉ định điều trị nội trú rộng rãi, kéo dài ngày nằm viện hoặc chuẩn đoán, điều trị không đúng quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế. Thực tế, qua kiểm tra, có những cơ sở y tế chỉ định các bệnh cúm thông thường, viêm họng cũng vào nằm nội trú; kéo dài ngày điều trị, nằm hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu trong tình trạng bệnh không cần đến mức phải nằm hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu…
Để ngăn chặn hành vi trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT, thời gian qua Bảo hiểm xã hội TP đã chủ động tăng cường giám sát thực hiện Chỉ thị số 06 của Bộ Y tế về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh; quản lý tốt việc khám chữa bệnh BHYT; giám sát việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định.
Các bệnh viện đã công khai các khoản chi viện phí để người bệnh giám sát, kiểm soát, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc, trục lợi quỹ BHYT. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng BHYT, qua giám định, bảo hiểm xã hội đã từ chối thanh toán hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, năm 2014 từ chối hơn 23 tỷ. Năm 2015 là hơn 22 tỷ. Năm 2016 là 258 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2017, số tiền bị từ chối thanh toán là hơn 480 tỷ đồng.
Theo bà Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, lý do được đưa ra là do các đơn vị áp sai giá dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế, chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật không hợp lý; thống kê sai số lượng thuốc, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cho bệnh nhân sai về thủ tục hành chính.
Để quản lý quỹ BHYT hiệu quả, bà Đàm Thị Hòa cho rằng, quan trọng nhất là phải thanh toán đúng đối tượng hưởng, đúng mục đích sử dụng, vừa bảo đảm cân bằng quỹ mà vẫn phải bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh của người dân. (An ninh Thủ đô trang 7)
Bảo hiểm y tế góp phần giảm nghèo bền vững
Mặc dù phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều bắt đầu được áp dụng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, nhưng việc hỗ trợ người nghèo nước ta trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục, y tế… đã được quan tâm thực hiện từ rất sớm. Riêng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, từ năm 2005, Điều lệ Bảo hiểm y tế (BHYT) đã quy định người nghèo là nhóm tham gia BHYT bắt buộc, với nguồn kinh phí đóng do ngân sách nhà nước bảo đảm. Trong những năm tiếp theo, việc tham gia BHYT cho người nghèo tiếp tục được luật hóa trong Luật BHYT.
Cùng với quá trình hoàn thiện chính sách BHYT, hằng năm, ngân sách nhà nước đã chi hàng chục tỷ đồng để mua BHYT cho người nghèo, hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT. Qua đó, ngày càng có nhiều người nghèo được tham gia, thụ hưởng quyền lợi BHYT. Nếu như năm 1998 cả nước có 134 nghìn người nghèo có thẻ BHYT thì đến năm 2005 đã có hơn 4,7 triệu người; năm 2009 có hơn 15 triệu người nghèo được cấp BHYT. Đến năm 2017, cả nước đã có hơn 34,2 triệu người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới sáu tuổi được cấp thẻ BHYT.
Trên cơ sở này, mỗi năm có hàng chục triệu người nghèo, người dân tộc thiểu số, người cận nghèo được bảo đảm quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ BHYT. Riêng năm 2017, cả nước có hơn 66 triệu lượt người nghèo, hơn 15 triệu lượt người cận nghèo đi khám chữa bệnh với tổng chi phí được quỹ BHYT thanh toán khoảng 45 nghìn tỷ đồng.
Việc được tham gia BHYT không chỉ giúp người nghèo, cận nghèo tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ y tế ngay từ cơ sở, được bảo đảm sức khỏe tốt hơn, mà còn giúp họ vượt qua được những khó khăn về tài chính khi không may gặp phải rủi ro về sức khỏe, nhất là khi mắc phải những bệnh nặng, phải điều trị dài ngày… Kết quả đó cũng góp phần tích cực vào việc giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, để đến hết năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 5,43%/năm; tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017).
Tại Báo cáo Giám sát sức khỏe toàn cầu năm 2017, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới nghèo đói chính là những rủi ro về sức khỏe. Theo báo cáo, trên thế giới có khoảng 800 triệu người buộc phải chi tiêu ít nhất 10% thu nhập của cả hộ gia đình vào chi phí y tế cho bản thân và các thành viên khác trong gia đình. Với gần 100 triệu người, những chi phí này đủ cao để đẩy họ vào tình trạng nghèo cùng cực…
Từ thực tế đó, WHO và WB đều cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng mà các quốc gia cần thực hiện, đó là BHYT toàn dân, bởi đây chính là giải pháp cho phép mọi người, nhất là người nghèo được tiếp cận thuận lợi nhất với các dịch vụ y tế thiết yếu bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu khi có nhu cầu mà không gặp phải những khó khăn về tài chính. Theo các tổ chức quốc tế, nếu nghiêm túc quan tâm việc bảo đảm sức khỏe của người dân cũng như đẩy lùi nghèo đói, các quốc gia cần quan tâm việc thực hiện BHYT toàn dân, mà trước hết là bảo đảm chính sách BHYT cho những nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có người nghèo.
Cũng bởi tính hiệu quả của giải pháp này mà trong những năm gần đây không chỉ những nước có thu nhập cao mà hơn 40 quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã thay thế chính sách chăm sóc sức khỏe miễn phí bằng việc hỗ trợ cho người dễ bị tổn thương và người nghèo thông qua BHYT.
Như vậy, có thể khẳng định, BHYT người nghèo không chỉ là một giải pháp hiệu quả trong điều kiện của nước ta mà còn là lựa chọn chính sách phù hợp với xu hướng chung của thế giới. (Nhân dân trang 4)
10 sản phẩm đoạt giải cuộc thi “Y tế thông minh năm 2018”
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Y tế thông minh năm 2018” đã diễn ra sáng 18-11 tại Hà Nội. Ban tổ chức đã trao một giải Nhất, hai giải Nhì, ba giải Ba, ba giải Khuyến khích và một giải Triển vọng cho những sản phẩm y tế thông minh nhất và mang tính ứng dụng cao, giúp các cơ sở y tế lựa chọn được những phần mềm phù hợp để triển khai.
Cuộc thi “Y tế thông minh năm 2018” do Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) và Hội tin học Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là lần đầu tiên, một cuộc thi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực y tế được tổ chức. Cuộc thi hướng tới các mục tiêu đánh giá chất lượng các sản phẩm phần mềm ứng dụng trong y tế, trong đó đặc biệt chú trọng các sản phẩm đáp ứng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế đã ban hành. Cuộc thi là cơ sở để hướng tới việc kết nối, liên thông thông tin y tế trên toàn ngành y tế trong tương lai, hướng tới một hệ thống quản lý thông tin y tế hiệu quả, minh bạch, chất lượng. (Nhân dân trang 5)
225 học sinh, giáo viên bị ngộ độc thực phẩm
Ngày 18-11, UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) đã có thông tin chính thức về vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP Hà Nội).
Ngày 14-11, Trường mầm non Xuân Nộn tổ chức liên hoan theo hình thức ăn tự chọn cho giáo viên và học sinh. Một ngày sau buổi liên hoan, cùng lúc nhiều học sinh có các biểu hiện: sốt cao, nôn trớ, đi ngoài… Sau khi sự việc xảy ra, các học sinh đã được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh và Bệnh viện Bắc Thăng Long.
Tổng số có 223 trẻ mầm non và hai giáo viên bị ngộ độc. Chín trường hợp đã được chuyển lên điều trị tuyến trên. Kết quả xét nghiệm cho thấy, các bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Salmonella type 2. Đây là loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột, nóng, sốt, đau bụng tiêu chảy… Đến sáng 18-11, một số bệnh nhân đã được xuất viện, gần 200 bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi, điều trị. UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp Phòng Y tế huyện, UBND các xã, thị trấn quán triệt ngay việc bảo đảm an toàn thực phẩm đến các trường học, đồng thời yêu cầu ban giám hiệu các trường tuyệt đối không tổ chức các bữa ăn tự chọn, không sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn để chế biến. (Nhân dân trang 8)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng trang 6: “Hơn 200 trẻ mầm non và giáo viên ngộ độc nhập viện sau bữa buffer”
Bệnh xá Công an Tây Ninh khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân nghèo
Ngày 18-11, tại xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), đoàn y, bác sỹ Bệnh xá Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng Trạm Y tế xã Cầu khởi tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách và người dân nghèo trên địa bàn.
Tại đây, Bệnh xá Công an tỉnh Tây Ninh đã khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 100 người nghèo với kinh phí cấp thuốc 100.000đ/phần.
Các y, bác sỹ Bệnh xá Công an tỉnh Tây Ninh đã ân cần thăm hỏi, khám bệnh và tư vấn cho người dân các kiến thức phòng tránh một số bệnh phổ biến thường gặp; những bệnh thông thường theo mùa. Giúp người dân nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.
Đây là việc làm thường xuyên của Công an tỉnh Tây Ninh nhằm tri ân những gia đình có công với cách mạng và chung tay cùng xã hội chăm lo cho người dân nghèo. Qua đó, thắt chặt tình quân dân, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sỹ Công an trong lòng người dân. (Công an Nhân dân trang 3)
Gần 200 người hiến máu vì bệnh nhân ung thư
Sáng 18-11, hoạt động hiến máu vì bệnh nhi ung thư – nằm trong chương trình “Ước mơ của Thúy” diễn ra tại Bệnh viện Truyền máu – huyết học đã thu hút hàng trăm người đến tham gia.
Đây là hoạt động do chương trình “Ước mơ của Thúy” (báo Tuổi Trẻ) phối hợp cùng Bệnh viện Truyền máu – huyết học tổ chức hướng về Ngày hội hoa hướng dương 2018, nhằm giúp đỡ bệnh nhi ung thư đang điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM.
Từ 7h đến 11h, buổi hiến máu nhận được sự quan tâm của gần 200 người, thu được 227 đơn vị máu. Đa số những người đến hiến đều là các bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM với mong muốn giúp đỡ, chia sẻ sự sống với bệnh nhi ung thư.
Đến từ 6h30, cô Nguyễn Thị Lệ (sinh năm 1961, sống tại quận Bình Tân) chia sẻ dù đây là lần hiến thứ 3 của mình nhưng do bản thân đang bị cảm nên cô Lệ đã chủ động đi sớm để hỏi thăm thêm bác sĩ. “Tôi cũng đã hỏi trước bác sĩ khi ở nhà rồi. Nhưng vì đây là buổi hiến máu vì các bệnh nhi ung thư nên tôi cũng muốn hỏi lại cho chắc” – cô Lệ nói thêm.
Từng hiến máu đến 6 lần, bạn Nguyễn Thanh Dương – sinh viên trường Cao đẳng Viễn Đông – cho biết vì lo sợ các bệnh nhi ung thư nói riêng và những bệnh nhân mắc bệnh ung thư nói chung thiếu máu để chữa trị nên nếu bản thân đáp ứng đủ về mặt sức khỏe, thời gian là Dương đi hiến ngay.
Vừa nằm trên ghế lấy máu, bạn Lê Hồng Thúy cho hay biết đến hoạt động này từ một chia sẻ trên mạng xã hội. Thấy việc làm có ý nghĩa lại nằm trong khả năng của bản thân nên Thúy đã quyết định đăng kí tham gia để chia sẻ phần nào cho các bệnh nhân. Đây là lần thứ 4 Thúy hiến máu nhưng là lần đầu tiên tham gia hiến máu vì bệnh nhi ung thư.
Tùy từng người đã hiến máu hay chưa để ban tổ chức linh động trong làm các thủ tục để hiến máu, đo, xét nghiệm nhóm máu, kiểm tra các bệnh lây nhiễm qua đường máu,… (Tuổi trẻ trang 11)
Một số bệnh viện không có quy trình điều trị đột quỵ nhưng vẫn giữ bệnh
Tại Hôi thảo cập nhật các phương pháp điều trị đột quỵ, tại TP.HCM vào cuối tuần qua, các chuyên gia cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trong đó, 50% tử vong, số được cứu sống có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, nhiễm trùng đường tiết niệu, khó khăn trong việc nói và nuốt, rối loạn tâm lý.
Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, cho biết 95% người đột quỵ não với 3 dấu hiện cảnh báo: méo miệng, liệt tay và chân cùng bên, rối loạn ngôn ngữ thì cần đến ngay bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt, đến ngay các bệnh viện có điều trị đột quỵ là tốt nhất. Bác sĩ Thắng cảnh báo, nếu bệnh nhân đến bệnh viện không có quy trình điều trị đột quỵ nhưng bệnh viện vẫn giữ bệnh nhân lại, nếu có chuyển viện thì bệnh nhân cũng phải trải qua chụp CT Scanner, MRI… làm mất giờ vàng của bệnh nhân. (Thanh niên trang 3)
Người dân hưởng lợi từ bệnh viện vệ tinh
Trước đây, người dân Hà Tĩnh thường nói với nhau là “đói ăn rau, đau đi Hà Nội”. Còn hiện nay, người dân địa phương này nếu mắc bệnh trọng đã có thể yên tâm chữa bệnh “tại gia”.
Đây cũng là thành công nổi bật nhất của đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT) do Bộ Y tế thực hiện trong nhiều năm qua, giúp người dân nhiều vùng sâu, vùng xa được chữa bệnh gần nhà, tiết kiệm chi phí điều trị.
Mới đây (tháng 9.2018), lần đầu tiên Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Thọ đã áp dụng kỹ thuật mới thành công trên người bệnh 63 tuổi bị phình tách động mạch chủ. Bệnh nhân là bà Bùi Thị V (quê ở Phù Ninh, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng đau ngực lan xuống bụng, đau như dao đâm và được chẩn đoán phình động mạch chủ.
Trước đó, bệnh nhân đã đi khám ở BV tuyến T.Ư và được khuyên nên về BVĐK Phú Thọ để được phẫu thuật. Bác sĩ Đỗ Viết Thắng – Phó Trưởng Đơn vị can thiệp tim mạch cho biết, bà V là người bệnh đầu tiên được thụ hưởng kỹ thuật cao này ngay tại BVĐK Phú Thọ mà không phải chuyển lên tuyến trên.
Theo bác sĩ Thắng, là BVVT của Viện Tim mạch quốc gia (BV Bạch Mai), Trung tâm Tim mạch (BVĐK Phú Thọ) đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó về tim mạch. BV cũng đầu tư cơ sở vật chất khang trang, nhiều máy móc hiện đại, BV rộng rãi nên người bệnh không phải chen chúc, quá tải nếu như phải lên T.Ư.
Ngoài ra, BV Phú Thọ là BVVT chuyên khoa ngoại chấn thương của BV Việt Đức; chuyên khoa Ung bướu của BV K T.Ư. Trong giai đoạn là BVVT của BV Việt Đức (giai đoạn 2005-2009), BV đã đạt được các kết quả khám chữa bệnh tích cực, được đánh giá là một điển hình thành công của đề án BVVT ở giai đoạn thí điểm.
Đến nay, BV Phú Thọ đã làm chủ được nhiều kỹ thuật khó như nội soi ổ bụng, nội soi khớp, tán sỏi laser ngược dòng, phẫu thuật thay khớp háng toàn phần cũng như phẫu thuật cột sống, thần kinh, lồng ngực, gan, mật… Kể cả những bệnh nhân nặng như chấn thương sọ não, vỡ gan, đa chấn thương… cũng được phẫu thuật tại BV. Trước khi chưa triển khai đề án BVVT, mỗi năm có đến 22% bệnh nhân ngoại khoa đến khám, cấp cứu được BVĐK Phú Thọ chuyển lên BV Việt Đức. Nhưng đến nay tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến chỉ còn 2,4%. BVĐK Hà Tĩnh cũng vừa được tiếp nhận các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến giáp (bao gồm bệnh bướu cổ, basedow, cường giáp, ung thư tuyến giáp) bằng thuốc iốt phóng xạ l-131 do các bác sĩ, chuyên gia Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu – BV Bạch Mai dẫn đầu chuyển giao. Đây là BVVT đầu tiên được BV Bạch Mai chuyển giao kỹ thuật này.
PGS-TS Trần Đình Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) nhận định, số lượng bệnh nhân tuyến giáp ở Hà Tĩnh rất đông, từ bệnh nhân basedow, bướu cổ đơn thuần cho đến ung thư tuyến giáp… Tuy nhiên, từ tháng 6.2018, sau khi được “cầm tay chỉ việc” thực hiện nhuần nhuyễn kỹ thuật thì bệnh nhân tuyến giáp tại Hà Tĩnh không phải vất vả chuyển lên Hà Nội, giảm chi phí điều trị.
BVĐK tỉnh Hà Tĩnh là một trong những BV tuyến tỉnh thực hiện đề án BVVT giai đoạn 2013 – 2020 và được triển khai ở 6 lĩnh vực: Ngoại chấn thương, phụ sản, ung bướu, nội tiết, tim mạch và nhi khoa. BV Hà Tĩnh cũng là BVVT của các BV hạt nhân (BVHN) gồm: BV Bạch Mai, BV Phụ sản T.Ư, BV T.Ư Huế, BV Tim Hà Nội, BV Nội tiết T.Ư và BV Nhi T.Ư.
Đến nay, hơn 70 kỹ thuật đã được đào tạo, chuyển giao thành công, trong đó có nhiều kỹ thuật mới, ngang tầm BV T.Ư được thực hiện thường quy tại BV như: Phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp gối, phẫu thuật cột sống… Sau 5 năm, với sự chuyển biến rõ rệt trong chất lượng khám và điều trị, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến tại BVĐK Hà Tĩnh từ vài chục % xuống còn 5%.
(Bộ Y tế) cho biết, 5 năm qua, cả nước đã có 23 BVHN và 138 BVVT. Đã có 2.000 kỹ thuật được chuyển giao cho BVVT với 10 chuyên khoa (ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc). Nhờ chuyển giao thành công, nhiều BV vùng sâu vùng xa, vùng hải đảo đã thực hiện được những kỹ thuật điều trị khó, cứu giúp hàng ngàn ca bệnh cấp cứu khó sống sót nếu phải di chuyển xa.
Đồng thời, BVVT đã giúp giảm tải cho BV tuyến trên, tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh cho người dân. BVVT phát triển rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước, không chỉ dừng lại phát triển ở các BVĐK, chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều BV tuyến huyện như BV Đa khoa Mộc Châu (Sơn La), BV Đa khoa Mường Khương (Lào Cai); Trung tâm Y tế huyện Tam Đường (Lai Châu).
Đánh giá về thành công của Đề án BVVT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: “Các y bác sĩ tuyến dưới được chuyên gia ở tuyến trên “cầm tay chỉ việc”, trình độ tay nghề được nâng lên rõ rệt. Không chỉ có thế, thông qua hệ thống telemedicine, nhiều ca bệnh được hội chẩn trực tuyến, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, tỷ lệ tai biến cũng giảm đi, giảm bệnh nhân tử vong”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nhờ có các BVHN chuyển giao kỹ thuật mà hiện nay, một số BV tuyến tỉnh đã phẫu thuật ghép tạng thành công, nuôi sống trẻ sơ sinh nhẹ cân, BV tuyến huyện cũng đã mổ được nội soi, cứu sống được nhiều ca bệnh nặng… Khi BV tuyến dưới được nâng cao trình độ, thu hút người dân đến điều trị, không đổ dồn lên tuyến trên thì các BV tuyến trên sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung thực hiện các kỹ thuật cao hơn… (Nông thôn Ngày nay trang 1)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Bộ Y tế tích cực cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Bộ Y tế là một trong những cơ quan tích cực thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, điều hành hiệu quả việc quản lý giá vật tư y tế, dịch vụ khám chữa bệnh. Bộ Y tế cũng là một trong các bộ tiên phong đã cắt giảm 72,85% các điều kiện kinh doanh, so với mục tiêu cắt giảm 50% được Chính phủ giao.
Chiều 17/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Y tế về việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực y tế.
Bộ Y tế đã cắt giảm gần 73% điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tháng 11/2018, Bộ Y tế đã chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia với việc kết nối 7/23 thủ tục hành chính (1 ở lĩnh vực thiết bị y tế (TBYT) và 6 thủ tục ở dược). Tiếp đó, tháng 12/2018, Bộ Y tế sẽ hoàn thành kết nối 10 thủ tục hành chính. 6 thủ tục hành chính còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 1/2019. Bộ Y tế cũng đã cắt giảm 1.363/1871 điều kiện đầu tư, kinh doanh (đạt 72,85%) và 169/234 thủ tục hành chính (đạt 72,22%).
Cũng theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, bên cạnh đó, năm 2018, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 4 Thông tư số danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu gắn mã HS ở các lĩnh vực: Thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm; Hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn và trang thiết bị y tế. Bộ cũng ban hành danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc dùng cho người và mỹ phẩm xuất khẩu, nhập khẩu đã xác định mã số hàng hóa, gồm 10 danh mục với hơn 3.000 ngành hàng, gồm tất cả các loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu.
“Nhiều mặt hàng đã được Bộ Y tế quy định không kiểm tra chuyên ngành khi thông quan tại cửa khẩu: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Mỹ phẩm; trang thiết bị y tế; Chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Phương tiện tránh thai và thiết bị y dược cổ truyền cũng được loại khỏi danh mục phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan”- Thứ trưởng Trương Quốc Cường nêu rõ.
Tại buổi làm việc, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng bãi bỏ nhiệm vụ ban hành mã HS đối với mẫu bệnh phẩm. Đề nghị Bộ NN&PTNT bỏ thủ tục kiểm tra, kiểm dịch động vật, thực vật đối với các mặt hàng là dược liệu khi nhập về đã được làm khô thuộc. Rất nhiều loại dược liệu được nhập vào Việt Nam dưới dạng hoa quả khô, trong khi đó, nhập khẩu hoa quả khô lại được ưu tiên thông quan, không kiểm soát như nhập khẩu dược liệu. Vì vậy, rất nhiều dược liệu không nguồn gốc nhập vào Việt Nam.
Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị phân định rõ cơ chế quản lý giữa Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT, ban hành danh mục dược liệu và hoa quả khô quản lý chuyên ngành để tránh tình trạng lợi dụng nhập dược liệu núp bóng hoa quả khô.
Khoảng 98% lô hàng thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế quản lý không phải qua kiểm tra chuyên ngành
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành tham gia đoàn công tác của Chính phủ cũng đã có những ý kiến về các vấn đề liên quan thuộc Bộ Y tế. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị liên quan làm rõ hơn các nội dung thành viên đoàn công tác quan tâm.
Về ý kiến của Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế “cắt giảm, giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; rà soát, loại bỏ 50% số mặt hàng thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành thuộc Bộ Y tế quản lý”, đại diện Bộ Y tế cho biết: Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Y tế được giao quản lý 5 mặt hàng.
Bộ Y tế đã qui định các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu. Theo đó, 5 dòng hàng được miễn kiểm tra. 810 dòng hàng còn lại (trừ 4 mặt hàng là phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước uống đóng chai; nước khoáng thiên nhiên; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm và thực phẩm bổ sung) là thuộc nhóm sản phẩm tự công bố và kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra giảm.
“Như vậy, 95% số lô hàng của 810 dòng hàng này không phải kiểm tra chuyên ngành. Khoảng 98% lô hàng thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế quản lý sẽ không phải qua kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu”- bà Trần Việt Nga- Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phầm thông tin tại buổi làm việc.
Về lĩnh vực quản lý trang thiết bị y tế, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết có khoảng 15.000 chủng loại, mỗi chủng loại đều có sản phẩm ở các mức độ rủi ro khác nhau. Vì thế không thể tổng hợp được danh mục chi tiết toàn bộ các mặt hàng TTBYT, nhưng sẽ liên tục được cập nhật, đảm bảo minh bạch thông tin.
Về lĩnh vực y tế dự phòng, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, việc Bộ Y tế không thực hiện việc cấp số đăng ký lưu hành đối với mẫu bệnh phẩm vì chỉ tính riêng số vi khuẩn, virus hiện đã có hơn 3.400 loại, chưa kể nấm, ký sinh trùng và các vi sinh vật khác. Mẫu bệnh phẩm không cần thiết phải kiểm tra chất lượng và cũng không thể kiểm tra được do có nhiều chủng loại vi sinh vật…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Bộ Y tế là một trong những cơ quan tích cực thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, điều hành hiệu quả việc quản lý giá vật tư y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, góp phần giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Y tế cũng là một trong các bộ tiên phong đã cắt giảm 72,85% các điều kiện kinh doanh, so với mục tiêu cắt giảm 50% được Chính phủ giao.
Chia sẻ với những khó khăn của Bộ Y tế trong việc thực hiện một số thủ tục kết nối một cửa quốc gia vì lĩnh vực y tế theo Phó Thủ tướng là khá nhạy cảm, liên quan mật thiết đến sức khoẻ con người. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục quán triệt chủ trương của Chính phủ để giảm bớt thủ tục, tránh cắt thủ tục này lại “cài cắm” thêm những thủ tục kinh doanh ở những văn bản khác. Bảo đảm cân đối hài hòa giữa cải cách hành chính với chống gian lận thương mại vì là vấn đề liên quan đến sức khỏe, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho dân.
“Tiếp tục quán triệt tinh thần cắt giảm và không ban hành thủ tục hành chính không cần thiết, không phục vụ cho mục tiêu quản lý nhà nước và làm nặng gánh cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hậu kiểm thay vì tiềm kiểm”- Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ quyết tâm thực hiện những chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đẩy mạnh công tác tuyền thông để doanh nghiệp biết đã cắt giảm những thủ tục nào, giảm thủ tục chuyên ngành ra sao để doanh nghiệp biết và giám sát xem chúng ta nói có đúng hay không
Đồng thời Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thông tin thêm, thời gian qua ngành y tế đã luôn tăng cường công tác hậu kiểm. Qua công tác hậu kiểm ngành y tế đã phát hiện nhiều hành vi gian lận thương mại và quảng cáo quá mức cho phép một số mặt hàng thực phẩm chức năng. (Sức khỏe & Đời sống trang 3)
Gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết ở Quảng Nam: Cán bộ y tế “lơ mơ” việc dập dịch
Đến nay, tại tỉnh Quảng Nam có gần 3.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), nguyên nhân dịch lây lan nhanh là do cán bộ y tế cơ sở còn lúng túng trong khâu xử lý phòng chống dịch bệnh.
Gần 3.000 ca bệnh
Ông Nguyễn Văn Văn – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết: Từ đầu năm đến giữa tháng 11.2018, toàn tỉnh có 2.805 ca nhiễm bệnh SXH, giảm 11,5% cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, dịch SXH lại bùng phát tại nhiều địa phương. Trong đó, huyện Phú Ninh, thị xã Điện Bàn và huyện Tây Giang số người bị bệnh SXH tăng hơn so cùng kỳ năm trước. “Dịch SXH tại Quảng Nam vẫn đang diễn biến bất thường, có nguy cơ tiếp tục lan rộng. Do vậy, ngoài việc tập trung điều trị cho những người bị mắc bệnh, ngành y tế tỉnh còn phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp dập dịch; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự diệt bọ gậy bảo đảm vệ sinh môi trường” – ông Văn nói.
Theo ông Văn, nguyên nhân SXH gia tăng và kéo dài trong thời gian qua là do, dịch SXH lần đầu xuất hiện tại Tây Giang và thị xã Điện Bàn nên cán bộ y tế còn lúng túng trong chẩn đoán những ca ban đầu; hơn nữa cán bộ y tế chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý các ổ dịch bệnh SXH và người dân chưa biết được các thông tin liên quan đến việc phòng chống bệnh SXH, từ đó dịch SXH tăng cao.
“Bên cạnh đó, việc triển khai các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật thiếu hiệu quả, chỉ định diện phun hóa chất chưa sát tình hình, thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến chất lượng phun hóa chất và giải quyết triệt để các ổ bọ gậy, lăng quăng tại cộng đồng sinh sôi nẩy nở nhiều. Hiện năng lực phòng chống dịch bệnh SXH của cán bộ y tế các tuyến còn thiếu tính chuyên nghiệp” – ông Văn chia sẻ thêm.
Theo ông Văn, để ngăn chặng dịch bệnh SXH lây lan, ngoài tuyên truyền, vận động người dân tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy và các nội dung liên quan phòng chống bệnh SXH; tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị ca bệnh cho cán bộ y tế tập huấn, mua test chẩn đoán nhanh SXH; tăng cường năng lực phòng chống dịch SXH, tập huấn giám sát muỗi/bọ gậy, kỹ thuật phun hóa chất…
Nông dân tham gia dập dịch
Ngoài các cấp ngành liên quan đang cấp tốc phòng chống dịch SXH, bên cạnh đó Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đang chỉ đạo cho hội viên, nông dân khẩn trường dọn dẹp vệ sinh đảm bảo môi trường không cho muỗi tái sinh.
Ông Phạm Hồng Đức – Phó Chủ tịch HND huyện Phú Ninh cho biết, trên địa bàn huyện dịch SXH bắt đầu bùng phát mạnh từ cuối tháng 8.2018. Đến nay, huyện Phú Ninh là địa phương trong tỉnh có số ca nhiễm SXH bùng phát mạnh, toàn huyện đã có 97 ca nhiễm bệnh SXH; trong đó, xã Tam An đã có 68 trường hợp bị nhiễm SXH ở ba thôn Thuận An, An Thiện và An Thọ. Rất may, vẫn chưa có trường hợp tử vong do SXH.
“Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên, UBND huyện đã có công văn gửi cho các hội, đoàn thể khẩn trường dọn dẹp vệ sinh môi trường, phối hợp với lực lượng phun hóa chất diệt muỗi. Riêng Hội Nông dân huyện cũng yêu cầu các hội viên, nông dân của mình tập trung vào xử lý và phát dọn vệ sinh xung quanh, đặc biệt các chum, ao nước cạnh nhà nhằm không chế muỗi sinh sôi nẩy nở” – ông Đức nói.
Bà Huỳnh Thị Nga (trú xã Tam An, huyện Phú Ninh) cho biết: “Ở thôn tôi chưa xuất hiện dịch SXH nhưng tôi vẫn lo lắng. Tuy nhiên, khi được cán bộ Y tế đến thôn phun thuốc để diệt bọ gậy tôi và các bà con trong thôn cũng yên tâm. Bênh cạnh đó, tôi và mọi người dân trong thôn cũng nâng cao ý thức trong việc dọn dẹp xung quanh khu vườn nhà và rải vôi ở những vũng nước đọng để diệt loăng quăng, bọ gậy đề phòng chống dịch SXH bùng phát”. (Nông thôn Ngày nay trang 1)