Lọc máu kịp thời cứu sống bệnh nhân ngộ độc Phenobarbital
Sáng 26-8, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 thông tin vừa tiến hành lọc máu hấp phụ (lọc máu ngoại bào để loại bỏ độc tố) kịp thời cứu sống một bệnh nhân bị hôn mê sau ngộ độc Phenobarbital (thuốc chống co giật). Bệnh nhân là ông T.T.H. (60 tuổi, ngụ quận 4) đang điều trị rối loạn tâm thần sau di chứng chấn thương sọ não từ năm 3 tuổi. Bệnh nhân được người nhà cho uống thuốc theo toa bảo hiểm y tế, trong đó có Phenobarbital. Đợt này, người nhà lãnh 45 viên Phenobarbital 0,1g và đã cho ông H. uống 5 viên.
Trước khi nhập viện cấp cứu, người nhà phát hiện ông H. nằm lơ mơ trên giường, kế bên là lọ thuốc Phenobarbital đã hết, không có thuốc rơi vãi xung quanh. Nghi ngờ bệnh nhân đã uống khoảng 40 viên Phenobarbital nên người nhà lập tức đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Nhân dân 115. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy. Kết quả thăm khám cho thấy, bệnh nhân bị ngộ độc Phenobarbital. Ngay lập tức bệnh nhân được lọc máu hấp phụ, và tình trạng được cải thiện đáng kể. Sau hơn 8 giờ lọc máu hấp phụ, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo và được xuất viện (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
Béo phì tăng nhanh – thấp còi giảm chậm
Có tới gần 42% học sinh tiểu học ở khu vực thành thị bị thừa cân béo phì. Đối nghịch lại là hơn 20% trẻ em ở nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa bị thấp còi, gầy còm. Thừa cân béo phì gia tăng, thấp còi giảm chậm đang trở thành gánh nặng kép về dinh dưỡng cho trẻ em ở Việt Nam, không chỉ gây ra nhiều hệ lụy nguy hại về sức khỏe mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển thể chất và tầm vóc của trẻ trong tương lai.
Ăn uống bất hợp lý
Mặc dù đã vào lớp 3 nhưng em Nguyễn Thanh Hùng (9 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) xanh xao, thấp còi như học sinh lớp 1 với cân nặng chưa đầy 20kg. Sau khi được người thân đưa tới phòng khám, tư vấn dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia, Hùng được bác sĩ chẩn đoán bị suy dinh dưỡng, còi xương do cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng.
Mẹ của bé Hùng cho biết, dù gia đình luôn cố gắng cho con ăn uống đủ bữa nhưng vì nhà nghèo nên bữa ăn không đủ chất, đồng thời Hùng lại lười ăn và thường xuyên đau ốm…
Theo một số chuyên gia dinh dưỡng, tình trạng nhiều trẻ em ở nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa bị thấp còi, gầy gò, suy dinh dưỡng không còn phổ biến nhưng vẫn khá nhiều. Hầu hết gia đình các em không có điều kiện về kinh tế nên việc ăn uống, bổ sung các chất dinh dưỡng rất hạn chế.
Ngược lại, trẻ em lứa tuổi học đường đô thị lại trong tình trạng thừa cân béo phì gia tăng rất nhanh chỉ vì ăn uống quá nhiều chất và bất hợp lý. Nghiên cứu mới đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia tại 75 trường thuộc 25 xã, phường ở Hà Nội, TPHCM, Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng cho thấy, tình trạng thừa cân béo phì của học sinh tiểu học thành thị chiếm tới 41,9%, trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 17,8%.
Tuy nhiên, tỷ lệ thấp còi, gầy còm của trẻ em nông thôn lại cao hơn nhiều so với trẻ em thành thị. Học sinh trung học cơ sở nông thôn lại có tỷ lệ thấp còi lên tới 20,1%, gầy còm lên tới 15,6%, còn học sinh thành thị chỉ là hơn 3%. Theo ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, đối với học sinh ở thành phố thường có khẩu phần ăn nhiều chất béo, đạm động vật nhưng lại thiếu canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C. Hơn nữa, chế độ ăn uống, sinh hoạt như thường xuyên ngồi trước màn hình tivi, điện thoại, sử dụng nhiều đồ uống ngọt và đồ ăn nhanh làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tình trạng thừa cân béo phì không chỉ khiến trẻ em gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày mà đáng lo hơn cả là nguy cơ gia tăng các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, hẹp tắc động mạch chi, ngừng thở khi ngủ.
Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, không chỉ thường có sức khỏe không tốt, sức đề kháng kém mà sự phát triển về thể chất, tầm vóc cũng bị hạn chế. Tệ hơn, tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi còn làm giảm năng suất lao động khi trẻ đến tuổi trưởng thành. Để giải quyết nghịch lý trên, nhằm mục tiêu cải thiện tầm vóc, thể lực của người Việt, đòi hỏi cần có một chiến lược cải thiện dinh dưỡng và khẩu phần ăn hợp lý cho trẻ em ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
PGS-TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khuyến cáo, với trẻ thừa cân béo phì, gia đình và nhà trường cần thường xuyên theo dõi chế độ dinh dưỡng, tình trạng khẩu phần ăn của học sinh để kiểm soát chặt chẽ chế độ dinh dưỡng của trẻ. Cho trẻ sử dụng thực phẩm hợp lý, nhiều chất xơ, tăng cường rau quả, ăn ít chất béo, bổ sung các loại vi chất cần thiết, tăng hoạt động thể lực ít nhất 60 phút/ngày và giảm thời gian tĩnh của trẻ, đặc biệt cần hạn chế tối đa thời gian xem tivi, điện thoại, iPad đối với trẻ (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
Suýt chết vì ‘sợ đụng dao kéo làm khối u di căn’
Phát hiện ung thư vú cách đây 2 năm nhưng bệnh nhân 61 tuổi (Hà Nội) bỏ dở quá trình điều trị vì tâm lý lo ngại và quan điểm sai lầm “sợ đụng chạm dao kéo làm khối u di căn”. Do không được điều trị, hiện khối u đã di căn, lở loét, sưng nề, chảy dịch mủ vàng phải phẫu thuật. Trước đó, tháng 8/2017 thấy có dấu hiệu bất thường ở vú, bà Nguyễn Thị Tâm T. đi khám và nhận kết luận bị ung thư vú trái, phải truyền hóa chất. TS. Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại vú cho biết: “Sau khi điều trị hóa chất, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, đầu năm 2018 bệnh nhân T. được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú và nạo vét hạch nách theo phác đồ, nhưng đáng tiếc là bệnh nhân từ chối phẫu thuật, bỏ lỡ cơ hội điều trị bệnh, giờ bệnh tiến triển, di căn”.
Bệnh nhân T. cho biết: “Vì tâm lý sợ phẫu thuật nên từ chối điều trị, ở nhà tập pháp luân công, kết hợp năng lực nhà ngoại cảm và sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh với hy vọng khối u nhỏ lại. Không ngờ đến tháng 3/2019, khối u ở vú to lên nhanh và nhô cao, kèm theo đau đầu thường xuyên, thể trạng suy kiệt giảm 8kg, lúc này tôi mới trở lại Bệnh viện K, bấy giờ tôi mới hiểu là muộn”.
Ngày 21/8 vừa qua các bác sĩ đã phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u kích thước 8x12cm, cắt toàn bộ tuyến vú và một phần cơ ngực, vét hạch nách cho bệnh nhân T. Bác sĩ Quang khuyến cáo bệnh nhân nên tuân thủ phác đồ điều trị thì cơ hội điều trị ổn định rất cao. Bác sĩ khuyên để phát hiện sớm ung thư vú, người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú. Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau sạch kinh 3-5 ngày bằng cách tự sờ nắn, khi thấy bất thường, đau tức vú, ngực có hạch ở nách, vú thì cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra. Riêng đối với những trường hợp, trong gia đình có tiền sử người thân bị các bệnh ung thư thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ, nhất là phụ nữ ở tuổi ngoài 40 nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.
Việc sử dụng thuốc nam, đắp lá, thực dưỡng, hay sử dụng sản phẩm chức năng… không phải là phương pháp khoa học có tác dụng điều trị ung thư. Việc tự ý điều trị sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, tiền mất tật mang, khiến người bệnh bỏ lỡ “giai đoạn vàng” của việc điều trị, ung thư sẽ phát triển đến giai đoạn muộn dẫn tới việc điều trị khó khăn hoặc không thể điều trị (Tiền phong, trang 4).
Khó lành bệnh vì suy dinh dưỡng
Thử quan sát một vài ngày ở bệnh viện, chúng tôi phát hiện nhiều người bệnh ăn uống không theo chế độ dinh dưỡng cần thiết dành cho người bệnh.
11h ngày 12-8, các dãy ghế dọc hành lang, các buồng bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chật kín người bệnh và thân nhân.
Tại đây, hầu hết mọi người đang ăn trưa. Qua thăm hỏi được biết đa phần những suất ăn này được mua tại căngtin trong – ngoài bệnh viện, hoặc suất ăn miễn phí được phát trước cổng bệnh viện, chỉ có số ít bệnh nhân ăn khẩu phần ăn do bệnh viện cung cấp.
Sau khi được người thân mở giúp nắp hộp xốp, chị Đ.T.K. (55 tuổi, quê Quảng Ngãi) đưa bàn tay gầy trơ xương với lấy đôi đũa rồi chậm rãi gắp bún vào miệng.
Bữa trưa hôm nay của chị K. là hộp bún thịt nướng với giá 20.000 đồng được mua gần bệnh viện. Thành phần một hộp bún này bao gồm: bún, mỡ hành, một xiên thịt nướng, vài cọng rau thơm và một bịch nước mắm cay.
Ăn được phân nửa, chị K. buông đôi đũa rồi thở dài: “Tôi không thể nuốt nổi nữa. Phần bún còn dư này tôi để lại, khi nào buồn miệng thì ăn tiếp”. Theo người thân chị K., chị bị ung thư vú từ năm 2016, mỗi lần vào thuốc chị K. ăn rất kém nhưng ít khi nhận được tư vấn dinh dưỡng từ bác sĩ điều trị. Cũng từ khi điều trị, chị K. sụt cân liên tục, từ 52kg xuống còn 41kg.
Bước ra khỏi buồng bệnh, tôi gặp ông N.X.H. (68 tuổi, quê Đắk Lắk) ngồi bệt dưới nền gạch và đang cặm cụi ăn suất cơm chay miễn phí được nhận trước cổng bệnh viện. Khi ăn gần hết phần cơm, ông H. lấy bịch canh măng húp 1 hơi dài rồi chừa phần măng lại vì sợ ăn vào người sẽ uể oải.
Ông H. cho biết hiện ông đến bệnh viện để tái khám và nhận thuốc về nhà uống. Trước đó, cách đây 2 năm, ông đã phẫu thuật ung thư tuyến giáp và ung thư đại trực tràng. Trong suốt thời gian nằm viện điều trị, ông H. được nhân viên y tế tư vấn dinh dưỡng nhưng không được rõ ràng. Những ngày về nhà, ông H. ăn theo thực đơn mà các bác sĩ dinh dưỡng chia sẻ trên Internet.
“Tôi không biết bệnh viện có phòng tư vấn dinh dưỡng. Sau khi được xuất viện, tôi nói con cháu lên Internet tham khảo các bài viết của bác sĩ dinh dưỡng rồi chế biến theo đó mà ăn thôi” – ông H. nói.
Vì sao tỉ lệ suy dinh dưỡng cao?
Theo kết quả nghiên cứu “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM” của TS Lâm Vĩnh Niên cùng với cộng sự (năm 2017), tỉ lệ bệnh nhân có tình trạng dinh dưỡng tốt và có nguy cơ suy dinh dưỡng lần lượt là 60,25% và 39,75%. Theo số liệu thống kê khoa dinh dưỡng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, số lượng bệnh nhân đến tư vấn dinh dưỡng tăng dần theo thời gian. Cụ thể, cách đây 5 năm, mỗi tuần khoa tiếp nhận tư vấn dinh dưỡng khoảng 5 bệnh nhân thì hiện nay đã lên đến 70 bệnh nhân.
Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn khiêm tốn so với tỉ lệ suy dinh dưỡng bệnh nhân ung thư điều trị tại bệnh viện là 31%, trong đó 2/3 bệnh nhân vẫn tiếp tục sụt cân trong quá trình điều trị (theo kết quả “Nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư và một số yếu tố liên quan tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM” năm 2017).
BS Trần Thị Anh Tường – trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết quy trình tầm soát và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bệnh nhân nhập viện được thực hiện ở các khoa lâm sàng.
Cụ thể, các bác sĩ và điều dưỡng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân là những người hướng dẫn bệnh nhân ăn uống. Còn những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng hay có các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng sẽ được các bác sĩ chuyển đến khoa dinh dưỡng để được tư vấn hay hội chẩn tại giường.
“Vì nhiều lý do, trong đó có lý do quá tải mà bệnh nhân chưa được hướng dẫn dinh dưỡng một cách cụ thể như mong muốn. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân mang tâm lý sợ bác sĩ, điều dưỡng nên không dám mở lời” – BS Tường chia sẻ.
BS Tường còn cho hay nhiều bệnh nhân có thói quen ăn uống “qua loa” thường ngày, trong khi mỗi suất ăn đã được nhân viên khoa dinh dưỡng tính toán, cung cấp nhưng thực tế không ít trường hợp bệnh nhân nội trú đã chia suất ăn bệnh viện cung cấp cho người nhà để giảm phát sinh chi phí. Điều đáng nói là rất ít thấy bệnh nhân tìm đến khoa dinh dưỡng để được tư vấn trong 5 năm qua, mặc dù đây là một nhu cầu không hề nhỏ khi tiếp xúc với bệnh nhân trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân tại bệnh viện (Tuổi trẻ, trang 14).
T5g.org.vn