Điểm báo ngày 12/9/2019

(CDC Hà Nam)
Cơ hội để bệnh viện Việt Nam nâng cao hiệu quả quản lý; Hà Nội hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người dân sau vụ cháy; Khen thưởng 5 bác sĩ vì cứu sống hai bệnh nhân nước ngoài; …

Cơ hội để bệnh viện Việt Nam nâng cao hiệu quả quản lý

Ngày 11- 9, hội nghị quản lý bệnh viện khu vực châu Á (Hospital Management Asia – HMA) thường niên năm 2019 đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động nhằm cải thiện ngành y tế trên tất cả các lĩnh vực. Một trong những nội dung đã được Bộ Y tế triển khai là đề án bệnh viện vệ tinh, nhằm chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới. Sau 5 năm thực hiện, 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh đã được xây dựng; 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Bên cạnh đó, ngành y tế còn nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất, triển khai chương trình bệnh viện xanh sạch đẹp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai bệnh án điện tử, Telemedicine; tổ chức khám, chữa bệnh theo yêu cầu, nhằm huy động nguồn lực xã hội và đa dạng hóa mô hình cung cấp dịch vụ.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tốt nhưng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam vẫn là nước thu nhập trung bình nên nguồn lực y tế còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề như: nâng cao chất lượng y tế cơ sở; tiếp tục đổi mới phương pháp chi trả dịch vụ; xây dựng hệ thống kiểm định lâm sàng và tiến tới đánh giá chất lượng độc lập, công khai kết quả, gắn với chi trả BHYT.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, hội nghị này là cơ hội để các nhà quản lý, lãnh đạo các bệnh viện học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành bệnh viện với mục tiêu cuối cùng là xây dựng bệnh viện chất lượng và an toàn người bệnh. “Chúng tôi mong muốn, sau hội nghị này, các bệnh viện Việt Nam sẽ không ngừng nâng cao và cải thiện kỹ năng quản lý, điều hành bệnh viện, đặc biệt trong cơ chế tự chủ như hiện nay”, ông Khuê nhấn mạnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

 

Hà Nội hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người dân sau vụ cháy

Ngày 11-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội phối hợp với Trung tâm y tế quận Thanh Xuân tổ chức truyền thông hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cộng đồng sau vụ cháy tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho người dân phường Thanh Xuân Trung.

Tham dự buổi truyền thông là các cán bộ ban, ngành của phường, lãnh đạo cụm dân cư, tổ dân phố; cộng tác viên dân số, y tế… Đây cũng là lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt để tiếp tục thông tin, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn. Các bác sĩ khuyến cáo người dân những người có nguy cơ về sức khỏe sau vụ cháy và cần được khám và tư vấn về sức khỏe. Đó là người lao động trong công ty, người trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, xử lý môi trường; những người khác trực tiếp có mặt trong khuôn viên của công ty trong thời gian xảy ra cháy. Người dân sinh sống và làm việc trong khu vực bán kính 500m tính từ hàng rào của công ty trong thời gian xảy ra cháy.

Hiện tại, ngành y tế Hà Nội đang tổ chức khám và tư vấn sức khỏe cho người dân tại trạm y tế phường Hạ Đình và trạm y tế phường Thanh Xuân Trung từ ngày 6-9 đến hết ngày 12-9-2019. (Tiền phong, trang 4)

 

Hợp tác y tế giữa Việt Nam và Cu-ba mang lại hiệu quả cao

Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu-ba Đồng Hới (Quảng Bình) những năm gần đây có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho người dân. Có được điều đó là nhờ bệnh viện tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật cao và nhất là thực hiện hiệu quả chương trình hợp tác quốc tế thông qua việc mời các chuyên gia y tế Cu-ba sang làm việc lâu dài.

Lịch sử hình thành Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu-ba Đồng Hới gắn liền với tên tuổi của vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước Cu-ba, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô. Năm 1973, khi đến thăm “đất lửa” Quảng Bình, chứng kiến cảnh đau thương, mất mát do chiến tranh đối với những người dân nơi đây, lãnh tụ đất nước Cu-ba quyết định xây dựng một bệnh viện hiện đại để tặng tỉnh Quảng Bình nhằm phục vụ nhân dân địa phương và thương binh từ chiến trường miền nam ra. Cu-ba đã cử hàng trăm chuyên gia, kỹ sư, công nhân đến Đồng Hới để cùng với công nhân Việt Nam xây dựng bệnh viện. Hầu hết toàn bộ vật tư, vật liệu, trang thiết bị của bệnh viện đều được chuyển từ Cu-ba sang.

Từ một bệnh viện ban đầu quy mô nhỏ, đến nay, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu-ba Đồng Hới đã đạt quy mô hơn 900 giường bệnh; có hơn 700 cán bộ, viên chức và người lao động, trong đó hơn 200 người có trình độ đại học và sau đại học. Gần đây, bệnh viện chia tách và thành lập mới các khoa, phòng để phát triển theo hướng chuyên sâu, đồng thời đầu tư nhiều trang thiết bị y tế mới, hiện đại để nâng cao chất lượng, khám, chữa bệnh. Đáng chú ý, nhằm tiếp cận, cập nhật kiến thức y học tiên tiến của nước bạn, bên cạnh việc cử bác sĩ sang Cu-ba để học tập kinh nghiệm chuyên môn, kiến thức quản lý, phát triển kỹ thuật mới, lãnh đạo Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu-ba Đồng Hới đã sang làm việc với Bộ Y tế Cu-ba về chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thông qua mối quan hệ tốt đẹp, thủy chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Cu-ba nói chung, giữa ngành y tế hai nước nói riêng, lãnh đạo Bộ Y tế Cu-ba đã cử nhiều chuyên gia, bác sĩ giỏi sang làm việc lâu dài tại Quảng Bình, mở ra triển vọng mới cho sự phát triển của lĩnh vực y tế tại tỉnh miền trung còn nhiều khó khăn này.

Từ tháng 4-2018, bốn chuyên gia y tế của Cu-ba là P.Bê-ni-tét (bác sĩ lĩnh vực tim mạch can thiệp); C.An-phông-xô (bác sĩ phẫu thuật thần kinh sọ não); A.Ghê-va-ra (bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình); A.Mi-rê-tê (bác sĩ khoa ung bướu) chính thức làm việc tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu-ba Đồng Hới với thời gian là hai năm. Đầu tháng 7 vừa qua, bệnh viện đón thêm hai chuyên gia y tế ở lĩnh vực nhi khoa và ung bướu của Cu-ba sang làm việc. Đây đều là các lĩnh vực mà nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân rất cao và bệnh viện đang cần. Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu-ba Đồng Hới Dương Thanh Bình cho biết, cùng với các bác sĩ của bệnh viện, nhóm chuyên gia y tế của Cu-ba với trình độ và bề dày kinh nghiệm của mình đã phối hợp và trực tiếp khám, chữa bệnh cho người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh; đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế của bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế trên địa bàn.

Bác sĩ C.An-phông-xô chia sẻ, ông đã làm chuyên gia y tế tại hàng chục nước trên thế giới, song cảm giác thú vị nhất là khi đến với Việt Nam, lại được làm việc tại bệnh viện là quà tặng của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô cho nhân dân Quảng Bình. Đến Việt Nam, ông và các đồng nghiệp nhận được tình cảm và tạo mọi điều kiện của lãnh đạo bệnh viện, cũng như sự giúp đỡ của người dân.

Trước đây, những ca bệnh nặng hoặc chuyên khoa thiếu bác sĩ giỏi, người bệnh thường xin chuyển tuyến vào Huế hoặc ra Hà Nội. Song hiện nay, việc chuyển tuyến giảm hẳn và người bệnh rất tin tưởng khi được các bác sĩ Cu-ba trực tiếp điều trị. Mới đây, bệnh nhi Trương Cao Cát Tường, 5 tuổi, quê ở huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình) nhập viện trong tình trạng đau khớp háng phải. Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận mắc bệnh perthes (tình trạng hoại tử một phần hoặc toàn bộ chỏm xương), nếu được điều trị bằng phương pháp bảo tồn, trong đó có bó bột cố định khớp háng thì khó khăn cho bệnh nhi trong quá trình sinh hoạt và ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Bác sĩ A.Ghê-va-ra đã sử dụng nẹp chuyên dụng (mang từ Cu-ba sang) để hỗ trợ điều trị bệnh nhi. Chỉ sau thời gian ngắn, sức khỏe của cháu bé có sự cải thiện rõ rệt và đi lại bình thường…

Theo bác sĩ Dương Thanh Bình, với sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia y tế Cu-ba, không chỉ giúp điều trị các ca bệnh khó, bệnh nặng ngay tại đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi và giúp người bệnh tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại mà còn tạo ra môi trường làm việc mới năng động và chuyên nghiệp hơn. Các cán bộ, y sĩ, bác sĩ dành nhiều thời gian học ngoại ngữ để trao đổi, làm việc với các chuyên gia y tế Cu-ba. Qua các buổi hội chẩn, trao đổi kinh nghiệm với các bác sĩ Cu-ba, trình độ và việc xử lý các ca bệnh của bác sĩ trong bệnh viện cũng được nâng lên, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Thời gian tới, Bệnh viện Việt Nam – Cu-ba Đồng Hới sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Y tế Cu-ba cử thêm hai chuyên gia sang làm việc, đồng thời xin kéo dài thời gian công tác từ hai lên ba năm và thậm chí lâu hơn để có thêm thời gian hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Mặt khác, bệnh viện tiếp tục cử cán bộ sang tham gia các khóa đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn tại Cu-ba để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của đơn vị trong giai đoạn mới. (Nhân dân, trang 5)

 

Thảo luận kinh nghiệm trong quản lý bệnh viện

Ngày 11-9, Hội nghị quản lý bệnh viện châu Á năm 2019 khai mạc tại Hà Nội thu hút sự tham gia của hơn 1.300 đại biểu là các diễn giả, nhà quản lý, lãnh đạo các bệnh viện hàng đầu trong khu vực cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành bệnh viện. Mục tiêu cuối cùng của mọi giải pháp là bệnh viện chất lượng và an toàn người bệnh. Năm chủ đề chính của hội nghị năm nay là: An toàn, chất lượng và kiểm định; chăm sóc bệnh nhân và cam kết; quản lý nhân tài; chăm sóc sức khỏe 4.0 và tính bền vững của tài chính thông qua đầu tư. Tại hội nghị ban tổ chức cũng trao giải thưởng quản lý bệnh viện châu Á nhằm công nhận và vinh danh các bệnh viện ở châu Á – Thái Bình Dương hành nghề tốt nhất.

Phát biểu ý kiến ở phiên toàn thể, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, để bảo đảm sức khỏe cho gần 100 triệu người, ngành y tế Việt Nam luôn thực hiện phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”, cung cấp dịch vụ an toàn, chất lượng và hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Các giải pháp đang được triển khai là: nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe; cải tiến các quy trình khám bệnh, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế; khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế để có nguồn tài chính bền vững… (Nhân dân, trang 5)

 

Phẫu thuật thành công nạn nhân bị cây sắt lớn đâm

Chiều 11-9, bác sĩ Văn Hữu Khánh, Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị cây sắt lớn đâm từ vùng chẩm cổ ra đến tận góc hàm dưới. Bệnh nhân là ông Nguyễn Xuân Cường, 61 tuổi, trú xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc.

Trước đó, vào khoảng 14 giờ, chiều 9-9, ông Cường trèo lên tường rào chặt cây cao khoảng 2m thì bất ngờ bị té ngã và bị cây sắt phi 10 cắm xuyên vào vùng chẩm cổ ra đến tận góc hàm dưới. Ngay sau khi phát hiện, người thân của ông Cường đã cưa thanh sắt này và nhanh chóng chuyển nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh.

Tại bệnh viện, nạn nhân được các bác sĩ sơ cứu, băng và cố định cây sắt rồi cho chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên ngay trong chiều cùng ngày.

Theo bác sĩ Khánh, do bệnh nhân có tiền sử suy tim đã thay van tim cơ học nhân tạo chín năm và uống thuốc chống đông máu liên tục nên bị rối loạn đông máu. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ của nhiều khoa đã hội chẩn khẩn, xác định đường đi của thanh sắt bắt đầu từ vùng chẩm cổ ra đến góc hàm dưới bên phải và có liên quan các nhóm mạch máu.

“Bệnh nhận được truyền hai đơn vị huyết tương, xem xét chỉ số đông máu ổn định thì mới bắt đầu phẫu thuật. Trong quá trình mổ, bệnh nhân vẫn còn nguy cơ đông máu nên được truyền thêm ba đơn vị huyết tương, một đơn vị máu và ca mổ kéo dài hơn ba giờ đồng hồ ngay trong đêm”, bác sĩ Khánh cho hay.

Cũng theo bác sĩ Khánh, rất may thanh sắt đã xuyên qua giữa hai mạch máu lớn, làm tổn thương nhẹ thành của động mạch cảnh ngoài, nếu chỉ lệch khoảng 3-5mm khiến đứt động mạch cảnh ngoài thì bệnh nhân có thể tử vong.

Hiện, bệnh nhân đang phục hồi sức khỏe và tiếp tục được điều trị, theo dõi tại bệnh viện. (Nhân dân, trang 5)

 

Nhiều sáng kiến và nỗ lực vì người bệnh

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), sáng kiến được đánh giá cao nhất là xây dựng và triển khai bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện. Bộ tiêu chí đã giúp các bệnh viện tự nhìn lại thực trạng hiện nay, xác định những vấn đề bất cập, lựa chọn các vấn đề cấp bách và những vấn đề cần làm ngay để nâng cao chất lượng bệnh viện, đáp ứng nhu cầu của người dân. Sau ba năm thí điểm áp dụng đánh giá bệnh viện theo Bộ tiêu chí, nhiều bệnh viện đã có những chuyển biến rất tích cực, chất lượng được cải tiến nhiều mặt dựa trên các kết quả đánh giá. Với tinh thần “Chất lượng là hành trình, không phải là đích đến”, Bộ tiêu chí được điều chỉnh lại gồm 83 tiêu chí, 1.595 tiểu mục đã tiếp cận với các bộ tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trên thế giới, vừa có tính khoa học, thực tiễn cao, đồng thời có tính sáng tạo. Mỗi tiêu chí được chia thành năm bậc thang chất lượng để các bệnh viện phấn đấu, phù hợp với điều kiện đơn vị mình. Quan điểm chủ đạo của bộ tiêu chí là “lấy người bệnh làm trung tâm”, “an toàn người bệnh là số một”.Thời gian qua, ngành y tế đã và đang triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Khi đến bệnh viện, người bệnh được điều trị, chăm sóc ngày một tốt hơn và hình ảnh người thầy thuốc ngày càng đẹp hơn.

Đến nay, Bộ tiêu chí đã được áp dụng tại hơn 1.400 bệnh viện trên toàn quốc, từ các tuyến trung ương đến tỉnh, huyện và tư nhân. Về cơ bản, bộ mặt của toàn bộ hệ thống các bệnh viện đã có những thay đổi tích cực hết sức rõ rệt, kể cả bệnh viện huyện ở những vùng sâu, vùng xa. Người bệnh được chăm sóc tốt hơn, hài lòng hơn, chất lượng nguồn nhân lực và điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân viên y tế cũng từng bước được nâng lên. Tính chung trên toàn quốc, các bệnh viện năm 2018 đã đạt mức 3 là mức khá, mức chất lượng “chấp nhận được”; một số bệnh viện tuyến trung ương đã đạt mức 4, là mức chất lượng tốt.

Ước tính mỗi năm có 150 triệu lượt khám bệnh tại bệnh viện và hàng triệu ngày điều trị nội trú. Như vậy, hàng triệu người dân được hưởng lợi từ những cải tiến chất lượng bệnh viện. Hiệu quả mang lại từ sự cải tiến của các bệnh viện rất to lớn, nhất là nhiều thay đổi không thể tính được bằng tiền vì không gì quý hơn sinh mệnh và sức khỏe con người. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đã tổ chức triển khai thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh; 93% số bệnh viện có tiến hành cải tạo cơ sở hạ tầng khoa khám bệnh, mua sắm bổ sung trang thiết bị cho khu vực ngồi chờ khám bệnh (bàn, ghế, quạt điện, có đặt hệ thống phát số thứ tự khám bệnh tự động…; quy trình khám bệnh giảm từ 12 đến 14 bước xuống còn từ 4 đến 8 bước (tùy theo loại hình khám bệnh); so với năm 2012 thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút trên một lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/năm.

Nhằm nâng cao chất lượng xét nghiệm y học, Bộ Y tế xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực công tác kiểm chuẩn chất lượng hệ thống xét nghiệm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Sau ba năm triển khai Đề án đã cho thấy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực hệ thống kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học; hình thành, phát triển mạng lưới phòng xét nghiệm tham chiếu trên toàn quốc; từng bước liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các phòng xét nghiệm. Đến nay, cả nước có ba trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm (thuộc Trường đại học Y Hà Nội, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh); 4.309 phòng xét nghiệm và các trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm thực hiện ngoại kiểm tra; hơn 60 phòng xét nghiệm y học đã bảo đảm tiêu chuẩn liên thông kết quả xét nghiệm. Nhờ đó, kết quả xét nghiệm từng bước bảo đảm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng, liên thông kết quả xét nghiệm đã giúp tiết kiệm trung bình hơn 237 tỷ đồng mỗi năm vì người bệnh không phải xét nghiệm nhiều lần, đồng thời hội nhập mạng lưới kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm trong khu vực và trên thế giới.

Mục tiêu các bệnh viện hiện đang hướng tới là sự hài lòng của người bệnh, không chỉ dừng lại ở việc chữa đúng, chữa đủ, chữa khỏi cho người bệnh. Với tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm, Bộ Y tế đã xây dựng và thiết lập hệ thống khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế trên toàn quốc bằng phần mềm trực tuyến. Qua ba năm triển khai từ 2017 đến 2019, đã có hơn 2,5 triệu lượt phiếu khảo sát, tỷ lệ hài lòng người bệnh đã đạt 80,6% với người bệnh nội trú và 75% với người bệnh ngoại trú. Việc khảo sát sự hài lòng ở người bệnh, nhân viên y tế giúp bệnh viện xác định vấn đề làm người bệnh chưa hài lòng, các ưu tiên giải quyết trước cải tiến chất lượng… Đáng chú ý, hiện nay trên thế giới mới chỉ có Việt Nam thiết lập được hệ thống khảo sát hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế ở cấp quốc gia…

Đến nay, nội dung “Nuôi con bằng sữa mẹ” cũng được ngành y tế lồng ghép vào đánh giá chất lượng bệnh viện để thúc đẩy các bệnh viện tổ chức truyền thông, hướng dẫn, khuyến khích và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Sáng kiến này mang tính đột phá, sáng tạo, tiên phong trên toàn cầu khi Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới chính thức đưa việc nuôi con bằng sữa mẹ vào Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Các kinh nghiệm, bài học của Việt Nam đã lan tỏa trên thế giới và được WHO và UNICEF sử dụng để cập nhật hướng dẫn thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Hàng triệu trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ giúp hệ miễn dịch hoàn thiện, phát triển tốt hơn. Mặt khác, việc thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ giúp hàng triệu đoàn viên công đoàn là người lao động được nghỉ thai sản sáu tháng để bảo đảm con được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoàn toàn. (Nhân dân, trang 5)

 

Khen thưởng 5 bác sĩ vì cứu sống hai bệnh nhân nước ngoài

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Quyết định số 4820/QĐ-UBND về việc khen thưởng thành tích đột xuất cho các cá nhân thuộc Bệnh viện Tim Hà Nội đã phẫu thuật, điều trị, cứu sống hai bệnh nhân người nước ngoài mắc bệnh tim hiểm nghèo.

Theo quyết định, 5 cá nhân xuất sắc được tặng Bằng khen của UBND thành phố, đó là Tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện; bác sĩ Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu; Tiến sĩ Vũ Thị Thục Phương, Trưởng khoa Gây mê hồi sức; Tiến sĩ Trần Mai Hùng, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức và bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Khoa Nội.

Trong số hai bệnh nhân nước ngoài được cứu sống là một người đàn ông 79 tuổi, ở Đài Loan (Trung Quốc). Khi đang đi du lịch tại Hà Nội, người đàn ông này bị đau ngực dữ dội, huyết áp tụt và được đưa đến Bệnh viện Tim Hà Nội cấp cứu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị vỡ tim do nhồi máu cơ tim, cơ hội sống chỉ còn chưa đến 1%… Sau 3 tuần nằm viện, bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện về nước.

Còn bệnh nhân thứ hai là bé gái 2 tuổi người Lào, bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp. Khi được gia đình đưa vào Bệnh viện Tim Hà Nội, cháu bé đã tím tái do bệnh tiến triển nặng, nguy cơ tử vong cao. Sau khi được các bác sĩ phẫu thuật, cháu bé đã hồi phục ngoài mong đợi của gia đình. (Gia đình & xã hội, trang 4).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 17/5/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/2/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 06/10/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận