Điểm báo ngày 14/11/2019

(CDC Hà Nam)
Hướng đến sự hài lòng của người bệnh; Sơ cấp cứu tại cộng đồng: Quan tâm phổ biến, nhân rộng; Ngành y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…

 

Khai trương Cổng dịch vụ công Bộ Y tế

Ngày 13/11, Bộ Y tế tổ chức Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế. Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế đi vào hoạt động sẽ cho phép công dân/doanh nghiệp dễ dàng tiến hành nộp hồ sơ trực tuyến, tự tra cứu và biết được tình trạng giải quyết thủ tục hành chính của mình mà không phải đến tận nơi cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, công dân/doanh nghiệp có thể giám sát chất lượng các dịch vụ công một cách công khai, minh bạch, thông qua phản hồi, đánh giá quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình.

Ngoài ra, Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế còn giúp cải tiến, nâng cấp và đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, nhằm từng bước cải thiện sự phục vụ công dân/doanh nghiệp với chất lượng và hiệu quả tốt nhất; đồng thời tiết kiệm được chi phí do tập trung quản lý tại một hệ thống duy nhất.

Hiện nay, Bộ Y tế là một trong 3 Bộ tiên phong kết nối Cổng Dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công các Bộ ngành và đã thử nghiệm kết nối với Cổng Dịch vụ công địa phương (tỉnh Bắc Ninh). Đồng thời, Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế cũng sẽ được liên thông, kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Y tế, Cổng Một cửa Quốc gia và tới các địa phương trong cả nước trong lộ trình tiếp theo. (Công an nhân dân, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 5: “Khai trương Cổng dịch vụ công Bộ Y tế”; Báo Nhân dân, trang 5: “Khai trương Cổng dịch vụ công Bộ Y tế”; Báo An ninh Thủ đô, trang 6: “Bộ Y tế tích hợp tất cả dịch vụ công trực tuyến vào một cổng dùng chung”.

 

Bị áp xe ổ bụng do xương cá dài 3 cm

Ngày 13-11, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, Cần Thơ cho biết các bác sĩ vừa điều trị, phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật xương cá dài 3 cm cho nữ bệnh nhân là bà Trần Thị A. (SN 1956, ngụ Hậu Giang). Cách đó khoảng 2 tuần người bệnh đau bụng, dù đã điều trị ở nhiều nơi nhưng không giảm. Nhận thấy tình trạng không cải thiện, sáng 11-11, người nhà đưa bệnh nhân đến cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng đau âm ỉ hố chậu phải.

Qua thăm khám lâm sàng phối hợp với cận lâm sàng, xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán áp xe ổ bụng do dị vật và chỉ định cần phẫu thuật cấp cứu. Bác sĩ nhận định đây là trường hợp khó vì người bệnh lớn tuổi trên nền nhiều bệnh kèm theo. Theo bác sĩ, ổ áp xe kích thước khoảng 5×7 cm. Bác sĩ đã lấy được dị vật là xương cá 3 cm nằm trong ổ áp xe, đặt dẫn lưu túi cùng ổ bụng.

Theo bệnh viện, xương cá, tăm xỉa răng là dị vật thường bị nuốt phải. Người bệnh có nguy cơ tử vong do dị vật sắc nhọn xuyên thủng ống tiêu hóa ra ổ bụng hoặc tạo những ổ nhiễm trùng trong lồng ngực, ổ bụng, nếu không phát hiện và phẫu thuật sớm. Bác sĩ khuyến cáo người dân, khi không may nuốt phải dị vật, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Sơ cấp cứu tại cộng đồng: Quan tâm phổ biến, nhân rộng

Tai nạn thương tích có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu và nếu được sơ cấp cứu đúng cách, kịp thời, người bị nạn sẽ giảm tình trạng thương tật. Trước những hiệu quả thấy rõ, hoạt động sơ cấp cứu tại cộng đồng được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội quan tâm phổ biến, nhân rộng.

Tăng 50% cơ hội sống

Cuối tháng 8-2019, khi đi tuần tra đêm, tổ công tác của Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy số 2, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) nghe thấy tiếng kêu cứu tại khu vực km 195, bờ trái sông Hồng, thuộc địa bàn xã Võng La (huyện Đông Anh). Lập tức tổ công tác đã tiếp cận được nạn nhân và đưa lên xuồng. Lúc này, nạn nhân đã bất tỉnh. Nhờ những kỹ năng sơ cấp cứu được trang bị, các chiến sĩ cảnh sát đã sơ cứu kịp thời cho nạn nhân, sau đó gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện. Kết quả, sức khỏe của nạn nhân hồi phục sau ít ngày điều trị.

Trước đó, một thanh niên bị tai nạn giao thông khá nghiêm trọng trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) được anh Nguyễn Tiến Hùng, trú tại quận Nam Từ Liêm tiến hành sơ cấp cứu đúng cách tại hiện trường. Sau đó, anh Hùng đưa nạn nhân đến Bệnh viện E cấp cứu kịp thời.

Không may mắn như hai trường hợp nêu trên, việc tiến hành sơ cấp cứu không đúng cách làm cho không ít nạn nhân bị thương nặng hơn. Chị L.T.A (trú tại huyện Sóc Sơn) kể, người thân của chị là anh L.T.T. không may bị tai nạn giao thông, chấn thương đốt sống cổ. Thấy vậy, những người chứng kiến đã bế xốc anh T. lên xe máy đưa đi cấp cứu. Việc sơ cứu vội vàng, không đúng cách khiến anh T. bị chèn ép tủy, hiện bị liệt hai chi dưới. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích ở Việt Nam và Hà Nội không phải là ngoại lệ. Nếu được sơ cấp cứu đúng kỹ thuật, người bị tai nạn giao thông sẽ tăng 50% cơ hội sống. Tuy nhiên, đa số người chứng kiến thường có tâm lý phải đưa nạn nhân đi cấp cứu càng nhanh, càng tốt, nên họ vội vàng bế, vác, cõng nạn nhân di chuyển vào bệnh viện. Phương pháp hỗ trợ này có thể làm cho nạn nhân bị thương đốt sống cổ hoặc xương chậu ở tình trạng nhẹ, trở nên nặng hơn, thậm chí tử vong.

Nỗ lực triển khai

Hiểu rõ tầm quan trọng của hoạt động sơ cấp cứu tại cộng đồng, ngành Y tế Thủ đô đã, đang tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, địa phương quan tâm nhân rộng, phát triển hoạt động này đến mọi người dân. Đến thời điểm này, 30/30 quận, huyện, thị xã hình thành những điểm sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng. Đại đa số trường học từ bậc tiểu học trở lên đã thành lập các hội, chi hội chữ thập đỏ, mỗi chi hội thu hút hàng chục học sinh có tấm lòng nhân ái tham gia. Đây cũng là lực lượng nòng cốt được trang bị các kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu; qua đó các em có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn cho bạn bè và những người xung quanh.

Ông Nguyễn Thành Khang, Trưởng phòng Y tế huyện Mê Linh cho biết, hằng năm các xã, thị trấn trên địa bàn huyện mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu tại chỗ cho thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích cấp xã và đội ngũ cộng tác viên y tế thôn. Các đơn vị tổ chức các cuộc thi, hội thi cộng tác viên sơ cấp cứu giỏi, nhằm nâng cao năng lực sơ cấp cứu cho người dân tại cộng đồng. Nhờ đó, số trường hợp bị tai nạn thương tích trên địa bàn huyện giảm dần. Tại quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng…, lực lượng thanh, thiếu niên cũng sôi nổi tham gia hội thi sơ cấp cứu và phòng, chống tai nạn thương tích được tổ chức thường niên. “Tìm hiểu về kỹ năng sơ cấp cứu giúp chúng em có thể nắm bắt cơ hội sống cho mình và cho người khác nếu biết sơ cấp cứu đúng cách, đúng thời điểm”, em Nguyễn Thùy Trang, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) phản ánh.

Về phía người dân, ông Nguyễn Đình Vơ, số nhà 14, ngõ 82, phố Lương Yên, phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) khẳng định: “Nhờ những kiến thức thu được sau khi tham gia các lớp tập huấn về sơ cấp cứu, năm 2018, tôi đã sơ cứu kịp thời cho người thân khi bị ngã, gây chấn thương; đồng thời có thể hỗ trợ những người xung quanh khi cần”.

Với những hiệu quả đã được khẳng định, hy vọng các ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục đầu tư nguồn lực vật chất, con người để phát triển mô hình sơ cấp cứu tại cộng đồng. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Xu-đăng

Sáng 13-11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, đưa 63 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) tại Phái bộ Nam Xu-đăng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ chủ trì buổi lễ.

Báo cáo tại buổi lễ, Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, sau một năm làm nhiệm vụ tại Nam Xu-đăng, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã khám, chữa bệnh cho gần 2.000 bệnh nhân, phẫu thuật 59 ca, trong đó có 19 ca trung phẫu, đại phẫu, năm trường hợp vận chuyển bằng đường không lên bệnh viện tuyến trên bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trao Quyết định của Chủ tịch nước cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. Ðồng chí khẳng định, việc Việt Nam tiếp tục cử lực lượng Quân đội tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ ở cả cấp độ cá nhân và đơn vị, thể hiện ý chí chính trị nhất quán, chủ trương tích cực trong việc đóng góp duy trì hòa bình, an ninh tại khu vực và trên thế giới, phù hợp những cam kết của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại các hội nghị cấp cao và các diễn đàn quốc tế. Giao nhiệm vụ cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đoàn kết chặt chẽ, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Việt Nam và LHQ giao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cần phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các sĩ quan và đơn vị, các nước hoạt động tại phái bộ, trở thành những đại sứ hòa bình của Việt Nam, góp phần tô thắm hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình trong mắt bạn bè thế giới. (Nhân dân, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 2: “Bệnh viện dã chiến số 2 cấp 2 chuẩn bị tới Nam Sudan”; An ninh Thủ đô, trang 1: “Bệnh dã chiến số 2 lên đường đến Nam Sudan tham gia gìn giữ hòa bình”.

 

Ngành y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích hơn so với dùng tiền mặt như: An toàn, nhanh chóng, chính xác và công khai, minh bạch. Người bệnh cũng tiết kiệm được thời gian, từ đó tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế.

Đến nay, 100% bệnh viện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý bệnh viện ở các mức độ khác nhau, một số bệnh viện đã bước đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; 99,5% các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong công tác hiện đại hóa hành chính, Bộ Y tế đã đạt các chỉ tiêu do Chính phủ giao, triển khai được nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Một số hệ thống thông tin y tế có quy mô quốc gia đã được triển khai như: Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng, Hệ thống ngân hàng dữ liệu dược, Hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành dân số – kế hoạch hóa gia đình, Hệ thống thống kê y tế điện tử, Hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử… Có thể khẳng định, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong công tác đào tạo nhân lực y, dược. Kết quả ứng dụng CNTT trong y tế thời gian qua tạo bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa y tế, đặc biệt là số hóa bệnh viện, hướng tới bệnh viện thông minh; đồng thời đây cũng là nền tảng quan trọng để triển khai thanh toán điện tử đối với các dịch vụ hành chính công, viện phí…

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, đến nay, trong toàn ngành y tế đã có khoảng 30 bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan, một số bệnh viện đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán viện phí, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh.

Tuy nhiên, phương thức thanh toán điện tử trong ngành y tế còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử hiện còn thấp; việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử trong hầu hết các giao dịch. Hiện nay, vẫn còn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử; chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cho các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, miền núi; cán bộ bệnh viện nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa thanh toán không dùng tiền mặt nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay còn thấp. Một rào cản lớn nữa là phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn khá cao và bệnh viện chưa có các cơ chế tài chính để chi trả phí giao dịch điện tử.

Nhận thức rõ lợi ích của thanh toán điện tử và để đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành y tế, Bộ Y tế triển khai kế hoạch thực hiện thanh toán các chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Các giải pháp được tập trung thực hiện là: Quán triệt trong toàn ngành về ý nghĩa và lợi ích của phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đơn vị và vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Từ nhận thức đầy đủ về lợi ích và ý nghĩa của thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị trong toàn ngành phải có kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực và các điều kiện cần thiết để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị. Các cơ sở y tế phải chủ động phối hợp các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hợp pháp để thanh toán chi phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ðối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị phải triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trước ngày 31-12-2019 theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ.

Các cơ sở y tế triển khai nhiều giải pháp để người dân dễ dàng và thuận lợi thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Công bố công khai số tài khoản, hướng dẫn nội dung chuyển tiền để người dân có thể chuyển tiền thanh toán chi phí dịch vụ y tế. Ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Ðối với triển khai hình thức thanh toán thông qua QR Code, khi triển khai cần lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán đáp ứng theo tiêu chuẩn cơ sở TCVN 03:2018 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành và chuẩn cấu trúc thông tin QR Code y tế do Bộ Y tế quy định. Ðối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế cần phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân. Mặt khác, tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán điện tử, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán chi phí dịch vụ y tế…

Việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị quyết của Chính phủ là một nhiệm vụ chính trị của ngành y tế. Phát huy những thành tựu đạt được trong thời gian vừa qua nhất là các thành tựu về ứng dụng CNTT; đồng thời khắc phục những bất cập, khó khăn khi triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, chúng ta tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của bộ, ngành và địa phương, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cán bộ trong ngành, ngành y tế sẽ triển khai thành công thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chủ trương của Chính phủ, góp phần xây dựng xã hội không tiền mặt – xã hội văn minh, hiện đại. (Nhân dân, trang 5).

 

Hiệu quả tuyến bệnh viện vệ tinh ở Thái Nguyên

Là trung tâm khu vực trung du miền núi Bắc Bộ, những năm gần đây, ba bệnh viện của tỉnh Thái Nguyên thực hiện có hiệu quả vai trò là bệnh viện vệ tinh của năm bệnh viện tuyến trung ương và Bệnh viện Tim Hà Nội. Qua đó, chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên rõ rệt, góp phần tích cực giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Cách đây hơn bốn năm, Sở Y tế Thái Nguyên tham mưu cho tỉnh ban hành Ðề án Phát triển y tế chuyên sâu. Một trong những giải pháp là lựa chọn ba bệnh viện tuyến tỉnh là: A Thái Nguyên, C Thái Nguyên và Gang thép Thái Nguyên là bệnh viện vệ tinh của năm bệnh viện tuyến trung ương (T.Ư) và Bệnh viện Tim Hà Nội. Qua đó, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế được đào tạo, chuyển giao nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư khá đồng bộ.

Ðược chọn là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản T.Ư, đến nay, Bệnh viện A Thái Nguyên có 42 bác sĩ (BS), nhân viên y tế được đào tạo, chuyển giao, thực hiện tốt 20 kỹ thuật chuyên sâu về sản, phụ khoa. Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, BS Chuyên khoa II Hà Hải Bằng cho biết: Bệnh viện Phụ sản T.Ư đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về sản, phụ khoa cho chúng tôi một cách bài bản, khoa học. Ban đầu, các BS, nhân viên y tế được học lý thuyết, sau đó được hướng dẫn thực hành, giám sát thực hiện thuần thục các kỹ thuật được chuyển giao, đạt kết quả tốt mới thôi. Trong tổng số các kỹ thuật được chuyển giao, nổi bật nhất là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho những cặp vợ chồng hiếm muộn được Bệnh viện A Thái Nguyên thực hiện có kết quả rất tốt (bệnh viện đầu tiên ở các tỉnh miền núi phía bắc thực hiện kỹ thuật này) với tỷ lệ thành công tới 55%, đây là tỷ lệ cao so với các trung tâm hỗ trợ sinh sản trong cả nước. Bên cạnh đó, Bệnh viện A Thái Nguyên còn được chọn là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi T.Ư và đến nay đã được chuyển giao hàng chục kỹ thuật y tế chuyên sâu về nhi khoa, nhờ đó đã cứu sống nhiều trường hợp sinh non tháng, nhẹ cân. Thời gian vừa qua, Bệnh viện A Thái Nguyên được tỉnh đầu tư hơn 65 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại để thực hiện các kỹ thuật được chuyển giao.

Tương tự, là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nội tiết T.Ư, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên được đầu tư mười tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp Khoa Xét nghiệm, một số thiết bị y tế, nhất là hầu hết đội ngũ y sĩ, BS tham gia tổng số 45 khóa đào tạo, hướng dẫn, nhận chuyển giao khoảng 20 kỹ thuật chuyên sâu và thực hiện đạt kết quả tốt, như: điều trị nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch; thở máy ở bệnh nhân nhiễm khuẩn hô hấp; nuôi cấy và định danh vi khuẩn, mổ mở tuyến giáp… Sau khi được chọn là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện C Thái Nguyên được chuyển giao gần 30 kỹ thuật, chuyên khoa sâu trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về tim mạch, trong đó nhiều kỹ thuật đã được thực hiện hiệu quả như can thiệp mạch vành, đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, gây mê trong phẫu thuật tim mạch… Ðây là những kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao mà trước đây bệnh viện chưa thực hiện được. Cùng với đó, bệnh viện được đầu tư 27 thiết bị y tế, trong đó có những thiết bị trị giá gần 40 tỷ đồng; được đầu tư phòng mổ tim hiện đại, cải tạo, sửa chữa khu can thiệp tim mạch, nhà điều trị.

Ðến nay, có gần 600 em bé được ra đời và gần 1.000 bà mẹ đang mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm do Bệnh viện A Thái Nguyên thực hiện. Ðiều này góp phần quan trọng giải quyết tình trạng vô sinh hiếm muộn đang có xu hướng gia tăng, giảm chi phí, thời gian đi lại cho các cặp vợ chồng hiếm muộn không phải về Hà Nội để điều trị, mang lại hạnh phúc cho rất nhiều gia đình. Mặt khác, khi trở thành bệnh viện vệ tinh của bệnh viện T.Ư, trình độ chuyên môn, tinh thần phục vụ của BS, đội ngũ cán bộ được nâng lên, qua đó đã điều trị thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Cuối tháng 9- 2019, bé Võ Thiên Trường là con đầu lòng của vợ chồng anh Võ Trung Hiếu và chị Ðào Thị Hạnh, cư trú ở tổ 11, phường Thịnh Ðán, TP Thái Nguyên sinh non với 27 tuần tuổi (gần bảy tháng tuổi), cân nặng chỉ 0,9 kg, các cơ quan nội tạng chưa trưởng thành, nhất là phổi chưa hoàn thiện, bị suy hô hấp, không tự thở được phải thở máy, phải bơm thuốc trưởng thành phổi, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, điều trị vàng da. Với trình độ chuyên môn của đội ngũ BS, sử dụng những thiết bị y tế hiện đại và sự tận tụy của hộ lý, nhân viên y tế, bé Trường đã được cứu sống, sau gần một tháng điều trị và nuôi dưỡng, bé Trường đã tăng lên 1,3 kg, cơ thể phát triển tốt.

Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên đã cấp cứu thành công một số trường hợp ngừng tuần hoàn ngoại viện, người bệnh trở về cuộc sống và tiếp tục công tác. Bà Nguyễn Thị Biền ở phường Trung Thành, TP Thái Nguyên bị bệnh tiểu đường, điều trị thường xuyên ở Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên chia sẻ: Hằng tháng, tôi đến Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên khám, lấy thuốc định kỳ, được BS tận tình thăm khám, tư vấn, tinh thần, thái độ phục vụ khác hẳn so với mấy năm trước. Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên Nguyễn Duy Hưng cho biết: Trước đây, bình quân mỗi tháng chúng tôi phải chuyển gần 100 người bệnh tim mạch lên tuyến trên, nhưng từ khi được chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu, bệnh viện đã cơ bản giải quyết được tình trạng này, những trường hợp bị bệnh nặng, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp mới phải chuyển đi.

Tuy nhiên, để các bệnh viện vệ tinh trên địa bàn phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương cần bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật đã được chuyển giao. Mặt khác, các bệnh viện hạt nhân bố trí thời gian phù hợp trong chuyển giao kỹ thuật và tiếp tục chuyển giao những kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân không chỉ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. (Nhân dân, trang 5).

 

Hướng đến sự hài lòng của người bệnh

Đồng Nai là tỉnh có dân số 3,1 triệu người, chỉ đứng sau TPHCM, Hà Nội và Thanh Hóa, lại nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên ngành y tế Đồng Nai đã sớm ý thức được việc nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

 Ứng dụng công nghệ thông tin

Ấn tượng đầu tiên khi đến với Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh là sự khang trang về cơ sở vật chất, với tòa nhà bề thế tọa lạc trên diện tích 6ha ngay bên quốc lộ 1 và cách ngã 3 Dầu Giây khoảng 6km, được ngân sách của tỉnh Đồng Nai đầu tư xây dựng mới với tổng kinh phí 783 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2016. Do được đầu tư mới đồng bộ nên bệnh viện được trang bị các máy móc hiện đại.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh được xem là một trong những bệnh viện đi đầu trong cải tiến nâng cao chất lượng phục vụ ở Đồng Nai, từ khâu đăng ký khám bệnh, lập tổ chăm sóc khách hàng – bệnh nhân, đến nâng cao trình độ chuyên môn, đa dạng hóa dịch vụ y tế. Bệnh nhân có thể đăng ký lịch hẹn khám chữa bệnh (KCB) qua điện thoại, mạng xã hội Zalo; các khâu đăng ký giữa các khoa phòng đều được kết nối mạng nên đã rút ngắn thời gian KCB ngoại trú 1 – 2 giờ.

Bệnh viện đã tổ chức các phòng khám chuyên gia từ tháng 1-2018, hợp đồng với 3 PGS-TS trên TPHCM trực tiếp đến KCB tại bệnh viện vào các ngày thứ hai, tư, sáu hàng tuần và tham gia đào tạo tại chỗ cho đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện. Nếu trước đây, một số bệnh về cột sống – thần kinh, bệnh lý mạch máu phải lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hoặc lên TPHCM thì nay có thể khám, điều trị ngay tại bệnh viện, giúp giảm thời gian, chi phí cho bệnh nhân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM.

Qua phiếu khảo sát (hàng tuần) của bộ phận chăm sóc khách hàng thì tuần mới nhất có đến 96,7% bệnh nhân hài lòng. Dù tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân ở các cơ sở y tế là khác nhau và không phải nơi nào cũng cao như ở Bệnh viện Đa khoa Long Khánh, nhưng tất cả đã cho thấy quá trình cải tiến nâng cao chất lượng phục vụ của ngành y tế Đồng Nai những năm gần đây là rất đáng mừng.

Hướng đến y tế thông minh

Cùng với Bệnh viện Đa khoa Long Khánh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB – hướng đến sự hài lòng của người bệnh – cũng được triển khai mạnh mẽ ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất. Theo đó, sau khi bệnh nhân lấy số thứ tự trên máy thì từ thông tin bệnh nhân được lưu trữ đến bác sĩ cho y lệnh khám, cho thuốc, lấy thuốc đều được nối mạng, đã rút ngắn được thời gian chờ đợi, tăng số lượng, chất lượng phục vụ. Điển hình như Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phục vụ 4.000 – 6.000 bệnh nhân/ngày, trong đó có khoảng 300 bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh ung thư.

Nhưng theo TS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, thì mục tiêu chiến lược từ nay đến năm 2025 của ngành y tế tỉnh là hướng đến một nền y tế thông minh, để nâng cao chất lượng KCB cho người dân.

Theo đó, quá trình ứng dụng tin học hóa sẽ được thực hiện trên từng công đoạn KCB và đi kèm là việc triển khai bệnh án điện tử từ quý 1-2019 (thí điểm thực hiện tại 2 bệnh viện Đồng Nai và Long Khánh). Bước kế tiếp là hoàn chỉnh hệ thống hồ sơ, dữ liệu sức khỏe cá nhân, với kinh phí dự kiến hơn 11 tỷ đồng sẽ kết nối hồ sơ sức khỏe từ các cơ sở KCB, trước mắt là từ các bệnh viện lớn, sau đó sẽ triển khai rộng ra các cơ sở y tế trên toàn tỉnh trong 2 năm 2020-2021. (Sài Gòn giải phóng, trang 10).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 11/9/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 11/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/11/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận