PV: Thưa TS.BS Trần Đắc Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam! Bệnh cúm và cảm lạnh có triệu chứng khá giống nhau làm cho không ít người nhầm lẫn dẫn đến chủ quan không đến cơ sở y tế điều trị kịp thời để xảy ra những biến chứng đáng tiếc. Vậy xin bác sĩ cho biết bệnh cúm là gì? Triệu chứng của bệnh như thế nào và cách phân biệt bệnh cúm với cảm lạnh thông thường?
TS.BS Trần Đắc Tiến: Bệnh Cúm mùa là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do các chủng vi rút cúm gây ra. Bệnh có thể dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
Người mắc bệnh cúm mùa có biểu hiện sốt, sốt cao 39-400C kèm theo rét run, nhức đầu, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh thường tiến triển lành tính và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.
Bệnh Cúm mùa và cảm lạnh là hai loại bệnh đường hô hấp có biểu hiện tương đối giống nhau. Tuy nhiên để phân biệt hai bệnh này, chúng ta căn cứ vào một số đặc điểm sau:
Nguyên nhân gây bệnh của cúm mùa là do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C còn cảm lạnh thường do nhiều chủng vi rút khác nhau như Rhinovi rút, enteroviruts, coronavi rút.
Về triệu chứng của cúm mùa thường có sốt cao, đau đầu, đau cơ, xuất tiết đường hô hấp, mệt mỏi nhiều, các triệu chứng này biểu hiện đột ngột. Còn về cảm lạnh thường không có biểu hiện sốt hoặc chỉ là sốt nhẹ, hiếm gặp các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, ho, đau ngực. Các biểu hiện này tiến triển dần dần và thường hết trong vòng 1 đến 2 tuần.
Về tác động đến sức khỏe: cúm mùa thường gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim… đặc biệt thường gặp ở người có sức đề kháng yếu như người có bệnh nền, người già (>65 tuổi), trẻ em (<5 tuổi) và phụ nữ có thai.
PV: Vậy nguyên nhân gây bệnh cúm là gì và hiện nay có mấy loại cúm, thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Đắc Tiến: Như Tôi đã trao đổi ở trên: Nguyên nhân gây ra cúm mùa là do chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Thường gặp là chủng cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B.
PV: Vậy những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc cúm?
TS.BS Trần Đắc Tiến:
– Về điều kiện sống và môi trường làm việc: Môi trường, điều kiện sống chật trội, thiếu vệ sinh, tiếp xúc nhiều người. Thời tiết lạnh, độ ẩm thấp.
– Người có sức đề kháng yếu, người suy giảm miễn dịch: Như đang mắc HIV/AIDS, ung thư, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch, người có bệnh lý nền (đái tháo đường, suy gan, suy thận, người đang mắc các bệnh đường hô hấp…) phụ nữ đang mang thai và cho con bú, người có thể trạng béo phì.
– Về tuổi: Trẻ nhỏ, thường là trẻ dưới 5 tuổi, và người già thường trên 65 tuổi có nguy cơ mắc cúm cao, nặng và tỷ lệ biến chứng cao.
– Một số yếu tố khác: Người tiếp xúc gần với bệnh nhân đang mắc cúm không vệ sinh tay, vệ sinh đường hô thường xuyên, không đeo khẩu trang ở nơi đông người..
PV: Trên thực tế đã có những biến chứng nguy hiểm xảy ra với người bệnh khi không được khám phát hiện và điều trị kịp thời, vậy xin bác sĩ cho biết những biến chứng của bệnh cúm?
TS.BS Trần Đắc Tiến: Như Tôi cũng đã trao đổi ở trên, bệnh thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng, gây các biến chứng như:
Viêm phổi suy hô hấp, viêm cơ tim, viêm não, viêm xoang thậm chí vi rút cúm gây suy đa cơ quan, nhiễm trùng huyết.
Đối với phụ nữ có thai thì có thể gây sảy thai, sinh non hoặc thai nhi có các dị tật bẩm sinh.
Đối với người đang mắc bệnh nền khi mắc cúm thì có thể làm cho các bệnh nền có biểu hiện tăng nặng và trầm trọng hơn.
PV: Vâng, có một câu hỏi mà được rất nhiều người đặc biệt là các bà mẹ đang quan tâm đó là tại sao trẻ đã tiêm phòng cúm mà vẫn mắc cúm, thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Đắc Tiến: Khi chúng ta đã tiêm vắc xin phòng cúm cho trẻ rồi mà vẫn có thể bị mắc cúm. Tôi cho rằng có thể có một số lý do sau:
– Vắc xin phòng cúm cần khoảng 02 tuần để tạo ra miễn dịch. Nên nếu mắc cúm trong 02 tuần sau khi tiêm, có thể trẻ đã tiếp xúc với nguồn bệnh trước hoặc ngay sau tiêm. Cũng có thể trẻ bị mắc các bệnh có biểu hiện giống cúm như cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng…
– Mắc chủng vi rút cúm không có trong vắc xin: Vắc xin cúm chỉ bảo vệ chống lại một số chủng vi rút cúm phổ biến nhất. Trong khi đó có nhiều chủng vi rút cúm lưu hành và biến đổi liên tục.
– Hệ thống miễn dịch của người được tiêm vắc xin phòng cúm không đáp ứng đủ để phòng bệnh.
– Một số nghiên cứu cũng đề cập đến người trên 65 tuổi khi tiêm vắc xin cúm thì cho hiệu quả phòng bệnh thấp hơn.
Tuy nhiên, Tôi muốn nhấn mạnh một chút là mặc dù người có hệ thống miễn dịch không đáp ứng đủ với vắc xin và người trên 65 tuổi khi tiêm vắc xin phòng cúm cho hiệu quả phòng bệnh thấp. Nhưng nếu chúng ta tiêm vắc xin cúm thì vẫn giúp giám mức độ trầm trọng của bệnh và giảm nguy cơ biến chứng.
PV: Trong điều kiện thời tiết như hiện nay bác sĩ cho lời khuyên về cách phòng và chăm sóc điều trị trẻ bị bệnh cúm tại nhà?
TS.BS Trần Đắc Tiến:
* Biện pháp dự phòng bệnh Cúm mùa:
Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết. Vệ sinh mũi họng hàng ngày băng nước muối hoặc nước súc miệng.
Tiêm vắc xin phòng cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng cúm
Tránh tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh thì cần giảm tối đa thời gian tiếp xúc; giữ khoảng cách ít nhất 1 m, đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần.
Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.
Tăng cường thông khí trong cơ sở y tế hoặc nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.
Nếu thấy có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi nhiều, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và xử lý theo quy định, không tự mua thuốc điều trị tại nhà kể cả thuốc Tamiflu.
* Một số biện pháp chăm sóc trẻ bị mắc cúm tại nhà:
– Cho trẻ nghỉ ngơi tại phòng riêng thông thoáng, tránh lạnh và gió lùa ít nhất 07 ngày kể từ khi mắc bệnh, sử dụng đồ dùng cá nhân riêng và khử khuẩn đồ dùng sau khi sử dụng.
– Đeo khẩu trang cho trẻ bệnh và người chăm sóc trẻ
– Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, giàu vitamin C uống đủ nước, đối với trẻ còn bú thì cho bú nhiều hươn bình thương, Vệ sinh mũi họng cho trẻ.
– Dùng thuốc hạ sốt, bù nước điện giải theo chỉ định của Bác sĩ. Đưa trẻ đến viện ngay nếu trẻ có biểu hiện khó thở, sốt cao trên 39 độ, trẻ li bì, co giật, ăn kém nôn nhiêu, chân tay lạnh, đối với trẻ còn bú thì bỏ bú.