Điểm báo ngày 01/8/2019

(CDC Hà Nam)
Bệnh viện tỉnh thiếu bác sĩ trầm trọng; Bộ trưởng yêu cầu giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế; Bớt lo mất tiếng, méo miệng sau phẫu thuật; Đình chỉ lưu hành 3 loại mỹ phẩm, đề nghị kiểm tra thông tin vụ thuốc giả

 

Bệnh viện tỉnh thiếu bác sĩ trầm trọng

Các bệnh viện, cơ sở y tế ở các tỉnh thiếu hụt bác sĩ trầm trọng, khiến y, bác sĩ bị áp lực về công việc, lãnh đạo bệnh viện đau đầu.
Nơi nào cũng thiếu
Bác sĩ Võ Hùng Viễn, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết ngày nào cũng có trên dưới 500 người đến khám bệnh. Các y, bác sĩ ở đây hoạt động hết công suất. Theo Bác sĩ Viễn, hiện số bác sĩ các chuyên khoa còn thiếu hơn 10 người.

Cả tỉnh Quảng Ngãi hiện có trên 800 bác sĩ, chỉ đáp ứng đủ cho các BV tuyến tỉnh; còn tuyến huyện, nhất là miền núi thì thiếu hụt khá nhiều. Tại các TTYT miền núi Quảng Ngãi, hiện chỉ có từ 11 – 15 bác sĩ/trung tâm, chưa đáp ứng việc KCB. Nơi khám và điều trị bệnh thuộc diện ít như H.Tây Trà và H.Sơn Tây, mỗi ngày cũng KCB 150 bệnh nhân; còn như H.Ba Tơ và H.Trà Bồng mỗi ngày có từ 250 – 300 bệnh nhân. Trong đó, TTYT H.Trà Bồng hiện có 11 bác sĩ, nếu tính theo tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân thì trung tâm này chỉ đáp ứng được 1/3 so với bình quân cả nước (đạt 8 bác sĩ/vạn dân). Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, các TTYT 6 huyện miền núi của tỉnh này nơi nào cũng thiếu bác sĩ.

BV Đặng Thùy Trâm, H.Đức Phổ, dù đang phấn đấu lên BV hạng 2 nhưng hiện chỉ có 45 BS, thiếu quá nhiều để triển khai các dịch vụ kỹ thuật theo danh mục quy định của Bộ Y tế. Điển hình như khoa sản của BV này, do thiếu bác sĩ nên chưa thể triển khai kỹ thuật mổ nội soi các bệnh sản phụ khoa. Khoa mắt và khoa tai – mũi – họng, mỗi khoa chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa (trong đó có 1 người làm công tác quản lý), nên hôm nào bác sĩ đi công tác thì khoa tạm ngưng, không nhận bệnh nhân.

Ở huyện miền núi Ba Tơ chỉ có 15 bác sĩ. Nếu các bác sĩ đi công tác, đi học nâng cao thì các bác sĩ còn lại làm việc như chong chóng để phục vụ khoảng 300 bệnh nhân/ngày. Vì thiếu bác sĩ nên TTYT H.Ba Tơ chỉ triển khai được 75% các danh mục kỹ thuật quy định tương đương BV hạng 3.

Tại tỉnh Phú Yên, bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, cho biết tỉnh này đang thiếu hụt bác sĩ trầm trọng. Năm 1989, tỉnh Phú Yên có 1,8 bác sĩ/vạn dân. 10 năm sau, Phú Yên đã có hơn 4,6 bác sĩvạn dân, nhưng 10 năm sau nữa thì Phú Yên chỉ tăng thêm 0,1 bác sĩ/vạn dân. Đến 2014, Phú Yên cũng chỉ đạt ở mức 4,8 bác sĩ/vạn dân. Bác sĩ Ngọc nói: “Phú Yên đang thiếu bác sĩ trầm trọng. Trong khi không tuyển mới được, bác sĩ đang công tác lại xin nghỉ nhiều gây khủng hoảng thiếu bác sĩ”.

Bác sĩ Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc BV đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Yên, cho biết BV có 126 BS với chỉ tiêu 600 giường bệnh. Nhưng thực tế điều trị tại BV phải kê thêm hơn 300 giường nên gây áp lực lên bác sĩ. Trong năm 2019, BV được tuyển dụng 21 bác sĩ nhưng hiện mới chỉ có 6 bác sĩ về công tác. Để khắc phục, những BS về hưu nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì BV sẽ tiếp tục ký hợp đồng.

Tại Bình Định, theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, tỉnh này thiếu BS từ nhiều năm nay. Hiện Bình Định có khoảng 942 bác sĩ đang công tác, đạt tỷ lệ 6,1 bác sĩ/vạn dân. Bình Định đang cần thêm khoảng 300 bác sĩ nữa. Các BV tuyến huyện ở khu vực đồng bằng và các BV chuyên khoa như: lao, tâm thần… đều thiếu bác sĩ.

Bỏ việc vì lương… bèo

Ở tỉnh Kon Tum đang xảy ra tình trạng các bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập ồ ạt bỏ việc để đến các thành phố lớn. Theo thống kê của Sở Y tế Kon Tum, từ năm 2010 đến nay, tỉnh có 67 bác sĩ bỏ việc hoặc xin chuyển công tác đi nơi khác, khiến toàn tỉnh thiếu hơn 100 bác sĩ. Trong đó các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy có tỷ lệ bác sĩ thấp nhất tỉnh. Cụ thể, tại H.Đăk Hà chỉ có 3,75 bác sĩ/vạn dân, H.Đăk Tô 5,58 bác sĩ/vạn dân, H.Kon Rẫy 5,6 bác sĩ/vạn dân.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Trưởng phòng Tổ chức hành chính BVĐK H.Đăk Tô (Kon Tum), BV này có 175 giường bệnh, cần có 235 y, bác sĩ nhưng chỉ có 174 y, bác sĩ, thiếu 67 người. Theo ông Khoa, do UBND tỉnh Kon Tum chỉ cho 174 biên chế nên tuyển thêm thì không có kinh phí để trả lương.

Bà Nguyễn Thị Nam, Trưởng phòng Tổ chức hành chính BVĐK H.Đăk Hà, cho biết: Toàn huyện có 30 bác sĩ, trong khi dân số của huyện là hơn 80.000 người, chỉ đạt 3,75 bác sĩ/vạn dân, rất thấp. Do thiếu bác sĩ, nên vẫn phải đưa bác sĩ khoa này đi trực ở khoa khác, hỗ trợ qua lại. Hiện khoa khám bệnh và khoa cấp cứu của BV này đang là khoa ghép, chưa thể tách khoa do thiếu nhân lực.

Theo bà Nam, vừa qua tại BV có 2 bác sĩ bỏ việc. BV đang tuyển thêm bác sĩ mới ra trường. Tuy nhiên do một số nguyên nhân như thu nhập thấp nên bác sĩ mới ra trường chọn những BV ở các thành phố lớn. Bà Nam cho hay: “Lương bác sĩ mới ra trường khoảng 4,8 triệu đồng/tháng, trong khi họ phải học ít nhất khoảng 7 năm. Mức lương này thấp hơn cả lương lao động phổ thông, thấp hơn cả nhân công phụ hồ”.

Theo ông Phạm Trường Giang, Trưởng phòng Tổ chức hành chính BV H.Kon Rẫy, từ năm 2010 đến nay có 13 BS tại bác sĩ bỏ việc vì lương thấp. “Lương bác sĩ công tác từ 1 – 3 năm là 5 – 6 triệu đồng/tháng, từ 3 – 5 năm là 7 – 8 triệu đồng/tháng”, ông Giang cho biết.

BS Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX.An Nhơn (Bình Định), cho biết hiện TTYT TX.An Nhơn có 37 bác sĩ tại BV và 14 bác sĩ ở các trạm y tế xã, còn thiếu 12 bác sĩ. “BV của chúng tôi có tổng cộng 160 giường nhưng số bệnh nhân thực tế thường xuyên ở mức 300 – 350 người, chưa kể BN ngoại trú khoảng 900 – 1.000 lượt khám/ngày. Nhu cầu KCB của nhân dân ngày càng tăng mà bác sĩ nhiều năm nay lại không chịu về tuyến huyện, thậm chí bác sĩ tại BV lại bỏ đi nơi khác làm việc, có người nghỉ hưu… Chúng tôi đăng ký với Sở Y tế tuyển thêm 12 bác sĩ, nhưng mấy năm qua vẫn chưa có ai chịu về”, BS Bình nói.

Theo bác sĩ Lê Thái Bình, một bác sĩ mới ra trường về công tác tại đơn vị sẽ được hưởng mức lương cơ bản theo quy định khoảng 3.486.600 đồng (hệ số lương 2,34) và nhận thêm 40% phụ cấp ngành là 4.881.240 đồng. Như vậy, bác sĩ ra trường về tuyến huyện sẽ nhận lương hơn 8,3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các BV tư ở thành phố sẵn sàng trả mức lương cho bác sĩ mới ra trường hơn 15 triệu đồng/tháng, cộng với nhiều ưu đãi hấp dẫn khác về phụ cấp, cơ hội học tập nâng cao tay nghề…

Tại Gia Lai, hầu hết các BV đều rơi vào tình trạng thiếu BS. Với mức lương cho BS mới ra trường về công tác trên dưới 3,5 triệu đồng/tháng sẽ rất khó thu hút được nhân lực. Ngoài ra, điều kiện làm thêm để tăng thu nhập đối với bác sĩ mới ra trường ở tỉnh hạn chế so với các thành phố lớn. BVĐK tỉnh Gia Lai quy mô 800 giường bệnh, bình quân mỗi ngày tiếp nhận trên dưới 800 lượt BN, trong đó có khoảng 100 BN nhập viện/ngày. Hiện BV chỉ có trên 160 bác sĩ nên các khoa như nội, ngoại, phòng khám luôn quá tải. Từ năm 2017 đến nay, Gia Lai có 44 bác sĩ xin nghỉ việc, chuyển công tác, trong đó có 22 bác sĩ có trình độ chuyên môn sau ĐH. Theo tỷ lệ dân số, Gia Lai cần đến 1.200 BS nhưng hiện chỉ có 882 bác sĩ.

Ngày 31.7, bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Q.11 (TP.HCM) cho PV Thanh Niên biết ông vừa có công văn gửi Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM báo cáo về việc bệnh nhân N.T.K (53 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) đi khám, chữa bệnh (KCB) với số lần cao bất thường (Thanh niên, trang 2).

 

Bộ trưởng yêu cầu giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các cơ sở y tế, cán bộ công chức, viên chức ngành y tế… về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…
Những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cũng như người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề án giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong các hoạt động.

Điển hình như tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống, sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa. Trong chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng (Tiền phong, trang 6).

 

Bớt lo mất tiếng, méo miệng sau phẫu thuật

Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư vừa đưa máy dò dây thần kinh vùng đầu mặt cổ vào sử dụng trong quá trình phẫu thuật. Với hệ thống này cuộc phẫu thuật diễn ra nhanh hơn vì các phẫu thuật viên được “báo động” vị trí các dây thần kinh quan trọng đặc biệt của bệnh nhân vùng đầu mặt cổ để tránh không chạm vào. Nam bệnh nhân Lê Văn L. 40 tuổi (Hà Nội) có biểu hiện khó chịu vùng cổ đã lâu, do khó chịu nên gần đây mới đi khám. Kết quả khám lâm sàng và các xét nghiệm, chụp XQ, siêu âm cho thấy bệnh nhân có u tuyến giáp theo dõi ung thư. Bệnh nhân thứ 2 là H.T.M (50 tuổi, ở Hà Nội) bị viêm tai giữa xương chũm trong thời gian dài, gần đây tình trạng của bệnh nhân nặng thêm.

Bệnh nhân đã được các bác sĩ chỉ định nên phẫu thuật để có thể chấm dứt được tình trạng viêm mạn tính tai giữa.  Hai bệnh nhân này đều được các bác sĩ ứng dụng máy dò thần kinh trong phẫu thuật tai mũi họng và đầu mặt cổ vào quá trình phẫu thuật. PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh cho biết, vùng mặt cổ có 12 đôi dây thần kinh chức năng, nhưng dây thần kinh số 7 và dây thần kinh quặt ngược luôn là nỗi ám ảnh với các phẫu thuật viên vì sẽ gây các tai biến nặng nề cho bệnh nhân nếu bị tổn thương trong cuộc mổ. Cụ thể, dây thần kinh số 7 nếu bị tổn thương sẽ gây liệt mặt, méo mặt, méo mồm.

Với các bệnh nhân phẫu thuật vùng cổ như mổ tuyến giáp, hay phẫu thuật bệnh lý thanh quản nếu không được kiểm soát tốt sẽ có thể gây tổn thương dây thần kinh quặt ngược, khiến bệnh nhân khản tiếng, thậm chí không nói được. Tổn thương cả hai dây thần kinh quặt ngược còn ảnh hưởng đến hô hấp của người bệnh khiến bệnh nhân không thở được. Lúc đó, bác sĩ sẽ phải mở một lỗ tại vùng cổ để bệnh nhân thở, coi như bệnh nhân bị tàn phế.

Việc kiểm soát các tổn thương dây thần kinh trong cuộc mổ luôn được các phẫu thuật viên chú trọng tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị tai biến này, đặc biệt nguy cơ tai biến cao hơn trong các trường hợp mổ lại hoặc trong trường hợp mổ khối, ung thư phải nạo vét hạch di căn hoặc phải cắt khối u ác tính đã xâm lấn rộng … khiến cho việc xác định vị trí dây thần kinh này trở nên khó khăn hơn. Khi phẫu thuật viên đang phẫu thuật mà gần đến vị trí của các dây thần kinh quan trọng thiết bị sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo để không chạm vào các dây thần kinh đó. Như vậy, bệnh nhân sẽ không có nguy cơ bị tai biến (Tiền phong, trang 6).

 

Đình chỉ lưu hành 3 loại mỹ phẩm, đề nghị kiểm tra thông tin vụ thuốc giả

3 sản phẩm gồm Kem tẩy trắng da Lan Anh, Kem dưỡng da Hoa hồng và nước súc miệng “Dr. Muối – Nước súc miệng” vừa bị Cục Quản lý dược – Bộ Y tế đình chỉ lưu hành, yêu cầu thu hồi do không đạt chất lượng. Cụ thể, tại Quyết định số 12729/QLD-MP ban hành ngày 29-7, Cục Quản lý Dược yêu cầu đình chỉ lưu hành trên toàn quốc sản phẩm Kem tẩy trắng da Lan Anh (Số lô: 04.2019) do Công ty TNHH hóa mỹ phâm Lan Anh sản xuất và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Lý do thu hồi vì mẫu thử thuốc này không đạt chỉ tiêu chất lượng về cảm quan và định tính vitamin E. Tại Công văn số 12728/QLD-MP, Cục Quản lý Dược đình chỉ lưu hành trên toàn quốc sản phẩm Dr. Muối – Nước súc miệng (Nước muối truyền thống), số lô: 002021904, do Công ty TNHH MTV Sức sống Mới sản xuất và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Lý do thu hồi vì mẫu thử sản phẩm không đáp ứng yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.

Còn tại Công văn số 12727/QLD-MP, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc lô sản phẩm Kem dưỡng da Hoa hồng (Số lô: 0118) do Công ty cổ phần dược phẩm Đại Y sản xuất và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Lý do thu hồi vì mẫu thử sản phẩm này lấy tại Bắc Ninh không đạt chỉ tiêu độ pH.

Cục Quản lý dược yêu cầu các công ty có sản phẩm bị đình chỉ lưu hành, thu hồi kể trên phải gửi thông báơ thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng sản phẩm và tiến hành thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định. Đồng thời, đề nghị Sở Y tế TP. Hà Nội, Sở Y tế TP HCM, Sở Y tế TP Cần Thơ tiến hành kiểm tra 3 công ty có sản phẩm vi phạm, giám sát việc thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định, xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành (An ninh thủ đô, trang 7)..

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 09/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/7/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận