Điểm báo ngày 01/9/2021

(CDC Hà Nam)

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tại Hà Nội

Chiều 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra, động viên lực lượng xây dựng và vận hành Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) trước khi bệnh viện này chính thức đi vào hoạt động; đồng thời thị sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) – nơi đang là “điểm nóng” về dịch của Thủ đô.

Tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 có quy mô 500 giường bệnh tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm các khu chức năng của bệnh viện gồm khu hành chính; khu dinh dưỡng, xét nghiệm, kho vật tư, thiết bị y tế; khu điều trị bệnh nhân nặng; khu điều hành điều hành, theo dõi và hội chẩn qua hệ thống Telehealth…

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng đã gợi ý với các ngành, đơn vị và thành phố Hà Nội về việc xây dựng một bệnh viện dã chiến có quy mô lớn, đủ tiêu chuẩn để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Sau quá trình chuẩn bị, chỉ trong vòng hơn 1 tháng kể từ ngày khởi công (24/7) đến nay bệnh viện đã cơ bản hoàn thành, đi vào hoạt động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các đơn vị đã có nhiều nỗ lực để sớm đưa bệnh viện vào hoạt động, phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các đơn vị tiếp tục hoàn thiện, khai thác hiệu quả cơ sở y tế này; đặc biệt Thủ tướng yêu cầu đào tạo thêm nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ từ các chuyên khoa khác để phục vụ nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh Viện.

Ngay sau khi kiểm tra Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).

Tại đây, Thủ tướng đã gặp, hỏi chuyện với người giao hàng (shipper); thăm hỏi một số nhà dân, chủ cửa hàng bán hàng hóa thiết yếu. Thủ tướng đã tìm hiểu chi tiết về phương thức hoạt động của các shipper; phương thức trao đổi, mua bán hàng hóa của các cửa hàng; sự hiểu biết và thực hiện phòng chống dịch của người dân… Thủ tướng căn dặn người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có Thông điệp 5K; không di chuyển nếu không thực sự cần thiết mà nên “ai ở đâu ở yên đó”; thực hiện “an toàn để buôn bán và buôn bán phải an toàn”.

Thủ tướng dành thời gian kiểm tra, động viên lực lượng của Tổ phòng, chống COVID cộng đồng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch của phường Thanh Xuân Trung, đặc biệt là tại ngõ 328 và ngõ 330, đường Nguyễn Trãi – nơi đang bị phong tỏa do dịch COVID-19.

Kiểm tra từng vấn đề cụ thể trong phòng, chống dịch tại đây, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần làm việc của các thành viên tại các chốt kiểm dịch; yêu cầu thành phố tiếp tục quan tâm, ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19, thường xuyên xét nghiệm SARS-CoV-2, trang bị các dụng cụ thiết yếu để các thành viên Tổ phòng, chống COVID cộng đồng đảm bảo sức khỏe, an toàn làm việc.

Sau khi đi thị sát, tại Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 phường Thanh Xuân Trung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã gọi điện trực tiếp tới các số điện thoại đường dây nóng để kiểm tra mức độ đáp ứng về nhu cầu thiết yếu và nhu cầu y tế của người dân tại cơ sở.

Thủ tướng đã có cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo thành phố Hà Nội tại đầu cầu Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố. Cuộc làm việc cũng được kết nối trực tuyến tới gần 600 điểm cầu phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân và thành phố Hà Nội báo cáo về tình hình dịch bệnh cũng như các bước triển khai phòng, chống dịch của phường, quận và thành phố như: việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; lập sở chỉ huy; cập nhật văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của Chính phủ; thực hiện giãn cách xã hội; cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, các dịch vụ y tế cho người dân trong vùng phong tỏa…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương thành phố trong suốt thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng cho rằng kết quả đó là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền thành phố; sự chung sức, đồng lòng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia, hưởng ứng của nhân dân toàn thành phố.

Trên tinh thần thẳng thắn, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế mà Thủ tướng và Đoàn công tác nghi nhận từ thực tế. Đó là người dân vẫn ra đường khá đông, chưa đạt kết quả giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Việc kiểm tra cho thấy, nếu tình hình vẫn như hiện nay thì thành phố còn có thể kiểm soát được, song nếu dịch diễn biến phức tạp, xấu hơn như một số tỉnh, thành phố phía Nam thì Hà Nội dễ rơi vào bị động, lúng túng.

Phường Thanh Xuân Trung – nơi “nóng” nhất Hà Nội về dịch COVID-19, nhưng hiện tại đang thiếu người chỉ huy cao nhất trong phòng, chống dịch. Phường đã có Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, song lại không có quy chế làm việc. Khi thị sát, Thủ tướng cảm nhận rằng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch của phường thiếu người “trực chiến”… Đây là những vấn đề thành phố cần khắc phục ngay…

Thủ tướng nhắc nhở, khi thực hiện giãn cách xã hội thì phải quyết liệt, nghiêm ngặt, không để “chặt ngoài, lỏng trong”; tổ chức xét nghiệm thần tốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thu hẹp chu kỳ xét nghiệm, nhanh chóng tìm ra nguồn lây, tách F0 ra khỏi cộng đồng để có phương án chăm sóc, điều trị phù hợp; phải thu dung, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 nhanh nhất; đưa dịch vụ đến người dân nhanh nhất, gần nhất, ngay từ cơ sở. Cùng với đó, ngành chức năng phải tổ chức tiêm vaccine kịp thời, khoa học, hiệu quả, an toàn cho người dân…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải cố gắng không để dịch lây sang các “vùng xanh” và không để dịch lây lan về vùng nông thôn, vì nông thôn vừa yếu hơn về phòng, chống dịch, vừa là nơi cung cấp nhu yếu phẩm cho xã hội; phải đảm bảo lưu thông hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những hạn chế để điều chỉnh và giúp đỡ xã, phường cả về nhân lực, vật lực để phòng, chống dịch hiệu quả; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác phòng, chống dịch… Thủ tướng lưu ý thành phố Hà Nội cần tăng cường việc giãn cách xã hội, nhất là trong thời gian nghỉ lễ sắp tới. (Công an nhân dân, trang 1; Nhân dân, trang 1; An ninh Thủ đô, trang 2; Hà Nội mới, trang 1).

Nỗ lực chạy đua với thời gian cứu chữa bệnh nhân COVID -19 nặng và nguy kịch

Thời gian qua, ngành y tế đã huy động lực lượng lớn cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch tại nhiều tỉnh thành phố phía Nam, thành lập nhiều trung tâm hồi sức tích cực ở tâm dịch TP. HCM. Tại nơi đây, các bác sĩ đang nỗ lực ngày đêm chạy đua với thời gian để chữa trị bệnh nhân kịp thời và cứu sống thêm nhiều ca mắc COVID -19 nặng và nguy kịch…(Chi tiết xem báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Bộ Y tế: Giải pháp giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong

Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong ở Việt Nam cao hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới. Bộ Y tế đã tập huấn trực tuyến cho 400 bệnh viện về hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng, quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà và phòng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế.

Chiều 28/8, tại Hội nghị tập huấn trực tuyến tăng cường hiệu quả công tác tổ chức quản lý thu dung điều trị để giảm tỷ lệ diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong do COVID-19, sau khi phân tích tình hình, các chuyên gia đã đưa ra 5 bản hướng dẫn và trao đổi nhiều kinh nghiệm trong điều trị để có thể giảm tỷ lệ tử vong.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, qua phân tích 53.608 ca F0 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn chiếm gần 80%.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh thành phía Nam có số ca mắc tăng cao, khiến hệ thống y tế quá tải và ghi nhận nhiều trường hợp tử vong. Đến nay, nước ta ghi nhận hơn 10.000 bệnh nhân COVID-19 tử vong, trong đó, số ca tử vong tại TP.HCM chiếm 80,7%.

“Trên thế giới đã có trên 215 triệu người mắc COVID-19, với trên 4 triệu người tử vong, chiếm tỷ lệ 2,08%. Tại Việt Nam, số ca mắc đến nay đã lên tới hơn 400.000 ca, số ca tử vong trên 10.000, chiếm 2,45%. Đây là con số đáng lo ngại. Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong ở nước ta đang cao hơn so với thế giới”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Bộ Y tế đã tập huấn trực tuyến cho 400 bệnh viện về hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng; Hướng dẫn hội chẩn, tư vấn chuyên môn cho người bệnh COVID-19 qua hệ thống Telehealth (khám chữa bệnh từ xa); Hướng dẫn đảm bảo oxy y tế đáp ứng tình hình dịch; Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm tại nhà; Hướng dẫn phòng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế. Đồng thời, các chuyên gia đầu ngành trao đổi nhiều kinh nghiệm trong tổ chức quản lý bệnh nhân tại nhà.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến nay dịch COVID-19 đã được ghi nhận tại 62 tỉnh thành ở nước ta, trong đó 40 tỉnh thành có bệnh nhân tử vong: “Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp. Số ca mắc vẫn đang tăng, bệnh nhân nặng nguy kịch và số ca tử vong vẫn đang là thách thức đối với ngành y tế. Rất nhiều biện pháp đã được áp dụng trong thời gian vừa qua. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, chúng ta chưa bao giờ khẳng định các biện pháp sẽ luôn luôn đúng, chúng ta phải có những thay đổi, đặc biệt là những hướng dẫn, khuyến cáo chuyên môn, các bằng chứng khoa phải được cập nhật để có những thay đổi cho phù hợp với tình hình diễn biến của dịch”… (Tiền phong, trang 1)

TPHCM: Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tăng trở lại ở TPHCM

Sau nhiều ngày có xu hướng giảm, số ca bệnh tử vong vì COVID-19 ở TPHCM bất ngờ tăng nhanh trở lại, gần chạm mốc cao nhất kể từ đầu năm. Số ca bệnh nặng vẫn ở mức cao, dịch bệnh tiếp tục diễn biến rất phức tạp.

Chiều 31/8, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM, cho biết, số ca mắc bệnh trên toàn thành phố được Bộ Y tế công bố là 216.314. Các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị cho gần 41.000 bệnh nhân, trong đó có 2.463 trẻ em dưới 16 tuổi.

Sau nhiều ngày số ca tử vong liên tiếp có xu hướng giảm ngày 30/8, số ca tử vong bất ngờ tăng cao với 335 trường hợp, chỉ thấp hơn số ca tử vong cao nhất từ đầu năm đến nay là 340 vào ngày 22/8. Tổng số ca tử vong đến ngày 31/8 đã lên tới 9.204.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói: “Số tử vong trên tất cả ca bệnh của toàn thành phố đang chiếm 4,2%. Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới tùy theo giai đoạn, có những nơi tỷ lệ tử vong dao động từ 2,1% đến 4,4%. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong trên địa bàn TPHCM đang nằm trong giới hạn cao so với thế giới”.

Tỷ lệ tử vong tập trung cao nhất ở tầng 3 (nhóm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch) chiếm tới 32% ở tầng 2 là 4,4%. Con số trên phù hợp với y văn thế giới vì những trường hợp tử vong trong nhóm bệnh nhân diễn tiến nặng có thể lên tới 50%”.BS Châu nhận định, từ khi phát hiện ca bệnh dương tính sẽ có độ trễ từ 5 tới 7 ngày khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng nặng phải nhập viện.

Thực tế điều trị COVID-19 ghi nhận, trong 5 ngày, đầu virus phát triển mạnh, bệnh nhân có thể sốt, đau mình, mất khứu giác.

Khoảng 80% trường hợp mắc bệnh sẽ thuyên giảm tự khỏi trong tuần đầu, tuy nhiên, một số bệnh nhân diễn tiến qua giai đoạn nặng từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 khiến bệnh nhân rơi vào nguy kịch.

Do đó, sẽ có độ trễ trong thời gian diễn tiến bệnh sau khi số ca mắc trong cộng đồng tăng cao. Tiếp đến sẽ có một độ trễ khác là giai đoạn bệnh nhân được điều trị tích cực.

Giai đoạn này, một số bệnh nhân sẽ hồi phục nhưng một số bệnh nhân nặng sẽ không thể cứu chữa được. Do đó, ngành y tế thành phố nhận định, trong vòng một tuần tới, số lượng bệnh nhân tử vong sẽ giảm dần. (Tiền phong, trang 5).

Hà Nội: Thu giữ hàng trăm hộp thuốc chữa COVID-19 không rõ nguồn gốc

Lực lượng chức năng phát hiện tại một điểm tập kết, kinh doanh hàng hoá trên đường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hàng trăm hộp thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc.

Ngày 31/8, Công an TP Hà Nội cho biết, sáng cùng ngày, Đội 4 – Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra đột xuất điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa tại đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị COVID -19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Quá trình làm việc, chủ cơ sở là Trương Văn An (SN 1981; trú tại tỉnh Hải Dương) không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc số thuốc trên.

Trương Văn An khai nhận thu mua số thuốc trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tùy loại, sau đó, rao bán lại trên mạng với giá gấp đôi để kiếm lời. Theo trung tá Nguyễn Thành Trung – Phó đội trưởng Đội 4, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID – 19 đang diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng vào thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

“Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội buôn bán, sau đó, tìm những địa điểm đang xây dựng, vắng người nằm sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất giấu hàng hóa” – trung tá Trung cho biết.

Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ. (Tiền phong, trang 11).

Ngày 31/8, cả nước có 12.607 ca nhiễm COVID-19 mới, gồm 7.231 ca cộng đồng

Tối nay, 31-8, Bộ Y tế công bố ghi nhận 12.607 ca Covid-19 mới tại 42 tỉnh thành phố, giảm 1.628 ca so với hôm qua. Tổng số ca tử vong được công bố hiện là 11.064 trường hợp. Theo tin từ Bộ Y tế, tính từ 17h ngày 30/8 đến 17h ngày 31/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.607 ca nhiễm mới, gồm 16 ca nhập cảnh và 12.591 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 7.231 ca cộng đồng.

Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (5.444), Bình Dương (4.530), Đồng Nai (634), Long An (587), Tiền Giang (214), Đồng Tháp (138), Đà Nẵng (123), Tây Ninh (118), Kiên Giang (99), Nghệ An (81), Hà Nội (77), Khánh Hòa (66), Bà Rịa – Vũng Tàu (64), Bình Thuận (59), Cần Thơ (53), Quảng Bình (47), Quảng Ngãi (40), Thừa Thiên Huế (25), Phú Yên (23), Bình Phước (22), An Giang (17), Đắk Lắk (17), Trà Vinh (14), Bến Tre (13), Hậu Giang (11), Bình Định (8 ), Thanh Hóa (8 ), Vĩnh Long (7), Phú Thọ (6), Ninh Thuận (6), Sơn La (6), Bạc Liêu (5), Lạng Sơn (5), Lâm Đồng (4), Đắk Nông (4), Quảng Nam (3), Quảng Trị (3), Gia Lai (3), Kon Tum (2), Hà Tĩnh (2), Ninh Bình (2), Bắc Ninh (1).

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.628 ca: Tại TP. Hồ Chí Minh giảm 445 ca, Bình Dương giảm 1.520 ca, Đồng Nai tăng 143 ca, Long An tăng 63 ca, Tiền Giang giảm 7 ca.

Về tình hình điều trị, hôm nay có 10.044 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.295 ca.

Tính đến thời điểm 18 giờ 45 ngày 31/8, Tiểu ban Điều trị (Cục Quản lý khám chữa bệnh) vẫn chưa cung cấp số liệu về số ca tử vong mới trong ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 30/8 là 11.064 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Về tiêm chủng, trong ngày 30/8 có 244.853 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 19.966.724 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.347.538 liều, tiêm mũi 2 là 2.619.186 liều.

Từ nay đến cuối năm 2021, TP.HCM cần thêm 14.891.800 liều vaccine chia làm 4 giai đoạn để đảm bảo yêu cầu bao phủ tiêm 2 liều vaccine cho người dân. Thành phố này đang triển khai phát các túi thuốc cho bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà (gồm 3 gói A, B, C) tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.

Cũng trong ngày hôm nay, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (gọi tắt là Bệnh viện điều trị COVID-19 – Y Hà Nội) với quy mô 500 giường bệnh tại Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. (An ninh Thủ đô, trang 6).

Ổ dịch Covid-19 ở Thanh Xuân lại thêm 33 ca, Hà Nội ghi nhận 74 ca trong ngày

Từ 12h trưa đến 18h chiều 31-8, tại Hà Nội ghi nhận thêm 34 ca Covid-19 mới, nâng số mắc trong ngày lên 74 trường hợp. Đáng nói, trong 34 ca mới thì 33 ca ở Thanh Xuân…

Theo Sở Y tế Hà Nội, 34 ca mắc mới chiều nay gồm 5 tại khu cách ly và 29 ca tại khu vực phong tỏa. Trong đó, quận Thanh Xuân ghi nhận tới 33 ca mới, ca còn lại ở quận Hoàng Mai. Như vậy, tính đến chiều nay, ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung đã lên đến 349 ca.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) đến chiều nay là 3.268 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.547 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.721ca. (An ninh Thủ đô, trang 6).

Thanh Huyền tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 12/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/1/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/4/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận