Điểm báo ngày 04/6/2019

(CDC Hà Nam)
Dịch bệnh sởi có xu hướng giảm mạnh; Cứu sản phụ chửa ngoài tử cung bị vỡ thai; Quốc hội sẽ giám sát về phòng chống xâm hại trẻ em; Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tiếp nhận 10 giác mạc từ Mỹ

Dịch bệnh sởi có xu hướng giảm mạnh

Ngày 3-6, theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 27-5 đến 2-6, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 61 trường hợp mắc sởi, 77 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 4 trường hợp mắc tay chân miệng và 1 trường hợp mắc ho gà.

Dịch sởi kéo dài, số ca mắc tăng cao

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.405 trường hợp mắc sởi, 403 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 275 trường hợp mắc tay chân miệng và 71 trường hợp mắc ho gà.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, so với tuần trước đó, số ca mắc mới các dịch bệnh đều giảm từ 4 đến 9 trường hợp/tuần. Đặc biệt, dịch bệnh sởi tiếp tục giảm mạnh. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng và mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các quận, huyện, thị xã cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Cứu sản phụ chửa ngoài tử cung bị vỡ thai

Ngày 3/6, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhân Nông Thị T, (39 tuổi, trú tại Cẩm Nhân, Yên Bình, Yên Bái) cấp cứu trong tình trạng sốc nặng, trụy mạch, huyết áp không đo được.

Được biết, bệnh nhân đi chăm người nhà bị liệt đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, đột nhiên bị đau bụng, co quắp tay chân, choáng váng, nên được người xung quanh đưa đến khoa Cấp cứu.

Bệnh nhân không có người nhà đi cùng, không có thẻ bảo hiểm y tế. Các bác sĩ khẩn trương cấp cứu cho bệnh nhân, hồi sức tích cực, siêu âm tại giường, làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết và test thử thai thấy dương tính, phát hiện ổ bụng bệnh nhân có nhiều dịch, nên đã liên hệ mời các bác sĩ khối Ngoại, Sản để hội chẩn. Bệnh nhân được chẩn đoán chửa ngoài tử cung vỡ choáng, có chỉ định phẫu thuật tối khẩn cấp và được đưa thẳng lên khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức. Ngay khi vào phòng mổ, kíp mổ đặt nội khí quản cấp cứu, vừa gây mê, vừa hồi sức tích cực và phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

Bác sĩ Cao Thúy Anh, Phó trưởng khoa Phụ Sản cho biết, khi phẫu thuật mở ổ bụng đã lấy ra khoảng 1.500ml máu cục lẫn máu loãng. Kiểm tra ổ bụng thấy khối chửa ở góc sừng tử cung phải đã bị vỡ và đang chảy máu ồ ạt. Kíp mổ tiến hành cặp, cắt khối chửa và cầm máu. Kiểm tra tử cung, thấy mặt sau tử cung viêm dính có nhiều giả mạc, đã tiến hành gỡ dính tử cung, đồng thời truyền bổ sung 2 đơn vị máu (mỗi đơn vị 350ml) và các dung dịch thay thế máu. Trong và sau mổ, bệnh nhân dần ổn định, đã qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ khuyến cáo, chửa ngoài tử cung có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thường gặp là viêm nhiễm đường sinh dục. Phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ có quan hệ tình dục, nếu thấy chậm kinh cần phải đi khám sớm, để được siêu âm và làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh, kịp thời phát hiện các tai biến sớm của thai nghén, trong đó có chửa ngoài tử cung. Từ đó, có phương pháp điều trị thích hợp và kịp thời, tránh trường hợp chửa ngoài tử cung vỡ, nguy hiểm đến tính mạng. (Tiền phong, trang 6)

 

Quốc hội sẽ giám sát về phòng chống xâm hại trẻ em

Theo kết quả biểu quyết, 79,13% đại biểu Quốc hội đồng tình lựa chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và giao Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì nội dung.

Sáng 3-6-2019, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Theo tờ trình, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí cơ bản như: Là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế – xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; Không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất…

Về số lượng chuyên đề giám sát, tờ trình cho biết tính đến ngày 23-3-2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất.

Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề nội dung:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với việc chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Theo đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hoà), điều quan trọng nhất cử tri, nhân dân quan tâm đó là trách nhiệm của các cơ quan ban ngành, từ trung ương tới cấp xã.

“Nhiều người thắc mắc tại sao chúng ta có nhiều cơ quan, từ trung ương tới cơ sở tham gia mà tình trạng xâm phạm trẻ em vẫn diễn ra!?”, ông Thân nêu vấn đề và đề nghị Quốc hội mở rộng phạm vi giám sát, có những biện pháp để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo Luật Trẻ em 2016.

Cuối phiên thảo luận, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu về lựa chọn chuyên đề giám sát tại kỳ họp thứ 9 – năm 2020. Kết quả, có 386 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu) đồng tình chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. (An ninh thủ đô, trang 2)

 

Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tiếp nhận 10 giác mạc từ Mỹ

Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã tiếp nhận một món quà đặc biệt từ bác sỹ Kondrot – một bác sỹ nhãn khoa thuộc thành viên Hội nhãn khoa Hawaii và tổ chức See International (Hoa Kỳ).

Quà tặng này gồm 10 giác mạc của những người Mỹ đã qua đời cuối tháng 5 vừa qua. 5 giác mạc đã được trao ngay cho Bệnh viện Trung ương Huế.

Bác sỹ Kondrot và vợ ông – bà Ly Kondrot thường đi làm thiện nguyện khắp nơi trên thế giới, ông bà thường tới các quốc gia nghèo để thực hiện các chương trình mổ mắt/ ghép giác mạc miễn phí cho các bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em. Ông Kondrot cho biết, mỗi lần thực hiện các chương trình thiện nguyện, ông sẽ thông báo trước với Ngân hàng Mắt tại Mỹ. Ngân hàng Mắt tiếp nhận đề xuất của bác sỹ và sẽ gửi các giác mạc bao gồm đầy đủ hồ sơ tới nhà ông trước chuyến bay, thông thường họ sẽ gửi cho ông từ 2 -3 giác mạc để đem đi ghép. Ông Kondrot sẽ cùng các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế ghép giác mạc và phẫu thuật miễn phí cho các bệnh nhân nghèo tại Huế từ 3/6 – 7/6. Bác sỹ CKII Phạm Như Vĩnh Tuyên – Phó trưởng khoa Mắt – Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đợt phẫu thuật này sẽ có 5 trường hợp được ghép giác mạc và 50 bệnh nhân được mổ đục thủy tinh thể. 5 giác mạc còn lại đã được Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chuyển ra Hà Nội ngay trong ngày 2/6 và trao lại cho Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt trung ương). Ông Nguyễn Hữu Hoàng – Giám đốc Ngân hàng Mắt cho biết, đây là món quà quý báu đối với Ngân hàng Mắt và các bệnh nhân đang chờ ghép giác mạc. Theo ông Hoàng, năm 2018, cả nước có 109 ca hiến giác mạc với gần 200 giác mạc đảm bảo được chất lượng và đã ghép cho các bệnh nhân chờ đợi. Từ đầu năm 2019 đến nay, Ngân hàng tiếp nhận 65 ca hiến. Trong khi đó, số người đăng ký chờ ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Trung ương luôn giao động từ 800 -1.000 người.

Số lượng giác mạc có được rất ít nên Bệnh viện luôn thực hiên ghép 1 giác mạc theo hướng ưu tiên theo thứ tự của những người bị hỏng cả 2 mắt. (Gia đình & Xã hội, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/11/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 26/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 07/10/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận