Điểm báo ngày 10/5/2022

(CDC Hà Nam)
Vào mùa dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết; TPHCM: Bệnh viện Hùng Vương dẫn đầu bảng điểm chất lượng bệnh viện năm 2021; Phát hiện 52 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế sai phạm; Công an Vĩnh Phúc xác minh 33 gói thầu mua sắm kit xét nghiệm…

 

Vào mùa dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết

Thời tiết nắng nóng, giao mùa là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) bùng phát tại TPHCM và các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời sẽ có khả năng xảy ra “dịch chồng dịch”, đe dọa sức khỏe cả trẻ nhỏ lẫn người lớn. Gia tăng bệnh tay chân miệng

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa cứu sống kịp thời bé gái 3 tuổi (ngụ Long An) vì mắc TCM. Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, biếng ăn, chảy nước miếng nhiều vì loét họng, lòng bàn tay, bàn chân không có hồng ban bóng nước. Qua thăm khám và các kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị phù phổi cấp, suy hô hấp do biến chứng TCM. Bệnh nhi nhanh chóng được các y bác sĩ cho thở máy, truyền Gamma globulin (huyết thanh)… Nhờ điều trị tích cực, bé gái đã hồi phục, ổn định sức khỏe.
Những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cũng liên tục tiếp nhận trẻ mắc TCM. Từ giữa tháng 4 đến nay, Khoa Nhiễm – Thần kinh của bệnh viện luôn có trung bình 9-10 trẻ nằm điều trị nội trú. Bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan, Khoa Nhiễm – Thần Kinh, cho biết, hiện các ca mắc TCM nhập viện chủ yếu ở mức độ nhẹ và vừa. Tuy nhiên, khi số trẻ mắc bệnh gia tăng sẽ kéo theo các ca nặng xuất hiện.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, bệnh TCM xảy ra chủ yếu ở tuổi mầm non. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, môi trường không đảm bảo, đặc biệt vệ sinh tay với xà phòng chưa thực hiện thường xuyên. Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh TCM ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da (chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông).

Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, nhưng ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, nên theo các chuyên gia y tế, cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. “Hiện Sở Y tế đã phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM trong trường học. Song song đó là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, nâng cao ý thức phòng bệnh cho các phụ huynh. Phụ huynh có con nhỏ cần lưu ý giữ vệ sinh nhà ở, khử khuẩn thường xuyên sàn nhà, đồ chơi, các bề mặt trẻ hay chạm vào để phòng bệnh”, bác sĩ Lê Hồng Nga khuyến cáo.

Dự báo bùng phát sốt xuất huyết

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 15.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc giảm nhẹ, nhưng số tử vong tăng 1 trường hợp.

Ghi nhận tại Hà Nội, số người mắc SXH phải nhập viện điều trị gần đây có chiều hướng gia tăng, trong đó có không ít trường hợp biến chứng do nhập viện muộn. Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như: chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có nguy cơ gây tử vong.

Còn tại TPHCM, từ đầu năm đến nay ghi nhận gần 4.500 ca mắc SXH, trong đó có 109 ca nặng và 4 trường hợp tử vong. Nguyên nhân dẫn đến tử vong theo báo cáo của các bệnh viện là do bệnh nhân được phát hiện và nhập viện trễ. Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca SXH đến khám và nhập viện tăng gấp 1,5-2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong tuần qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng tiếp nhận nhiều trường hợp mắc SXH, trong đó có nhiều ca bị sốc nặng, tổn thương đa cơ quan.

PGS-TS-BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết, SXH là bệnh lưu hành hàng năm và giai đoạn cao điểm của bệnh thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau. Cùng với biến đổi khí hậu, dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch, dự báo năm 2022, bệnh SXH sẽ rất phức tạp và ngành y tế cần có những hành động ngay nhằm hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong, cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.

Đồng quan điểm, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, năm nay công tác phòng chống dịch SXH sẽ khó khăn vì sau hơn 2 năm đã dồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM tập huấn cho các cơ sở y tế. Trong đó, chú trọng trang bị kiến thức để nhân viên y tế cơ sở nhận diện sớm bệnh SXH, tránh bỏ sót gây chậm trễ điều trị. Các biện pháp dự phòng cũng được triển khai, trong đó có biện pháp xử phạt cá nhân, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Nghị định 117. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông cũng được tăng cường để người dân hiểu được tình hình dịch bệnh, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhận biết sớm dấu hiệu bệnh để đưa người bệnh kịp thời đến các cơ sở y tế. Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM cũng thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ thuốc điều trị SXH.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2022, không để “dịch chồng dịch”, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các nội dung hoạt động tham mưu UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh TCM, sởi, cúm, tiêu chảy, SXH, viêm não. Các địa phương phải tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. (Sài gòn giải phóng, trang 1).

 

TPHCM: Bệnh viện Hùng Vương dẫn đầu bảng điểm chất lượng bệnh viện năm 2021

Hai bệnh viện chuyên khoa sản tiếp tục dẫn đầu trong bảng điểm chất lượng bệnh viện năm 2021 của ngành y tế TPHCM, đứng đầu là Bệnh viện Hùng Vương. thứ hai là Bệnh viện Từ Dũ. Ngày 9-5, Sở Y tế TPHCM cho biết, qua đánh giá chất lượng 117 bệnh viện trên địa bàn thành phố bao gồm 55 bệnh viện công lập, 59 bệnh viện tư nhân và 3 bệnh viện thuộc bộ ngành, ghi nhận 32 bệnh viện đạt điểm chất lượng trung bình trên 4 (thang điểm 5) tăng 18,5% (5 bệnh viện) so với năm 2020. Số lượng bệnh viện đạt điểm dưới 2,5 chỉ còn 3 bệnh viện thuộc khối tư nhân.

Đặc biệt, hai bệnh viện chuyên khoa sản tiếp tục dẫn đầu trong bảng điểm chất lượng bệnh viện năm 2021 của ngành y tế TPHCM, đứng đầu là Bệnh viện Hùng Vương, thứ hai là Bệnh viện Từ Dũ.

Theo Sở Y tế TPHCM, năm 2021, toàn ngành y tế phải dồn toàn lực cho công tác phòng chống dịch, bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo công tác của khám chữa bệnh thông thường, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động cải tiến chất lượng tại các bệnh viện.

Tuy nhiên với mục tiêu luôn hướng đến sự hài lòng người bệnh, các bệnh viện vẫn nỗ lực triển khai hoạt động cải tiến chất lượng, đặc biệt vào những tháng cuối năm 2021 khi dịch bệnh đã được dần kiểm soát và thực hiện mục tiêu kép “Bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả đồng thời khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội” và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết của Chính phủ.

Nhìn chung, sau nhiều nỗ lực, các bệnh viện đã duy trì được chất lượng so với năm 2020, một số bệnh viện có nhiều cải tiến trong hoạt động chuyên môn và phối hợp tốt công tác chống dịch.

Trong 32 bệnh viện đạt điểm trung bình từ 4 điểm trở lên (mức chất lượng tốt) có 10 bệnh viện đạt trên 50% số tiêu chí mức 5 (mức tối đa): BV Hùng Vương (62/82), BV Từ Dũ (58/82), BV Nhân dân 115 (56/79), Viện Y Dược học Dân tộc (54/78), BV Hoàn Mỹ Sài Gòn (52/82), BV Nhi đồng 1 (48/79),  BV Nhân dân Gia Định (49/83), BV Bình Dân (43/79), BV ĐK Quốc tế Vinmec Central Park (51/82), BV Đa khoa Tâm Anh (43/82).

Bên cạnh đó, có 69 Bệnh viện điểm trung bình từ 3 điểm trở lên trong đó có 2 BV thuộc bộ, ngành tăng 13% (8 BV) so với 2020. Nhóm bệnh viện có điểm trung bình dưới 2 có 16 BV giảm 24% (5 BV) so với năm 2020.

Bên cạnh những cải tiến chất lượng rõ rệt, vẫn còn đó nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến các lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn người bệnh. Với thực trạng vừa nêu, Sở Y tế dự kiến tổ chức buổi tập huấn chuyên đề về kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn người bệnh vào cuối quý 2 năm 2022, đồng thời tăng cường kiểm tra chuyên đề kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn người bệnh tại các bệnh viện. (Sài gòn giải phóng, trang 7, Tuổi trẻ, trang 3).

 

Phát hiện 52 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế sai phạm

Ngày 9-5, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã có kết luận về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit test, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, kết luận của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc làm rõ, tổng kinh phí thực hiện mua sắm thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, kit test, thuốc phòng chống dịch Covid-19 tại Sở Y tế Vĩnh Phúc và các đơn vị y tế trực thuộc năm 2020-2021, gồm 506 gói thầu với tổng giá trị hơn 487 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra 176 gói thầu mua sắm trong năm 2020-2021 (tỷ lệ 37,2%), tổng giá trị các gói thầu gần 309 tỷ đồng, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện 52 gói thầu sai phạm về trình tự thủ tục.

Cơ quan thanh tra đánh giá, các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn. Mặc dù việc lựa chọn nhà thầu cơ bản đảm bảo trình tự, thủ tục theo Luật Đấu thầu nhưng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu còn bất cập. Đáng chú ý, qua kiểm tra việc mua sắm vật tư y tế tại Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020 đã phát hiện có 2/9 nhà thầu chưa được phê duyệt đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là Công ty cổ phần Kinh doanh và thương mại Trần Gia và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu quốc tế Palmy.

Trước những tồn tại nêu trên, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc xảy ra những tồn tại nêu trên. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Công an Vĩnh Phúc xác minh 33 gói thầu mua sắm kit xét nghiệm

Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Kết luận này cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành nguồn kinh phí lên tới hơn 1.287 tỉ đồng để chống dịch trong năm 2020 và 2021.

Trong đó, Sở Y tế Vĩnh Phúc và các đơn vị y tế trực thuộc đã chi trên 487 tỉ đồng cho 506 gói thầu để mua sắm thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc phòng chống dịch Covid-19.

Qua kiểm tra 176 gói thầu mua sắm trong các năm 2020 và 2021 (tỷ lệ 37,2%), tổng giá trị các gói gần 309 tỉ đồng, cơ quan thanh tra phát hiện 52 gói thầu sai phạm về trình tự thủ tục. Hầu hết các gói thầu được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn. Việc lựa chọn nhà thầu cơ bản đảm bảo trình tự, thủ tục theo luật Đấu thầu.

Trong 2 năm qua, toàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã chi hơn 56,6 tỉ đồng để cải tạo các bệnh viện, cơ sở cách ly tập trung…

Tổng cộng, qua thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện các sai phạm về kinh tế với số tiền chỉ hơn 105 triệu đồng.

Đáng chú ý, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đang xác minh 33 gói thầu mua sắm trang thiết y tế, vật tư tiêu hao, gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc 5 gói thầu, Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên 14 gói thầu, Bệnh viện Sản nhi 1 gói thầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Phúc 11 gói thầu và Trung tâm y tế H.Vĩnh Tường 2 gói thầu.

Tổng giá trị các gói thầu trên 144,77 tỉ đồng; tổng giá trúng thầu 132 tỉ đồng, tổng giá trị hợp đồng trên 128 tỉ đồng.

Dù số lượng gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao rất lớn, nhưng tại kết luận của mình, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc không nêu nhiều thông tin liên quan đến các đơn vị trúng thầu, đặc biệt là có hay không việc tham gia của Công ty CP công nghệ Việt Á ( Công ty Việt Á) – đơn vị được cho là cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng và là đối tượng trong đại án kinh tế, tham nhũng được Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Trao đổi thêm với Thanh Niên, một lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không mua các loại kit xét nghiệm trực tiếp qua Công ty Việt Á, song cũng không đề cập tỉnh này có mua sản phẩm của Công ty Việt Á qua các công ty trung gian hay không.

“Tỉnh Vĩnh Phúc thấy rằng vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á rất nghiêm trọng nên các hoạt động thanh tra kiểm tra phải thực hiện thận trọng, rõ ràng theo từng bước. Thứ nhất là giao thanh tra thực hiện xong, tiếp tục giao Công an tỉnh Vĩnh Phúc xác minh lại thêm một bước nữa. Đây cũng là thực hiện theo hướng dẫn của T.Ư và chưa thấy phát sinh vấn đề gì”, vị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nói. (Thanh niên, trang 5).

 

Bệnh viêm gan bí ẩn: Việt Nam ứng phó thế nào?

Ngày 9/5, Bộ Y tế cho hay, hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây viêm gan bí ẩn ở những bệnh nhi tại 20 quốc gia và các cuộc điều tra đang tiếp tục. Tuy nhiên các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno. Việt Nam đang tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh.
Nguy cơ bệnh xâm nhập lớn

Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp nào mắc viêm gan bí ẩn nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập là rất lớn. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cập nhật từ WHO cho biết, đã có 278 trường hợp viêm gan bí ẩn ở trên 20 quốc gia, 5 trường hợp trẻ đã tử vong. Ước tính 10% trẻ em mắc viêm gan này phải ghép gan.

Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền cho hay, dù chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn nhưng đã có nghi ngờ cho rằng căn bệnh này do Adenovirus gây ra.

“Adenovirus không phải là virus mới và ở Việt Nam có rất nhiều đơn vị có thể xét nghiệm được loại virus này.

Tuy nhiên, căn bệnh viêm gan bí ẩn chưa hoàn toàn chắc chắn do Adenovirus thông thường gây ra mà có thể do chủng đột biến, cho nên dựa vào các kĩ thuật thông thường thì khó có thể “bắt” được đây là Adenovirus.

Chính vì vậy cần chờ đợi thêm thông tin từ các chuyên gia trên thế giới tìm hiểu để xem viêm gan bí ẩn do căn nguyên virus gì, tác nhân gì, có xuất hiện tình trạng đột biến hay không… Từ đó mới có đoạn gen đặc hiệu để xét nghiệm truy tìm nguyên nhân chính xác của viêm gan bí ẩn”, bác sĩ Huyền phân tích.

Một chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định, phải tốn thêm rất nhiều thời gian và tiền bạc để có thể tìm được nguyên nhân.

Tuy nhiên, hiện có một số giả thuyết đang được đặt ra như bệnh liên quan đến chó, mèo hoặc do thủ phạm là Adenovirus.

Về việc bệnh có liên quan đến chó mèo hay không, TS. Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra có 70% trẻ bị tổn thương gan có nuôi chó cảnh. Tuy nhiên, đây chỉ là ghi nhận, chứ chưa phải kết luận.

Về giả thuyết cho rằng, Adenovirus là thủ phạm, bác sĩ Hoa thông tin, theo số liệu đã công bố, Adenovirus phát hiện ở 30% số ca bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân. Riêng ở Mỹ, đến ngày 6/5 có tới 50% ca bệnh dương tính với Adenovirus chủng 41.

“Còn quá sớm để kết luận điều này. Bởi, Adenovirus là một loại virus quen thuộc, được phát hiện từ năm 1953. Trong quá khứ, virus này chỉ gây viêm gan ở một số ca bệnh tản phát, ở trẻ có miễn dịch yếu, còn lại virus chỉ hay gặp ở những bệnh nhân có tổn thương phổi, phế quản. Dịch đau mắt đỏ của Việt Nam thường xuất hiện trong mùa hè cũng là do Adenovirus”, bác sĩ Hoa nói.

Theo một nghiên cứu, ở trẻ 0-4 tuổi, đa phần khi kiểm tra kháng thể Adeno trong máu thì đã cho kết quả dương tính. Như vậy, trẻ em thường va vấp một lần với virus này. “Đây chỉ là một lưu ý về hướng tiếp cận chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, còn để có kết luận chính xác cần nghiên cứu thêm của các nhà khoa học trên thế giới”, TS. Hoa cho biết thêm.

Về lo ngại viêm gan bí ẩn là một trong những di chứng của hậu COVID-19 hay vắc xin COVID-19, TS. Hoa cho rằng “khó để khẳng định có mối liên quan”. Bởi theo thống kê, chỉ có 10 – 20% số trẻ mắc bệnh viêm gan này đã từng mắc COVID-19.

Ngoài ra, đa phần trẻ bị bệnh dưới 5 tuổi đều chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tại Mỹ, một số bệnh nhân mắc bệnh trên 12 tuổi song tỉ lệ tiêm vắc xin rất ít.

Phòng tránh viêm gan bí ẩn

TS. Nguyễn Phạm Anh Hoa cho rằng, với tốc độ lây lan, đặc biệt đã xuất hiện tại Đông Nam Á, bệnh có khả năng xâm nhập vào Việt Nam.

Do đó, với trẻ từ 0 -16 tuổi, khi có đồng thời các triệu chứng sau, cần đưa tới bệnh viện thăm khám sớm để phát hiện, can thiệp kịp thời: sốt nhẹ; buồn nôn; tiêu chảy; mệt mỏi; dấu hiệu vàng da. Ban đầu, vàng da có thể xuất hiện ở củng mạc mắt (phần lòng trắng của mắt). Sự thay đổi màu sắc này dễ dàng nhận biết dưới ánh sáng mặt trời.

Dù vậy, các phụ huynh cũng không nên quá hoang mang, lo lắng và tìm kiếm các phương pháp xét nghiệm, điều trị… truyền miệng. Với các trường hợp nghi ngờ, nguy cơ cao, bác sĩ sẽ có chỉ định xét nghiệm phù hợp.

Do chưa biết rõ căn nguyên lây bệnh, đường lây truyền, nên cách duy nhất là bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh này ngay từ các tác nhân đã ghi nhận.

Các tổn thương do đường virus như Adeno có thể lây qua giọt bắn, phân, bề mặt tiếp xúc, do đó việc vệ sinh cá nhân, đảm bảo nguồn nước sạch, xử lí chất thải rất quan trọng. Adenovirus có thể lây qua bề mặt tiếp xúc mà người bệnh để lại, nên cần sử dụng đồ dùng cá nhân (như ca, cốc, thìa, khăn mặt…) riêng.

Ngoài ra, cần đảm bảo ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch để dự phòng các nguồn lây nhiễm. (Tiền phong, trang 1, Tiền phong, trang 11).

 

Bộ Y tế cập nhật thông tin mới về căn bệnh viêm gan “bí ẩn” ở trẻ em

Chiều 9-5, cập nhật thông tin liên quan đến căn bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đang xảy ra tại 20 quốc gia, Bộ Y tế cho biết, khoảng 10% trẻ mắc bệnh phải ghép gan…Ngày 9-5, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế ban hành công văn số 2329/BYT-DP gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.

Theo đó, Bộ Y tế cho biết, trên thế giới đã ghi nhận 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 20 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 4 trường hợp tử vong.

Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.

Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (vi rút viêm gan A, B, C, D và E).

Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết, nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.

Để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong; Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại các cơ sở y tế để xác định căn nguyên.

“Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, không rõ nguyên nhân đề nghị báo cáo ngay về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để theo dõi, chỉ đạo kịp thời” – công văn của Bộ Y tế nêu rõ.

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo tăng cường triển khai bao phủ vaccine viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại các cơ sở y tế đạt tỷ lệ đề ra và đảm bảo an toàn, không để tồn tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ em đạt thấp, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh.

Cùng đó, thực hiện tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện tốt các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong việc dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan virus. (An ninh Thủ đô, trang 5, Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Trẻ sốt, nôn, tiêu chảy – Phụ huynh lo ngại liên quan đến bệnh viêm gan “bí ẩn”

Trong những ngày qua, nhiều trẻ không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác bị sốt cao, nôn, tiêu chảy, phải khám và nhập viện khiến phụ huynh lo ngại có liên quan đến căn bệnh viêm gan “bí ẩn” đang bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo WHO, đến nay có gần 300 trẻ em ở 20 quốc gia, vùng lãnh thổ mắc viêm gan “bí ẩn”, trong đó ít nhất đã có 9 trẻ tử vong. Tại Việt Nam, qua giám sát dịch tễ, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu nghi ngờ mắc căn bệnh này, song số trẻ đến khám và nhập viện do sốt, tiêu chảy, nôn gia tăng.

Nơm nớp nỗi lo

Có mặt tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Xanh Pôn, chúng tôi gặp khá nhiều trẻ đến khám trong tình trạng nôn, sốt, tiêu chảy. Chị Nguyễn Thị Huệ, ở Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: Con sốt 39 độ C, tiêu chảy, ăn gì là nôn đã 2 ngày nay, thậm chí cháu uống Oresol cũng nôn. Bình thường tôi cho con khám ở bệnh viện huyện, nhưng mấy hôm nay đọc báo thấy bệnh viêm gan “bí ẩn” có triệu chứng gần giống thế này, nên vợ chồng tôi lo lắng cho con ra đây khám”.

Cùng tâm trạng như chị Huệ, một vài phụ huynh con sốt, tiêu chảy ngồi chờ khám cũng lo lắng. Một phụ huynh sau khi con khám và làm xét nghiệm xong đã thở phào cho biết: “Cháu chỉ bị tiêu chảy thông thường thôi, không phải viêm gan như báo chí nói”. Nghe thấy thế, tuy chưa có kết quả của con, một số phụ huynh cũng bớt lo.

BS Đào Trường Giang, chuyên Khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, thời gian gần đây, trẻ nhỏ bị sốt, nôn, đi ngoài đến khám gia tăng. Có cháu vào viện trong tình trạng mệt lả, mất nước, môi nhợt nhạt. Nhiều phụ huynh lo lắng liệu có liên quan đến bệnh viêm gan “bí ẩn” hay không? Theo BS Giang, hiện chưa có nhiều thông tin về virus gây viêm gan ở trẻ, nên vẫn nghĩ do virus gây rối loạn tiêu hóa thông thường. Tình trạng này năm nào cũng có, tuy nhiên, năm nay có ghi nhận nhiều hơn.

Tại Bệnh viện Medlatec cũng tiếp nhận khám cho một số trẻ bị tiêu chảy, nôn, sốt, mệt mỏi. Còn tại Khoa Nhi, Bệnh viện 103, bệnh nhi bị tiêu chảy, nôn đến khám tăng, thậm chí có trẻ nhập viện trong tình trạng mất nước, mệt lả, môi nhợt, tay chân lạnh, gọi hỏi không đáp ứng. Chị Bùi Tuyết Nhung, ở quận Hà Đông, cho biết: “Cháu ăn gì là nôn, uống nước cũng nôn, sau hết hôn là đi ngoài, ngày 5-7 lần, hôm qua bắt đầu sốt. Lo lắng tôi cho cháu vào viện. Vì mất nước nhiều quá nên bác sĩ đang cho cháu truyền nước. Tôi muốn cho cháu làm xét nghiệm men gan xem có bị viêm gan “bí ẩn” không”.

Theo các bác sĩ, tình trạng tiêu chảy và nôn ở trẻ hiện nay phần lớn là do virus Rotavirus gây nên, không liên quan đến bệnh viêm gan đang cảnh báo hiện nay. Bên cạnh đó, một số trẻ có thể bị tiêu chảy do ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh.

Vì sao gia tăng trẻ bị nôn, tiêu chảy?

Trước tình trạng gia tăng trẻ sốt, nôn, tiêu chảy, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có nhiều nguyên nhân gây đau bụng và nôn ở trẻ. Tuỳ theo từng nhóm nguyên nhân khác nhau mà tình trạng của trẻ có thể diễn biến cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng. Đau bụng và nôn cấp tính nhiều khi là các dấu hiệu chỉ điểm của nhiều bệnh nguy hiểm cần phải được can thiệp khẩn cấp.

Theo BS Hà, nhiễm khuẩn tiêu hoá là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau bụng và nôn ở trẻ em. Trong đó có viêm dạ dày – ruột cấp do virus như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus, COVID-19. Viêm dạ dày – ruột có thể xảy ra khi trẻ ăn thức ăn, nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn. Thời tiết nắng nóng của mùa hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh. Sử dụng đá, nước giải khát được làm lạnh gây dễ nhiễm khuẩn nếu nguồn nước ô nhiễm…

Tuy nhiên, nôn trớ do viêm dạ dày – ruột nhiễm khuẩn thường bắt đầu đột ngột và hồi phục nhanh trong vòng 24 giờ. Các biểu hiện khác như tiêu chảy phân nhày máu, sốt hoặc đau bụng sẽ xuất hiện đồng thời hoặc sau 12-24 giờ.

Nguyên nhân thứ 2 là ngộ độc thực phẩm, rất dễ phát hiện. Trẻ bị ngộ độc thường có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng có thể có nhày máu. Trẻ có thể không sốt hay sốt cao trên 38 độ C. Ngoài ra, chế độ ăn không phù hợp như ăn uống quá độ, dị ứng thức ăn, hay độc chất, dùng thuốc quá liều; hoặc các bệnh lý cấp cứu ngoại khoa cần nhanh chóng phẫu thuật như lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột… cũng gây nôn trớ và đau bụng ở trẻ.

BS Hà cũng đặc biệt lưu ý tình trạng nôn, đau bụng ở những trẻ có tiền sử COVID-19, hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch, cha mẹ cũng cần lưu ý các biểu hiện đau bụng và nôn. Kết quả từ các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, 30-40% trẻ em nhiễm COVID-19 có biểu hiện triệu chứng tiêu hoá như nôn, đau bụng, tiêu chảy. Sau nhiễm COVID-19 từ 4-6 tuần, khoảng 10% trẻ có biểu hiện đau bụng, nôn. Khi có biểu hiện này trẻ cần được đi khám vì trẻ có thể bị viêm ruột thừa, lồng ruột, viêm tuỵ cấp, tràn dịch ổ bụng, hội chứng viêm đa hệ thống.

Theo khuyến cáo của BS, cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu nôn kéo dài trên 24 giờ hoặc trẻ nôn liên tục, nôn ra tất cả mọi thứ sau khi ăn hoặc uống, dịch nôn có màu xanh hoặc vàng, có sự hiện diện của máu đỏ tươi hoặc máu đông. Cùng đó, tiêu chảy thường xuất hiện đồng thời hoặc sau nôn, đau bụng và có thể tồn tại ngay cả khi đau bụng đã hết. Nếu trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều nước, nhiều lần trong ngày, phân nhày máu hoặc có biểu hiện mất nước cũng cần đưa tới bệnh viện.

Khi trẻ xuất hiện những tình trạng như sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc,… thì cha mẹ cần đưa con tới các cơ sở để biết có mắc hậu COVID-19 hay hội chứng viêm đa hệ thống hay không.

Trước lo ngại của phụ huynh về bệnh viêm gan “bí ẩn”, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, dựa trên những thống kê ca bệnh đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ trên thế giới, triệu chứng khởi phát của căn bệnh này là sốt, nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và sau đó nhanh chóng diễn biến thành suy gan. Một số biểu hiện khác là vàng da, vàng mắt, đi tiểu sẫm màu, chán ăn, mệt mỏi. Trường hợp nặng hơn có thể lơ mơ hoặc hôn mê. Tình trạng tổn thương gan cấp ở trẻ mắc căn bệnh này là suy giảm chức năng gan và tăng men gan. Nếu trẻ xuất hiện triệu chứng trên cần đưa đến cơ sở y tế sớm để thăm khám cũng như làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan. Từ đó, bệnh nhân phải được chẩn đoán có tình trạng tổn thương gan hay không.

Theo BS Cấp, hiện nay căn bệnh viêm gan “bí ẩn” vẫn chưa được xác định căn nguyên chính xác, vẫn còn rất nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra. Có giả thuyết phổ biến đưa ra căn bệnh này được gây ra bởi virus có tên Adeno; cũng có giả thiết khác nói rằng liên quan đến virus khác, thậm chí một số loại chưa được xác định. Tại Việt Nam chưa ghi nhận chùm ca bệnh có các triệu chứng như trên.

“Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang theo dõi sát cao những trường hợp trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng sốt, nôn, tiêu chảy, đồng thời thăm khám xác định các cháu có tổn thương gan hay không. Ngay cả những trường hợp ngoại trú, các bác sĩ vẫn theo dõi diễn biến khác về tình trạng tổn thương gan. Nhưng đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào có dấu hiệu bất thường. Hiện WHO và các nhà chuyên môn trên thế giới vẫn đang nỗ lực xác định loại virus nào gây tổn thương gan ở chùm ca bệnh trẻ nhỏ. Ngay khi thế giới xác định được chủng virus, hệ thống phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ lập tức phối hợp để theo dõi diễn biến ở Việt Nam”, BS Cấp nói.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ kiểm tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” trên thế giới; phối hợp với các địa phương phân tích các trường hợp nghi ngờ và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam.

Các chuyên dịch tễ cho biết, nếu viêm gan “bí ẩn” lây nhiễm qua đường tiêu hóa thì tốc độ lây truyền sẽ chậm hơn đường hô hấp. Đáng lo ngại nếu bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khả năng dịch bùng phát sẽ nhanh và mạnh hơn. (Công an nhân dân, trang 7).

 

Tặng Bằng khen ê kip bác sĩ thực hiện ca ghép tim xuyên Việt đặc biệt của BV TƯ Huế

Sáng 9/5, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tặng bằng khen cho 3 tập thể, 24 cá nhân và thưởng 100 triệu đồng cho Bệnh viện T.Ư Huế sau khi Bệnh viện thực hiện thành công ca ghép tim xuyên Việt đặc biệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương biểu dương, ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của tập thể các y, bác sĩ Bệnh viện T.Ư Huế.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, ca ghép tim lần này của Bệnh viện T.Ư Huế đã xác lập hai kỷ lục mới đó là thời gian từ khi lấy tim xuyên Việt đến khi tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ cũng ngắn nhất.

Để đạt được kết quả tốt như vậy, ngoài sự chỉ đạo của lãnh đạo Bệnh viện và các đơn vị khác, không thể không nhắc đến sự đóng góp vô cùng to lớn, đầy khoa học, sáng tạo của đội ngũ y, bác sĩ tham gia ê kíp từ việc điều phối, tiếp nhận, vận chuyển tạng ở một quảng đường di chuyển dài, phức tạp, thực hiện ghép tim đạt chính xác tuyệt đối.

Trước đó, như Báo CAND Online thông tin, vào lúc 10h47 ngày 6/5, quả tim được rời khỏi lồng ngực người hiến tạng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) và được vận chuyển về tỉnh Thừa Thiên-Huế an toàn lúc 13h32 cùng ngày. Song song với quá trình di chuyển của tim, tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện T.Ư Huế, bệnh nhân M.S.H (SN 1985, trú tại tỉnh Quảng Bình, bị suy tim giai đoạn cuối, chờ cơ hội được ghép tim hơn 4 năm qua) được đưa vào phòng mổ. Sau 1 giờ 20 phút phẫu thuật thực hiện ca ghép tim, quả tim đã đập lại trong lồng ngực bệnh nhân H. Đến 17h15 cùng ngày, bệnh nhân được chuyển ra phòng hồi sức tim với các thông số huyết động ổn định, mạch 86 lần/phút, huyết áp 126/68, SpO2 100%.

Hiện sức khỏe bệnh nhân H đang dần hồi phục sau ca ghép tim. Trong sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã đến thăm, tặng quà động viên bệnh nhân được ghép tim. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

Thanh Huyền

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 23/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/10/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/7/2022

CDC Hà Nam