Phòng tránh ngộ độc khi đi du lịch
Khi đi du lịch đến những vùng đất mới, chúng ta thường thưởng thức món ăn mới. Nhưng do không hợp nên nhiều người dễ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Hơn nữa, việc chế biến các món ăn nếu không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cũng dễ gây ra ngộ độc. Vậy, cần làm gì để phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Ăn ngon nhưng phải an toàn
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 600 triệu ca bệnh được ghi nhận và 420.000 người tử vong vì ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật gây bệnh có trong thức ăn như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng (hoặc độc tố có trong thực phẩm). Theo thống kê sơ bộ, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm tỷ lệ 38,7%), tiếp đến là độc tố tự nhiên (28,4%), hóa chất (4,2%) và các nguyên nhân khác.
Ngoài độc tố tự nhiên, vào mùa nắng nóng, thực phẩm còn dễ ôi thiu, biến chất cũng là nguy cơ dễ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Thêm vào đó, nếu quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, khi đi biển, nhiều người thích ăn các món hải sản, thậm chí ăn ngay trên bờ biển. Cách chế biến hải sản ngay trên bờ biển có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn. Mặt khác, các món ăn hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, như: Tôm, cua, ghẹ, mực, sò, hàu… dễ gây dị ứng với người mẫn cảm và không tốt với người bị bệnh gout. Thực tế đã có nhiều trường hợp thuộc nhóm trên gặp vấn đề sức khỏe khi ăn quá nhiều hải sản trong chuyến đi.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội), ăn bất kỳ thực phẩm nào nhiều một lúc cũng đều không tốt đối với sức khỏe, nhất là hải sản. Hải sản có hàm lượng protein, đạm và khoáng cao nên nếu ăn nhiều, bộ máy tiêu hóa không hấp thu được, không chuyển hóa hết sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
“Ngoài ăn gỏi cá sống, nhiều người còn ăn cả bạch tuộc, hàu, sò… sống. Khi ăn các loại hải sản sống, mối nguy hiểm nhiều nhất chính là ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn, mà độc tố của vi khuẩn gây ngộ độc rất kinh khủng. Tiếp đến, khi ăn những thực phẩm sống dễ bị nhiễm sán, ký sinh trùng hoặc dễ dị ứng với protein trong các con nhuyễn thể đó”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương nói.
Thậm chí, nhiều người ham rẻ mà ăn những loại hải sản không còn tươi mới và yên tâm là nấu chín rồi, thì không lo bị ngộ độc thực phẩm. Đây cũng là quan điểm sai lầm vì theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương, có những loại vi khuẩn tồn tại trong hải sản dù đã được nấu chín, chế biến kỹ thì độc tố vẫn còn và có thể gây ngộ độc nếu ăn phải.
Ưu tiên ăn chín, uống sôi
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho rằng, khi đi du lịch, việc ăn chín, uống sôi luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Do đó, nên tránh xa những món dù được giới thiệu là ngon, bổ hay hấp dẫn như các món gỏi, món sống đều là loại thức ăn không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ chứa mầm bệnh cao. Ngoài ra, không nên ăn uống tùy tiện như trên bờ biển hay quán vỉa hè ven đường, mà nên chọn những nhà hàng hợp vệ sinh, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có nguồn nước sạch, thiết bị khử trùng, thực phẩm tươi sống, không có ruồi, muỗi, có dụng cụ chống bụi, bảo quản sạch sẽ. Riêng đối với các loại hoa quả khi ăn phải chú ý rửa sạch, gọt vỏ để tránh bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản.
Không chỉ vấn đề thực phẩm, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch, du khách cũng cần lưu ý đến vấn đề nước uống. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến đưa ra lưu ý, khi lựa chọn nước uống ngay cả khi nguồn nước đã được khử trùng, thì dứt khoát vẫn phải uống nước đun sôi. Tốt nhất, luôn chuẩn bị những chai nước đóng sẵn trước lúc khởi hành, có thể là nước khoáng đóng chai, nước đun sôi, nước chè, nước vối… Điều này vừa bảo đảm vệ sinh, an toàn, vừa giúp cung cấp đủ nước cho cơ thể, chống được mệt mỏi. Đặc biệt, khi đi du lịch vào mùa hè phải cẩn thận với việc sử dụng nước đá, không nên ăn kem hay uống nước giải khát ướp lạnh dọc đường đề phòng không bảo đảm vệ sinh.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương cũng đưa ra khuyến cáo, khi đi du lịch không nên ăn quá nhiều, ăn quá no vì không có điều kiện vận động, nên thức ăn tiêu hóa chậm, dễ gây ra sự mệt mỏi cho cơ thể. Ngoài ra, không nên ăn hoặc hạn chế sử dụng thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi… Nước uống và chế biến thực phẩm phải là nước sạch. Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không bảo đảm vệ sinh như rau sống, nước đá cây, đồ ăn bán dạo ngoài bãi biển, đường phố, khu vui chơi… Không chọn mua và sử dụng những loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chín được bày bán tại nơi không bảo đảm vệ sinh. Riêng với thực phẩm thừa trong các bữa ăn, du khách muốn giữ lại, thì chỉ để ở nhiệt độ của phòng không quá 2 giờ, sau đó cần cho vào tủ lạnh.
Theo các chuyên gia y tế, nếu du khách có dấu hiệu bị ngộ độc, biện pháp sơ cứu ngay lập tức là gây nôn, nhằm hạn chế các loại độc tố ngấm vào cơ thể, sau đó bù nước bằng orezol. Nếu người bệnh bị sốt, tiêu chảy kéo dài hơn 72 giờ và hoặc nôn mửa nhiều lần, có dấu hiệu mất nước nặng, nên đưa tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. (Hà Nội mới, trang 5).
Giám đốc Sở Y tế xin lỗi lực lượng chống dịch COVID: Có dễ lượng thứ?
Ngày 12/7, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thay mặt ngành y tế thành phố gửi tâm thư xin lỗi đến đồng nghiệp – những chiến sĩ áo trắng trên khắp cả nước đã tham gia mặt trận chống dịch COVID-19 tại TPHCM thời gian qua.
Trong nội dung tâm thư, người đứng đầu ngành y tế TPHCM nêu lên những khó khăn, vất vả khi thành phố đương đầu dịch bệnh. Sự chung tay, giúp sức của lực lượng y tế trên cả nước đã giúp thành phố đẩy lùi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau khi dịch kết thúc, ngành y tế thành phố chưa làm tròn trách nhiệm đối với các chiến sĩ áo trắng.
Ông Tăng Chí Thượng viết: “Từ đáy lòng mình, cho phép chúng tôi chuyển lời xin lỗi về sự chậm trễ trong việc gửi giấy khen và tiền thưởng đến quý đồng nghiệp trên cả nước, chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ và lượng thứ của các bạn…
Một lần nữa, ngành y tế thành phố xin được gửi lời tri ân sâu sắc đến quý đồng nghiệp – những chiến sĩ áo trắng đã tham gia chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM đã kịp thời tiếp sức cho nhân viên y tế thành phố chiến đấu với đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua”.
Ông khẳng định, tinh thần “chống dịch như chống giặc” vẫn được các chiến sĩ áo trắng của thành phố tiếp tục hun đúc và phát huy để ngăn chặn có hiệu quả sự bùng phát của các dịch bệnh mới nổi, dịch bệnh lưu hành, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng bùng phát trong giai đoạn hiện nay.
Về phần khen thưởng 40.000 chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, ông Thượng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Y tế thành phố đang khẩn trương gửi giấy khen qua đường chuyển phát nhanh và gửi tiền thưởng theo quy định qua tài khoản của Sở Y tế các tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, các trường học. Tất cả công việc liên quan sẽ được hoàn thành trong tuần này.
Tâm thư của Giám đốc Sở Y tế TPHCM ngay lập tức nhận được sự quan tâm của nhiều nhân viên y tế.
Trao đổi với phóng viên, anh L.V.H. (công tác tại bệnh viện tuyến trung ương đóng ở TPHCM) nói: “Ông Tăng Chí Thượng đã cố gắng làm hết trách nhiệm của người đứng đầu ngành y tế TPHCM. Chính ông Thượng đã nêu ra vấn đề thành phố chưa khen thưởng cho 40.000 nhân viên y tế. Việc chậm khen thưởng có một phần trách nhiệm của lãnh đạo thành phố”.
Ở góc độ lãnh đạo bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nói: “Chúng tôi cảm thấy ấm lòng vì sự thẳng thắn nhận trách nhiệm, không đùn đẩy cho cấp dưới hoặc đơn vị khác của tư lệnh ngành y tế thành phố. Chống dịch là trách nhiệm của ngành y tế và toàn quân, toàn dân với mong muốn sớm kết thúc dịch bệnh.
Việc khen thưởng chỉ là một phần động viên, thể hiện sự quan tâm của chính quyền và ngành y tế TPHCM… Một số anh chị em có chút tâm tư vì sự chậm trễ trong việc nhận khen thưởng, nhưng không vì thế mà giảm đi quyết tâm bảo vệ sự bình an của người dân toàn thành phố”, BS Khanh nói.
Liên quan đến việc khen thưởng 40.000 nhân viên y tế, tại hội nghị Thành ủy TPHCM mở rộng lần thứ 15 (chiều 5/7), ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM đã gửi lời xin lỗi đến đội ngũ nhân viên y tế hỗ trợ thành phố trong phòng chống dịch COVID-19 nhưng chưa được khen thưởng, tri ân kịp thời.
Ông Nên nói: “Việc khen thưởng lực lượng tuyến đầu là chủ trương lớn của Đảng bộ thành phố được tính toán khi dịch bệnh còn chưa kết thúc. Lẽ ra các đơn vị phải thực hiện bằng mọi cách nhưng lại cứng nhắc với thủ tục hành chính đơn thuần”. (Tiền phong, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Tiền thưởng nhân viên y tế chống dịch tại TP.HCM sẽ được chi trả trong tuần này”.
Nhân viên y tế ĐBSCL nghỉ việc hàng loạt vì thu nhập bấp bênh
Theo thông tin từ ngành y tế các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế đã xin thôi việc, bỏ việc. Nguyên nhân chính là công việc áp lực, thu nhập bấp bênh…
Theo ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh có 51 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, gồm 20 bác sĩ, 17 điều dưỡng, 5 kỹ thuật y và 9 cán bộ y tế khác. Bệnh viện Sản nhi Trà Vinh có số lượng nhân viên nghỉ nhiều nhất là 12 người, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh và Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, mỗi đơn vị 6 người. Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết, đến nay, tỉnh có khoảng 145 nhân viên bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 38 bác sĩ. Tại Cần Thơ, có 111 người xin nghỉ, gồm 48 bác sĩ tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa.
Theo ông Kha, nguyên nhân cán bộ y tế xin thôi việc, bỏ việc là thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp còn thấp, không đủ để trang trải cuộc sống, thu nhập tăng thêm không đảm bảo.
“Năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch kéo dài, cán bộ ngành y tế phải chịu áp lực quá lớn nên có nguyện vọng tìm việc làm khác. Ngoài ra, nhiều cán bộ gặp khó khăn, không cân bằng giữa công việc và cuộc sống, do đó giảm động lực để công tác. Một số khác, không ai chăm sóc con cái, nhà ở xa cơ quan nên không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ được phân công tại đơn vị”, ông nói.
Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách, điều hành Sở Y tế TP Cần Thơ, cho rằng, cán bộ ngành y tế nghỉ việc vì nhiều lý do, bao gồm thu nhập thấp, áp lực công việc lớn, tâm lý hoang mang, lo sợ khi bị thanh tra, kiểm tra…
“Vừa qua, thành phố giao cho các lực lượng thanh tra, kiểm tra các hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế, rồi người ta cũng lo ngại. Ai có sai sót, có dấu hiệu sai phạm thì là chuyện đương nhiên rồi, những người còn lại họ nghỉ có lẽ cũng do sợ liên can, liên luỵ”, ông Giang nhận định.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói: “Một số người ở các vị trí liên quan đến thuốc men, vật tư, hoá chất… chẳng những nặng nề trách nhiệm, mà còn bị liên luỵ vì dễ xảy ra sai sót. Các anh em làm vị trí quản lí nản, ngại, muốn tránh né. Ai về hưu sớm được 1-2 năm thì xin nghỉ luôn”. (Tiền phong, trang 4).
Các bệnh viện tiếp nhận nhiều ca hoại tử xương hàm trên
Ngày 12.7, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo các bệnh viện tại TP.HCM gồm Tai mũi họng, Răng hàm mặt TP.HCM và Răng hàm mặt T.Ư cho biết có tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị hoại tử xương hàm trên sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy công bố tiếp nhận 11 ca, trong đó có 2 ca lan qua sàn sọ và tử vong.
Dễ chẩn đoán nhầm
Vài ngày trước, 1 bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Tai mũi họng TP.HCM chia sẻ trên trang cá nhân, sau Covid-19, tình trạng cốt tủy viêm xương sọ mặt, sàn sọ, xương hàm (Maxillary Osteomyelitis) tăng lên và ông đã mổ rất nhiều ca. Các ca bệnh ông tiếp nhận có triệu chứng sưng đau vùng má, đau buốt răng, chảy mủ hôi giống tình trạng viêm xoang do răng. Vì vậy một số BS nha khoa dễ chẩn đoán nhầm và nhổ răng.
Sau đó bệnh bùng phát diễn tiến nặng hơn. Đã có trường hợp kèm nấm xoang và nấm trở nên xâm lấn, sau nhổ răng thì bệnh nhân (BN) bị mù mắt. Theo BS này, bệnh là do tắc mạch máu nuôi xương gây hoại tử và viêm xương. Chia sẻ với PV Thanh Niên, lãnh đạo BV Tai mũi họng, BV Răng hàm mặt TP.HCM cũng cho biết vừa qua BV có tiếp nhận một số ca bệnh hoại tử xương hàm trên, trước dịch Covid-19, BV cũng từng tiếp nhận những ca như vậy. Nhưng để nói bệnh này với Covid-19 có liên quan hay không thì BV không dám kết luận.
Trong khi đó, BS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, BV Răng hàm mặt T.Ư tại TP.HCM, cho biết trước đại dịch, BV có tiếp nhận một số BN hoại tử xương hàm dưới. Nguyên nhân thường gặp nhất là BN sau xạ trị ung thư vùng đầu mặt cổ; một số ca do dùng thuốc điều trị loãng xương. Do xương hàm dưới ít mạch máu nuôi dưỡng hơn xương hàm trên. Thi thoảng 2 – 3 tháng mới có 1 ca hoại tử xương hàm trên nhập viện, thường liên quan đến đái tháo đường. Nhưng thống kê của BV từ tháng 2.2022 đến nay, số BN đi khám hoại tử xương hàm trên tăng đột biến, không rõ nguyên nhân. 5 tháng, BV tiếp nhận 16 BN, trung bình 1 tháng 3 BN. Trong đó có 3 BN hoại tử hàm trên lan lên đến sàn sọ, là những ca BV chưa gặp bao giờ, do đó BV đã hội chẩn BV Chợ Rẫy và chuyển qua Chợ Rẫy để phẫu thuật.
“Trong 16 BN nhập BV, tuổi từ 40 – 70, đặc điểm chung là trước đó đều mắc Covid-19, thời gian khởi phát từ 1 – 3 tháng sau mắc Covid-19. Triệu chứng thường gặp nhất là lung lay răng và xương hàm trên (cả khối); có lỗ rò mủ; sưng đau vùng khẩu cái (vòm miệng); có những vết loét và lộ xương hàm trên. Kết quả chẩn đoán hình ảnh giúp thấy rõ mức độ lan rộng của xương hoại tử”, BS Tuấn thông tin và cho biết thêm, trong điều trị bệnh lý hoại tử hàm trên thì phẫu thuật lấy hết xương hoại tử tới vị trí chảy máu thì ngừng lại. Lấy xương cấy nấm, vi trùng. Sử dụng kháng sinh theo kết quả cấy kháng sinh đồ tối thiểu 3 tuần và theo dõi từ 3 – 4 tháng xem bệnh có tái phát hay không. Nếu BN bệnh ổn định thì có thể phục hình lại hàm. BV Răng hàm mặt T.Ư tại TP.HCM đã thực hiện 13 BN như vậy (trừ 3 BN chuyển BV Chợ Rẫy).
Các yếu tố nguy cơ gây hoại tử xương hàm trên
BS Tuấn cho rằng với căn bệnh này thì BV chưa rõ nguyên nhân, nhưng theo y văn, nguyên nhân hoại tử xương hàm trên sau Covid-19 có 4 yếu tố nguy cơ: Do SARS-CoV-2 bám vào thụ thể ACE-2 (ở niêm mạc mũi, miệng) có khả năng làm tắc vi mạch máu nuôi xương hàm trên và gây tăng đông máu, giảm máu nuôi dưỡng xương; việc sử dụng thuốc Corticosteroid trong phác đồ điều trị Covid-19; bị nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, vi nấm; những BN có bệnh toàn thân như đái tháo đường…
Đây có thể gọi là bệnh cốt tủy viêm xương hay không? Theo BS Tuấn thì đây là tình trạng hoại tử xương hàm, nặng hơn bệnh cốt tủy viêm xương. Ông phân tích: Bệnh cốt tủy viêm xương là tình trạng viêm phá hủy cấu trúc xương do vi khuẩn hoặc vi nấm gây ra; còn hoại tử xương hàm là toàn bộ cấu trúc mô, xương và tủy xương đều chết nên cần phẫu thuật lấy toàn bộ. Do đó, hoại tử xương hàm điều trị phức tạp hơn, những di chứng để lại cũng nặng nề, nghiêm trọng hơn.
Với tình trạng nặng nề của bệnh, BS Tuấn khuyến cáo người dân khi thấy các dấu hiệu như trên nên đến BV chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị sớm. Nếu bị ở xương hàm trên thì điều trị dễ hơn khi bệnh di chứng đến sàn sọ, nguy cơ tử vong cao do sốc nhiễm trùng, viêm màng não.
Chưa phát hiện ở Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ
Ngày 12.7, PV Thanh Niên đã liên hệ với các BV lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ để tìm hiểu xem có ca bệnh hoại tử xương hàm như tại TP.HCM. Một số BV trả lời chưa phát hiện. Tại TP.HCM, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định trả lời cũng chưa phát hiện nhưng sẽ bắt đầu theo dõi. (Thanh niên, trang 5).
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 10: “Chưa có phác đồ điều trị bệnh chết xương hậu Covid”.
Chỉ 1 tuần, tăng hơn 11.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết: Cấp thiết phòng, chống dịch bệnh
Ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta đang gia tăng nhanh, chỉ trong vòng 1 tuần qua đã ghi nhận hơn 11.000 người mắc. Bộ Y tế dự báo số ca COVID-19 và ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng và bùng phát trên diện rộng, nguy cơ dịch chồng dịch nếu không quyết liệt phòng chống
Ca COVID-19 và mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng, bùng phát trên diện rộng
Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 11/7, cả nước ghi nhận khoảng hơn 103.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng 11.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó. Đã có 37 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.
Tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết của cả nước 7 tháng đầu năm 2022 là 0,035% (tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết giai đoạn 2016-2020 là 0,03%), thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Timor Leste 1,2%, Indonesia 0,89%, Philippin 0,51%, Campuchia 0,2%, Lào 0,18%, Malaysia 0,06%).
Liên quan đến công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, theo Bộ Y tế kết quả kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết thời gian qua cho thấy một số vấn đề tồn tại như: tại các hộ gia đình nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Trong hơn hai năm tập trung nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 đội ngũ cán bộ y tế dự phòng và cán bộ điều trị chưa được tập huấn, tập huấn lại, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân về bệnh dịch sốt xuất huyết.
Bộ Y tế dự báo số ca COVID-19 và ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế ngày 10/7 đã có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố huy động các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bán và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống,khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.
Triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Vận động toàn thể người dân cùng tham gia.
Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyển, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.
Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
Sốt cao đột ngột, đau mỏi người và đi từ miền Nam về, cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm, chấn đoán sốt xuất huyết kịp thời
Tại phía Bắc, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, vừa qua bệnh viện đã điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng cao, được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Trước đó, bệnh nhân vừa đi du lịch tại Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai trở về.
Tại Hà Nội tính từ đầu năm đến nay Thành phố đã ghi nhận khoảng gần 200 ca mắc sốt xuất huyết, dù số ca ít hơn phía Nam nhưng thời gian gần đây đã có xu hướng gia tăng.
Theo các chuyên gia, yếu tố dịch tễ di chuyển cộng với thời tiết miền Bắc có nhiều thất thường, khi lúc nắng gắt, lúc mưa dông kèm lượng mưa lớn chính là điều kiện thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết phát triển, dẫn đến dễ bùng dịch.
Hiện Hà Nội đang mưa nhiều vào mùa hè, dự báo trong thời gian tới cũng là đỉnh điểm của miền Bắc về dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, khi bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau mỏi người, có yếu tố dịch tễ là đi từ miền Nam ra cần đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và được điều trị kịp thời. Tránh trường hợp đến viện muộn có biểu hiện sốc, sốt xuất huyết nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Cũng theo các bác sĩ, tại Hà Nội và miền Bắc, sốt xuất huyết đang bắt đầu vào vụ dịch và đỉnh điểm của dịch dự báo sẽ vào tháng 8 nên người dân phải hết sức lưu ý chủ động phòng bệnh ngay từ bây giờ.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản chỉ đạo về chuyên môn cũng như đề nghị các địa phương phải nỗ lực phòng chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời, Bộ Y tế đã lập 7 đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh/ thành phố trọng điểm trong tháng 6 – tháng 7 năm 2022. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “1 tuần có thêm 11.000 người mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong”.
Thủ tướng yêu cầu đảm bảo nguồn nhân lực y tế cho công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đối với nội dung thuộc lĩnh vực y tế và có giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực y tế cho công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh.
Ngày 11/7, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4282/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc khẩn trương thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đối với nội dung thuộc lĩnh vực y tế (Chương trình) và có giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực y tế cho công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại các văn bản: Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 27/5/2022, Thông báo số 168/TB-VPCP ngày 7/6/2022, Thông báo số 178/TB-VPCP ngày 20/6/2022, Thông báo số 187/TB-VPCP ngày 27/6/2022, Công văn số 3642/VPCP-KGVX ngày 10/6/2022 của Văn phòng Chính phủ; hoàn thiện danh mục dự án của Chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định trước ngày 20/7/2022.
Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, tổng hợp về số nhân lực ngành y tế bỏ việc, xin thôi việc, chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập từ đầu năm 2021 đến nay; trong đó phân tích rõ về:
1/ Chuyên môn đào tạo (bác sỹ, dược sỹ, y tá, điều dưỡng, hộ lý, người lao động,…);
2/ Chuyên ngành khi còn làm việc tại cơ sở y tế công lập (nội, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, thần kinh, tiết niệu, y tế dự phòng,…);
3/ Nơi làm việc (Cơ sở y tế tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã);
4/ Nguyên nhân (thu nhập; điều kiện, môi trường, cường độ làm việc; ảnh hưởng xã hội; sức khỏe; gia đình,…).
Trên cơ sở đó, chủ động có giải pháp theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền đối với trường hợp vượt thẩm quyền để có giải pháp bảo đảm đủ nguồn nhân lực thực hiện công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân trên phạm vi cả nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/7/2022.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục tập trung cao độ chỉ đạo Bộ Y tế, các Bộ, ngành có liên quan và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản nêu trên và việc bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Tiêm Corticoid giảm đau, nhiều người biến chứng nặng, tàn phế
Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (bệnh viện 108) tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh bị biến chứng bàn tay, cổ tay do sử dụng tiêm thuốc giảm đau trong điều trị đau khớp.
Mới đây nhất, khoa Phẫu thuật Chấn thương Chi trên và Vi phẫu của viện này tiếp nhận bệnh nhân Vương Văn T. (sinh 1954, ở Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng viêm mủ bao hoạt dịch quay, viêm hoại tử gân duỗi vùng cẳng bàn tay tháng thứ 2 sau tiêm Corticoid khớp và bao gân.
Tại viện, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, khớp sưng to, nóng đỏ, đau nhức… do tiêm vào khớp. Người bệnh được phẫu thuật dẫn lưu mủ, mổ nạo vét hoại tử, cắt lọc mô viêm kết hợp dùng kháng sinh, hiện đang tiếp tục theo dõi.
Theo lời kể của bệnh nhân T., cách nay 2 năm, ông bị đau khớp nên đã đến phòng khám tư để chữa trị. Sau 2 lần tiêm trực tiếp vào khớp, cơn đau đỡ hẳn, song đến mũi tiêm thứ ba, ông không thể đi lại được vì khớp chân sưng phù…
Thực tế, những trường hợp như bệnh nhân T. không hiếm gặp, thậm chí rất phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn. Nhiều người coi việc tiêm trực tiếp vào khớp như biện pháp chữa đau khớp đặc biệt hiệu quả và ít tốn kém. Song, không ít trường hợp chỉ đến mũi tiêm thứ hai đã bị biến chứng nhiễm trùng, teo cơ, cứng khớp, mất chức năng vận động, tàn phế.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu, khoa Nội- Cơ Xương khớp Bệnh viện 108, có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý khớp. Biện pháp tiêm corticoid vào khớp là một trong số biện pháp cho tác dụng giảm đau nhanh và có thể phát huy tác dụng vài tuần tới vài tháng.
Tuy vậy, đây chỉ là một biện pháp điều trị trong cả liệu trình điều trị cho một số bệnh lý xương khớp. Chính vì vậy, phương pháp này bắt buộc phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có kiến thức và tay nghề.
Bác sĩ Châu cảnh báo: nhiều bệnh nhân thấy tác dụng giảm đau nhanh của việc tiêm vào khớp nên dễ dãi chấp nhận thủ thuật này đã gây ra nhiều hậu quả xấu. Vì vậy, bệnh nhân cần chú ý: Cần khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa được phép, để có được chẩn đoán, điều trị đúng và đặc biệt là chỉ định tiêm đúng, quá trình tiêm khớp phải đảm bảo vô khuẩn tốt (phòng tiêm, vị trí tiêm, dụng cụ tiêm), hết sức tránh lạm dụng tiêm corticoid tại khớp để điều trị đau (không được tùy tiện đau đâu tiêm đấy, hoặc cứ đau là tiêm…). (An ninh Thủ đô, trang 8).
Những điều đặc biệt lưu ý với bệnh nhân sốt xuất huyết
Đã có 37 người tử vong do sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca mới nhất tại TP.HCM. Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết chuyển nặng ra sao?
Theo Bộ Y tế, báo cáo của các địa phương trên cả nước tính đến ngày 11-7 ghi nhận hơn 103.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng 11.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu chuyển nặng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
5 dấu hiệu phải lưu ý
Tại TP.HCM, số ca mắc sốt xuất huyết không ngừng tăng, hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Tính từ đầu năm đến nay toàn thành phố đã ghi nhận hơn 24.900 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 216% so với cùng kỳ năm 2021.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết số ca mắc sốt xuất huyết tại thành phố vẫn đang có xu hướng gia tăng trong tuần 27 của năm 2022 (từ ngày 1 đến ngày 7-7) là 2.834 ca.
Trong tuần thành phố cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại quận Gò Vấp và quận Bình Tân (TP.HCM), nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay ở TP.HCM lên 13 trường hợp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Thành Úc – nguyên phó khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, có 40 năm kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết – cho biết nếu người bệnh sốt xuất huyết có 1 trong 5 dấu hiệu chuyển nặng dưới đây cần phải nhập viện để điều trị kịp thời:
1- Dấu hiệu thần kinh (người lừ đừ, bứt rứt).
2 – Nôn ói nhiều (nửa tiếng nôn 2 lần trở lên).
3- Đau bụng nhiều (đau theo cơn, phía hạ sườn phải).
4- Người bệnh bị sốt xuất huyết (bị chảy máu cam, máu răng).
5- Cơ thể mát.
Các dấu hiệu chuyển nặng này bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, bệnh nhân sẽ không sốt mà bước vào sốc, sốt xuất huyết, rối loạn nội tạng.
Thời gian tử vong trong vòng 6 tiếng khi bước vào giai đoạn sốc nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Thành Úc cho biết phía nhân viên y tế tại các cơ sở y tế có 3 bài học chính đó là: chẩn đoán sớm, điều trị đúng, theo dõi sát.
Trong mùa dịch, tất cả các trường hợp sốt nên nghĩ đến sốt xuất huyết, khi loại trừ được sốt do sốt xuất huyết mới tính đến các bệnh khác như COVID-19, cúm…
Nếu chẩn đoán sai, bệnh nhân có thể tử vong.
Không tiêm, truyền dịch khi đang sốt xuất huyết
TS Nguyễn Minh Tuấn – trưởng khoa sốt xuất huyết – huyết học Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – cho biết năm nay đúng chu kỳ của dịch bệnh sốt xuất huyết, khi trẻ mắc sốt từ 2 ngày trở nên phải đưa đến khám tại các cơ sở y tế để đánh giá xem có phải sốt xuất huyết không, để kịp thời theo dõi mỗi ngày.
Những dấu hiệu nhận biết trẻ em bị sốt xuất huyết, trẻ chuyển nặng như: đau bụng nhiều, buồn nôn, nôn nhiều, lừ đừ, bứt rứt, vật vã, sốt xuất huyết bất thường ở da, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, xuất huyết âm đạo (trẻ gái)…
Theo bác sĩ Tuấn, các dấu hiệu nặng trên thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, nếu có các dấu hiệu trên phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất. Nếu sức khỏe của trẻ diễn biến tốt, hết sốt tình trạng khá hơn trẻ sẽ tự khỏi bệnh, nhưng phụ huynh chú ý phải theo dõi trẻ kỹ hơn mỗi ngày để đánh giá, nhập viện điều trị kịp thời.
“Không được tự ý tiêm, truyền dịch ở những tuyến trước, những trẻ mới sốt 1 đến 2 ngày đầu, chưa có dấu hiệu chuyển nặng, việc tiêm, truyền dịch rất nguy hiểm, phải có chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Sở Y tế TP.HCM cho biết các bệnh nhân giai đoạn sốt cấp tính (sốt nhưng chưa có dấu hiệu chuyển nặng) cũng cần được xem xét nhập viện nếu thuộc một trong các tình huống sau: sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì; phụ nữ có thai; người lớn tuổi trên hoặc bằng 60 tuổi; người có các bệnh mãn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường…).
Sốt xuất huyết có mấy giai đoạn?
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM – cho biết bệnh sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em thường diễn tiến qua 3 giai đoạn, trung bình 7 ngày.
Cụ thể:
* Giai đoạn sốt (ngày 1-3): Người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40OC đột ngột, kèm đau nhức đầu, toàn thân, mỏi cơ, buồn nôn, chán ăn. Uống thuốc hạ sốt khó giảm.
* Giai đoạn hết sốt (ngày 3-6, nhiều nhất là ngày 4-5): Triệu chứng sốt giảm hẳn, phần lớn người bệnh thấy dễ chịu hơn, giảm đau nhức. Khoảng 10-20% cảm thấy hết sốt nhưng người mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, nặng hơn là chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi cầu ra máu, tay chân lạnh… Đây là triệu chứng của vào sốc. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong.
* Giai đoạn hồi phục (sau ngày 6-7): Nếu trước đó không vào sốc, người bệnh sẽ hết sốt hoàn toàn, không còn mệt mỏi, đau bụng, ăn ngon miệng hơn, da có thể ngứa và nổi mảng đỏ hồi phục. Qua được 7 ngày đầu tiên, bệnh nhân sẽ ổn. (Tuổi trẻ, trang 14).
Ngọc Nga