Điểm báo ngày 15/3/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 15/3/2019

Lo gặp tai biến, cha mẹ quyết “tẩy chay” vaccine khiến con lĩnh hậu quả; Đưa trí tuệ nhân tạo vào điều trị ung thư; Trị ung thư bằng liệu pháp mới

 

Lo gặp tai biến, cha mẹ quyết “tẩy chay” vaccine khiến con lĩnh hậu quả

Sáng nay, 14-3, thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện này đang điều trị nhiều trẻ mắc sởi, hầu hết là trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ, trong đó nhiều trường hợp mắc bệnh do cha mẹ nhất định không cho tiêm vaccine. Trường hợp của bé D.A (17 tháng, Hà Nam) là ví dụ điển hình.

Mấy ngày gần đây, bé D.A bỗng nhiên lên cơn sốt kèm theo nổi các nốt đỏ li ti trên mặt. Ban đầu, bé chỉ sốt nhẹ nhưng hôm sau thì nhiệt độ cơ thể tăng cao, kèm theo biểu hiện li bì. Các nốt ban từ mặt lan xuống ngực, cánh tay và 2 bàn chân. Ngày 7-3, bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám, các bác sĩ kết luận bé mắc sởi.

Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện đây là trường hợp bệnh nhân chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Khi được hỏi nguyên nhân, bà cháu D.A chia sẻ: “Bố mẹ cháu đọc nhiều thông tin trên mạng xã hội, lo sợ phản ứng sau khi tiêm nên nhất định không cho cháu tiêm phòng. Khuyên thế nào cũng không được”.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, trường hợp như bé D.A không phải hiếm gặp. Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là vaccine.

Song điều nguy hiểm là gần đây, trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin tự phát khuyến khích cha mẹ không tiêm vaccine phòng bệnh cho con. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, không dám cho con đi tiêm phòng.

Hệ quả là nhiều bé không được bảo vệ khỏi những bệnh lây nhiễm nguy hiểm, trong đó có sởi, đồng thời dịch bệnh có cơ hội hoành hành trong cộng đồng (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Đưa trí tuệ nhân tạo vào điều trị ung thư

Năm 2018, Bộ Y tế cho phép 3 bệnh viện (BV): K T.Ư (Hà Nội), Ung bướu TP.HCM và Đa khoa tỉnh Phú Thọ thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tư vấn, hỗ trợ các bác sĩ (BS) lựa chọn phác đồ điều trị bệnh ung thư (UT).

Hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán, điều trị

Ngày 14.3, TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết BV vừa kết thúc thí điểm ứng dụng AI trong điều trị cho 103 bệnh nhân (BN) UT vú và 126 BN UT đại trực tràng.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ của BV và phác đồ của phần mềm đưa ra là 80,3%; trong đó tương đồng về phác đồ điều trị UT vú là 71%, UT đại trực tràng là 88,1%. Mức độ tương đồng cao nhất giữa phác đồ điều trị của BV và phần mềm AI trong UT vú là khi BN ở giai đoạn 2, 3; còn trong UT đại trực tràng mức độ tương đồng cao nhất là giai đoạn 4. Phác đồ trong AI không tương thích với phác đồ của BV thường rơi vào tình huống sử dụng thuốc. Vì AI đưa ra phác đồ với thuốc theo thị trường thuốc ở Mỹ, nhưng có thể thuốc đó tại VN không có.

Tại BV K, sau 3 tháng thử nghiệm AI trên hơn 200 ca bệnh (tập trung phần lớn là bệnh UT vú, UT phổi) kết quả cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ mà AI đưa ra và phác đồ của BS là trên 90%.

Theo TS-BS Thịnh, AI là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo, “Big Data” tích hợp tất cả những nghiên cứu trên thế giới về UT, từ đó có thể ứng dụng giúp BS lựa chọn được những phác đồ điều trị cho từng BN cụ thể.

“Về nguyên tắc điều trị, BS phải học, đọc những dữ liệu lâm sàng, cập nhật y văn thế giới và ra được phác đồ. Nếu không có AI, BS vẫn phải tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị cho BN. Tuy nhiên, khi có AI, công cụ này giúp BS tự tin, cập nhật nhiều dữ liệu, chứng cứ vững chắc, từ đó ra được kế hoạch, phác đồ phù hợp; khả năng thuyết phục được BN cao hơn”, TS-BS Thịnh nói và khẳng định AI rất giá trị.

Sau khi thí điểm, BV Ung bướu đang tính toán thương thảo với đơn vị cung cấp mua lại phần mềm AI này để ứng dụng điều trị cho BN UT.

PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cho rằng tại VN, ứng dụng AI trong khám, chữa bệnh hỗ trợ điều UT trên nền tảng điện toán biết nhận thức đang bước đầu được triển khai tại một số BV và cũng đã hỗ trợ BS trong chẩn đoán cũng như đưa ra phác đồ điều trị UT.

Theo ông Tường, phát triển AI là xu thế tất yếu của thời đại; VN không thể chần chừ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. AI dựa trên nền tảng Big Data (trên 1.500.000 bệnh án – một kho dữ liệu quý), hệ thống cập nhật dữ liệu theo thời gian 1 tháng/lần. Điều này sẽ giúp cho việc điều trị chính xác, khách quan, kịp thời và không lạc hậu.

“Tuy nhiên vẫn không thể thay thế được con người. Bởi độ chính xác của nó hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu lâm sàng đầu vào do các BS nhập vào, hệ thống tổng hợp các thông tin để giúp các BS đưa ra quyết định chẩn đoán nhanh và chính xác hơn”, ông Tường lưu ý.

Theo đánh giá của lãnh đạo BV Ung bướu, ưu điểm của nền tảng AI này là: cơ sở dữ liệu dựa trên thực tế điều trị UT tại Mỹ; giúp các BS có thể cập nhật những phác đồ mới, bổ sung thông tin và hạn chế những sai sót trong qua trình điều trị; đưa ra được các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn; hỗ trợ khá chuyên sâu về các phác đồ hóa trị, nội tiết; hỗ trợ tìm kiếm tài liệu một cách nhanh nhất; phát huy tối ưu hiệu quả khi áp dụng mô hình hội đồng chuyên gia…

Tuy nhiên, hiện AI chưa có phiên bản tiếng Việt nên BS sử dụng phải thông thạo tiếng Anh chuyên ngành. AI này cũng chưa có sự đánh giá dựa trên thực tiễn của VN như đặc thù của các BV (cơ sở vật chất, danh mục thuốc và tình trạng quá tải), của BN (địa lý, tài chính, chế độ bảo hiểm y tế…). Đại diện BV K cũng cho biết thêm, hiện hệ thống AI cũng chưa hỗ trợ chẩn đoán, không hỗ trợ điều trị người mắc nhiều loại UT một lúc, bệnh nhân dưới 18 hoặc trên 89 tuổi.

PGS-TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K, cho rằng AI giúp BS cập nhật nhanh chóng các phác đồ, các loại thuốc mới trong điều trị UT để đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả và phù hợp cho từng BN. AI hữu ích trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của BS, đặc biệt là các BS trẻ và nhất là tại tuyến tỉnh. Tuy nhiên, xu hướng điều trị UT là cá thể hóa và việc đưa ra phác đồ điều trị phụ thuộc vào đặc điểm của từng BN, chỉ có BS mới đưa ra các chỉ định tinh tế phù hợp với điều kiện sinh học và hoàn cảnh xã hội khác nhau của từng người bệnh. Đánh giá sau khi các BV thí điểm, Hội đồng khoa học Bộ Y tế lưu ý nếu ứng dụng AI, các BV xem xét hạ giá thành khi triển khai (Thanh niên, trang 2).

 

Trị ung thư bằng liệu pháp mới

Ông Lâm Văn Th. 62 tuổi, ở Hà Nội, mắc ung thư trực tràng, được phẫu thuật cắt đại tràng trái, truyền hóa chất giảm khả năng tái phát từ tháng 8- 2017. Sau mổ và hóa trị, bệnh nhân cải thiện tốt về tiêu háo nhưng gặp một số tác dụng như mỏi mệt, tê bì chân tay… Tháng 1- 2019, ông Th. được áp dụng liệu pháp miễn dịch tự thân lần 1 tại Bệnh viện đa khoa Vinmec, Hà Nội. Sau điều trị, bệnh nhân ăn ngủ tốt, tăng cân, không còn bị tê bì chân tay hay dễ mắc các bệnh viêm họng như trước đây … (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/9/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/8/2019

Mậu Ngọ

Để lại bình luận