Điểm báo ngày 22/4/2021

(CDC Hà Nam)
Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 luôn hiện hữu; Những thay đổi ở Bệnh viện Bạch Mai hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Hội chẩn từ xa: Nhiều lợi ích; Xem xét chứng cứ vụ dược sĩ kiện bệnh viện; Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 luôn hiện hữu…

 

Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 luôn hiện hữu

Dịch COVID-19 trên thế giới, đặc biệt ở các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan, đang bùng phát. Thực tế, số ca nhập cảnh vẫn liên tục được phát hiện, nguy cơ lây nhiễm luôn hiện hữu.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định, phòng dịch phải đi trước một bước. Theo ông, Bộ Y tế đã vào cuộc kịp thời khi lên kế hoạch lập bệnh viện dã chiến, nâng công suất xét nghiệm, chi viện nhân lực chống dịch về Kiên Giang.

Siết kiểm soát vùng biên, chốt chặn

Khoảng một tháng nay, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng. Hiện nước ta thực hiện chính sách bảo hộ công dân, do đó, hằng ngày vẫn có một lượng người Việt từ nước ngoài trở về, nhập cảnh hoặc những người qua biên giới theo đường bộ, lối mòn.

“Bộ Y tế đã phản ứng nhanh khi chỉ đạo Hà Tiên lập bệnh viện dã chiến chuẩn bị khu cấp cứu mức độ cao trong tình huống dịch lan rộng và có bệnh nhân nặng. Viện Pasteur TPHCM hỗ trợ về xét nghiệm và Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ về điều trị cho Hà Tiên. Điều này khẳng định chúng ta quyết tâm thực hiện phòng chống dịch theo đúng phương châm 4 tại chỗ”, ông Phu nói.

Theo ông Phu, ngành y tế đã chủ động phòng chống, nguy cơ dịch xâm nhập sẽ giảm, nhưng các địa phương tuyệt đối không được lơ là bởi nguy cơ vẫn còn. Thống kê cho thấy, từ ngày 20/2 đến nay, khoảng 1.300 người nhập cảnh qua cửa khẩu Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang); cơ quan chức năng phát hiện 31 vụ nhập cảnh trái phép. Trong 14.000 mẫu xét nghiệm kể từ đầu dịch có 38 mẫu dương tính, trong số này, 18 bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Hà Tiên. Số cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh là 303 người.

Ông Phu nhận định: “Dịch bên ngoài có lớn, nhưng bên trong nhanh nhạy, đáp ứng phòng dịch tốt thì hoàn toàn có thể giữ vững được phòng tuyến. Bộ đội, công an, kiểm dịch làm tốt sẽ không có ca nhập cảnh bất hợp pháp, người nhập cảnh chính ngạch được cách ly nghiêm ngặt. Giả sử mầm bệnh bị lọt vào vòng trong thì cũng là ổ nhỏ, dập tắt được ngay, không lây lan”.

Các tỉnh biên giới phía Tây Nam là khu vực nóng, đặc biệt ở cửa khẩu Hà Tiên. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu nâng mức kiểm soát biên giới chống dịch; kêu gọi người dân nhập cảnh đường chính ngạch; khi phát hiện người nhập cảnh trái phép, cần báo chính quyền địa phương ngay. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch COVID-19 tại các vùng biên giới, đặc biệt ở các chốt chặn.

Nếu chủ quan, dịch sẽ bùng phát

Ông Phu nói: “Thực tế cho thấy nhiều nước dịch bùng phát là do nới lỏng kiểm soát. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục làm tốt việc quản lý người nhập cảnh”. Theo đó, cần tăng cường kiểm soát người nhập cảnh tại các cửa khẩu, rà soát đường mòn lối mở, đặc biệt là đường biển để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép.

Đợt nghỉ lễ 4 ngày dịp 30/4 và 1/5 sắp tới được dự báo là thời kỳ cao điểm của du lịch trong nước. Đi cùng với đó là lo ngại về sự bùng dịch trở lại theo hướng khó kiểm soát. Ông Phu nói rằng, nếu người dân chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, dịch có thể diễn biến khó lường. Sự chủ quan đó có thể đến từ suy nghĩ sai lầm của người dân rằng “đã hết dịch” nên đến những địa điểm công cộng đông người, ngồi trên xe khách, máy bay, tàu hoả… mà không đeo khẩu trang, liên tục tiếp xúc gần. (Tiền phong, trang 6).

Những thay đổi ở Bệnh viện Bạch Mai hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Khoảng một năm trở lại đây, rất nhiều thay đổi đã và đang diễn ra bên trong bộ máy tổ chức và hoạt động của Bệnh viện Bạch Mai – bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước. Đa số những cải tiến nhằm hướng tới đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, song bất cứ sự thay đổi nào cũng tạo ra những xáo trộn và phản ứng trái chiều… Phóng viên An ninh Thủ đô đã có cuộc khảo sát thực tế tại bệnh viện này để ghi nhận thông tin.

Cảnh quan và những tiện ích phụ trợ nhiều thay đổi

Sáng nay, 20/4, khoảng 9h, khu vực để xe máy vào Bệnh viện Bạch Mai từ cổng sau ở phố Phương Mai đã chật cứng. Dòng người đi xe máy vẫn tiến vào nườm nượp nhưng phải quay lại vì không còn chỗ gửi. Một số người “nhanh ý” đi vòng sang gửi xe tại Bệnh viện Da liễu Trung ương hoặc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cạnh đó, một số người khác phải xoay sở tìm chỗ gửi xe khá vất vả.

Tuy vậy, sau “vòng gửi xe” theo đúng nghĩa đen, bước vào trong khuôn viên bệnh viện, điều khách quan cần ghi nhận là cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp hơn nhiều so với thời gian trước và nhất là không còn cảnh xe cộ đi lại lộn xộn bên trong khuôn viên.

Ngay đầu cổng vào bệnh viện từ lối phố Phương Mai, đối diện khu nhà Q1 là một quầy thông tin mới được dựng lên chưa lâu. Nhân viên nữ mặc đồng phục áo dài xanh được phân công đứng túc trực để hỗ trợ, hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh.

Theo khảo sát của chúng tôi, ở khu vực cổng chính, các điểm ngã ba trong khuôn viên bệnh viện đều có những quầy thông tin như vậy. Tại Khoa Khám bệnh, khoa Khám bệnh theo yêu cầu, khoa cấp cứu cũng đều có nhân viên mặc áo dài xanh làm nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn người bệnh.

Đặc biệt, ngoài hỗ trợ các thông tin mà người bệnh hỏi, ở các khu vực cổng ra vào bệnh viện, nhân viên trực quầy còn làm nhiệm vụ gọi xe điện, xe lăn hỗ trợ miễn phí để vận chuyển những người bệnh khó khăn về đi lại, người bệnh nặng đến các khu vực khám; cấp phát ô cho một số người bệnh nặng mượn (miễn phí) khi trời mưa hoặc nắng to.

Đứng chờ tại quầy thông tin ở cổng sau bệnh viện chỉ ít phút, chúng tôi gặp một thanh niên dìu một người khác bị chấn thương, chảy máu tay chân do tai nạn xe máy. Nhân viên trực quầy thông tin nhanh chóng kéo ghế để người bệnh ngồi rồi dùng bộ đàm liên hệ gọi xe điện ra đưa bệnh nhân đến khu vực khám.

Đáng chú ý, dịch vụ xe điện này không phải mới, trước đã áp dụng, nhưng gần đây chuyển sang miễn phí hoàn toàn chứ không thu phí như trước… Theo tìm hiểu của chúng tôi, đội Hướng dẫn viên mặc đồng phục áo dài xanh là một đơn vị mới được thành lập trực thuộc Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Bạch Mai, gồm hơn 50 người.

Sự thay đổi khác về cảnh quan trong khuôn viên bệnh viện là khu vực ghế ngồi chờ cho người nhà bệnh nhân đối diện sảnh khoa Cấp cứu A9, Trung tâm Đột quỵ đã được trang bị hệ thống bạt che hiện đại.

Ở các điểm tập trung đông người đều có các cây bán hàng tự động phục vụ các mặt hàng nước uống, bánh kẹo, bên cạnh còn có cả cây bán café tự động. Điều này mang đến sự khang trang, hiện đại cho cảnh quan khuôn viên.

Ngược lại, tòa nhà căng tin của bệnh viện đã bị đóng cửa nhiều tháng nay khiến việc mua sắm hàng hóa thiết yếu, ăn uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân gặp khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người nhà bệnh nhân đến bệnh viện nhiều lần đều chia sẻ, việc bệnh viện lớn mà không có căng tin rất bất tiện. Vào buổi trưa, người nhà bệnh nhân phải đi bộ nửa cây số ra phía phố Phương Mai mới mua được đồ ăn.

Được biết, căng tin của bệnh viện chuẩn bị tiến hành đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ mới và có thể hoạt động trở lại vào giữa năm nay. Còn với bệnh nhân nội trú, bệnh viện cũng đang ký hợp đồng với một đơn vị cung cấp suất ăn phục vụ người bệnh có nhu cầu.

Điểm tích cực đáng ghi nhận là tại các khu vực khám bệnh, điều trị nội trú đều được lắp đặt những máy lọc nước RO, có đủ vòi nước nóng, nước lạnh để phục vụ miễn phí người bệnh, người nhà bệnh nhân.

“Chúng tôi không còn phải xách theo phích nước, mua chai nước từ bên ngoài mang vào nữa mà sử dụng nước miễn phí, vừa tiện vừa tiết kiệm” – bà Nguyễn Thị Phúc, quê Bắc Giang chia sẻ với chúng tôi tại khu vực Khoa Khám bệnh.

Sáp nhập từ 10 nhà thuốc còn 5, bỏ nhà tang lễ và nhà lưu trú

Nhà tang lễ của bệnh viện Bạch Mai trước đây mới được đập dỡ đi. Khu vực này hiện trở thành bãi đất trống và đang được tận dụng để trông giữ xe ô tô. Tương tự, nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo cũng đã được dỡ bỏ, hiện còn là bãi đất trống ở phía góc trong cùng của bệnh viện.

Đây cũng là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi và phản ứng, bởi với một bệnh viện lớn như Bạch Mai mà không có nhà tang lễ cũng gây ra sự bất tiện. Song ngược lại, không còn nhà tang lễ cũng giúp khuôn viên bệnh viện thoáng, xanh, sạch đẹp và đỡ ùn tắc hơn.

Lý do bởi nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai trước đây nằm trong khuôn viên bệnh viện, không có cổng ra vào riêng nên mỗi khi có “đám” thường gây ra cảnh ùn ứ, nhốn nháo và ách tắc giao thông ở khu vực phố Phương Mai.

Tương tự, nhà lưu trú 300 giường cho người nhà bệnh nhân nghèo bị xóa bỏ. Bệnh viện đang tạm lấy toà nhà của Viện Giám định y khoa trước đây để bố trí làm phòng lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo song số giường giảm đi nhiều.

Hệ thống nhà thuốc trong bệnh viện cũng có nhiều thay đổi. Một năm trước, trong Bệnh viện Bạch Mai có 10 nhà thuốc nhưng hiện đã sáp nhập, chỉ còn lại 5 nhà thuốc. Theo ghi nhận của chúng tôi, điều này không ảnh hưởng nhiều tới người bệnh mà còn giúp việc kiểm soát, nâng cao chất lượng ở các nhà thuốc hiệu quả hơn.

Người bệnh được lợi nhưng một số nhân viên y tế bức xúc

Sự quan tâm lớn nhất của dư luận đối với Bệnh viện Bạch Mai thời gian gần đây tập trung vào thông tin hơn 221 cán bộ nhân viên của bệnh viện xin nghỉ, chuyển công tác.

Một số y bác sĩ, nhân viên dược đã chuyển công tác thông tin trên báo chí về việc kể từ khi Bệnh viện Bạch Mai có lãnh đạo mới cách đây hơn 1 năm, rất nhiều chính sách đã thay đổi ảnh hưởng trực tiếp đến cán bộ, nhân viên y tế. Cụ thể là giờ giấc làm việc tăng gấp đôi gấp ba, trực ca kíp nhiều hơn nhưng thu nhập thì lại giảm tới gần một nửa. Thậm chí còn tình trạng nợ phụ cấp và các thu nhập ngoài lương…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực trạng này có những lý do của nó. Đầu tiên, sau những lùm xùm liên quan đến hoạt động xã hội hóa, liên doanh, liên kết, tiếp đến là việc một số cựu lãnh đạo bệnh viện bị vướng vào vòng lao lý đã tạo ra cú sốc tâm lý lớn đối với đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, viên chức của viện.

Về tài chính, Bệnh viện Bạch Mai triển khai thí điểm tự chủ trong điều kiện đặc biệt khó khăn do tác động của dịch Covid-19; giai đoạn đầu còn nhiều vướng mắc khó khăn về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, nhất là liên quan đến cơ chế tài chính, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu. Năm 2020, nguồn thu của bệnh viện này bị giảm 2.000 tỷ đồng. Từ đó, thu nhập của nhân viên y tế bị ảnh hưởng.

Thêm đó, để giảm quá tải, Bệnh viện Bạch Mai triển khai chính sách tiếp đón bệnh nhân từ 5h sáng hàng ngày, bác sĩ bắt đầu khám từ 6h sáng hàng ngày, bố trí y bác sĩ đi trực theo ca kíp. Đồng nghĩa việc này, một đội ngũ nhân viên phải có mặt từ 5h tại viện, lẽ dĩ nhiên phải rời nhà từ 4h sáng, điều này không dễ dàng với người lao động, dù bệnh viện vẫn phân làm việc theo ca 8 tiếng/ngày, trực sớm được về sớm.

“Hôm nay tôi từ Phú Thọ xuống đến bệnh viện lúc 5h sáng, được tiếp nhận phiếu khám luôn, 6h thì có bác sĩ khám. Dù vậy bệnh viện vẫn đông lắm. Người được vào khám thứ 2 sáng nay nói với tôi họ đến viện xếp hàng từ lúc 3h30 sáng, còn tôi được số thứ tự là 26. Đến chiều nay tôi mới tới lượt nội soi” – một người bệnh 62 tuổi trả lời chúng tôi khi đang ngồi chờ ở khoa Khám bệnh.

Điểm nữa, bệnh viện triển khai chăm sóc toàn diện người bệnh nên cần đội ngũ điều dưỡng, hộ lý nhiều hơn. Song ngược lại, do khó khăn về tài chính, bệnh viện đã không tuyển thêm người mà những điều dưỡng, hộ lý đang làm việc sẽ phải gánh thêm những việc mà trước đây họ chưa từng làm như cho bệnh nhân ăn, vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân…

Đấy là chưa kể việc nhân viên y tế từ vị trí “ban phát, làm ơn” nay chuyển sang người cung cấp dịch vụ, bị quán triệt và cắt giảm một số khoản thu nhập không đúng quy định ngoài lương nên “vất vả hơn mà thu nhập lại giảm hơn”.

Lãnh đạo bệnh viện nói gì?

Ông Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin, việc 221 cán bộ nhân viên bệnh viện xin nghỉ, chuyển công tác là thống kê từ đầu năm 2020 đến nay. Trong số này, có 62 nhân viên hợp đồng lao động làm công việc giản đơn tại đơn vị dịch vụ; 51 nhân viên hợp đồng lao động tại hệ thống nhà thuốc bị tinh giản sau khi bệnh viện tiến hành rà soát lại vị trí việc làm, giải thể các đơn vị có chức năng không còn phù hợp…

Còn lại, do người lao động có nguyện vọng cá nhân xin chuyển môi trường công tác phù hợp hơn. Thực tế có trường hợp đang thu nhập tại Bệnh viện Bạch Mai khoảng 20 triệu đồng/tháng nhưng được cơ sở tư nhân mời trả lương trên 100 triệu đồng/tháng.

Cũng trong thời gian này, bệnh viện Bạch Mai đã tuyến mới gần 500 nhân sự và thành lập mới nhiều trung tâm y tế chuyên sâu như: Trung tâm cấp cứu A9 (sáp nhập khoa Cấp cứu A9 và khoa Cấp cứu ngoại trước đây); Trung tâm Đột quỵ; Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật; Trung tâm Thận – Tiết niệu và lọc máu (sáp nhập khoa Thận Nhân tạo và khoa Thận Tiết niệu); Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ…

Mặc cho những ồn ào về thông tin kể trên, những ngày qua, đội ngũ cán bộ viên chức Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang ngày đêm chăm sóc, phục vụ người bệnh. Hoạt động chuyên môn của bệnh viện cũng đã trở lại bình thường với số lượng bệnh nhân nội trú trên 3.300 trường hợp, số khám mỗi ngày 5.000-6.000 ca… (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Bệnh viện đầu tiên của Việt Nam được công nhận là trung tâm đạt chất lượng toàn cầu

Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức chiều 20-4 đã tổ chức lễ công bố bệnh viện hạng đặc biệt; trao chứng chỉ toàn cầu của Hiệp hội Phẫu thuật hoàng gia Vương quốc Anh (RCS).

Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức là trung tâm ngoại khoa lớn nhất của cả nước, với gần 2.500 nhân viên, hơn 1.500 giường bệnh và hơn 50 phòng mổ được trang bị hiện đại, mỗi năm thực hiện khoảng 70.000 ca mổ. Đây cũng là cơ sở đào tạo cho hàng nghìn học viên, sinh viên mỗi năm và có nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế với các bệnh viện lớn trên thế giới, như: Pháp, Mỹ, Nhật, Anh, Hàn Quốc, Autralia, Đài Loan…

Ngày 3-2-2021, bệnh viện chính thức được RCS công nhận là trung tâm đào tạo ngoại khoa đầu tiên tại Việt Nam đạt chất lượng toàn cầu. Các cơ sở đào tạo liên quan ngoại khoa không chỉ tại Anh, mà nhiều nước cũng mong muốn được cấp chứng chỉ của RCS để thăng hạng và uy tín về đào tạo và chất lượng phẫu thuật viên của mình. Bên cạnh đó, đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức được Bộ Nội vụ công nhận là bệnh viện hạng đặc biệt, sau lần đầu tiên bệnh viện được xếp hạng đặc biệt vào ngày 21-9-2015.

Dịp này, bệnh viện chính thức khai trương hệ thống hỗ trợ y học từ xa (Telemedicine) thuộc dự án y tế tuyến tỉnh tại bệnh viện và một số bệnh viện địa phương được hỗ trợ bởi nguồn vốn ODA của Chính phủ Đức. (Hà Nội mới, trang 5; Nhân dân, trang 5).

 

Hội chẩn từ xa: Nhiều lợi ích

Giữa năm 2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa. Đề án không chỉ đơn thuần ứng dụng công nghệ thông tin mà còn giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngay tuyến cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới, hạn chế chuyển tuyến gây quá tải tuyến trên.

Thống nhất phương pháp điều trị hiệu quả

Chiều thứ Tư hằng tuần, các bác sĩ (BS) BV Từ Dũ (TP.HCM) lại ngồi trước màn hình để tham gia buổi hội chẩn trực tuyến với hàng chục đầu cầu BV sản nhi tuyến cơ sở.

Chuyên đề của tuần năm tháng 3 khá đặc biệt khi các BS bàn luận về trường hợp sản phụ đang cách ly bị nhau tiền đạo trung tâm, ra huyết khi thai 31 tuần, có con lần ba. Trước đó, sản phụ có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 trên chuyến bay nhập cảnh từ Malaysia về, được chuyển phòng cách ly, cầm máu, giảm gò tử cung, dưỡng thai, hỗ trợ phổi. Sau khi sức khỏe ổn định, BV cho sản phụ xuất viện, cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly, theo dõi tiền sản.

Các BS đặt ra những vấn đề cần thảo luận về ca bệnh như chăm sóc bệnh nhân mang thai, có nhau tiền đạo trung tâm tại khu cách ly, tiêu chuẩn xuất viện, thực hiện phẫu thuật trong khu cách ly như thế nào… Tỉnh Tiền Giang hiện tiếp nhận hơn 100 thai phụ trong khu cách ly, do đó những chia sẻ tại buổi hội chẩn sẽ giúp Tiền Giang xử lý tốt hơn khi gặp trường hợp tương tự.

Sau khi nghe đầu cầu Tiền Giang chia sẻ, các chuyên gia BV Từ Dũ đã phân tích sản phụ được cách ly không ảnh hưởng đến phác đồ điều trị nhau tiền đạo ra huyết. Cần tuân thủ theo hướng dẫn phòng dịch khi tiếp xúc sản phụ, dự liệu các tình huống bất ngờ như mổ khẩn giữa đêm. Còn BV Sản Nhi Quảng Ninh, nơi từng đỡ đẻ thành công cho sản phụ trong khu cách ly, cho biết sẵn sàng chia sẻ quy trình điều trị và chăm sóc sản phụ là F0, F1 trong khu cách ly.

BS Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, cho biết từ cuối tháng 10-2020, BV này đã triển khai hội chẩn từ xa với các BV. Chiều thứ Tư hằng tuần, BV sẽ hội chẩn với các đầu cầu về những ca bệnh khó chẩn đoán, khó xác định điều trị. Thông qua đó, các BV tham gia cùng học hỏi kinh nghiệm, bàn luận về ca bệnh.

Bệnh nhân hài lòng khi ở tuyến dưới

Là BV vệ tinh của BV Ung bướu TP.HCM, BV Ung bướu Cần Thơ thường xuyên tham gia các buổi hội chẩn với BV này. TS-BS Võ Văn Kha, Phó Giám đốc BV Ung bướu Cần Thơ, đánh giá đề án thực sự mang lại hiệu quả.

Nếu như trước đây các BS ở Cần Thơ chỉ trao đổi thông tin riêng qua Zalo, email, điện thoại… thì hội chẩn từ xa giúp BS nhiều chuyên khoa cùng tham gia hội chẩn, phân tích, thống nhất phương án điều trị hiệu quả, toàn diện hơn. Đến nay, Cần Thơ đã hội chẩn với TP.HCM hơn 10 ca bệnh khó không cần chuyển viện. Nhờ vậy, các BS ở Cần Thơ cũng tự tin chẩn đoán những ca tương tự tiếp theo.

Mới đây, BV Ung bướu Cần Thơ tiếp nhận một bệnh nhân (65 tuổi, ngụ Sóc Trăng) bị yếu người, nhức đầu chóng mặt, được chẩn đoán khối u lymphoma não. Đây là một ca bệnh khó, hiếm gặp, tiên lượng nặng. Trước đây, những ca thế này thường được chuyển lên tuyến trên nhưng nay các BS gửi thông tin bệnh án của bệnh nhân cho BV Ung bướu TP.HCM để bàn bạc, thống nhất phương án điều trị. Sau khi áp dụng phác đồ điều trị tại buổi hội chẩn, bệnh nhân đã hết yếu liệt, đi lại sinh hoạt bình thường, đang điều trị duy trì.

“BV đều giải thích tình trạng bệnh cho các bệnh nhân và thông báo cho họ biết BV sẽ hội ý, thống nhất với BV tuyến trên chọn lựa phương án điều trị tốt nhất. Hầu hết bệnh nhân vui vẻ, sẵn sàng phối hợp cung cấp thông tin cho buổi hội chẩn. Khi cần thiết, họ còn được mời tham gia để các BS hỏi trực tiếp” – BS Kha chia sẻ.

BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết BV là một trong những nơi triển khai hội chẩn từ xa đột xuất cho các BV vệ tinh như BV Ung bướu Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định, Đồng Nai và các BV có điều trị ung thư ở phía Nam. Ngoài ra, hằng tuần BV cũng tổ chức hai buổi hội chẩn liên chuyên khoa bàn phương án điều trị các ca khó. Nếu như trước đây buổi hội chẩn chỉ là làm việc nội bộ thì nay BV kết nối với những BV muốn tham gia như một hình thức hội chẩn kết nối đào tạo từ xa. Dù không có ca cần hội chẩn, các BV tham gia cũng có thể đưa ra những thắc mắc cùng trao đổi.

Qua một thời gian triển khai đề án, BS Thịnh đánh giá năng lực chuyên môn của các cơ sở tuyến dưới đã được nâng lên. Sau khi thống nhất phương án điều trị, một số ca bệnh được giữ lại tuyến dưới để điều trị. Tuy nhiên, để đánh giá được bệnh nhân có hạn chế lên tuyến trên điều trị nhờ hưởng lợi từ đề án khám chữa bệnh từ xa hay không cần có thêm thời gian. (Pháp luật TP. HCM, trang 13).

 

Xem xét chứng cứ vụ dược sĩ kiện bệnh viện

Người lao động cho rằng bị trù dập vì đã tố cáo hàng loạt sai phạm, trong khi phía bệnh viện cho rằng người lao động vi phạm.

Ngày 19-4, TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm vụ kiện tranh chấp lao động giữa bà Vũ Kim Thu và Bệnh viện (BV) Nhân dân 115.

Đòi bồi thường hơn 62 triệu đồng

Đây là vụ kiện gây tranh cãi về việc người lao động cho rằng bị trù dập vì đã tố cáo hàng loạt sai phạm xảy ra tại BV dẫn đến bị cho thôi việc. Trong khi đó, phía BV cho rằng nguyên nhân do người lao động vi phạm.

Theo hồ sơ, bà Thu làm việc tại Khoa dược BV Nhân dân 115 được 24 năm. Đầu tháng 1-2020, con gái bảy tuổi bị ốm, ho nên bà xin nghỉ tổng cộng chín ngày. Kèm theo đó, bà có bản phôtô sổ khám tại BV Nhi đồng 2 kèm toa thuốc cho Khoa dược và đã được báo cáo cho ban giám đốc.

Tuy nhiên, BV cho rằng bà tự ý nghỉ và không cung cấp được các chứng từ thể hiện có chỉ định “mẹ nghỉ để chăm sóc con ốm” để chứng minh nghỉ là có lý do chính đáng.

Bà Thu khởi kiện ra TAND quận 10 buộc BV phải thu hồi, hủy bỏ quyết định buộc thôi việc, khôi phục công việc, chức vụ, quyền lợi cho bà theo quy định.

Đồng thời, bà yêu cầu BV phải trả tiền lương cho thời gian bà không được làm việc đến thời điểm đi làm lại, bồi thường tổng cộng hơn 62 triệu đồng.

Suốt quá trình tòa thụ lý, bà cho rằng BV không chỉ vi phạm pháp luật trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà còn trù dập bà vì đã tố cáo hàng loạt sai phạm xảy ra tại BV.

Xử sơ thẩm, TAND quận 10 nhận định bà Thu có cung cấp các toa thuốc có chỉ định và chữ ký của bác sĩ chuyên khoa của BV Nhi đồng 2 nhưng không được BV này xác nhận. Bà Thu không cung cấp được giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh mà cho rằng sổ khám, toa thuốc là chứng từ chứng minh việc bà nghỉ có lý do chính đáng.

Trong hồ sơ cũng không có tài liệu nào thể hiện giữa BV và bà Thu có sự thỏa thuận bằng văn bản thể hiện chấp nhận cho bà nghỉ. Đồng thời, tòa cho rằng BV đã bổ sung các chứng cứ thể hiện quy trình xử lý kỷ luật, ra quyết định buộc thôi việc được thực hiện đúng…

Sau đó, bà Thu kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.

Phía bị đơn muốn hòa giải

Tại phần tranh luận, luật sư (LS) của bà Thu cho rằng BV 115 không có nội quy, quy chế lao động mà chỉ bằng những thông báo, quy định này nọ để điều khiển quản lý. Trong khi theo Bộ luật Lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì phải có nội quy lao động bằng văn bản và phải đăng ký cho cơ quan có thẩm quyền.

LS cũng chỉ ra mấy ngày trước khi bản án sơ thẩm được ban hành, Nghị định 112/2020 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực. Nghị định này có hiệu lực bãi bỏ thông tư, nghị định trước đó mà án sơ thẩm đã áp dụng để ra phán quyết.

Theo nghị định mới, không hề có việc buộc thôi việc đối với trường hợp nghỉ không phép mà BV đã áp dụng đối với bà Thu. Đồng thời, nghị định mới quy định có lợi cho người lao động là viên chức cần được áp dụng.

LS cũng phản đối việc BV cho rằng bà Thu “gây hậu quả nghiêm trọng, vì nếu ai cũng nghỉ làm như bà Thu thì sẽ ảnh hưởng công việc BV”. Theo LS, BV đang nói là “sẽ”, không phải là “đã” gây hậu quả nghiêm trọng…

Ngược lại, LS phía bị đơn cho rằng bản án sơ thẩm chỉ đánh giá tính hợp pháp quyết định của BV. Trong khi đó, kháng cáo của nguyên đơn cho rằng quyết định của BV không ủng hộ phụ nữ thực hiện thiên chức thiêng liêng làm mẹ chăm con khi ốm…

Tuy nhiên, LS phía bị đơn cũng đưa ra giải pháp muốn đôi bên tiến hành hòa giải từ khi phiên xử bắt đầu và cung cấp chứng cứ mới tại tòa. Trước đó, nguyên đơn cũng cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới để HĐXX xem xét về bảo hiểm y tế của con mình điều trị bệnh có được sau phiên sơ thẩm.

Kết thúc phần tranh luận, đại diện VKS yêu cầu dừng phiên tòa để xem xét các chứng cứ mới nên HĐXX quyết định hoãn xử, sẽ mở lại vào ngày 4-5 tới. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/6/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 08/8/2018

admin

Điểm báo ngày 29/10/2018

Ngọc Nga

Để lại bình luận