Điểm báo ngày 24/3/2021

(CDC Hà Nam)
Phê duyệt vắc – xin thứ 2 phòng Covid -19; Vaccine Việt Nam nhiều triển vọng; Hôm nay, Bệnh viện Quận 11 bắt đầu tiêm vaccine cho nhân viên y tế; Hơn 35.000 người Việt Nam đã được tiêm vaccine phòng Covid-19…

Phê duyệt vắc – xin thứ 2 phòng Covid -19

Ngày 23-3, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường đã ký Quyết định số 1654/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện đối với vaccine Gam-COVID-Vac (tên khác là Sputnik V) của Nga cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo thông tin của Bộ Y tế, mỗi liều 0,5ml thành phần I (mũi tiêm 1) của vaccine Sputnik V chứa (1,0 ± 0,5) x 1011 hạt virus Adeno typ huyết thanh 26 của người tái tổ hợp mang gien mã hóa protein S của SARS-CoV-2.

Mỗi liều 0,5ml thành phần II (mũi tiêm 2) chứa (1,0 ± 0,5) x 1011 hạt virus Adeno typ huyết thanh 5 của người tái tổ hợp mang gien mã hóa protein S của SARS-CoV-2.

Vaccine Sputnik V được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm do JSC gienerium – Liên Bang Nga sản xuất.

Tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) là cơ sở đề nghị phê duyệt vaccine này. POLYVAC có trách nhiệm phối hợp với cơ sở sản xuất vaccine phản hồi kịp thời các yêu cầu từ Bộ Y tế Việt Nam để bổ sung thêm dữ liệu hoặc các yêu cầu khác có liên quan đến vaccine và chủ động cung cấp, cập nhật các thông tin mới có liên quan đến vaccine.

Cục Quản lý Dược sẽ cấp phép nhập khẩu vaccine theo quy định tại Điều 67 Nghị định 54/2017/NĐ-CP khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu cũng như thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vaccine nhập khẩu.

Bộ Y tế cũng giao Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo của Bộ này làm đầu mối triển khai đánh giá lâm sàng tại Việt Nam về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine. Viện Kiểm định Quốc gia Vắc-xin và Sinh phẩm y tế có trách nhiệm tiến hành kiểm định vaccine trước khi đưa ra sử dụng.

Vaccine Sputnik V được Việt Nam phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Trung tâm nghiên cứu, sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) cung cấp cho Bộ Y tế tính đến ngày 25-2 và cam kết của POLYVAC về tính chính xác của các tài liệu đã cung cấp cho Bộ Y tế Việt Nam.

Trước đó, ngày 25-2, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho vaccine này.

Như vậy, vaccine Sputnik V của Nga là vaccine ngừa Covid-19 thứ hai tại Việt Nam được phê duyệt. Trước đó, hồi đầu tháng 2 Việt Nam đã phê duyệt cho vaccine Covid-19 của AstraZeneca.  (Nhân dân, trang 8; Tiền phong, trang 15; Thanh niên, trang 4; Công an Nhân dân; trang 1; Hà Nội mới, trang 7).

Vaccine Việt Nam nhiều triển vọng

Ngày 23-3, tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, dự án thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac ngừa Covid-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất tiếp tục thực hiện tiêm thử nghiệm mũi đầu tiên trên 15 người tình nguyện.

Đảm bảo an toàn cao nhất

Theo PGS-TS Phạm Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng, do điều kiện người tình nguyện tiêm thử nghiệm vaccine phải lưu trú trong 24 giờ để theo dõi sức khỏe nên chương trình chỉ tiêm tối đa cho 15 người. Độ tuổi của người được tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine là từ 18-59. Dự kiến vào ngày 25-3 tới, 15 người tình nguyện tiếp theo cũng sẽ được tiêm vaccine Covivac mũi đầu tiên.

Trước đó, ngày 15-3, nhóm 6 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm mũi đầu tiên của vaccine Covivac. Với liều tiêm thứ nhất, 114 người còn lại sẽ lần lượt được tiêm theo các đợt, mỗi đợt cách nhau 8 ngày đến 20-4. Theo lịch trình nghiên cứu, mỗi đợt sẽ tổ chức tiêm từ 12-18 người/ngày. Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại, vaccine Covivac mặc dù mới thử nghiệm giai đoạn 1 nhưng qua các nghiên cứu tiền lâm sàng đã cho kết quả chất lượng rất tốt. Giá thành dự kiến của vaccine này rất rẻ (sơ bộ đánh giá bằng1/2 giá vaccine hiện có trên thị trường).

Ông Nguyễn Ngô Quang cho biết thêm, Việt Nam hiện có 4 đơn vị đang nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19. Trong đó vaccine NanoCovax của Công ty NANOGEN đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2. Vaccine Covivac của IVAC đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vaccine của Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sẽ chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4-2021. Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của cả 3 vaccine này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng.

Đáng chú ý, vaccine NanoCovax, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh.  “Căn cứ vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại là rất lạc quan. Nếu thuận lợi, có thể cuối quý 3-2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine NanoCovax, rút ngắn tiếp 3 tháng so với kế hoạch dự kiến trước đó. Trước đó, thời gian thử nghiệm giai đoạn 2 của vaccine NanoCovax cũng đã rút ngắn thời gian từ 6 tháng xuống 3 tháng…” – ông Quang nhấn mạnh. Nếu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 hoàn thành, hy vọng vào cuối quý 3-2021, Việt Nam sẽ có vaccine đầu tiên để phòng chống dịch Covid-19 do chính các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản xuất.

Không để doanh nghiệp tự mua vaccine

Liên quan tới việc một số doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vaccine Covid-19 để tiêm chủng, phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine Covid-19 đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine Covid-19. Vì vậy, Bộ Y tế không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vaccine Covid-19 để tiêm chủng.

Hiện nay, các công ty sản xuất vaccine Covid-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế. Những vaccine được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam, chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vaccine mới được nhập khẩu, nhưng việc tiêm vaccine hiện nay phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế, đúng với tinh thần những đối tượng có rủi ro cao thì được tiêm trước như Nghị quyết 21/NQ-CP đã nêu. Việc tiêm chủng vaccine Covid-19 phải do các cơ sở y tế của ngành y tế thực hiện. Trong khi đó, trao đổi với báo chí, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, các loại vaccine Covid-19 là vaccine mới phát triển nên quá trình thực hiện tiêm chủng phải có sự chuẩn bị kỹ càng chu đáo về cơ sở vật chất phục vụ tiêm chủng, bảo quản vaccine, khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ phản ứng sau tiêm nhằm đảm bảo an toàn cho người được tiêm chủng nên không thể tiêm ồ ạt.

Cùng ngày, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường đã ký quyết định số 1654/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện đối với vaccine Gam-COVID-Vac (còn gọi là Sputnik V) của Nga sản xuất cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) là cơ sở đề nghị phê duyệt vaccine Sputnik V. POLYVAC có trách nhiệm phối hợp với cơ sở sản xuất vaccine phản hồi kịp thời các yêu cầu từ Bộ Y tế Việt Nam để bổ sung thêm dữ liệu hoặc các yêu cầu khác có liên quan đến vaccine và chủ động cung cấp, cập nhật các thông tin mới có liên quan đến vaccine.

Thêm 12 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh

Chiều tối 23-3, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước có thêm 1 ca mắc Covid-19 (ca bệnh thứ 2.576) là người nhập cảnh được cách ly  tại Hà Nội. Cùng ngày, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, đã có thêm 2.060 người được tiêm chủng vaccine Covid-19 của AstraZeneca, nâng số người được tiêm vaccine lên 36.082 người. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Hôm nay, Bệnh viện Quận 11 bắt đầu tiêm vaccine cho nhân viên y tế

Sáng 23-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, đã kiểm tra công tác chuẩn bị cho buổi tiêm đầu tiên tại Bệnh viện Quận 11 vào hôm nay 24-3. Theo đó, những liều vaccine đã được HCDC chuyển về Trung tâm Y tế quận 11 và đưa vào bảo quản theo đúng quy định. Theo HCDC, chiến dịch tiêm chủng đợt 1 dự kiến diễn ra từ ngày 22-3 và hoàn thành trước ngày 19-4, với mục tiêu 95% nhân viên tham gia chống dịch Covid-19 tại TPHCM được tiêm chủng vaccine và phải đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vaccine Covid-19.

Theo HCDC, đã 40 ngày TPHCM không phát hiện trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng. Số trường hợp nhiễm Covid-19 phát hiện tại TP là 217, trong đó 210 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 7 trường hợp đang điều trị. Số người đang được cách ly tại các điểm cách ly tập trung là 2.186 người và hiện TP không còn người đang được cách ly tại nhà, nơi lưu trú. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Đà Lạt: 4 bạn trẻ kịp thời hiến máu cứu mẹ con sản phụ trong đêm

Nhận được tin nhắn kêu gọi hiến máu cứu người trên nhóm Zalo, giữa đêm khuya, 4 bạn trẻ đang sinh sống tại TP. Đà Lạt đã đến Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng hiến máu cứu giúp mẹ con sản phụ trong cơn nguy cấp.

Ngày 23/3, anh Võ Đăng Thái Bình (Hội Chữ Thập đỏ TP.Đà Lạt) cho biết khuya hôm qua (22/3), chỉ sau 90 phút kêu gọi trên nhóm Zalo, đã có 4 bạn trẻ tình nguyện đến hiến máu, cứu giúp sản phụ qua cơn nguy kịch.

Trước đó, chị Liêng Hót K.S (22 tuổi, trú xã Liên Hà, Lâm Hà, Lâm Đồng) mang bầu lần đầu, thai 39 tuần tuổi, chuyển dạ, bị rối loạn đông máu sau sinh, giảm tiểu cầu nên cần được truyền gấp loại máu O. Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã đăng tin kêu gọi hiến máu cứu người trên nhóm Zalo.

Đọc được tin nhắn, các thành viên Đội phản ứng nhanh nhóm máu O đã cấp tốc đến bệnh viện hiến máu cứu người ngay trong đêm, bao gồm các bạn trẻ Phan Xuân Tấn (Tỉnh Đoàn Lâm Đồng), Vũ Thị Kim Chi (thường trú huyện Đức Trọng, sống tại Đà Lạt), Đặng Thị Ngọc Linh và Vũ Thị Phương Dung (Trường Đại học Yersin).

“Chỉ sau 90 phút nhắn tin kêu gọi, bệnh viện đã tiếp nhận đủ 4 đơn vị máu để cấp cứu kịp thời cho sản phụ. Nhờ vậy, người mẹ trẻ qua cơn nguy kịch, được chuyển đến bệnh viện tuyến trên ở TP.HCM để tiếp tục điều trị. Người nhà sản phụ hết sức biết ơn các tình nguyện viên hiến máu cứu người”, anh Bình nói. (Tiền phong, trang 15).

 

Hơn 35.000 người Việt Nam đã được tiêm vaccine phòng Covid-19

Ngày 23-3, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo phân bổ vaccine cho các địa phương để hướng tới mục tiêu tỉ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân. Ngày 23-3, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã báo cáo về công tác mua và sử dụng vaccine Covid-19 tại Việt Nam.

Thông tin về công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, ông Đặng Đức Anh cho hay, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng; hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm chủng, hướng dẫn tiêm an toàn và giám sát, xử trí phản ứng sau tiêm chủng, triển khai tập huấn cho toàn hệ thống.

Khác với hoạt động tiêm chủng thường xuyên được thực hiện bởi hệ thống y tế dự phòng (chủ yếu tại các trạm y tế xã, phường) lần này, nhiều cơ sở điều trị bao gồm các bệnh viện lần đầu tham gia triển khai tiêm vaccine.

Trước khi triển khai, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã hướng dẫn chuyên môn cho các địa phương triển khai đợt 1 (gồm 13 địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch gần đây và 21 cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19).

Cũng theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt với các nước trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến.

Cụ thể, các cơ sở tiêm chủng vaccine phải đạt tiêu chuẩn theo quy định về cả cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm, đồng thời được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm; công tác cấp cứu đề phòng trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng luôn sẵn sàng nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người được tiêm chủng.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã ghi nhận các trường hợp phản ứng dau khi tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường với tỷ lệ tương đương thông báo của nhà sản xuất.

Đề cập đến kết quả tiêm chủng vaccine, GS.TS Đặng Đức Anh cho hay, đến nay đã có hơn 35.000 người được tiêm vaccine Covid-10. Trong đó tỉnh Hải Dương, địa phương trải qua đợt bùng phát Covid-19 mạnh từ cuối tháng 1 đến trung tuần tháng 3/2021 có lượng người tiêm cao nhất với hơn 16.000 người

Đến ngày 21/3, vaccine Covid-19 đã được triển khai tiêm tại 13 tỉnh, thành phố là các địa phương có ghi nhận trường hợp bệnh trong thời gian vừa qua (Hà Nội, TP. HCM, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên và Hà Giang).

Những đối tượng được tiêm những mũi vaccine đầu tiên là những người ở tuyến đầu chống dịch bao gồm cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, điều tra, truy vết…

Theo GS.TS Đặng Đức Anh, thời gian tới, phạm vi, quy mô triển khai và đối tượng tiêm chủng sẽ theo sát tiến độ cung ứng vaccine phòng Covid-19. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo phân bổ vaccine cho các địa phương để hướng tới mục tiêu tỉ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân.

Đối với việc áp dụng hộ chiếu vaccine, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh cho rằng, hiện nay không có vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%, đặc biệt vaccine phòng Covid-19 được phát triển trong thời gian ngắn, hiệu lực bảo vệ đạt từ 60-90% và Tổ chức Y tế thế giới còn đang tiếp tục đánh giá.

Vì vậy, có một số người đã được tiêm chủng nhưng vẫn có thể mắc bệnh và tiềm ẩn khả năng lây nhiễm cho cộng đồng. Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch cho việc sử dụng hộ chiếu vaccine trong tương lai cũng như đề xuất phương án áp dụng hộ chiếu vaccine phù hợp khi đủ điều kiện. (An ninh Thủ đô, trang 6; Lao động, trang 7).

 

Chính thức cấp thẻ BHYT mẫu mới từ 1/4

Từ 1-4, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mẫu mới trên toàn quốc, thay thế thẻ cũ. Người dân có thể nộp hồ sơ cấp thẻ BHYT trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc thực hiện thủ tục đổi thẻ BHYT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc đổi thẻ BHYT theo mẫu mới sẽ chính thức được thực hiện trên toàn quốc từ 1-4. Mẫu thẻ BHYT mới sẽ tạo nhiều thuận lợi cho cả 3 bên: người tham gia, cơ sở khám chữa bệnh BHYT và cơ quan bảo hiểm xã hội.

Đối với người tham gia, kích thước thẻ BHYT nhỏ gọn hơn, hình thức đẹp hơn (bằng với kích thước thẻ căn cước công dân và một số loại thẻ ATM của các ngân hàng hiện nay), thuận tiện khi cất giữ, bảo quản trong ví, hạn chế các trường hợp bị mất, hỏng thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, thẻ BHYT mới sẽ dày hơn và được ép plastic giúp tăng độ bền, độ cứng của thẻ, đáp ứng được yêu cầu bảo quản lâu dài, tránh thấm nước, ẩm mốc, nhàu nát, rách hỏng, bay mờ mực in trong quá trình sử dụng; giúp người tham gia giảm được thời gian làm thủ tục đổi thẻ hỏng, tiết kiệm chi phí liên hệ và đi lại làm thủ tục tại cơ quan bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt, thẻ BHYT mới có 10 ký tự mã số bảo hiểm xã hội của người tham gia, được sử dụng để tra cứu thông tin về thẻ (thay thế 15 ký tự mã số thẻ BHYT hiện nay). Mục đích là giảm bớt số lượng ký tự người tham gia cần khai báo khi tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam (http://baohiemxahoi.gov.vn), hoặc khai báo khi làm thủ tục đề nghị tiếp tục tham gia BHYT; cấp lại, đổi thẻ; kiểm tra chi phí khám chữa bệnh BHYT…

Về quy trình cấp thẻ BHYT mẫu mới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục được thực hiện theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH, Quyết định số 505/QĐ-BHXH và các văn bản hướng dẫn về thẻ BHYT hiện hành.

Theo đó, người tham gia BHYT, đơn vị sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ cấp thẻ BHYT trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc thực hiện thủ tục đổi thẻ BHYT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (tại địa chỉ www.dichvucong.gov.vn)…

Các trường hợp được đổi thẻ là: thẻ bị rách, nát hoặc hỏng; thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu trên thẻ; thông tin ghi trong thẻ không đúng.

Trường hợp doanh nghiệp thực hiện đổi thẻ BHYT qua giao dịch điện tử thì lập hồ sơ bằng phần mềm kê khai của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc của tổ chức I-VAN (thực hiện cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội). Đồng thời, doanh nghiệp thực hiện ký điện tử trên hồ sơ và gửi đến Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam (địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn).

Trong thời gian chờ đổi, thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia BHYT còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Bảo hiểm cũng lưu ý, không phải tất cả thẻ BHYT được cấp từ ngày 1-4 đều là mẫu thẻ mới. Tại các địa phương còn phôi thẻ BHYT theo mẫu cũ chưa sử dụng hết thì vẫn tiếp tục cấp mẫu thẻ BHYT cũ cho người tham gia BHYT (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Bao lâu sau tiêm vắc xin Covid-19 cơ thể được bảo vệ?

Bộ Y tế có thông tin mới nhất về ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc xin Covid -19 cũng như lưu ý về các mũi tiêm cần thiết để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu. Các trường hợp phản vệ đều đã phục hồi

Ông Lê Tiến Cương, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, cho hay vắc xin Covid -19  là vắc xin mới, triển khai tiêm lần đầu nên người tiêm có chút tâm lý lo lắng, nhưng đến nay, các mũi tiêm đều an toàn.

Là người được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 đợt đầu tại tỉnh Bắc Giang, chị Nguyễn Thị Thu H., một cán bộ làm công tác tiêm chủng tại tỉnh Bắc Giang, cho biết: “45 phút sau tiêm vắc xin Covid-19 có cảm giác “bồng bềnh” như say xe, hơi nôn nao”. Còn BS Đỗ Hữu H., công tác tại Khoa Gây mê hồi sức, Trung tâm y tế H.Yên Thế, cho hay: “Sau tiêm, tôi thấy bình thường và không lo lắng gì. Vắc xin quan trọng trong phòng bệnh, nhưng vẫn cần thực hiện 5K để phòng dịch tốt nhất”.

Với kinh nghiệm làm tiêm chủng, chị H. bày tỏ: “Mong muốn có thêm thông tin về hiệu quả của vắc xin, có thể bảo vệ trong bao lâu sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Có cần tiêm mũi 3 không; nếu có, khi nào cần tiêm thêm”.

Bộ Y tế thông báo, từ ngày 8.3 (thời điểm bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam) đến nay, đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường như: sốt, ớn lạnh, sưng đau tại vị trí tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi, tiêu chảy… và 5 trường hợp phản vệ độ 2, đều đã hồi phục.

Tiếp tục thu thập dữ liệu

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, các triệu chứng thường gặp sau tiêm chủng như đau, đỏ hoặc sưng ở vị trí tiêm, sốt nhẹ, đau mỏi toàn thân, đau đầu hoặc cảm thấy không khỏe… được đánh giá là những phản ứng thông thường, vì đây là dấu hiệu hệ thống miễn dịch đang phản ứng với các kháng nguyên được đưa vào cơ thể và hệ thống miễn dịch đang chuẩn bị để chiến đấu. Đó là điều phổ biến, nhưng thường kéo dài không quá 2 hoặc 3 ngày, và sau đó bạn cảm thấy hoàn toàn ổn.

Tuy nhiên, sau 3 – 4 ngày đầu tiên, nếu gặp bất kỳ điều gì bất thường hoặc nếu bất kỳ triệu chứng thông thường nào kéo dài hoặc có các triệu chứng bất thường khác mà bạn thường không có, nên thông báo cho cơ sở y tế nơi đã tiêm vắc xin.

WHO cho biết đang tiếp tục thu thập cơ sở dữ liệu toàn cầu. Đến nay, với khoảng 100 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được triển khai trên toàn thế giới trong 2 tháng qua, chưa ghi nhận dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại nào, nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi và cập nhật dữ liệu. Vì vậy, người đã tiêm nên thông báo nếu có bất kỳ điều bất thường nào xảy ra.

Theo Bộ Y tế, AstraZeneca vừa công bố mới nhất về hiệu quả bảo vệ của vắc xin Covid-19 là 79% trong việc phòng ngừa Covid-19 có triệu chứng, và 100% trong việc phòng ngừa bệnh nặng.

Sau mũi tiêm thứ 1 khoảng 12 tuần thì sẽ tiêm mũi thứ 2. Cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin để có được hiệu quả bảo vệ đối với SARS –CoV -2.
Một số nghiên cứu đánh giá cho thấy, sau tiêm mũi 1 vắc xin  Covid-19 của AstraZeneca từ  3 – 4 tuần, một tỷ lệ nhất định người được tiêm có kháng thể, được bảo vệ.

Vắc xin Covid-19 mới đưa vào sử dụng, cần thêm thời gian đánh giá hiệu lực sau tiêm, nồng độ kháng thể đủ bảo vệ cơ thể trước vi rút sẽ duy trì trong bao lâu.

Hiện không thấy tăng nguy cơ huyết khối hoặc các biến cố đặc trưng do huyết khối trong số 21.583 người đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 tại các nước, và Việt Nam cũng chưa ghi nhận.

Chưa có vắc xin nào hiệu quả bảo vệ đạt 100%. Sau tiêm vắc xin Covid-19 vẫn cần tiếp tục thực hiện đầy đủ thông điệp 5K phòng chống dịch Covid-19.

(Nguồn: Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia) (Thanh niên, trang 15).

 

Hợp thức hóa mua bán tạng bằng nhiều mánh khóe tinh vi

Nguồn hiến tạng quá ít so với các trường hợp cần ghép tạng nên dẫn đến tình trạng buôn bán tạng trong hiến và ghép tạng tại Việt Nam.

“Có người quỳ dưới chân tôi xin được bán quả thận trái vì đang bị đòi nợ, nếu không tụi nó sẽ giết chết” – GS-TS Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Ghép tạng VN (VN), chia sẻ một câu chuyện có thật tại hội thảo về tăng cường nguồn hiến, mô bộ phận cơ thể người diễn ra tại TP.HCM ngày 22-3.

Lách luật bằng “du lịch ghép tạng”

Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, hiến ghép tạng là hoạt động nhân đạo nhưng không ít người hiểu nhầm méo mó chỉ có bỏ tiền ra mới có tạng và không loại trừ những đối tượng biết mua bán tạng là việc làm vi phạm pháp luật nhưng vẫn nhắm mắt cho qua và trở thành đồng phạm.

GS-TS Trần Ngọc Sinh trình bày sau 29 năm, VN đã đạt thành tích ghép đủ các nội tạng và bộ phận như thế giới đang làm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại thực trạng mua bán mô, bộ phận cơ thể người và ghép tạng du lịch.

Pháp luật VN quy định cấm mua bán tạng nhưng người nước ngoài tới VN thì không bị luật điều phối. Chẳng hạn, một người nước ngoài đưa người sang VN thực hiện ghép tạng, dù biết rõ đây là ca mua bán tạng qua hình thức du lịch nhưng các bác sĩ vẫn thực hiện vì chưa có luật cấm đối với người nước ngoài. Tương tự, nhiều người VN đã chấp nhận ra nước ngoài đi du lịch nhưng thực chất là mua và ghép tạng nơi đất khách. Nhiều nơi đã bất chấp ghép cho người bệnh, “sống chết tính sau”.

Ở VN, dù luật ghép mô tạng và luật hình sự đã quy định rõ không được buôn bán tạng, thậm chí phạt tù nhưng hiện tượng này vẫn đang tồn tại và ngày càng tinh vi để qua mắt cơ sở y tế.

BS Sinh dẫn chứng thực trạng làm giả giấy tờ để qua mặt cơ sở y tế bị phát hiện nhưng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì không loại trừ nhiều trường hợp qua mặt trót lọt. Ông kể mới đây Trung tâm ghép tạng của BV ĐH Y Dược TP. HCM Cơ sở 1 phát hiện có đến hai, ba trường hợp giả mạo giấy tờ chứng minh là người thân để cho thận nhưng thực chất là mua bán.

“Hai người xưng là vợ chồng, trưng ra giấy tờ kết hôn và từng phá thai nhưng khi nhân viên phòng công tác xã hội đi thẩm tra lại thì phát hiện mỗi tháng người phụ nữ đưa cho người đàn ông kia 20 triệu để đi tới đi lui ghép thận” – GS-TS Trần Ngọc Sinh kể.

Chưa dừng lại, cặp vợ chồng sau đó còn sang BV Chợ Rẫy để tiếp tục đăng ký hiến ghép tạng. Sự việc được TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy, phát hiện nhờ từng nghe kể về trường hợp này khi tham dự hội thảo hiến ghép tạng ở BV ĐH Y Dược TP.HCM. “Sau đó, kết quả thẩm tra từ UBND địa phương nơi cặp vợ chồng đăng ký kết hôn là giả, không có trong sổ hộ tịch nên chúng tôi đã chuyển cơ quan công an làm việc tiếp” – BS Thu nói.

Bên cạnh đó, thực tế thời gian qua có nhiều đối tượng cò mua bán thận đã bị phát hiện và xử lý nhưng vẫn chưa “khui” tới tận gốc đường dây tiếp tay cho cò mua bán thận, không loại trừ là người trong ngành y tế.

Minh bạch thông tin người đăng ký hiến, ghép tạng

Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, để chấm dứt tình trạng mua bán tạng cần có hệ thống pháp luật chặt chẽ và chế tài kèm theo thật nặng mới đủ tính răn đe.

GS-TS Trần Ngọc Sinh lấy dẫn chứng ở Thái Lan, luật không chỉ xử phạt người mua, người bán mà cả bác sĩ lấy tạng và thực hiện ghép cũng bị xử phạt nặng, tước bằng vĩnh viễn. Bên cạnh đó cần xúc tiến phần mềm điều hành đăng ký và điều phối mô tạng, bộ phận cơ thể người, có thông tin tra cứu rõ ràng, minh bạch.

ThS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho rằng thực trạng mua bán tạng xuất phát từ số người hiến quá ít. Bên cạnh đó, điều kiện hạn chế về y tế cũng là rào cản để tiếp nhận nhiều hơn số lượng tạng hiến. Nhiều cơ sở y tế còn chưa thành lập hội đồng đánh giá chết não, vẫn còn tình trạng mỗi đơn vị có ca ghép phải xin Bộ Y tế hoặc ghép cho người không có tên trong danh sách chờ ghép tạng quốc gia.

“Cần xác định rõ tạng hiến là tài sản quốc gia mới đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Mỗi cơ sở cần thoát ý nghĩ tạng hiến do mình vận động nên tự quyết định mà chưa hiểu có tạng hiến là sự hợp lực của cả hệ thống chính sách, truyền thông… Những trường hợp không có tên trong danh sách chờ ghép là không đúng quy định” – ThS Phúc nêu.

Bên cạnh đó, ThS Phúc cũng đề nghị cần xây dựng cơ chế tài chính cho các hoạt động điều phối, chẩn đoán chết não, hồi sức cho bệnh nhân chết não, vận chuyển mô tạng…

ThS-BS Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm tim mạch BV Trung ương Huế, đồng tình khâu điều phối tạng ghép và người chờ ghép phải minh bạch và cần luật hóa tất cả bệnh nhân muốn ghép tạng phải đăng ký qua Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, nếu không có trong danh sách này là phạm luật.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng hiện nay VN đã làm chủ phần lớn các kỹ thuật ghép tạng và các bộ phận cơ thể người nhưng số lượng người được ghép còn quá ít. Mỗi năm VN có đến khoảng 10.000 người bị tai nạn giao thông tử vong, số người tiềm năng cho tạng còn rất nhiều nhưng chưa được tận dụng tốt. Vì thế, các đơn vị cần nghiên cứu, tiếp tục đề xuất sửa đổi Luật Hiến ghép tạng sẽ trình Quốc hội trong năm 2022 như xem lại độ tuổi có thể hiến tạng, giảm bớt thủ tục, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho người chết não được hiến tạng…

Có tình trạng cơ sở y tế biết nhưng nhắm mắt cho qua

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng thực trạng mua bán tạng dù là vấn đề nhạy cảm nhưng không thể né tránh được. Thỉnh thoảng các cơ quan điều tra khởi tố các vụ án mua bán tạng nhưng chưa có thống kê số liệu cụ thể.

Ông Quang khẳng định tạng ghép không như các loại hàng hóa thông thường khác, không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của cơ sở khám chữa bệnh.

Theo ông Quang, chưa thể khẳng định việc mua bán tạng có tiếp tay từ các cơ sở khám chữa bệnh hay không vì còn liên quan đến vấn đề pháp lý, hồ sơ giả, bị đánh lừa… nhưng ông cho rằng có tình trạng cơ sở biết nhưng nhắm mắt cho qua, hình thành đường dây tay ba với người mua và người bán.  (Pháp luật TP. HCM, trang 13).

Bài viết liên quan

Điểm báo 07/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/8/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/7/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận