28Kêu gọi từ bỏ thuốc lá
Ngày 26-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá đã phối hợp tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25-5 tới 31-5) với chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã kêu gọi các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đồng thời kêu gọi mọi người bỏ thuốc lá vì sức khỏe mỗi người, gia đình và cộng đồng. Theo Bộ Y tế, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 90% số ca tử vong do ung thư phổi ở Việt Nam; là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có 165.000 trẻ em tử vong trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc lá thụ động (Sài gòn giải phóng, trang 3).
Thanh Hóa: Hơn 40 du khách nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm
Sau bữa cơm tối, hơn 40 du khách đang nghỉ ở Khu du lịch Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã phải nhập viện với các triệu chứng buồn nôn, đau thắt bụng, chóng mặt…, nghi do ngộ độc thực phẩm. Ngày 26.5, các bác sĩ tại Phòng khám đa khoa Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đang tiếp tục chăm sóc, điều trị cho hơn 20 người nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, sáng 25.5, đoàn du khách hơn 80 người là cán bộ, công nhân của một công ty ở Bắc Ninh về Khu du lịch Hải Tiến huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nghỉ mát. Chiều tối cùng ngày, đoàn khách ăn cơm tối và nghỉ ngơi tại khách sạn Hoàng Gia thuộc Khu du lịch Hải Tiến. Khoảng 21 giờ, nhiều người trong đoàn du khách có biểu hiện buồn nôn, đau thắt bụng, chóng mặt… nghi bị ngộ độc thực phẩm, nên được đưa đến Phòng khám đa khoa Hải Tiến (cách khách sạn khoảng 3 km) cấp cứu. Số người có biểu hiện nghi do ngộ độc liên tục tăng và được đưa đi cấp cứu rải rác cho đến rạng sáng ngày 26.5.
Anh Hoàng Văn Duẩn, trưởng đoàn khách, cho biết tất cả có hơn 40 người phải nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc. Đến 10 giờ ngày 26.5 vẫn còn khoảng hơn 20 người đang phải điều trị. Những người còn lại đã điều trị ổn định và được xuất viện. Cũng theo anh Duẩn, bữa cơm tối ngày 25.5 đoàn ăn tại khách sạn Hoàng Gia, gồm các món ăn như ngô chiên, tôm luộc, hàu nướng, mực luộc, canh cua…
Hiện các đơn vị chức năng đang làm việc với chủ khách sạn và tiến hành lấy các mẫu thức ăn, thực phẩm, kiểm tra làm rõ nguyên nhân vụ việc (Thanh niên, trang 4).
Thí điểm tự chủ với 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông qua Nghị quyết “Về thí điểm tự chủ của 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế”. Theo Nghị quyết, thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các bệnh viện như: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và K. Mục tiêu của Nghị quyết nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của các bệnh viện; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài. Ngoài ra, thực hiện trách nhiệm xã hội của bệnh viện, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý. Không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu. Một trong những nội dung quan trọng của cơ chế tự chủ là ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, 4 bệnh viện này khi bắt đầu thực hiện thí điểm Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý và cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc bệnh viện hoặc Tổng Giám đốc bệnh viện (theo Đề án của mỗi bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với thời gian tối đa là 2 năm. Trong thời gian này, Hội đồng quản lý có trách nhiệm xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trình Bộ trưởng Bộ Y tế; phương án kiện toàn Hội đồng quản lý khi kết thúc giai đoạn thí điểm. Hội đồng quản lý có từ 7 đến 11 người, trong đó có 1 đại diện của Bộ Y tế. Các tiêu chuẩn, bao gồm cả tiêu chuẩn về tuổi của Chủ tịch Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định hiện hành. Trường hợp đặc biệt, trong thời gian kiện toàn, nếu Chủ tịch Hội đồng quản lý quá tuổi so với quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Nghị quyết cũng nêu, trường hợp thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ sở thành viên: Hội đồng quản lý có trách nhiệm xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và quyết định, chịu trách nhiệm về việc thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ sở thành viên. Quyết định danh mục vị trí việc làm, cơ cấu, số lượng người làm việc; tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng theo quy định của pháp luật. Hội đồng quản lý bệnh viện có quyền quyết định cấu hình, tính năng kỹ thuật trang thiết bị y tế đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển chuyên môn của bệnh viện và an toàn cho người bệnh (Hà Nội mới, trang 1).
Cắt bỏ quả thận dư cho phụ nữ có 3 quả thận
Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ (Đồng Nai) cho biết vừa cắt bỏ quả thận phụ cho chị Nguyễn Thị Như T. (37 tuổi, ngụ tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Trước đó, ngày 20-5, chị Nguyễn Thị Như T. nhập viện trong tình trạng đau hông trái, đau âm ỉ dài ngày. Người nhà bệnh nhân cho biết chị đã từng đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán bị nang thận. Qua kiểm tra, kết hợp với kết quả siêu âm, chụp CT, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có 1 quả thận phải và thận đôi bên trái cùng niệu quản. Bác sĩ Bùi Khắc Thái, thuộc khoa ngoại tổng quát Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ, cho biết bệnh nhân có 1 thận phụ, thận này đổ thấp xuống cổ bàng quang, do các cơ ở đó khỏe nên đã thắt miệng lại, làm ứ nước trong thận phụ. Thận phụ được nuôi dưỡng từ máu của thận chính nên cả 2 thận không thể hoạt động bình thường được, gây giảm chức năng thận dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu từ quả thận phụ. Do đó các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ quả thận phụ. Hiện tại, chị đã được xuất viện (Tuổi trẻ, trang 4).