Điểm báo ngày 29/9/2021

(CDC Hà Nam)

Giữ cơ chế kiểm soát giữa TPHCM và khu vực phía Nam khi nới lỏng giãn cách; Không ghi nhận bằng chứng ca tử vong liên quan đến vaccine Pfizer; Không được tự phát rời TPHCM, Bình Dương… sau 30/9; “Bệnh viện xanh” đầu tiên của TPHCM đón bệnh nhân trở lại; Bão Cytokine tấn công người trẻ mắc COVID-19; App chống dịch thống nhất sắp ra mắt

Giữ cơ chế kiểm soát giữa TPHCM và khu vực phía Nam khi nới lỏng giãn cách

Chiều 28-9, tại đầu cầu TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc trực tuyến với TPHCM, các tỉnh ĐBSCL và Tây Nguyên về việc chuẩn bị nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 30-9. Dự buổi làm việc có Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam; lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ GTVT.

Tại buổi làm việc, các ý kiến cơ bản thống nhất về việc cần thiết nới lỏng giãn cách xã hội tại TPHCM cùng khu vực phía Nam và cho rằng, các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch; yêu cầu nới lỏng giãn cách để phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân lúc này là điều tất yếu khách quan. Tuy nhiên, việc người dân di chuyển giữa các tỉnh, thành phố với nhau vẫn còn tiềm ẩn mối nguy hiểm lây lan dịch bởi tỷ lệ tiêm vaccine ở các tỉnh còn thấp.

Các ý kiến tại hội nghị đề nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục giữ cơ chế kiểm soát người ra, vào TPHCM và kiểm soát việc đi lại giữa các tỉnh, thành phố như hiện nay; cá biệt những trường hợp thực sự cần thiết phải về quê thì các tỉnh phải phối hợp với TPHCM tổ chức đưa đón người dân một cách chu đáo. Lãnh đạo TPHCM mong người dân các địa phương ở lại TP, tránh việc “đem cái khó về quê hương”, sớm khôi phục lại sản xuất để đưa cuộc sống ở TP trở lại bình thường mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhất trí với ý kiến của các địa phương, nhấn mạnh: Để đảm bảo cho người lao động ở lại TPHCM làm việc thì TP cần chuẩn bị đồng bộ tạo điều kiện về việc làm, vaccine, chỗ ở cho người lao động; các phương án đón công nhân từ các địa phương về TP phải đảm bảo an toàn; tạo điều kiện tốt nhất để người lao động được tiêm vaccine; phải kiểm soát chặt chẽ, không để người dân tụ tập di chuyển tự do.

Bộ Y tế cần tham mưu với Chính phủ về việc phân bổ vaccine cho TPHCM và các tỉnh lân cận để đảm bảo tiêm phủ vaccine miễn dịch cộng đồng, sớm “xanh hóa” các địa phương để đem lại cuộc sống bình thường mới cho người dân; tiếp tục kiểm soát chặt tại các chốt ra, vào TPHCM, không để các ca F0 lọt vào, tránh trường hợp người dân tự phát đi lại về các địa phương, người dân thuộc địa bàn nào thì địa phương đó phải phối hợp với các bên để giải quyết, xét nghiệm và đưa đi cách ly (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Không ghi nhận bằng chứng ca tử vong liên quan đến vaccine Pfizer

Tối 28-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, có một trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine Pfizer, nhưng không liên quan đến chất lượng vaccine. Vì vậy, TP tiếp tục triển khai tiêm chủng lại bình thường với vaccine Pfizer. Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho biết, trước đó, vào trưa 28-9, Sở Y tế TPHCM có chỉ đạo tạm thời dừng tiêm vaccine Pfizer lô FK0112 trong khi chờ ý kiến đánh giá chuyên môn về 1 trường hợp nghi tử vong sau khi tiêm vaccine Pfizer.

Vào đầu giờ chiều cùng ngày, Sở Y tế TPHCM đã khẩn trương tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn, đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vaccine.

Qua cuộc họp, kết luận ban đầu của các chuyên gia là không ghi nhận bằng chứng tử vong liên quan đến chất lượng vaccine. Nguyên nhân tử vong cụ thể cần chờ kết quả giám định pháp y.

Từ kết luận ban đầu này, ngay trong buổi chiều, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã thông báo cho các đơn vị tiếp tục sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm chủng cho người dân. Được biết, TPHCM đã tiêm 100% mũi 1 cho người trên 50 tuổi và mũi 2 đạt tỷ lệ 48,5% (Sài Gòn giải phóng, trang 7). 

Không được tự phát rời TPHCM, Bình Dương… sau 30/9

Chiều 28/9, làm việc với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, lãnh đạo các tỉnh thành miền Nam và Tây Nguyên thống nhất kiến nghị tiếp tục giữ cơ chế kiểm soát người ra vào, đi lại, không để dân từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An tự phát về các địa phương sau ngày 30/9.

Còn nhiều người tự phát về quê

Tại cuộc họp, đại diện Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An cho biết, bốn địa phương này đã từng bước kiểm soát dịch bệnh, mở lại các hoạt động sản xuất an toàn. Đại diện cả bốn địa phương mong muốn đón công nhân ở các tỉnh trở lại làm việc, đồng thời đề nghị người dân đang ở tại địa phương tiếp tục ở lại, không tự phát về quê.

Chính quyền các địa phương sẽ đảm bảo an sinh xã hội, tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 và sớm khôi phục sản xuất để bà con có việc làm. Thời gian qua, giữa bốn địa phương và các tỉnh, thành phố khác phối hợp chặt chẽ để đưa đón người dân về quê an toàn, có kiểm soát. Tuy nhiên, có một bộ phận người dân về tự phát, trong khi tỷ lệ tiêm vắc-xin ở nhiều tỉnh còn thấp, lực lượng y tế mỏng nên rất khó kiểm soát.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường, bình quân mỗi ngày có khoảng 4.000 lái xe ra vào tỉnh Bình Phước; trong vài ngày qua đã phát hiện hơn 60 ca mắc COVID-19. Nếu cho người dân từ TPHCM và các tỉnh còn phức tạp về dịch bệnh đi lại tự do, Bình Phước có nguy cơ từ “vùng xanh” trở thành “vùng đỏ” sau 2-3 tuần…

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nói rằng, hằng ngày vẫn có nhiều trường hợp từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An tự phát trở về quê, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch. Năng lực của Cà Mau trong việc tiếp nhận, cách ly và chăm sóc y tế kém hơn so với nhiều tỉnh khác. Đến nay, Cà Mau mới có 13% dân số được tiêm mũi 1, khoảng 5,2% dân số được tiêm đủ 2 mũi. Nếu người dân tự phát về quê sẽ có nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Vì vậy, Cà Mau kiến nghị Chính phủ không cho người dân về tự phát. Người dân muốn trở về phải được tổ chức đưa đón và căn cứ năng lực tiếp nhận của địa phương.

Tại cuộc họp, lãnh đạo hầu hết các địa phương cũng thống nhất kiến nghị Chính phủ có chỉ thị yêu cầu sau ngày 30/9, TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai vẫn giữ nguyên các biện pháp kiểm soát như hiện nay, không để người dân từ bốn tỉnh, thành phố này tự phát đi về các địa phương. Nguyên tắc nới lỏng dần bên trong nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ việc đi lại với các tỉnh bên ngoài. Riêng TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai đã có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao được phép nới lỏng cho người dân đi lại trong bốn tỉnh, thành phố. Với những trường hợp thật sự phải về quê, TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với các địa phương khác tổ chức đưa bà con về chu đáo, có kiểm soát.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, hiện có khoảng 3,5 triệu người từ các tỉnh, thành trong cả nước đến làm việc tại TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, trong đó có 2,1 triệu người đang có nguyện vọng về quê. Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị Thủ tướng chỉ đạo TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai quán triệt huy động hệ thống chính trị cơ sở nắm chắc từng người dân có nguyện vọng về quê để vận động ở lại. Khi người dân ở lại phải cam kết tiêm vắc-xin.

Trong khi đó, họ được miễn, giảm tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt và hỗ trợ tìm việc làm. Nếu người dân đã ra đường, tập trung ở các chốt thì kiên quyết vận động trở về, không để người dân đi tự do. Trường hợp người dân tập trung đông tại các điểm chốt kiểm soát, cơ quan chức năng không xử lý cứng nhắc dẫn đến sự đối đầu không cần thiết. Ngoài ra, các địa phương cũng cần có tiêu chí, kế hoạch đón công dân về, trong đó ưu tiên giải quyết cho người già, phụ nữ có thai, trẻ em, người yếu thế…

Đề nghị ưu tiên tiêm chủng lái xe liên tỉnh

Theo đại diện Bộ Y tế, thời gian qua, vắc-xin COVID-19 được ưu tiên phân bổ cho các địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp như TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều địa phương khác do không được ưu tiên nên tỷ lệ tiêm vắc- xin trong dân còn thấp. Do đó, sau ngày 30/9, việc đi lại của người dân từ TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai về các tỉnh, thành khác vẫn phải kiểm soát để phòng tránh dịch bệnh lây lan.

Lãnh đạo Cà Mau đề nghị, các địa phương cần ưu tiên tiêm đủ vắc-xin cho tất cả lái xe liên tỉnh vì đây là nhóm nguy cơ lây nhiễm rất cao (Tiền phong, trang 4).

 “Bệnh viện xanh” đầu tiên của TPHCM đón bệnh nhân trở lại

Ngày 28-9, Sở Y tế TPHCM tổ chức chương trình ra mắt “Bệnh viện xanh – Bệnh viện quận 7”. Đây là bệnh viện đầu tiên của TPHCM được trả lại công năng ban đầu, chính thức đón bệnh nhân không mắc Covid-19 quay lại khám chữa bệnh.

Tới tham dự có Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM – TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu; Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ quận 7 – Trần Chí Dũng; Chủ tịch UBND quận 7 – Hoàng Minh Tuấn Anh.

Phát biểu tại chương trình, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, hiện thành phố có 85 bệnh viện “tách đôi” để thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. TPHCM đang bước qua giai đoạn mới, thích ứng linh hoạt để sống chung với dịch bệnh. Do đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là khôi phục lại công năng ban đầu của các bệnh viện tuyến quận huyện để tiếp nhận và điều trị những người bệnh không mắc Covid-19, đó là nhu cầu rất lớn của thành phố.

“Sở Y tế TP ghi nhận, biểu dương Bệnh viện quận 7 sau khi hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch và “tách đôi” điều trị bệnh nhân Covid-19, nay chính thức chuyển lại thành “bệnh viên xanh” để tiếp nhận điều trị bệnh nhân thông thường” – TS.BS Châu nhấn mạnh. Dù trở lại điều trị bệnh nhân thường quy, Bệnh viện quận 7 vẫn phải chuẩn bị khoảng 10-20 giường có oxy để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19 đến cấp cứu sau đó chuyển sang đơn vị chuyên điều trị Covid-19.

Theo TS.BS.CKII Nguyễn Thế Vũ, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện quận 7, sau 2,5 tháng thực hiện công năng bệnh viện “tách đôi” – vừa điều trị Covid-19 và bệnh không do Covid-19. Bệnh viện đã điều trị hơn 1.300 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 45% đã khỏi bệnh, 34% giảm triệu chứng chuyển đến cơ sở y tế khác. Đây là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy thuốc bệnh viện, góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn quận 7.

Trong thời gian tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, công tác điều trị bệnh nhân khác cho người dân gặp nhiều khó khó khăn, trở ngại. Chủ yếu do tâm lý người bệnh sợ bị lây nhiễm bệnh và một số người ở trong các khu cách ly, phong toả… trong khi nhu cầu khám chữa bệnh lý thông thường trong cộng đồng là rất lớn, người dân đang rất mong mỏi. Hiện nay bệnh viện vẫn đang điều động 65 nhân sự gồm 28 điều dưỡng, 25 bác sĩ và một số nhân sự hậu cần như dược, công nghệ thông tin đến Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ điều trị bệnh nhân.

“Tuy nhiên, trước nhu cầu thiết thực, cấp bách của người bệnh và việc bệnh viện được công bố xanh – sạch hoàn toàn Covid-19, cùng với công suất 150 giường bệnh nội trú và khám ngoại trú 1.200 – 1.300 ca/ngày, bệnh viện sẽ giúp cho người bệnh an tâm đến khám chữa bệnh lý thông thường, kể cả cấp cứu an toàn” – TS.BS.CKII Nguyễn Thế Vũ nhấn mạnh.

Cũng theo TS.BS Vũ, người dân đến khám chữa bệnh sẽ được bệnh viện sàng lọc kỹ Covid-19, khai báo y tế, đo thân nhiệt. Trong quá trình khám sàng lọc Covid-19, nếu phát hiện nhiễm Covid-19 sẽ được đưa vào khu cách ly tạm thời theo dõi, sau đó chuyển đi bệnh viện điều trị Covid-19. Đồng thời, đối với các trường hợp là F0 khỏi bệnh có giấy xác nhận trong vòng 6 tháng trở lại, hay bệnh nhân đã chích đủ 2 mũi vaccine Covid-19 qua 14 ngày, có test nhanh Covid-19 âm tính trong 48 giờ, RT-PCR trong 72 tiếng sẽ không phải khám sàng lọc, tuy nhiên người bệnh vẫn phải khai báo y tế trước khi đăng ký khám chữa bệnh (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

Bão Cytokine tấn công người trẻ mắc COVID-19

Trong đợt dịch thứ tư này, đã xuất hiện các trường hợp trẻ tuổi mắc COVID-19 rất nặng, có xu hướng gặp bão Cytokine diễn biến rất nhanh, đặc biệt là với bệnh nhân nặng lên vào ngày thứ 6.

BS Lê Văn Dẫn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cho biết, từng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân 45 tuổi không có bệnh lí nền, sức khỏe ban đầu tốt, nhưng cơ thể phản ứng quá mức với SARS-CoV-2, gây ra tình trạng bão Cytokine. Đến ngày thứ 4-5, bệnh nhân đã có triệu chứng nặng lên nhanh, rầm rộ hơn và diễn biến bão Cytokine rất nhanh. Vì tuyến dưới phát hiện tình trạng này muộn nên các biện pháp thở máy, lọc máu hấp thụ không có tác dụng với bệnh nhân này, buộc phải can thiệp ECMO. May mắn, bệnh nhân đáp ứng với ECMO nên được cứu sống. Bác sĩ Dẫn cho biết, nhiều người còn chủ quan khi mắc COVID-19, nghĩ rằng sức khỏe tốt, trẻ khỏe không sao, nhưng thực tế bão Cytokine không chừa những người trẻ, không có bệnh lí nền. Thống kê của Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) người bệnh COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 16, trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai hồi giữa tháng 9 cho thấy, bão Cytokine là một triệu chứng điển hình của bệnh nhân trong đợt dịch. Có đến 70% bệnh nhân COVID-19 điều trị tại đây mắc hội chứng Cytokine. TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), phụ trách Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, cho biết, nhiều bệnh nhân trẻ tại TPHCM bị bão Cytokine tấn công. Từ thực tế điều trị tại đây thời gian qua, bác sĩ Sơn nhận thấy, bệnh nhân trẻ gặp bão Cytokine có phản ứng cơ thể mạnh hơn nhiều so với người lớn tuổi. Ông từng điều trị những bệnh nhân từ 17-22 tuổi bị bão Cytokine tấn công. Họ nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch, không ít bệnh nhân đã tử vong. “Với cơ chế bệnh sinh phức tạp, hiện nay, y học vẫn chưa thể lý giải được vì sao cơn bão Cytokine lại xuất hiện ở tất cả các độ tuổi, nhưng điều đáng nói là nó nhanh chóng hạ gục bệnh nhân trẻ tuổi”, bác sĩ Sơn nói. Tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi (TPHCM), giai đoạn cao điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8, hầu như ngày nào bệnh viện cũng có bệnh nhân gặp bão Cytokine, có thời điểm lên đến gần 30 ca. GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng (Tiểu Ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19), cho biết, việc phát hiện bệnh nhân gặp bão Cytokine rất khó, đòi hỏi bác sĩ phải theo dõi bằng các xét nghiệm phản ứng miễn dịch để biết được xu hướng miễn dịch đáp ứng viêm của bệnh nhân đang diễn biến theo xu hướng bảo vệ hay tàn phá cơ thể. Bác sĩ phải có kinh nghiệm mới có thể can thiệp kịp thời, đón trước bão Cytokine trên bệnh nhân.

Bão Cytokine là hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt Cytokine gây viêm, khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt. Bình thường, khi người khỏe mạnh bị virus tấn công, hệ miễn dịch sẽ phản ứng, cơ thể tiết ra chất Cytokine để ức chế virus. Tuy nhiên, ở một số người, cơ thể tiết ra quá nhiều Cytokine, ảnh hưởng phủ tạng (Tiền phong, trang 5).

App chống dịch thống nhất sắp ra mắt

Dự kiến trong tuần này, app chống dịch thống nhất cung cấp tính năng thẻ Covid- 19 có thể ra mắt. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có vài chục app (ứng dụng) khác nhau liên quan đến khai báo y tế. Trong đó, riêng nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin, hiện có 4 phần gồm: Cổng đăng ký thông tin quốc gia, Hệ thống quản lý tiêm chủng, Sổ sk điện tử và Hệ thống báo cáo điều hành MCC.

Về  khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào các trụ sở, địa điểm công cộng, hiện có 3 ứng dụng chính (cũng theo dạng tài trợ, Bộ Y tế chưa phải trả phí hoặc đầu tư) dùng để khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, gồm ứng dụng NCOVI; ứng dụng VHD (Vietnam Health Declaration), tokhaiyte.vn; ứng dụng Bluezone đã được Bộ TT-TT và Bộ Y tế công bố. Ngoài ra, Bộ Công an hiện có phần mềm quản lý di biến động dân cư đã được triển khai tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM… tại suckhoe.dancuquocgia.gov.vn…

Theo thống kê, có khoảng 12 áp chống dịch được triển khai và sử dụng tính từ đầu năm 2020 tới nay, chưa tính tới các app do địa phương phát triển. Tuy nhiên, theo BYT, chưa có ứng dụng nào thực sự đáp ứng được đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ về khai báo y tế theo hướng dẫn tại Quyết định 2666/QĐ-BYT ngày 29.5.2021 của Bộ Y tế. Đặc biệt, chưa liên thông được dữ liệu khai báo, không đọc được QR Code gây khó khăn rất lớn cho việc kiểm soát, khai thác, truy vết khi cần.

Trước thực trạng này, giữa tháng 9.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất dùng chung một app (ứng dụng di động) cho nhân dân, trong đó, quy định rõ “người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)”.

Theo thông tin từ Bộ TT-TT, app chống dịch thống nhất đã được các cơ quan trực thuộc Bộ phối hợp cùng các doanh nghiệp CN khẩn trương xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn tất để chính thức triển khai trong thời gian sớm nhất. App chống dịch này sẽ tích hợp rất nhiều tính năng khác nhau từ khai báo y tế, khai báo di chuyển, quét mã QR Code cho đến thông tin tiêm chủng, thẻ Covid-19… Dự kiến trong thời gian thử nghiệm ban đầu, các app khai báo y tế được xây dựng trước đó vẫn hoạt động, song về lâu dài sẽ được nâng cấp và đồng bộ hóa với app chống dịch duy nhất, tạo thuận lợi cho người dân.

Đặc biệt, một trong những tính năng quan trọng của app chống dịch duy nhất là thẻ Covid-19. App này sẽ kết nối chặt chẽ với các hệ thống quản lý tiêm vắc xin, xét nghiệm Covid-19, từ đó có thể cấp các thẻ cho người dân. Thẻ Covid-19 cũng sẽ có 3 màu tương ứng với các trạng thái như thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ đỏ. Thông tin và màu thẻ sẽ được cập nhật tự động hóa dựa trên số lượng tiêm 1 mũi hay 2 mũi, xét nghiệm âm tính hay dương tính.

Chỉnh sửa hơn 230.000 thông tin tiêm chủng sai sót

Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 21.9, Sở TT-TT TP.HCM cho biết còn khoảng 700.000 thông tin về tiêm chủng phản ánh có sai sót trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT-TT, cho biết tính đến ngày 27.9, Sở TT-TT đã huy động tình nguyện viên tham gia xử lý hơn 230.000 trường hợp (khoảng 1/3 số lượng phản ánh). Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia thuộc sự quản lý của Bộ Y tế, Sở TT-TT tham gia với vai trò hỗ trợ, nên sẽ tiếp tục xử lý các thông tin có sai sót, tiến độ có thể kéo dài đến sau ngày 30.9 (Thanh niên, trang 3).

Từng bước thích ứng an toàn với dịch

So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, dịch Covid-19 tại hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị bùng phát muộn hơn nhưng diễn biến phức tạp không kém. Sau bốn tuần huy động tổng lực chống dịch, với cách tiếp cận chủ động, linh hoạt, hai tỉnh cơ bản đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, các “vùng xanh” dần mở rộng và đang chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới”.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đã gặp những khó khăn nhất định, song nhờ biết huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc với quyết tâm cao, vận dụng hiệu quả kinh nghiệm chống dịch của các địa phương cho nên không bị động trước mọi tình huống.

Phản ứng phải nhanh hơn diễn biến dịch

Trước ngày 24/8, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều ngày không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. Vào 15 giờ ngày 24/8, một ngư dân ở xã Hải Phú, huyện Bố Trạch dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, khởi đầu của hai ổ dịch cảng cá Nhật Lệ và chợ cá Đồng Hới. Chỉ hai ngày sau đó, toàn tỉnh ghi nhận 118 ca, trong đó có 112 ca cộng đồng. Đây là con số gây hoang mang trong nhân dân địa phương. Ngay lập tức Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình họp khẩn, quyết định áp dụng Chỉ thị 16 cho toàn TP Đồng Hới, huyện Bố Trạch và một số xã, thị trấn tại huyện Quảng Ninh. Chiến dịch thần tốc test nhanh, xét nghiệm RT-PCR được triển khai. Nhận thấy dấu hiệu dịch “nóng” lên từng ngày, Viện Pasteur Nha Trang khẩn trương cử đoàn cán bộ hỗ trợ Quảng Bình đẩy nhanh công tác xét nghiệm, sàng lọc, phát hiện F0 trong cộng đồng. Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch các cấp kích hoạt chế độ trực chỉ đạo chống dịch 24/24 giờ. Trên cơ sở dự báo số ca lây nhiễm từ ổ dịch cảng cá Nhật Lệ khoảng 1.000 đến 1.500 ca, tỉnh Quảng Bình quyết định trưng dụng, chuyển đổi Trường cao đẳng Luật miền trung tại TP Đồng Hới thành cơ sở cách ly tập trung và điều trị bệnh nhân với 650 giường bệnh. Các Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, đa khoa TP Đồng Hới và khách sạn Phú Quý được chuyển đổi thành các cơ sở điều trị cho người bệnh theo tháp ba tầng của Bộ Y tế. Quảng Bình đã lập 35 khu cách ly tập trung cấp tỉnh, huyện, xã và cho phép cách ly tập trung có trả phí tại các khách sạn, resort. Các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng ở cấp độ cao hơn với yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”; tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngoại trừ doanh nghiệp cung cấp các mặt hàng thiết yếu; lập các tổ, nhóm đi chợ, giao hàng hộ, kết nối việc mua, bán hàng nông sản từ trang trại đến người tiêu dùng…

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng cho biết, để ứng phó với dịch, tỉnh thực hiện các biện pháp với tinh thần dịch diễn biến nhanh, phản ứng phải nhanh hơn. Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh rà soát, đánh giá tình hình, chỉ đạo thực hiện khoanh vùng chính xác, xét nghiệm thần tốc, sàng lọc F0. Toàn tỉnh có 38 ổ dịch, các vùng nguy cơ cao được xác định và khóa chặt, không có ca lây nhiễm mới ngoài khu vực đã khoanh vùng. Nhận thấy khó khăn trong công tác xét nghiệm, tỉnh kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ thêm ba hệ thống máy xét nghiệm hiện đại, nâng cao năng lực xét nghiệm đạt quy mô 40.000 đến 50.000 mẫu/ngày. Các “vùng đỏ” được xét nghiệm 3 đến 5 lần, tần suất 3 lần/tuần để phát hiện F0 trong cộng đồng. Tỉnh đầu tư hệ thống máy thở, máy lọc máu hiện đại, nâng cao năng lực điều trị, đặc biệt cho bệnh nhân ở tầng ba. Ngành y tế huy động gần 1.000 y sĩ, bác sĩ, nhân viên tham gia chống dịch, trong đó có nhiều y sĩ, bác sĩ nghỉ hưu tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch. UBND tỉnh đã tăng cường chế độ dinh dưỡng cho bác sĩ và bệnh nhân từ 80.000 đồng lên 130.000 đồng/người/ngày.

Cũng như Quảng Bình, dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng ngay tại TP Đông Hà, trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh Quảng Trị. Từ 16/9 đến nay, tại TP Đông Hà ghi nhận gần 50 trường hợp dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 ở 6 trong số 9 phường của thành phố. Tính từ 30/4 đến nay, tỉnh Quảng Trị có hơn 200 ca bệnh. Ngày 16/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Võ Văn Hưng ký quyết định giãn cách xã hội toàn TP Đông Hà theo Chỉ thị 16, yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết. Các cơ quan, đơn vị bố trí cán bộ, nhân viên làm việc trực tuyến. Ngành y tế thần tốc triển khai xét nghiệm nhằm sớm phát hiện, phân loại F0 để chăm sóc, điều trị. Công tác an sinh xã hội được chăm lo kịp thời, đầy đủ. Với các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, nhanh chóng và hiệu quả, dịch Covid-19 ở TP Đông Hà đã qua đỉnh, số ca dương tính giảm dần.

Thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”

Với phương châm “phòng là cơ bản, chống là lâu dài”, việc xét nghiệm tăng cường ở các xã “vùng đỏ” nhằm phát hiện các F0 trong cộng đồng tiếp tục được các tỉnh đẩy mạnh. Tại Quảng Bình, công tác điều trị, đạt kết quả tích cực, số bệnh nhân xuất viện ngày càng tăng, cao điểm có ngày hơn 100 trường hợp xuất viện; hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong. Đến ngày 27/9, có 1.133 người khỏi bệnh, hiện các cơ sở y tế đang điều trị cho 504 bệnh nhân. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có quyết định kết thúc chuyển đổi công năng thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Đồng Hới để trở lại thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Từ ngày 22/9, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình quyết định chuyển trạng thái toàn tỉnh thực hiện theo Chỉ thị 19, chỉ còn một xã, một số tổ dân phố và khu dân cư giãn cách theo Chỉ thị 15 hoặc theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Các chốt kiểm soát được dỡ bỏ, toàn tỉnh bước sang trạng thái “bình thường mới” với mức phòng ngừa nâng cao. Đặc biệt, với kinh nghiệm đã tích lũy, ngành y tế tỉnh đang hỗ trợ thị xã Ba Đồn trong truy vết, xét nghiệm thần tốc, sớm khống chế ổ dịch tại đây. Song song với công tác phòng, chống dịch, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã đi kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động, đời sống, sản xuất của doanh nghiệp, nhân dân để điều chỉnh các biện pháp phù hợp. Với phương châm “ba tại chỗ” và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, nhiều nhà máy, công trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Quảng Bình chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.

Đối với tỉnh Quảng Trị, trong hơn 200 ca bệnh, có 133 ca được xuất viện. Theo kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 của UBND tỉnh Quảng Trị thì tình hình dịch bệnh của tỉnh hiện ở cấp độ 1, các ổ dịch khu trú, chưa lây lan rộng trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, hiện địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Trong quá trình nỗ lực không ngừng để phòng, chống dịch bệnh, tiến đến thích ứng an toàn với dịch Covid-19, ngành y tế của tỉnh đã khẳng định sự chủ động trong chuyên môn và trách nhiệm cao trong tham mưu và tổ chức phòng, chống dịch.

Vấn đề khó nhất của các tỉnh hiện nay là được phân bổ số lượng vắc-xin ít. Hiện, tỉnh Quảng Bình có hơn 161.000 người được tiêm vắc-xin mũi 1 và 52.100 người tiêm đủ hai mũi. Tỉnh Quảng Trị mới chỉ có hơn 30.000 người tiêm mũi 1, hơn 40.000 người tiêm đủ hai mũi. Cùng với đó, các tỉnh đang thiếu hệ thống máy móc hiện đại điều trị bệnh… Sau bốn tuần quyết liệt phòng, chống dịch, “vùng xanh” đã trải rộng trên khắp hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Đời sống sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước trở lại “bình thường mới”. Để thích ứng an toàn với dịch bệnh, duy trì được sự phát triển kinh tế – xã hội khi các địa phương còn hạn chế về nguồn lực và thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, Chính phủ, Bộ Y tế cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho hai tỉnh về vắc-xin, trang thiết bị y tế, thuốc men (Nhân dân, trang 8).

TP.HCM mua kit test nhanh Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế

Chiều 28.9, tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin tình hình dịch tại TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết thời gian vừa qua ngoài nguồn kit test xét nghiệm (XN) nhanh được tài trợ, TP đã chủ động mua sắm trang thiết bị y tế này theo Công văn 6929, ban hành ngày 23.8.2021 của Bộ Y tế.

Công văn 6929/BYT đề cập đến 7 loại test nhanh  và giá bán do các đơn vị cung ứng công bố dao động từ 79.800 – 178.080 đồng/test. Giá tùy loại và bao gồm VAT hoặc chưa.

Ngoài ra, bác sĩ Tâm cho hay ngày 21.9, UBND TP.HCM có kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phân bổ 10 triệu bộ kit test nhanh cho TP nhưng đến nay T.Ư chưa trả lời. Đồng thời, quá trình XN diện rộng vừa qua, TP đã nhận được khoảng 11,5 triệu test nhanh từ nguồn tài trợ. Sắp tới TP sẽ nhận thêm 2,5 triệu kit test nhanh. Vì vậy, khi TP sử dụng hết nguồn test nhanh trên, sau ngày 1.10, tùy theo hướng dẫn về việc XN như thế nào, nếu thiếu TP sẽ có văn bản kiến nghị T.Ư sau.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hôm 26.9, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, cho biết giá test nhanh mua tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/test (khoảng 35.000 đồng – PV). Nếu tính chi phí về đến VN (kể cả tiền kho bãi và các chi phí khác) mỗi test giá cũng chỉ khoảng 50.000 đồng. Cũng theo ông Hồng Anh, hiện nay các tỉnh thành đang đấu thầu giá 60.000 – 70.000 đồng/bộ test thì dẫn đến rất lãng phí tiền của và đề nghị Thủ tướng lưu ý việc này.

Về thông tin này, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị – Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết: “Giá test XN do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương có thể tham khảo trong triển khai đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định” (Thanh niên, trang 4).

Đinh Hạnh tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 9/9/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/2/2021

CDC Hà Nam