Điểm báo ngày 31/01/2019
Không đùn đẩy bệnh nhân nhập viện dịp tết; Cảnh báo nguy cơ nhiều bệnh dịch dễ bùng phát; Tòa tuyên bị cáo Hoàng Công Lương 42 tháng tù
Tòa tuyên bị cáo Hoàng Công Lương 42 tháng tù
Chiều 30.1, sau 5 ngày nghỉ nghị án, Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hòa Bình đã tuyên án đối với 7 bị cáo trong vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình hồi 29.5.2017. Theo đó, bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị tuyên phạt 42 tháng tù về tội vô ý làm chết người. Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng, bị cáo Hoàng Công lương là bác sĩ điều trị, có chứng chỉ hành nghề, được giao phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo, được đào tạo và cấp chứng nhận kỹ thuật lọc máu, nhận thức tầm quan trọng nước dùng cho máy chạy thận.
Bị cáo Lương biết ngày 28.5.2017, hệ thống RO được sửa chữa và mặc dù theo quy chế không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước nhưng sáng 29.5.2017, khi chưa được ai bàn giao, chưa được người có trách nhiệm thông báo chỉ đạo đưa hệ thống này vào chạy thận, chỉ nghe điều dưỡng Đỗ Thị Điệp thông báo đã tin tưởng ra y lệnh chạy thận như các lần trước đó dẫn đến sự cố. Tại phiên tòa, bị cáo cho rằng mình chịu trách nhiệm về chất lượng nước và việc ra y lênh là đúng. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, với kinh nghiệm và kiến thức của mình bị cáo phải biết nguồn nước phải đảm bảo an toàn nhưng không kiểm tra lại thông tin mà đưa y lệnh lọc máu cho bệnh nhân gây hậu quả nghiêm trọng (8 người chết và 10 người tổn thương). Đây là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe.
HĐXX cho rằng, bị cáo Lương biết chắc chắn hệ thống sửa chữa xong chưa nhưng do cẩu thả, làm việc theo thói quen, không nhận thức việc ra y lệnh sẽ gây hậu quả nghiêm nếu nguồn nước không đảm bảo. Do đó, có đủ cơ sở cáo trạng truy tố là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.
Cùng tội danh vô ý làm chết người, HĐXX cũng tuyên phạt bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) 54 tháng tù giam.
Đối với bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, HĐXX cho rằng, bị cáo Dương là giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động và kết quả hoạt động của bệnh viện.
Bị cáo ký quyết định thành lập Đơn nguyên Thận nhân tạo, ký các hợp đồng liên danh, liên kết, sửa hệ thống lọc nước RO số 2 dùng cho máy chạy thận. Tuy nhiên, quá trình thực hiện kỹ thuật lọc máu thận nhân tạo, bị cáo đã không kiểm tra chặt chẽ, không bố trí người phụ trách đơn nguyên dẫn đến cán bộ, nhân viên tại Khoa Hồi sức tích cực buông lỏng hoạt động trong gian dài. “Hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của nhà nước, đến quyền của người dân. Hành vi là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố trong quá trình chạy thận làm 8 người chết, nhiều người tổn hại sức khỏe. Do đó, có đủ căn cứ truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, HĐXX khẳng định.
Từ đó, bị cáo Trương Quý Dương bị tòa tuyên phạt 30 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) bị tòa tuyên phạt 30 tháng tù. Bị cáo Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị tuyên phạt 36 tháng tù. Bị cáo Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị tuyên 36 tháng tù. Bị cáo Trần Văn Sơn (nhân viên Phòng vật tư thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị tuyên phạt 42 tháng tù (Thanh niên, trang 4).
Cảnh báo nguy cơ nhiều bệnh dịch dễ bùng phát
Trong dịp Tết Nguyên đán, thời tiết, môi trường nồm ẩm, lại có sự giao lưu đi lại nhiều…, là điều kiện thuận lợi để các bệnh dịch phát triển và lây lan, nhất là với các bệnh hay gặp như: cúm, ho gà, sởi, viêm não do vi-rút… và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Ðể giúp người dân bảo đảm sức khỏe, ngành y tế đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, chính người dân cũng cần thực hiện tốt các biện pháp mà cơ quan chuyên môn đưa ra. Bộ Y tế cho biết, hiện nay, do nhiều yếu tố ảnh hưởng như: khí hậu thay đổi, ô nhiễm môi trường, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, di biến động dân cư từ nông thôn ra đô thị; sự giao lưu ngày càng tăng giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cho nên một số bệnh truyền nhiễm vẫn còn lưu hành như: bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết có số người mắc tăng cục bộ vào các tháng cao điểm tại một số địa phương. Ðáng lo ngại, năm 2018, bệnh sởi có xu hướng tăng rải rác, cục bộ vào những tháng cuối năm, với tổng số hơn 9.700 người sốt phát ban nghi sởi, tăng gấp hơn 20 lần so với năm 2017, trong đó có 1.963 người dương tính với bệnh sởi (tăng gấp 13 lần). Số người mắc sởi chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía bắc, các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Ðồng Nai, Bình Dương… Ðáng chú ý, đối tượng mắc bệnh sởi chủ yếu là trẻ em chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, nhưng cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp là người lớn mắc bệnh sởi, trong đó có cả phụ nữ đang mang thai.
Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng đều chung nhận định: Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2019, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, nhất là sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn…, làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm; nhất là những người sức khỏe yếu như người già, trẻ em, hoặc những người không thích nghi sẽ bị nhiễm bệnh. Mặt khác, điều kiện môi trường khoảng thời gian nêu trên rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi-rút) phát triển và lây lan, càng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, nhất là với các bệnh hay gặp như: cúm, ho gà, viêm não vi-rút, viêm màng não do mô cầu, tiêu chảy, TCM, liên cầu lợn… Ngoài ra, do sự gia tăng sử dụng thực phẩm, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sự giao lưu đi lại của người dân trong dịp này tăng cao, sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa. Riêng với dịch sởi, theo chu kỳ diễn biến, sau bốn, năm năm sẽ tái diễn trên quy mô lớn, dự kiến từ cuối năm 2018 đến 2019. Bộ Y tế cảnh báo, trẻ em và người lớn nếu không tiêm vắc-xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh sởi.
Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Ðắc Phu cho biết: Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập và bùng phát trong mùa đông – xuân, nhất là giúp người dân trên mọi miền đất nước đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi được bảo đảm về sức khỏe, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành y tế, các đơn vị có liên quan đẩy mạnh các hoạt động giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch xâm nhập và lây lan ra cộng đồng. Cần có sự phối hợp liên ngành, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, thực hiện tốt các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không an toàn. Các địa phương chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó các tình huống về dịch bệnh và các nguy cơ về y tế cộng đồng; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về giám sát và xử lý dịch bệnh cho cán bộ y tế ở các tuyến để phát hiện sớm và kịp thời xử lý các ổ dịch; tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ; chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời các địa phương xử lý triệt để các ổ dịch trên địa bàn…
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị người bệnh, thiết lập khu vực khám riêng, cách ly điều trị, cấp cứu người bệnh sởi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp chết; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các đơn vị y tế bảo đảm cung cấp đầy đủ vắc-xin sởi – rubella cho các tỉnh, thành phố triển khai tiêm định kỳ hằng tháng, cũng như chiến dịch tiêm cho trẻ từ một đến bốn tuổi tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao…
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, vệ sinh khử khuẩn nơi sinh hoạt và vệ sinh môi trường, giảm đến mức thấp nhất sự hiện diện của mầm bệnh môi trường. Với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc-xin phòng bệnh, người dân cần tiêm vắc-xin theo lịch cho trẻ. Trong đó, chủ động đưa trẻ từ chín tháng đến hai tuổi chưa tiêm, hoặc trẻ từ một tuổi đến 14 tuổi đến các cơ sở y tế để tiêm vắc-xin sởi – rubella đầy đủ. Kể cả người lớn chưa tiêm vắc-xin cũng cần được tiêm để tạo miễn dịch chủ động. Người dân tuyệt đối không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn, gia cầm chưa được nấu chín; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; khi có dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cho các cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử lý kịp thời (Nhân dân, trang 8).
Không đùn đẩy bệnh nhân nhập viện dịp tết
Ngày 30.1, Sở Y tế TP.HCM có công văn chỉ đạo giám đốc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập và ngoài công lập đảm bảo thuốc, trang thiết bị; phân công nhân sự trực 24/24 đảm bảo cấp cứu tại đơn vị trong những ngày nghỉ tết. Sở Y tế giao Trung tâm cấp cứu 115 TP hỗ trợ công tác cấp cứu y tế khi có yêu cầu cho các bệnh viện (BV). Giao Trung tâm y tế dự phòng TP, trung tâm y tế quận huyện tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh chặt chẽ, chủ động phát hiện các ổ dịch, khống chế dịch có hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát. Phối hợp, thực hiện các nhiệm vụ về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Bác sĩ (BS) Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP, cho biết trong đêm giao thừa, trung tâm tổ chức 8 xe cấp cứu trực ở các điểm bắn pháo hoa. Ngoài ra, mỗi ngày tết có 5 kíp trực cấp cứu 24/24.
Dịp tết tăng các ca bệnh nặng
Những ngày giáp tết, Trung tâm ung bướu BV Bạch Mai (Hà Nội) tại tầng 11 tòa nhà D rất đông bệnh nhân (BN) khám và điều trị. Các BS vẫn duy trì công tác chuyên môn, các buổi hội chẩn.
PGS-TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết dù ngày tết hay ngày nghỉ, dù chuyên khoa nào thì các BS cũng vẫn duy trì tinh thần làm việc trách nhiệm. Dịp tết BN đến khám giảm nhưng lại gia tăng các ca bệnh nặng và các ca cấp cứu, do đó ban giám đốc đã yêu cầu các đơn vị liên quan trực tiếp đến công tác khám chữa bệnh tuyệt đối không để xảy ra việc đùn đẩy người bệnh. Các khoa phòng có kế hoạch đảm bảo tốt công tác khám chữa bệnh, tiếp đón và xử trí những tình huống cấp cứu, đảm bảo khám, điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp nào; Dự trù đầy đủ thuốc, vật tư y tế đảm bảo phục vụ người bệnh, tuyệt đối không để người bệnh phải mua ngoài.
Giám đốc BV Bạch Mai cũng yêu cầu “một số đơn vị trọng điểm, BN thường tăng cao và nhiều ca nặng trong dịp tết như khoa cấp cứu, trung tâm chống độc, hồi sức tích cực, chấn thương chỉnh hình… cần phối hợp chặt chẽ để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị trong tình huống có dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cần cấp cứu hàng loạt xảy ra trong dịp tết.
“Đề phòng thời tiết có thể trở lạnh là yếu tố bất lợi cho BN có bệnh lý tim mạch, đội cấp cứu đột quỵ cũng xác định “trực chiến” để đảm bảo xử trí kịp thời nhất, bởi với cấp cứu đột quỵ thời gian được tính từng phút”, TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, nói.
TS-BS Bùi Vinh Quang, Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội, cho biết: “Với các BN phải ở lại BV điều trị trong những ngày tết, thường là bệnh nặng và nhiều trường hợp giai đoạn muộn cần điều trị giảm nhẹ, BV dành tặng các suất ăn miễn phí cho các BN ở lại BV trong kỳ nghỉ tết” (Thanh niên, trang 7).