KHÔNG CHỦ QUAN VỚI NHIỄM GIUN SÁN, KÝ SINH TRÙNG 

(CDC Hà Nam)

Nhiễm giun, sán khó nhận biết nhưng để lại hậu quả nặng nề với con người như gây rối loạn tiêu hóa; ngứa ngáy lâu ngày dẫn tới mất ngủ…Tình trạng nặng dẫn đến mù mắt, áp xe gan, áp xe phổi, thủng ruột, viêm phúc mạc, phù não, viêm não, xuất huyết não, liệt nửa người… Để phòng bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín, thực hiện tẩy giun định kỳ…để phòng bệnh.

Ký sinh trùng gây nhiều hậu quả cho sức khoẻ con người
Hiện nay, nhu cầu nuôi thú cưng như chó, mèo, chuột… ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, thực phẩm còn tràn lan cộng với thói quen sinh hoạt, ăn uống đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ký sinh trùng, chủ yếu là giun, sán xâm nhập cơ thể con người.
Các bác sỹ cho biết, nhiều người cho rằng ăn đồ tái, sống như hải sản, thịt bò… để giữ được dinh dưỡng, độ ngon ngọt của thức ăn. Đây là quan điểm sai lầm, thậm chí có thể mang đến nhiều rủi ro cho sức khỏe nhất là có thể nhiễm trùng, nhiễm độc liên quan đến ký sinh trùng. Những bệnh do ký sinh trùng thường mắc phải như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, giun chỉ, sán lá gan, sán dây, sán lá phổi hoặc ấu trùng sán lợn… Tùy theo loại ký sinh trùng và vị trí ký sinh trong cơ thể người mà có những tác hại khác nhau.
Thực tế cho thấy, giun sán không lây trực tiếp qua người, phải qua một quá trình và lây qua người, qua vật dụng trung gian truyền bệnh, trong đó đường lây nhiễm chính là qua thức ăn như rau sống, các loại hải sản như cá, sò, ốc…
Khi vào cơ thể, giun sán có thể cư trú ở nhiều bộ phận bên trong cơ thể như gan, phổi, ruột. Lâu ngày, giun sán sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Bệnh do ký sinh trùng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và công việc. Tình trạng nhẹ có thể gặp như: rối loạn tiêu hóa; ngứa ngáy lâu ngày dẫn tới mất ngủ; các vết gãi gây trầy xước da, chảy máu; mề đay, ho ra máu, đi tiêu ra máu; giảm thị lực… Tình trạng nặng do nhiễm giun, sán là mù mắt, áp xe gan, áp xe phổi, thủng ruột, viêm phúc mạc, phù não, viêm não, xuất huyết não, liệt nửa người… Đặc biệt với người bệnh suy giảm miễn dịch thì hậu quả nặng nề, có thể biến chứng tử vong nếu không phát hiện, chữa trị kịp thời.
Cần tẩy giun định kỳ cho cả người và chó, mèo
Việc tẩy giun định kỳ mang lại hiệu quả cao trong phòng bệnh giun sán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người lớn không có thói quen tẩy giun định kỳ, chỉ tập trung vào trẻ em. Theo các bác sỹ khuyến cáo, “Điều kiện tốt nhất để hạn chế việc lây nhiễm bệnh do ký sinh trùng là tẩy giun theo định kỳ cho tất cả mọi người trong gia đình. Với trẻ trên 2 tuổi cần tẩy giun định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm. Trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám trước khi tẩy giun. Có một số đối tượng phải có chỉ định của bác sĩ mới được uống thuốc tẩy giun như phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, người mắc các bệnh mãn tính…”
Bên cạnh việc tẩy giun định kỳ, mỗi người dân cần có thói quen sinh hoạt lành mạnh, tránh để ký sinh trùng có cơ hội xâm nhập cơ thể như: rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với các chất bẩn; không đi chân đất, luôn đeo găng tay bảo hộ khi tiếp xúc với đất cát bẩn; kiểm tra kỹ thực phẩm trước khi chế biến; đeo găng tay, rửa sạch tay sau khi sơ chế thực phẩm; không dùng chung các dụng cụ chế biến đồ sống và đồ chín; ăn chín, uống chín… Khi nghi ngờ ăn phải thực phẩm nhiễm ký sinh trùng nên thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm.
Lưu ý đối với trường hợp nuôi chó mèo, cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân chó mèo. Hằng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm; không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân; rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo. Ngoài ra, cần tẩy giun định kỳ cho chó, mèo 3 tháng/lần theo hướng dẫn của bác sỹ thú y.
Cần khám và xét nghiệm giun sán định kỳ
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để chủ động phòng bệnh và phát hiện sớm bệnh, chúng ta nên tiến hành xét nghiệm giun sán định kỳ mỗi năm từ 1 – 2 lần, nhất là đối với trẻ nhỏ. Vì đây là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, vẫn chưa có ý thức bảo vệ cơ thể trong vấn đề vệ sinh hằng ngày. Hiện nay có 2 phương pháp chẩn đoán giun sán là xét nghiệm máu và xét nghiệm phân. Tuy nhiên, cũng tuỳ trường hợp bệnh để các bác sĩ có thêm nhiều chỉ định khác.

Phan Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Phòng bệnh cho người cao tuổi mùa lạnh

CDC Hà Nam

Có thể bạn chưa biết: uống rượu không chỉ hại gan mà còn phá hủy xương theo cách này

Ngọc Nga

9 cách tự nhiên để làm sạch phổi

CDC Hà Nam