Đột quỵ là một trong các vấn đề nguy cấp và nặng nhất có thể gặp trong thời tiết nắng nóng gay gắt. Tình trạng này dễ xảy ra khi cơ thể bị quá nóng do ở lâu hay tập thể lực căng thẳng tại nơi có nhiệt độ cao.
Làm sao phòng ngừa đột quỵ cũng như những tình trạng bất lợi cho sức khỏe khác do nhiệt (say nắng, sốc nhiệt, kiệt sức…) bởi nắng nóng gây ra?
Tỉ lệ tử vong tương đương đột quỵ tim, não
Nhiệt độ cơ thể chúng ta thích nghi nhất là khoảng 25oC. Trong khoảng từ 20oC đến 30oC, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là nhờ có hệ thống điều hòa thân nhiệt có trung tâm nằm ở vùng dưới đồi thị hoạt động cùng với các bộ phận khác (da, các tuyến mồ hôi và các mạch máu) làm nóng và làm lạnh cơ thể.
Trung tâm này có chức năng giúp chúng ta thích nghi được với bất kỳ nhiệt độ nào. Tuy nhiên, đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá thì cơ thể không thể điều chỉnh kịp do vượt quá khả năng hoạt động của trung tâm này.
“Đột quỵ do nhiệt là hình thái nặng nhất của các tai biến do nhiệt, xảy ra khi thân nhiệt lên tới 40oC hay cao hơn. Hậu quả thường là do ở lâu hay tập thể lực căng thẳng ở nơi có nhiệt độ cao, khiến cơ thể bị mất muối và nước kéo dài đi kèm với hoạt động quá tải của trung tâm điều hòa thân nhiệt nêu trên”.
Đột quỵ do nhiệt có tỉ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ gây tổn thương cho hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận và đặc biệt là hệ thần kinh với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật và thậm chí hôn mê.
Người dễ bị đột quỵ nhất là người cao tuổi và người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp.
Phân biệt đột quỵ và kiệt sức do nắng nóng
Để phân biệt giữa đột quỵ và kiệt sức do nắng nóng, triệu chứng của đột quỵ do nhiệt làm cho hệ thống điều hòa thân nhiệt bị hư hại khiến bạn không thể tiếp tục tiết mồ hôi nên da bạn bị nóng và khô. Còn với kiệt sức do nhiệt, bạn vẫn tiết được mồ hôi với khối lượng lớn nên da bạn lạnh và ẩm ướt.
Khi thấy người có triệu chứng của đột quỵ do nhiệt thì phải sơ cứu tạm thời bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu thấp, di chuyển đến nơi có nhiệt độ mát. Sau đó làm giảm nhiệt cho bệnh nhân như dùng quạt, dùng khăn sũng nước lạnh hay nước đá đắp vào các vùng trên cơ thể có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn…
Đồng thời nhanh chóng gọi điện thoại cho bộ phận cấp cứu để chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.
Chú ý bổ sung dinh dưỡng mùa nắng nóng
Để bổ sung dinh dưỡng trong thời tiết nắng nóng, các gia đình cần thay đổi cách chế biến món ăn hằng ngày, tăng cường món canh để bổ sung nước.
Đối với trẻ em và người già nên lựa chọn bổ sung những món ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, xúp và chia thành nhiều bữa ăn trong ngày. Cần chú ý bảo quản và chế biến thức ăn trong mùa nắng nóng, nhiệt độ cao khiến nhiều loại vi khuẩn xâm nhập dễ gây các bệnh về tiêu hóa.
Bên cạnh đó, ngoài việc uống nước lọc để bổ sung nước, có thể uống nhân trần, trà xanh, nước trái cây hoặc các loại nước khoáng bổ sung vi chất.
Đối với những người làm việc ngoài trời, ngoài việc uống nước lọc nên bổ sung các loại nước chứa muối và khoáng chất, nước pha oresol.
“Không nên đợi khi khát mới uống nước. Cần nhắc nhở người già, trẻ nhỏ uống nước thường xuyên sau 1-2 giờ. Nên hạn chế các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước.
Khi bị say nắng, say nóng, nạn nhân tăng thân nhiệt dẫn đến đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn. Nếu không bổ sung nước sẽ dẫn đến trụy tim mạch, rối loạn điện giải và có thể tử vong”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Nên uống các loại nước có muối khoáng như các dung dịch nước điện giải trị tiêu chảy, nước chanh có pha muối, đường.
Ngọc Nga (tổng hợp)