Ngày Phòng chống bệnh đái tháo đường thế giới 2023: “Hiểu nguy cơ, Biết hành động”

(CDC Hà Nam)

Chiến dịch hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường 14/11 năm nay, được tổ chức trên toàn thế giới với chủ đề “Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường” và thông điệp cụ thể “Hiểu nguy cơ, Biết hành động”, tập trung vào tầm quan trọng của việc biết nguy cơ của bệnh đái tháo đường để giúp phòng và trì hoãn bệnh tiến triển. Đồng thời nêu bật tác động của các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường cũng như tầm quan trọng của việc tiếp cận thông tin và chăm sóc phù hợp để đảm bảo điều trị kịp thời và quản lý bệnh đái đường type 1, 2 và đái tháo đường thai kỳ, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của những người đang chung sống cùng bệnh.

Trước sự gia tăng của bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới, để góp phần ngăn chặn sự phát triển của bệnh, hạn chế sự gia tăng gánh nặng bệnh tật và nâng chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, Bộ Y tế đã kêu gọi:

Tất cả mọi người hãy có trách nhiệm với sức khoẻ của mình, quan tâm đến và duy trì cuộc sống khoẻ mạnh bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh tật khác. Hãy biết nguy cơ, chủ động đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường.

Bộ Y tế kêu gọi các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và toàn thể mọi người dân hãy quan tâm, cảnh giác với bệnh đái tháo đường, cùng thắp sáng mầu xanh hy vọng vào tương lai tươi sáng của hoạt động phòng, kiểm soát bệnh đái tháo đường tại Việt Nam. Hãy cùng nhau hành động ngày hôm nay để thay đổi tương lai của bệnh đái tháo đường.

Mỗi người dân hãy đi khám sức khoẻ định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường. Những ai đã mắc bệnh đái tháo đường hãy đến cơ sở y tế gần nhất là Trạm Y tế xã/phường/thị trấn để được tư vấn, quản lý, hướng dẫn điều trị; hãy đến Bệnh viện Đa khoa huyện, tỉnh, hoặc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh để khám, xét nghiệm định kỳ. Lưu ý người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ điều trị đúng phác đồ, thực hiện chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý để hạn chế biến chứng nặng, nguy hiểm như: biến chứng mạch máu lớn do xơ vữa động; bệnh mắt ĐTĐ (đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, trầy xước giác mạc, bệnh thần kinh thị giác), suy thận, nhiễm trùng da, trầm cảm, sa sút trí tuệ… có thể hôn mê và tử vong.

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Tập huấn chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình năm 2020

Ngọc Nga

Hội nghị trực tuyến tập huấn một số phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19

Ngọc Nga

Thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam

Ngọc Nga