Phòng bệnh quai bị thời điểm giao mùa

(CDC Hà Nam)

Bệnh quai bị (còn gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút quai bị gây nên. Hơn 80% trường hợp mắc quai bị xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, thường gặp nhất là trẻ từ 6-10 tuổi. Tỷ lệ mắc ở nam giới thường cao hơn nữ. Người lớn cũng có thể bị mắc bệnh nếu không tiêm vắc-xin ngừa bệnh trước đó.

Ở nước ta, bệnh có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên thường gặp vào các tháng mùa mưa, khí hậu mát, ẩm giúp cho bệnh quai bị có thể lan truyền mạnh hơn. Bệnh có thể gây thành dịch trong nhóm trẻ em đi nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc đến trường phổ thông, cũng có thể gặp trên nhóm trẻ lớn hoặc thanh niên và người lớn tuổi với tỷ lệ thấp hơn.

Phương thức lây truyền: Bệnh quai bị lây theo đường hô hấp. Vi rút có trong nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói chuyện…, người lành hít phải trực tiếp hoặc qua các đồ dùng bị nhiễm dịch hô hấp do bệnh nhân thải ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh.

Triệu chứng điển hình của bệnh quai bị: sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, sau đó sốt tăng dần lên đến 39,5°C – 40°C, các tuyến mang tai gần tai bắt đầu sưng lên và đau, làm cho việc nhai và nuốt đau. Có thể kèm một hoặc một số triệu chứng: viêm tinh hoàn (ở nam giới, khoảng 20 – 30%) hoặc viêm buồng trứng (nữ giới, khoảng 5%), viêm màng não vô khuẩn, viêm tụy, viêm khớp, viêm thận, viêm tuyến giáp. Viêm tinh hoàn do quai bị hay gặp nhất ở lứa tuổi dậy thì và thanh thiếu niên mới trưởng thành. Đặc điểm nổi bật của viêm tinh hoàn là thường xảy ra một bên (ít gặp viêm 2 bên), tinh hoàn sưng to, đau, mật độ chắc, da bìu bị phù nề, căng, bóng, đỏ.

Biến chứng: Đa số các trường hợp đều tự hồi phục không có biến chứng. Tỷ lệ chết do quai bị rất thấp, không vượt quá 1/100.000 dân, thường xảy ra ở các trường hợp nặng, có viêm não – màng não hoặc viêm nhiều tuyến. Tuy nhiên, ở phụ nữ có thai bị quai bị có thể bị sảy thai, đẻ non, ở nam giới tuổi trưởng thành nếu viêm tinh hoàn nặng cả hai bên có thể dẫn đến vô sinh.

Bên cạnh đó, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng, phát hiện và xử trí sớm các biến chứng. Chính vì thế, chủ động phòng bệnh rất quan trọng.

Để chủ động phòng chống bệnh quai bị, người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

– Tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị: đây là biện pháp dự phòng chủ động có hiệu quả nhất đối với bệnh quai bị. Vắc xin quai bị rất quan trọng cho những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch, có thể tiêm vắc xin quai bị sớm cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân mắc quai bị mà chưa tiêm vắc xin phòng quai bị thì cần phải tiêm ngay trong vòng 72 giờ để có thể bảo vệ bản thân tránh lây nhiễm.

– Thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị.

– Khi nhà có người bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho người khác.

– Khi có triệu chứng nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, đặc biệt là với những trường hợp bị khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Chớ xem thường khi trẻ kêu đau đầu

Ngọc Nga

5 khuyến cáo cần biết để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

Ngọc Nga

Những chăm sóc cần thiết khi trẻ mọc răng

CDC Hà Nam