Tăng cường tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá nơi công cộng

(CDC Hà Nam)

Địa điểm công cộng là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người. Do vậy, nếu có người hút thuốc lá sẽ làm cho những người khác không sử dụng thuốc lá cũng sẽ bị hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá thụ động có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Do đó, việc tăng cường tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá tại nơi công cộng là rất cần thiết.

Theo đó, tại các nơi công cộng, công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn liên quan luôn được tăng cường. Đặc biệt, từ khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (THTL) ra đời và có hiệu lực, đến nay nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được môi trường không khói thuốc lá. Tỷ lệ người hút thuốc lá có xu hướng giảm xuống. Các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các công sở, trường học và cơ sở y tế đã đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ; hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn quản lý.

Cùng với đó, ngành Y tế chủ động phối hợp với Trung tâm VH-TT&TT các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền đến công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn về THTL và hút thuốc lá thụ động; Tiêu chí xây dựng nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học không khói thuốc, lợi ích của môi trường không khói thuốc…Tổ chức truyền thông lồng ghép về tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe trong các hội nghị, giao ban, sinh hoạt cơ quan, đơn vị, đoàn thể. Treo băng rôn, khẩu hiệu tại cổng ra vào của cơ quan, đơn vị với nội dung “Cơ quan không khói thuốc lá”, “Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”…Còn tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn phát video, clip truyền thông phòng chống THTL tại khu vực khoa khám bệnh. Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các ban, ngành từ tỉnh, huyện đến các xã, phường, thị trấn tổ chức có hiệu quả đợt tuyên truyền nhân “Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5” và “Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá”. Treo băng rôn, khẩu hiệu trên các trục giao thông chính, cổng các trường học, phòng họp cơ quan, khu vực công cộng đông người qua lại… Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức về THTL và tầm quan trọng của việc phòng chống THTL đối với sức khỏe của cộng đồng.

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng trên thực tế, việc thực thi Luật Phòng, chống THTL vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Bởi lẽ, thuốc lá có khả năng gây nghiện, trong khi đây là loại hàng hóa có giá bán rẻ, người dân rất dễ tiếp cận để mua bán. Ý thức tuân thủ quy định của pháp luật về phòng chống THTL trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân chưa cao nên tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại một số nơi làm việc và nơi công cộng còn diễn ra. Tại nhiều điểm bán thuốc lá vẫn còn tình trạng trưng bày, khuyến mại không theo quy định.

Trong khi đó, chế tài trong Luật chưa được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, khó thực hiện, chủ yếu cũng chỉ là vận động tuyên truyền. Lực lượng chuyên trách còn thiếu, không thể bao phủ hết tất cả những địa điểm, vị trí cần phải kiểm tra, giám sát như Luật quy định. Công tác triển khai thực hiện Luật Phòng, chống THTL tại một số đơn vị, cơ sở trên địa bàn còn chậm và chưa thực sự hiệu quả. Chất lượng công tác truyền thông chưa đạt hiệu quả cao, mới chỉ tập trung tại một số kênh truyền thông chính với thời lượng, số lượng còn khiêm tốn. Công tác kiểm tra thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc chưa được thực hiện tốt. Do đó, hiện tượng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn còn diễn ra nhiều nơi.

Để tiếp tục tăng cường thực thi Luật Phòng, chống THTL, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, các ngành, các cấp, các đoàn thể và địa phương cần tiếp tục phối hợp với ngành Y tế, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống THTL. Đồng thời vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên ký cam kết không hút thuốc lá. Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá… nhằm đảm bảo việc thực thi Luật Phòng, chống THTL.

Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, không hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá như: Trường học, cơ sở y tế, nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn, thư viện, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất, nơi có nguy cơ cháy nổ cao, trên các phương tiện giao thông công cộng; không sử dụng thuốc lá trong các lễ hội, đám cưới, đám tang; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng và các địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Có thể thấy, dù có nhiều tác động tích cực, ngày càng thu hút được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại nơi công cộng trong thời gian qua, nhưng các hoạt động tuyên truyền vẫn chưa phát huy hết thế mạnh và hiệu quả. Thiết nghĩ, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần được thực hiện với nội dung và hình thức phong phú hơn, dễ đi vào lòng người hơn. Để từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, các trường hợp có thể tự nguyện thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, không hút thuốc lá nơi công cộng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Mậu Ngọ

 

Bài viết liên quan

Hà Nam xây dựng môi trường không khói thuốc

Mậu Ngọ

Không hút thuốc lá và tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá trong cơ sở y tế

Mậu Ngọ

Hà Nam nỗ lực xây dựng trường học không khói thuốc

Mậu Ngọ