Điểm báo ngày 09/10/2018

(CDC Hà Nam)

 

Việt Nam ứng dụng liệu pháp điều trị ung thư vừa đoạt giải Nobel; Lá cây, cao dán chữa ung thư vú: Bệnh càng thêm nặng; Hơn 1.000 người nghèo được khám, phát thuốc miễn phí; Nỗi lo chất lượng thuốc chữa bệnh

Việt Nam ứng dụng liệu pháp điều trị ung thư vừa đoạt giải Nobel

Ngày 8/10, tại cuộc họp báo thông tin về các loại thuốc điều trị ung thư ra đời từ công trình nghiên cứu đạt giải Nobel Y học 2018, ThS Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu (Bệnh viện K) cho biết, những thuốc này đã được Bộ Y tế cho lưu hành, sử dụng ở Việt Nam từ cuối năm 2017. Hiện, liệu pháp này được áp dụng tại các bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM… Tại Bệnh viện K, ThS Tuấn Anh cho hay cách đây 4 năm, Bệnh viện K đã tham gia thử nghiệm đa lâm sàng quốc tế với 4 loại thuốc điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch. Từ cuối năm 2017, Bệnh viện K chính thức điều trị cho hàng chục bệnh nhân bằng liệu pháp này. Thuốc miễn dịch được chỉ định cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối như phổi, hắc tố melanoma tiến triển, đầu mặt cổ, thận tiết niệu… Ở Bệnh viện K, thuốc được xem có hiệu quả ưu việt đối với bệnh nhân ung thư phổi và đang được mở rộng nghiên cứu với các loại bệnh khác như gan, thận, dạ dày, đại tràng, cổ tử cung, buồng trứng. “Hiện chưa có kết quả đánh giá chung, nhưng trên từng bệnh nhân cho thấy, tình trạng được cải thiện, khối u không còn bị di căn”- TS Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho hay. Chi phí điều trị cho một chu kỳ từ 60 – 120 triệu đồng tùy thuộc vào tình trạng bệnh, liều dùng, độ tuổi, cân nặng của bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ phải truyền 3 tuần/lần, mỗi lần 1 lọ và truyền liên tục. Hiện bảo hiểm chưa thanh toán cho những loại thuốc này. Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng Phòng Công tác xác hội cho biết, để chia sẻ với bệnh nhân trong quá trình điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, hãng thuốc đã đồng ý hỗ trợ với phương thức, khi bệnh nhân dùng 4 lọ thì sẽ hỗ trợ 2 lọ, lần lượt các đợt điều trị khác cũng như vậy.

TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K lý giải, liệu pháp điều trị miễn dịch không phải là phương thức chữa khỏi ung thư giai đoạn di căn mà chỉ tiêu diệt phần nào và ức chế, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư qua đó giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Hơn nữa trong điều trị ung thư, tuyệt đại đa số các trường hợp để điều trị hiệu quả cần phối hợp đa mô thức và toàn diện, không một phương thức đơn lẻ nào có thể mang lại thành công. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định liệu pháp miễn dịch ra đời không có nghĩa những phương pháp trước đây như phẫu trị, hóa trị, xạ trị, nội tiết, nhắm trúng đích… không còn hiệu quả. Tùy bệnh trạng mỗi bệnh nhân, mỗi giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp, phối hợp đa mô thức một cách nhuần nhuyễn để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất (Tiền phong, trang 6).

Lá cây, cao dán chữa ung thư vú: Bệnh càng thêm nặng

Trong 5 loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới, ung thư vú đứng hàng đầu với tỷ lệ mắc là 43,1 ca/100.000 dân và tỷ lệ tử vong là 12,9 ca/100.000 dân. Ung thư vú dễ phát hiện, nếu điều trị sớm sẽ cho kết quả tốt. Tuy nhiên, hiện nhiều người mới có dấu hiệu mắc bệnh đã tự ý điều trị bằng các loại lá cây, cao dán không rõ nguồn gốc dẫn tới hậu quả nặng nề.

Gây lở loét và di căn

Được điều trị tích cực hơn 1 tháng nay tại Khoa Nội 1 Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) nhưng bệnh nhân N.T.H. (51 tuổi, ở Phú Thọ) vẫn trong tình trạng lở loét, sưng phồng kèm mủ, chảy máu ở ngực.

Người nhà bệnh nhân H. cho biết, vào cuối năm ngoái, sau khi phát hiện một vài u, cục bất thường nổi lên ở vùng ngực, bà H. đã không tới bệnh viện (BV) để khám mà nghe lời mách bảo tìm tới một thầy lang trong vùng để mua cao dán và đắp lá cây.

Một tháng sau đó, bằng cách chữa trị này, khối u không nhỏ đi mà ngày càng to hơn, rồi lở loét, sưng tấy gây đau đớn. Khi được gia đình đưa đến BV, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân H. đã bị ung thư vú, tổn thương thâm nhiễm toàn bộ vú trái, giai đoạn lan rộng không còn khả năng phẫu thuật.

Hiện nay, bệnh nhân đang được điều trị bằng hóa chất. Theo các bác sĩ, liệu pháp này chỉ là điều trị triệu chứng, giúp kéo dài tối đa thời gian sống cho người bệnh chứ không còn khả năng chữa khỏi.

Theo bác sĩ Đỗ Huyền Nga, Phó trưởng khoa Nội 1, trong số bệnh nhân tới khoa khám và điều trị có một tỷ lệ không nhỏ trường hợp đã bị tổn thương nặng vùng ngực: khối u lở loét, sưng to; có trường hợp khối u vỡ ra nhiễm trùng và hoại tử.

Nguy hiểm hơn, hầu như những bệnh nhân này khi chụp chiếu thường cho kết quả khối u đã di căn vào phổi, gan, xương… khiến quá trình điều trị thêm khó khăn và không hiệu quả. Không chỉ có bệnh nhân ở các vùng sâu, vùng xa, mà có cả chị em ở thành thị cũng cả tin vào phương pháp chữa ung thư vú bằng đắp lá, dán cao.

Dẫn chứng trường hợp bệnh nhân L.T.T. (48 tuổi, ở Hà Nội) đang nằm điều trị tại Bệnh viện K, bác sĩ Nga cho biết, trước đó bệnh nhân đã được chẩn đoán là ung thư vú giai đoạn 2.

Các bác sĩ đã khám và đưa ra phác đồ điều trị, nếu tuân thủ theo tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao, nhưng bà T. vẫn không tin tưởng, rồi nhờ người quen mua thuốc lá của một bà Mế ở Kim Bôi, Hòa Bình về đắp. Bất chấp cảm giác nóng rát, đau tức ngực khi đắp lá, bà T. vẫn tin “thuốc đang phát huy tác dụng”.

Đến khi ngực sưng tấy, lở loét, chảy mủ, bà T. mới chịu vào BV tiếp tục điều điều trị. Lúc này, bệnh nhân đã bị nhiễm trùng nặng tuyến vú, phần hoại tử đã lan rộng sang nách, khối u vú đã xâm lấn di căn vào cơ thể, chuyển sang ung thư giai đoạn 4.

Phải tầm soát bệnh định kỳ 

Theo Bệnh viện K, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Thống kê trong năm 2018, cả nước ghi nhận khoảng 164.000 ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm hơn 9%. Mặc dù vậy, căn bệnh này dễ phát hiện, chỉ cần tự sờ và cảm nhận được sự thay đổi bất thường ở ngực. Nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, 100% ca bệnh có tỷ lệ sống trên 5 năm. Tuy nhiên, nếu cả tin vào phương pháp đắp lá, dán cao để chữa khỏi bệnh là không có cơ sở khoa học, dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng.

TS Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội 5 Bệnh viện K, cho biết một số loại cao dán, lá cây thuốc có tính chất nóng, kích thích tế bào phát triển; một số loại khác không kích thích nhưng cũng không làm bệnh giảm hoặc làm mất thêm thời gian điều trị.

Sau 5 – 6 tháng đắp lá, hay dán cao, ở hầu hết trường hợp, khối u phát triển to hơn, từ phát hiện bệnh sớm trở thành muộn, từ chưa di căn thành di căn.

Đối với những trường hợp di căn, biến chứng, các bác sĩ sẽ phải cắt bỏ phần da thịt hoại tử, vừa phải tìm cách nạo vét cho sạch phần hoại tử, khiến việc điều trị cho lành bệnh càng thêm khó, hầu như đạt kết quả không như mong muốn vì bệnh đã tiến triển rất nặng.

“Người bệnh không nên chữa bệnh theo lời mách bảo, đồn thổi để rồi vừa mất tiền, mất thời gian mà bệnh ngày càng trầm trọng”, TS Đức cảnh báo.

Theo các bác sĩ, phát hiện sớm ung thư vú giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao và kéo giảm chi phí điều trị. Vì vậy, khuyến cáo chị em nên có ý thức trong việc tầm soát ung thư vú, ngay cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú.

Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau kỳ kinh 7 ngày bằng cách tự sờ nắn, nếu thấy bất thường (có hạch ở nách, vú) cần đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Cần lưu ý, đối với những trường hợp trong gia đình có tiền sử bố mẹ bị các ung thư như: đại trực tràng, buồng trứng, phổi nên tầm soát ung thư vú định kỳ thường xuyên hơn. Phụ nữ ở tuổi ngoài 50 nên tầm soát ung thư vú trung bình 6 tháng/lần (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Hơn 1.000 người nghèo được khám, phát thuốc miễn phí

Viện Y dược học dân tộc TPHCM và Đoàn TNCS Khối Dân – Chính – Đảng TPHCM vừa phối hợp tổ chức chuyến công tác tình nguyện tại các huyện Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm và TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre).

Tại các điểm đến, đoàn đã đến kiểm tra sức khỏe, tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng; khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí hơn 1.000 trường hợp người dân có hoàn cảnh khó khăn, trong đó thực hiện 100 ca cấy chỉ bằng phương pháp kỹ thuật cao.

Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng đã khởi công xây dựng 1 cầu giao thông và tặng hàng trăm phần dụng cụ học tập, suất học bổng cho các em học sinh nghèo vươn lên trong học tập. Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 600 triệu đồng (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Phạt tiền triệu nếu bán thức ăn chín không đeo găng tay

Theo Bộ Y tế, từ ngày 20-10-2018, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ chính thức có hiệu lực.

Đáng chú ý, trong Nghị định 115 quy định mức phạt vi phạm hành chính về ATTP bằng tiền cao hơn so với quy định hiện hành, nhất là với các hành vi bán thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP.

Cụ thể, nghị định quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (quy định hiện hành là 300.000 – 500.000 đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP như:  Không có bàn, tủ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Đặc biệt, phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, chứa đựng trực tiếp thực phẩm không bảo đảm an toàn; người đang mắc bệnh mà theo quy định không được trực tiếp kinh doanh thức ăn; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.

Cùng với mức phạt tiền nêu trên, người vi phạm có hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn còn bị buộc tiêu hủy đối với thực phẩm đó.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, được người tiêu dùng ưa chuộng do có thể lựa chọn nhanh, nhiều chủng loại, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, loại hình này tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm ATTP, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Nỗi lo chất lượng thuốc chữa bệnh

Thuốc chữa bệnh là mặt hàng đòi hỏi phải bảo đảm tuyệt đối về chất lượng, hiệu quả sử dụng vì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người bệnh. Thế nhưng thời gian qua, liên tiếp nhiều hãng dược bị cơ quan chức năng “thổi còi” vì đưa ra thị trường các loại thuốc không bảo đảm chất lượng. Siết chặt hơn nữa quản lý thuốc chữa bệnh là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết.

Các hãng dược liên tục bị… “sờ gáy”

Hằng năm, ở nước ta, các hệ thống kiểm nghiệm đã lấy gần 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Qua đó, tỷ lệ thuốc kém chất lượng được phát hiện khoảng 1,5-2% và tỷ lệ thuốc giả dưới 0,05%. Tuy nhiên, con số này mới chỉ là phần nổi. Bởi từ đầu năm 2018 đến nay, gần như tháng nào, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng phát hiện và thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Ngay trong tháng 8-2018, Cục Quản lý dược đã công bố danh sách 50 công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng. Đây là đợt thứ 26 các công ty có thuốc vi phạm được “xướng tên” kể từ năm 2014 đến nay. Thậm chí, có những đợt danh sách công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng được công bố lên tới 70 đơn vị, trong đó đa phần là các doanh nghiệp của Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc. Những hãng dược tái phạm nhiều lần đều phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với 100% lô thuốc nhập khẩu (tiền kiểm) thay vì hậu kiểm như quy định. Đây được xem như lời cảnh báo đối với chất lượng thuốc trên thị trường nước ta. Không chỉ các công ty nước ngoài, các công ty trong nước cũng liên tục bị “thổi còi” vì sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong tháng 9-2018, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ lưu hành thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nhỏ tai Collydexa do Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Nội sản xuất. Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có thông báo đình chỉ lưu hành thuốc viên nang cứng Agifamcin 300 (Rifampicin 300mg) do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan. Đây là thuốc kháng sinh trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng vi rút và kháng nấm của Công ty cổ phần Agimexpharm (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang)…

Đáng lo ngại, với công nghệ hiện đại như hiện nay, hầu hết các loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật. Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều loại thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, ung thư, ức chế vi rút, thần kinh, hỗ trợ sinh lý bị làm giả. Theo báo cáo của Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/100.000 – 1/10.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả, thuốc kém chất lượng lên tới 1/10. Trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc, dị ứng thuốc, sốc phản vệ.
Đẩy mạnh tiền kiểm và hậu kiểm 

Trước tình trạng thuốc kém chất lượng liên tiếp bị phát hiện gần đây, dư luận đặt câu hỏi, liệu có “lỗ hổng” trong công tác quản lý thuốc? Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, quy trình sản xuất, phân phối, nhập khẩu thuốc được kiểm soát rất chặt. Nhờ đó, nhiều loại thuốc kém chất lượng đã bị phát hiện, đình chỉ và thu hồi. Riêng đối với thuốc nhập khẩu, hiện Bộ Y tế đã thực hiện kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc của các công ty nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành tại Việt Nam. Thời gian tới, Cục Quản lý dược tiếp tục đẩy mạnh cả tiền kiểm và hậu kiểm, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc để kiểm soát chặt việc lưu hành thuốc.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, Hà Nội cũng sẽ quyết liệt trong việc ngăn chặn thuốc kém chất lượng đến tay người bệnh. Cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc của thuốc, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm, giám sát chất lượng thuốc. Việc lấy mẫu thuốc xét nghiệm sẽ tập trung từ đầu nguồn; tại các nhà phân phối, nhập khẩu. Khi phát hiện vi phạm sẽ cảnh báo sớm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Bác sĩ Nguyễn Minh Hiếu (Bệnh viện E trung ương) đưa ra khuyến cáo, do thuốc giả rất khó phân biệt bằng mắt thường nên để tránh “tiền mất, tật mang”, người dân nên mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tại các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, ham rẻ mua thuốc “xách tay”, thuốc được bán trên mạng. Ngoài ra, với loại thuốc đã quen dùng, người bệnh cần xem kỹ bao bì, mùi vị thuốc khi uống. Nếu thấy có sự khác lạ cần tham khảo ý kiến tư vấn của các nhân viên y tế, đồng thời chú ý kiểm tra hạn sử dụng của thuốc. Chắc chắn, câu chuyện thuốc giả, thuốc kém chất lượng chưa thể dừng lại và còn tiếp tục đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người bệnh nếu thiếu sự vào cuộc cương quyết, mạnh tay của cơ quan chức năng (Hà Nội mới, trang 7).

 

Bài viết liên quan

Chăm sóc và điều trị cho trẻ mắc COVID-19 thế nào?

Mậu Ngọ

Viêm tai giữa cấp mủ ở trẻ và những điều cần biết

hanh phan

Điểm báo ngày 19/12/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận