Điểm báo ngày 03/12/2020

(CDC Hà Nam)
Hà Nội quyết tâm không để xảy ra sai sót trong phòng, chống dịch Covid-19; Tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19; Hơn 800 người đang tự cách ly phòng dịch…

 

Minh bạch trong quản lý trang thiết bị y tế

Trang thiết bị y tế (TTBYT) là yếu tố quan trọng, quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ người thầy thuốc trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Sau một số vụ việc TTBYT bị thổi giá, đội giá, Bộ Y tế đang tập trung triển khai nhiều giải pháp siết chặt quản lý loại hàng hóa đặc biệt này tại Việt Nam, trong đó có công khai, minh bạch cả về giá cả và chất lượng sản phẩm.

Đến nay, Nghị định số 36/2016/NÐ-CP là văn bản được ban hành nhằm quản lý thống nhất hầu như toàn bộ các vấn đề liên quan TTBYT từ khâu sản xuất; thử nghiệm lâm sàng; lưu hành; truy xuất nguồn gốc xuất xứ; mua bán; kiểm định; xuất khẩu, nhập khẩu; thông tin quảng cáo… Ðây cũng là khung pháp lý giúp các nhà quản lý, các bệnh viện, đơn vị y tế, doanh nghiệp nắm rõ các quy định, xác định rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực TTBYT: bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư và tăng cường quản lý, khai thác sử dụng trang thiết bị y tế, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ðể giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu các thông tin, Bộ Y tế vừa chính thức khai trương Cổng công khai y tế, thực hiện công khai thông tin năm lĩnh vực: dược và mỹ phẩm; trang thiết bị y tế; an toàn thực phẩm; khám và chữa bệnh; hành chính công. Ðối với lĩnh vực TTBYT sẽ được công khai giá thầu, giá niêm yết của các thiết bị y tế, vật tư y tế và sinh phẩm hóa chất cũng như những cấu hình, tính năng, tác dụng của từng loại TTBYT. Ðây là lần đầu giá bán trang thiết bị, vật tư y tế được công khai. Việc công khai giá sẽ giúp khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, mua sắm, sử dụng TTBYT tại các cơ sở y tế. Mặt khác giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về việc thẩm định giá; là cơ sở dữ liệu để việc tra cứu, tham khảo về giá thị trường; tạo sự cạnh tranh lành mạnh, hạn chế sự chênh lệch về giá bán giữa các đơn vị, địa phương.

Mặc dù TTBYT không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, nhưng Bộ Y tế xác định việc thực hiện việc công khai giá và các yếu tố cấu thành giá sản phẩm là cần thiết; là cơ sở cho các cơ sở y tế tham khảo trước khi quyết định việc mua sắm TTBYT phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Việc công khai, minh bạch giá niêm yết TTBYT sẽ giúp cho các đơn vị, cơ sở y tế thực hiện đầu tư mua sắm được đúng chủng loại, đúng giá trị và đáp ứng yêu cầu chuyên môn, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh lành mạnh của thị trường TTBYT.

Ðến nay, Bộ Y tế xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ việc công khai giá, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TTBYT sẽ đăng ký và được cấp tài khoản để tự thực hiện và chịu trách nhiệm quản lý các thông tin đăng công khai trên Cổng công khai y tế. TTBYT khi công khai được chia thành ba nhóm: Thiết bị y tế (gồm 14 nhóm với hơn 200 tên chung); vật tư y tế (gồm 10 nhóm với hơn 11 nghìn tên vật tư y tế); TTBYT chẩn đoán in vitro (gồm 16 nhóm với hơn 3.000 tên chung). Ðến nay đã có tổng số gần 17 nghìn TTBYT đã công khai trên cổng công khai giá, gồm: 2.157 TTBYT; 11.758 vật tư y tế và 2.748 TTBYT chẩn đoán in vitro.

Bộ Y tế cũng đang tiếp tục yêu cầu các hãng (hoặc đơn vị được hãng ủy quyền hợp lệ) thực hiện nghiêm việc niêm yết giá theo quy định của Luật Giá. Trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ quá trình triển khai, sẽ cập nhật nâng cấp tính năng phần mềm và ban hành các văn bản pháp quy, giúp cho thị trường TTBYT ngày càng minh bạch, nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh, khắc phục được những tiêu cực, những vụ việc đáng tiếc như đã xảy ra tại một số nơi thời gian vừa qua.

Theo Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần sự tham gia tích cực, vào cuộc của các bên, trong đó có vai trò của “bốn nhà”. Nhà cung cấp có trách nhiệm công khai giá và các thông tin liên quan của các TTBYT mình kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu; bảo đảm giá cả và chất lượng như cam kết. Nhà sử dụng là các đơn vị, bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm tham khảo, xác định nhu cầu đầu tư mua sắm phù hợp với yêu cầu chuyên môn, kinh phí và khả năng khai thác, quản lý sử dụng của đơn vị; bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả. Người dân, người bệnh thực hiện quyền giám sát và phản ánh kịp thời các thông tin, sự việc về chất lượng, giá cả, dịch vụ không phù hợp với công bố; thực hiện tốt phương châm là nhà tiêu dùng thông minh, hiểu biết dựa trên cơ sở các thông tin đã được cung cấp công khai, minh bạch. Nhà quản lý nêu cao trách nhiệm chỉ đạo, quản lý Cổng công khai y tế theo từng lĩnh vực được phân công, bảo đảm sự đầy đủ, chính xác, tin cậy của thông tin công khai và xử lý, chấn chỉnh các vi phạm, phản ánh của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực mình quản lý. (Nhân dân trang 5)

 

Tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 2-12, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1699/CĐ-TTg về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch (PCD) bệnh Covid-19.

Theo đó, để duy trì vững chắc thành quả PCD, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư:

Tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả ở trong nước; tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp PCD đã đề ra.

Các tỉnh, thành phố, trước hết là các thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo thực hiện yêu cầu 5K trong PCD bệnh như khuyến cáo của Bộ Y tế, trước hết là việc đeo khẩu trang bắt buộc, khử khuẩn tại các khu vực cách ly, các khu dân cư tập trung, nơi công cộng như: chợ, siêu thị, trường học, cơ sở sản xuất, bến xe, bến cảng, sân bay, ga tàu…, trên các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở lưu trú, trường học, khám chữa bệnh thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, hướng dẫn PCD, công khai kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, quyết liệt đôn đốc thực hiện các biện pháp PCD đã đề ra, nhất là các biện pháp như đeo khẩu trang, khử khuẩn và tại các nơi có nguy cơ cao xảy ra lây nhiễm dịch bệnh; thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, cơ sở vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Đối với trường hợp lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh: UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ, thần tốc truy vết mọi đối tượng Fl, F2 của các ca lây nhiễm mới phát hiện, với tinh thần cao nhất, đạt kết quả tối đa, không để lây lan vòng 3. Việc để xảy ra lây nhiễm là vụ việc vi phạm nghiêm trọng quy định về PCD. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm giám sát xử lý vụ việc vi phạm này.

Các Bộ: Quốc phòng, Công an tiếp tục tăng cường quản lý biên giới, quản lý chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn triệt để các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Tiếp tục các chuyến bay chở nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân nhập cảnh Việt Nam và chở lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài phục vụ việc thực hiện mục tiêu kép, phục hồi kinh tế; các chuyến bay đến Việt Nam phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp PCD theo quy định.

Bộ Ngoại giao làm đầu mối xem xét, giải quyết việc người Việt Nam ở nước ngoài về nước; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GTVT nghiên cứu, có phương án đưa người Việt Nam về nước phù hợp khả năng tiếp nhận, quản lý trong nước và yêu cầu PCD; chỉ đạo cơ quan đại diện ở nước ngoài xem xét, chỉ cho phép các trường hợp thật sự cần thiết về nước (kể cả về nước trong dịp Tết Nguyên đán) và gửi danh sách người được về nước cho Bộ Công an, GTVT để thực hiện các việc liên quan hoạt động nhập cảnh và tổ chức chuyến bay.

Các Bộ, cơ quan liên quan và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3298/VPCP-QHQT ngày 28-11-2020 về hỗ trợ công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại nước ngoài; giải quyết nhanh các thủ tục tại các sân bay để kịp thời đưa công dân ta đến các cơ sở cách ly theo kế hoạch, bảo đảm an toàn PCD. Bộ Quốc phòng chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở cách ly (CSCL) tập trung.

Bộ GTVT chỉ đạo: thực hiện việc bán vé cho người nhập cảnh bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh lợi dụng nâng giá, trục lợi, xử lý nghiêm các vi phạm; hạn chế các chuyến bay chở người nhập cảnh cách ly tại Hà Nội; thực hiện nghiêm việc cách ly đối với tổ bay, tiếp viên bảo đảm đúng các yêu cầu PCD.

Mọi trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung tại các CSCL do quân đội quản lý và CSCL dân sự đủ điều kiện do các địa phương quản lý, yêu cầu đúng quy trình, quy định, thời gian cách ly. Các Bộ, cơ quan liên quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quản lý, giám sát chặt chẽ các CSCL người nhập cảnh, phòng ngừa lây chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; trường hợp tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp PCD như đeo khẩu trang, sát khuẩn… theo đúng quy định.

Các cấp, các ngành, địa phương khi tổ chức các sự kiện, hoạt động có tiếp xúc với người đến từ nước ngoài, nhất là từ các nước có nguy cơ cao phải hỏi ý kiến của cơ quan y tế.

Trường hợp xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, cần thực hiện giãn cách xã hội đối với các khu vực có nguy cơ cao và được khoanh vùng hợp lý, không áp dụng giãn cách xã hội tràn lan ở phạm vi rộng ảnh hưởng xấu đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế cả về tinh thần đề cao cảnh giác và luôn sẵn sàng đi đầu, ứng phó mọi tình huống dịch bệnh, nâng cao năng lực khám, điều trị, khả năng truy vết, xét nghiệm nhanh, trước mắt là nhằm bảo đảm an toàn cho các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Bộ Y tế chỉ đạo toàn ngành thực hiện chế độ công tác với tinh thần sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh; sớm có phương án về việc hợp tác với nước ngoài sản xuất, mua vaccine của nước ngoài, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định.

Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về PCD, trong đó nhằm phổ cập tinh thần không chủ quan đối với dịch bệnh trong mọi tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; hướng dẫn người dân đề cao cảnh giác; ngăn chặn các thông tin tiêu cực, bịa đặt gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. (Nhân dân trang 1)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân trang 1: “Dịch Covid-19 quay trở lại:  Mọi người phải tăng cường nâng cao ý thức phòng dịch”

 

Giải bài toán thừa cholesterol

Quá trình toàn cầu hóa và đô thị hóa, nhất là những tác nhân làm tăng lối sống không lành mạnh như: hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực… được coi là những yếu tố nguy cơ chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm (BKLN). Tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể của người dân Việt Nam đã gia tăng đến mức báo động.

Theo PGS, TS Lê Bạch Mai (Viện Dinh dưỡng quốc gia): Cholesterol, là chất béo được sản xuất từ tế bào gan và một phần từ thức ăn có nguồn gốc động vật. Cholesterol là thành phần quan trọng của lipid máu, có vai trò trong cấu tạo màng tế bào, cân bằng hóc-môn trong cơ thể và sản xuất vi-ta-min. Cholesterol trong cơ thể gồm hai loại chính là cholesterol “tốt” (HDL-C) và cholesterol “xấu” (LDL-C), ngoài ra còn một thành phần khác của lipid máu cũng rất quan trọng là triglyceride. Ðối với cholesterol tốt (chiếm khoảng từ một phần tư đến một phần ba tổng số cholesterol trong máu), chúng vận chuyển cholesterol từ máu về gan, đồng thời đưa cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch, giúp làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến cố tim mạch khác. Còn cholesterol xấu dẫn đến sự gia tăng chất béo ở động mạch, nếu hàm lượng LDL cao trong máu, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ðáng lo ngại, khi lượng cholesterol toàn phần, LDL và triglyceride tăng cao sẽ gây lắng đọng ở thành mạch, lâu ngày trở thành các mảng xơ vữa khiến mạch máu bị xơ cứng và thu hẹp dần. Khi đó, sự tuần hoàn máu qua thành mạch bị cản trở và có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Ðây là nguyên nhân chính gia tăng các biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ.

Kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ BKLN (năm 2015) cho thấy: Tỷ lệ người Việt Nam rơi vào tình trạng thừa cholesterol ở mức đáng báo động. Theo đó, trung bình cứ 10 người trưởng thành thì có ba người thừa cholesterol trong cơ thể; hơn 50% số phụ nữ trung niên trong độ tuổi từ 50 đến 65 tuổi đang trong tình trạng thừa cholesterol. Ðáng lo ngại, thừa cholesterol trong cơ thể là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ các bệnh lý về tim mạch, là một trong các nhóm BKLN. Năm 2016, ở nước ta có gần 550 nghìn người chết, trong đó chết do BKLN chiếm đến 77%, tập trung ở các bệnh như: tim mạch (phần lớn do người mắc cholesterol cao), đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính… Ước tính, ở Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp; 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường; hai triệu người mắc bệnh tim và gần 126 nghìn người mắc ung thư mới mỗi năm.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể, trong đó tập trung chủ yếu là do ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol (được tìm thấy nhiều nhất ở những thức ăn có nguồn gốc từ động vật và mỡ động vật như thịt bò, mỡ bò, mỡ lợn, thịt gia cầm béo, nội tạng động vật); uống nhiều rượu, bia và thức uống có ga; lối sống không khoa học như lười tập thể dục, ít tham gia các hoạt động thể chất; hút thuốc lá; không kiểm soát cân nặng (béo phì). Ngoài ra, những người bị tăng huyết áp và bệnh tiểu đường thường có mức cholesterol cao hơn bình thường. Trong khi đó, có một số yếu tố cố định gây ra mức cholesterol cao không thể thay đổi được như tiền sử gia đình bị bệnh tim, có tình trạng cholesterol cao, nhất là càng lớn tuổi thì khả năng bị hẹp động mạch (xơ vữa động mạch) càng cao…

Ðể khống chế và từng bước đẩy lùi các BKLN, nhất là tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể, mới đây Bộ Y tế đã phát động “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể” năm 2020. Tháng hành động sẽ tập trung vào tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe trong cộng đồng và quản lý các BKLN ngay từ cơ sở y tế. Tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn và xét nghiệm miễn phí cho người dân sẽ được tổ chức tại các địa phương; tại các bệnh viện lớn trên cả nước như: Chợ Rẫy, Ðà Nẵng, Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, Ða khoa T.Ư Cần Thơ…

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nhằm hạn chế tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể, mọi người cần hạn chế ăn, uống các thực phẩm chứa nhiều cholesterol; bổ sung chất béo có lợi (nhóm chất béo không bão hòa) vào chế độ ăn uống, nhất là nhóm chất béo không bão hòa như omega 3-6-9 được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như cá hồi, cá trích và các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương. Ðặc biệt, dưỡng chất Gamma-Oryzanol & Phytosterol có trong một số loại dầu ăn và gạo lứt đã được khoa học chứng minh có tác dụng trong việc giảm hấp thụ cholesterol xấu từ thực phẩm. Người dân cần thực hiện lối sống khoa học bằng việc thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế ăn, uống các thực phẩm chứa nhiều cholesterol; đồng thời tăng cường các hoạt động tăng cường thể chất như tập thể dục, đi bộ, đạp xe, bơi lội…; không hút thuốc và hạn chế sử dụng rượu, bia… (Nhân dân trang 5)

 

Truy vết người tiếp xúc chùm ca bệnh Covid-19

Lực lượng y tế TP.HCM vẫn đang tích cực truy vết các trường hợp tiếp xúc với các ca nhiễm, mở rộng phạm vi lấy mẫu xét nghiệm để chủ động phòng dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng.

Ngày 2.12, bác sĩ (BS) Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết khoảng 18 giờ ngày 28.11, sau khi có kết quả tiếp viên Vietnam Airlines dương tính với Covid-19 – BN 1342 từ phòng xét nghiệm (XN) báo, lập tức đội phản ứng nhanh của HCDC phối hợp đội phản ứng nhanh Q.Tân Bình và UBND P.2, Q.Tân Bình phong tỏa, điều tra.

Kích hoạt đội phản ứng nhanh

Sau đó, đội phản ứng nhanh HCDC phối hợp các quận huyện liên quan đến nhà mẹ, chị và bạn ( BN 1347 – giáo viên tiếng Anh) của BN 1342, đưa 3 người này đi cách ly tập trung trong đêm.

Trước khi đưa lên khu cách ly, BN 1347 kể việc tiếp xúc rất nhiều từ các lớp dạy tiếng Anh ở 2 trung tâm, uống cà phê, hát karaoke, tập gym… Trưa 29.11, xác nhận BN 1347 nhiễm Covid-19. “Ngày 29 và 30.11, tất cả quận, huyện có địa điểm BN lui tới, tiếp xúc trực tiếp được điều tra đồng loạt, tất cả những người tiếp xúc gần BN 1347 đều đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu XN”, BS Nga nói.

Tại các trung tâm dạy tiếng Anh, đội phản ứng nhanh của HCDC phối hợp với Q.10, Q.Tân Bình đến làm việc, lập danh sách tất cả học viên, đặc biệt là học viên lớp BN 1347 dạy. Số người tiếp xúc quá nhiều và ở nhiều địa bàn khác nhau, nhưng các trung tâm tiếng Anh chỉ lưu số điện thoại nên HCDC phải gọi điện cho từng người để điều tra. Ban đầu, một số người không hợp tác, từ chối cung cấp thông tin. Nhưng khi công bố ca BN 1347 là thầy giáo dạy tiếng Anh, thì họ mới khai báo và hợp tác với cơ quan y tế; và những người tiếp xúc trực tiếp được lấy mẫu XN. HCDC và các quận huyện đã làm việc 24/24 giờ trong các ngày qua để truy vết nhanh nhất các ca tiếp xúc, ca nghi ngờ đưa vào cách ly, XN.

Theo BS Nga, khi lấy mẫu về là HCDC chạy XN ngay để có kết quả nhanh nhất, trong ngày 2.12, HCDC đã làm XN 737 mẫu bao gồm ca F1, F2 của 4 ca bệnh trên, chưa có ca nhiễm mới.

Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, nhân viên y tế cộng đồng có nhiều khó khăn trong khai thác dịch tễ. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ cũng khai thác được nhưng mất thời gian. Như BN 1342, tại Bệnh viện (BV) dã chiến Củ Chi, bằng nhiều biện pháp khai thác, BN 1342 mới khai thêm là trong thời gian cách ly có đi ăn, đi học. Sau khi BN khai vào tối 1.12, HCDC đã triển khai ngay các biện pháp truy dấu F1, F2.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, yêu cầu HCDC truy vết các ca F1, F2, F3… của các BN và các điểm BN lui tới. Ngoài dự phòng còn giúp hệ thống điều trị rà soát BN trong BV, nhất là người lớn tuổi, bệnh mãn tính có người nhà ở các địa điểm dịch tễ vào thăm để có hướng xử lý, kiểm soát người vào BV.

Sắp tới ngành y tế tăng cường XN ca nghi ngờ, ca có yếu tố dịch tễ. Theo chỉ đạo của PGS-TS Thượng, hiện BV nào chưa làm XN Covid-19 được thì gửi mẫu cho cho BV Bệnh nhiệt đới thực hiện. Những BV nào làm được thì tự làm và báo cáo Sở Y tế.

Khó khăn trong truy vết

Trong số 4 ca bệnh mới được công bố ở TP.HCM, Q.6 có 3 ca gồm: BN 1347, BN 1348 và BN 1349. Đến ngày 2.12, công tác điều tra, truy vết vẫn đang được lực lượng y tế địa phương tích cực thực hiện, chủ động thông báo cho quận khác.

Ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND Q.6, cho biết dù 3 ngày qua đã khẩn trương truy vết, xác định được nhiều địa điểm BN 1347 thường xuyên đến nhưng BN 1347 có lịch trình phức tạp nên lực lượng y tế quận tiếp tục truy vết. Quận đã báo cáo HCDC công bố các điểm BN 1347 từng đến để người dân biết và chủ động khai báo y tế.

Riêng BN 1349 tiếp xúc gần với một giáo viên dạy tin học ở Trường tiểu học Lê Văn Tám (Q.6) gần đây, giáo viên này dạy ở hầu hết các lớp của trường nên quận đã quyết định tạm thời đóng cửa trường này từ 3.12. Ngoài ra, giáo viên này cũng dạy thêm ở Trường tiểu học Bình Tiên (Q.6), nên quận cũng đang truy vết thêm để cân nhắc có đóng cửa thêm trường học này hay không. Đến chiều 2.12, UBND Q.6 thông báo cho học sinh nghỉ học ở các trường, gồm: Trường tiểu học Võ Văn Tần, Trường tiểu học Nguyễn Huệ, Trường tiểu học Lê Văn Tám và lớp 12A4 Trường THPT Bình Phú.

Gia đình BN 1349 thuê một người giúp việc ở Q.8 nên quận đã thông báo cho lực lượng y tế Q.8 cách ly, theo dõi. Ngoài ra, có một bé sinh năm 2014 là bạn học chung lớp với con của gia đình BN này tại Trường mầm non song ngữ Anh Đức (đường Tô Hiệu, Q.Tân Phú), quận đã thông báo cho lực lượng chức năng Q.Tân Phú xử lý.

Ông Bùi Thế Hải, Phó chủ tịch UBND Q.10, cho biết sau khi lấy mẫu các học viên học trực tiếp với BN 1347, quận đã mở rộng phạm vi lấy mẫu XN ra toàn bộ học viên ở trung tâm. Tuy nhiên, công tác truy vết, lấy mẫu các học viên ở Trung tâm Anh ngữ KEY English gặp khó khăn và kéo dài hơn do trung tâm chỉ lưu họ tên và số điện thoại, không lưu địa chỉ.

“Từ danh sách học viên, Trung tâm y tế Q.10 và trung tâm Anh ngữ phải gọi điện đến từng người, khuyến cáo không nên ra ngoài, đồng thời thông báo cho y tế địa phương nơi học viên đang cư trú để lấy mẫu hoặc cách ly tùy theo tình hình thực tế”, ông Hải thông tin. (Thanh niên trang 4)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 2: “Ứng phó đại dịch Covid-19: Truy vết, cách ly”; Hà Nội mới trang 7: “Thanh phố Hồ Chí Minh kịch hoạt cơ chế “Tắt – Mở” trong phòng, chống dịch COVID-19”; Sài Gòn giải phóng trang 1: “Phòng chống dịch COVID-19: TPHCM tiếp tục khoang vùng, truy vết”; Lao động trang 1: “Từ vụ tiếp viên VIETNAM AIRLINES gây lây nhiễm Covid-19: Quản lý lỏng lẽo – Thủ phạm khiến dịch bệnh lây ra cộng đồng”

 

Hơn 800 người đang tự cách ly phòng dịch

Chiều 2.12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo ghi nhận 7 bệnh nhân (BN) Covid-19 mới, là các ca nhập cảnh. Các ca mắc mới được công bố là BN thứ 1352 – 1358 tại VN, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Đồng Nai (3 ca), Khánh Hòa (1 ca), Đà Nẵng (1 ca), Cần Thơ (1 ca) và Hà Nội (1 ca).

Theo BCĐ, trong ngày 2.12, thêm 6 BN Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Hiện, 15.503 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe. Trong đó, 183 ca cách ly tập trung tại BV; 14.472 cách ly tập trung tại cơ sở khác; và 848 đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Đến 18 giờ ngày 2.12, trong số 1.358 BN Covid-19 ghi nhận tại VN có 1.201 ca đã được điều trị khỏi; 693 ca mắc do lây nhiễm trong nước. (Thanh niên trang 5)

 

Xử phạt nghiêm khắc các vi phạm phòng chống Covid-19

Nhiều bạn đọc bức xúc trước việc chủ quan, lơ là của nhiều người, thậm chí vô ý thức như bệnh nhân 1342 và 1347, và yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Như Thanh Niên thông tin, sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính, nam tiếp viên hàng không được về cách ly tại nhà trọ (P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM). Trong quá trình cách ly, anh này tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm: mẹ ruột và hai người bạn (một nam, một nữ). Trong đó, người bạn nam (trú P.3, Q.6, TP.HCM) có tới sống cùng.

Ngày 28.11, nam tiếp viên hàng không được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 cho kết quả dương tính (bệnh nhân – BN 1342). Ngay lập tức, 3 trường hợp tiếp xúc trực tiếp đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, người bạn nam cho kết quả dương tính (BN 1347). Ngày 1.12, cả nước có 4 ca mắc mới, trong đó 2 ca lây nhiễm từ BN 1347 tại TP.HCM.

Quá chủ quan, lơ là

Dù TP.HCM đã có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, nhưng nhiều người vẫn không chấp hành quy định đeo khẩu trang cũng như giữ khoảng cách nơi công cộng.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngày 1.12, tại nhiều quận trung tâm, nhiều người dân không đeo khẩu trang, thoải mái tụ tập, vui chơi đông người, mặc dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát trở lại.

Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã quá rõ ràng. Các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện, báo cáo Thủ tướng đồng thời thông báo rộng rãi cho nhân dân được rõ. Chúng tôi đã quá mệt mỏi vì chuyện vô ý thức, vô trách nhiệm của một vài tổ chức, cá nhân mà gây họa cho cộng đồng như thế.

Trước tình hình trên, bạn đọc (BĐ) Mai Linh tâm sự: “Sáng 2.12, tôi đi ra công viên Tầm Vu (P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tập thể dục, thấy rất nhiều người không đeo khẩu trang. Đi đường cũng thấy nhiều người không đeo khẩu trang, họ vẫn tụ tập nói chuyện, cười đùa vui vẻ, không giữ khoảng cách 2 m. Chẳng thấy ai phạt họ cả. Chống dịch kiểu này thì còn gian nan lắm. Buồn quá”.

Cùng ý kiến, BĐ Sucon Hoang kêu gọi: “Hãy cùng chủ động, tự giác kích hoạt các biện pháp phòng chống Covid-19 bà con ơi. Bắc thang lên hỏi ông trời, chừng nào Covid mới rời trần gian? Trời buồn trời bảo gian nan, một người vì mọi người tan họa này!”.

Phải xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe

“Sự vô trách nhiệm của BN 1342 đã làm công sức, tiền của, và sự hy sinh của bao y, bác sĩ cùng toàn dân có thể đổ sông đổ biển. Mong nhà nước hãy xử lý nghiêm minh”, BĐ Thuyet Phamdinh viết. Cùng quan điểm, BĐ Nguyễn Thị Mai Hương thẳng thắn: “Phạt thật nặng để răn đe người khác, nếu không thì khó phòng dịch tốt được”.

Trong khi đó, BĐ Phương Quế đặt câu hỏi: “Sao lần đầu thấy phạt tội không đeo khẩu trang nghiêm lắm mà lần này chẳng thấy phạt nhỉ? Như vậy thì sẽ nguy hiểm lắm. Mà mọi người ơi, phải chấp hành chứ? Trước tiên là bảo vệ mình, sau đó là bảo vệ gia đình, cộng đồng. Câu “Chống dịch như chống giặc” bị nhiều người quên rồi. Yêu cầu lực lượng chức năng làm quyết liệt và thường xuyên, không thể xuề xòa như hiện nay được”.

BĐ Đỗ Thanh Lê nêu: “Cần xử phạt thật nặng những cá nhân và tập thể không chấp hành việc cách ly gây hậu quả nghiêm trọng, gây tổn hại đến sức khỏe và kinh tế của cả cộng đồng trong cả nước”. (Thanh niên trang 9)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống trang 3: “Bệnh nhân 1342 vi phạm rất nghiêm trọng trong cách ly”; Công an Nhân dân trang 4: “Sẽ phải dừng bay quốc tế nếu các hãng bay để phi công, tiếp viên vi phạm quy định cách ly”; Gia đình & Xã hội trang 2: “Xem xét xử lý BN 1342 và BN 1347 theo Luật Phòng chống truyền nhiễm”

 

Phòng chống COVID-19: Nhiều nguy cơ tại Hà Nội

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc cách ly tại các khách sạn, nơi lưu trú; việc cách ly các tổ bay hiện rất phức tạp và có nguy cơ cao vì số lượng rất đông, ra vào nhiều.

Chiều 2/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội. Báo cáo về kết quả kiểm tra của 5 đoàn công tác của thành phố, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tại các khách sạn phục vụ cách ly, camera giám sát chưa được tốt, không đầy đủ, nhiều khi việc giám sát không được thường xuyên, dẫn đến không biết người thực hiện cách ly có tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc hay không.

Cùng với đó, việc phân luồng đi lại trong khách sạn cũng chưa rõ ràng; việc phân loại rác thải theo quy định chưa thực hiện nghiêm túc. Tại các nơi công cộng, việc tuân thủ quy định phòng chống dịch chưa nghiêm túc, đặc biệt là việc đeo khẩu trang.

Theo ông Hiền, một số điểm cách ly ở nơi lưu trú còn trong khu vực đông người. “Chúng tôi kiến nghị, khi cho phép cách ly tại khu lưu trú phải riêng biệt thì mới được cách ly, không cho phép cách ly tại nơi lưu trú đông dân cư, khu chung cư”, ông nói. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nêu “rất băn khoăn” với việc cách ly các tiếp viên hàng không.

“Với tiếp viên hàng không, phải đảm bảo cách ly đủ 14 ngày. Những người này đi lại nhiều, cách ly tại nhà, tại nơi lưu trú thường hay đi lại. Phải yêu cầu có phòng riêng, nơi cách ly riêng. Nếu không thì yêu cầu cách ly tập trung đủ 14 ngày”, ông Hiền đề nghị.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, hiện nay, Hà Nội có 17 khách sạn phục vụ cách ly với tổng cộng 1.759 phòng, 2.850 chỗ. Về cách ly tổ bay, theo ông Chung, Hà Nội bố trí 3 cơ sở, gồm 200 Nguyễn Sơn của Vietnam Airlines, khách sạn Hyatt và khách sạn Hilton, với công suất 361 người. Hiện thu dung 157 người, lũy tích đến nay đạt 9.521 người. Thời gian qua, tại 17 khách sạn, phát hiện 7 ca dương tính, nhưng không có việc lây nhiễm tại khách sạn.

Ông Chung nhận định, nguy cơ lây nhiễm tại các khách sạn, nơi cách ly tổ bay là rất cao. Ông đề nghị, phải thực hiện cách ly đủ 14 ngày, sau đó về cơ sở phải theo dõi thêm 14 ngày. Theo ông, những trường hợp chia ra 7 ngày cách ly tập trung, 7 ngày cách ly ở nơi lưu trú là có nguy cơ cao, vì thế, khi chuyển giao về địa phương, cần quản lý chặt chẽ.

Ông Chung cũng nói rằng, vừa qua có một số đoàn chuyên gia thuộc diện “dưới 14 ngày” vào làm việc, có yêu cầu lựa chọn khách sạn ngoài danh sách 17 khách sạn cách ly của thành phố; việc này gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Vì các đoàn này được phép làm việc, tổ chức các cuộc họp làm việc, nên giám sát rất vất vả.

Không có vùng trống, không có ngoại lệ

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói rằng, cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy tắc 5K, đảm bảo an toàn cho các bệnh viện. Hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại về các khu vực cách ly tại khách sạn, khu cách ly các tổ bay.

“Nếu không đảm bảo vấn đề này, sẽ bị giống TPHCM. Cần phải hết sức quan tâm. Đối với các tổ bay, Thủ tướng đã yêu cầu cách ly đủ 14 ngày, chứ không phải có chuyện cách ly 5-7 ngày, sau đó xét nghiệm âm tính là được về nhà”, ông Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, có nhiều băn khoăn về việc cách ly, xét nghiệm các đoàn chuyên gia, khách mời vào Việt Nam. Theo ông Sơn, khi vào Việt Nam, các thành viên trong đoàn đều phải qua kiểm tra, xét nghiệm theo tinh thần không có vùng trống, không có ngoại lệ. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, tinh thần là các cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc khẩn cấp, quyết liệt, phải kiểm soát từ bên ngoài, ngăn chặn từ bên trong.

“Hà Nội được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất tín nhiệm, vừa qua có nhiều thành tích xuất sắc, bao gồm cả việc phòng chống, kiểm soát COVID-19. Cần phát huy tinh thần này. Phải cảnh giác cao độ, không được chủ quan lơ là vì nếu xảy ra làn sóng thứ 3 thì rất khó khăn”, ông Chu Ngọc Anh nói. (Tiền phong trang 4)

 

Thủ tướng yêu cầu “thần tốc, quyết liệt” phòng, chống COVID-19

Sáng ngày 2/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 11 tháng.

Trước bối cảnh xuất hiện các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại TP. HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã chỉ đạo các biện pháp với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Quyết liệt, quyết liệt hơn nữa”, nhanh chóng khoanh vùng, truy vết các đối tượng tiếp xúc gần. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Giao thông vận tải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch dẫn đến dịch lây ra cộng đồng như thời gian vừa rồi. Cùng với yêu cầu các địa phương, bộ ngành thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là những biện pháp cần thiết là đeo khẩu trang và khử khuẩn, Thủ tướng cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống COVID-19 sẽ kiểm tra việc thực hiện ở các địa phương, đơn vị. Các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh là hết sức quan trọng khi sắp tới diễn ra nhiều sự quan trọng của đất nước, như Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thủ tướng cho biết, tháng 11 là tháng có rất nhiều sự kiện, vấn đề quan trọng của đất nước như kinh tế xã hội, đối ngoại, thiên tai bão lũ và Chính phủ đã chỉ đạo toàn diện mọi vấn đề với tinh thần chủ động, trách nhiệm, hiệu quả cao. Đặc biệt, năm nay, kinh tế vẫn có khả năng đạt tăng trưởng 2,5-3%, và thu ngân sách khả quan hơn so với mức báo cáo Quốc hội. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước năm 2020 sẽ thu được 1 triệu 380 nghìn tỷ đồng, bằng 91,3% dự toán, cao hơn mức báo cáo Quốc hội là 86%.

Trong tháng 11, Chính phủ đã báo, trình Quốc hội 74 văn bản và Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021. Tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vừa rồi, Quốc hội cũng ra nghị quyết phê chuẩn 3 thành viên Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trong trả lời chất vấn, thảo luận trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời nhiều vấn đề rõ ràng, sâu sắc, thể hiện nắm rất chắc các vấn đề thuộc phạm vi quản lý.

Tháng 11, trong bối cảnh quốc tế có nhiều sự kiện quan trọng, Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, trách nhiệm với quốc tế đã tham gia và đóng góp quan trọng. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị có liên quan, dưới sự chủ trì của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, các nước đã thông qua 84 văn kiện, là số văn kiện lớn nhất trong một kỳ hội nghị cấp cao của ASEAN từ trước đến nay, trong đó có nhiều nội dung hợp tác mang lại lợi ích quốc gia và được các nước ASEAN ủng hộ, thống nhất cao. Bên cạnh đó, dưới sự “chèo lái” của Việt Nam, dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 37 còn có thành công quan trọng là 15 nước đã kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Đây là hiệp định quan trọng với số dân của các nước tham gia hiệp định này lên tới 2,2 tỷ người.

Trong tháng 11, Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp ứng phó bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn. Các cơ quan chức năng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đã vào cuộc rất trách nhiệm, xuất cấp gần 16.000 tấn gạo, gần 1.300 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam và các địa phương cũng đã huy động nguồn lực xã hội rất lớn để hỗ trợ đồng bào miền Trung trải qua 9 cơn bão liên tiếp, trong đó có siêu bão, mưa lớn lịch sử. Đến nay, công tác khắc phục hậu quả đã thực hiện được bước đầu, dần ổn định cuộc sống nhân dân các vùng thiên tai.

Về kinh tế xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nỗ lực hết sức mình để tháng 12 đạt kết quả tốt nhất. Cuối tháng 12, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị kinh tế xã hội toàn quốc để kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ của năm 2020. Các bộ, ngành phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ. (Sức khỏe & Đời sống trang 3)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 5: “Không để Covid-19 bước vào chu kỳ thứ 3”; Tuổi trẻ trang 2: “Bình tĩnh để chống dịch”; An ninh Thủ đô trang 2: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong truy vết, khoang vùng với ca lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng”; Nông thôn Ngày nay trang 1: “Thần tốc, quyết liệt hơn trong truy vết khoang vùng COVID-19”

 

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống dịch COVID-19 tại cơ sở khám, chữa bệnh

Ngày 2/12, Bộ Y tế đã có công văn số 6649/BYT-KCB về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Công văn nêu rõ, sau 88 ngày không có dịch trong cộng đồng, ngày 30/11/2020 tại TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện một số ca nhiễm COVID-19 mới gồm ca bệnh số 1342, 1347… Điều đặc biệt nguy hiểm là các ca này đã lây từ những người cách ly sau nhập cảnh ra cộng đồng.

Hơn nữa, hiện nay đang là mùa đông ở khu vực phía Bắc, thời điểm cuối năm các đơn vị đang chuẩn bị tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong đó có những sự kiện lớn, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Để tránh lây lan dịch, thực hiện “mục tiêu kép” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chỉ đạo các Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân cần ưu tiên cao nhất cho việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, cụ thể các việc như sau:

Rà soát, đánh giá lại toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các văn bản, chỉ thị, chỉ đạo, Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã ban hành.

Thực hiện nghiêm khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly và cho xét nghiệm toàn bộ các trường hợp nghi ngờ. Tuyệt đối không để lọt những người nguy cơ xâm nhập vào bên trong bệnh viện. Rà soát các khoa có người bệnh có nguy cơ cao như hồi sức tích cực, khoa điều trị người cao tuổi, chạy thận nhân tạo, tim mạch, hô hấp… Kiểm soát chặt người vào – ra, không để hoặc hạn chế tối đa việc người nhà người bệnh chăm sóc. (Sức khỏe & Đời sống trang 2)

 

Hà Nội quyết tâm không để xảy ra sai sót trong phòng, chống dịch Covid-19

Chiều 2-12, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã tổ chức họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh dự và chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Cần nghiêm túc cách ly các tổ bay

Mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong  việc thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Dù còn nhiều khó khăn, song kinh tế Thủ đô đã và đang phục hồi tích cực, điển hình là sự kiện kích cầu “Hà Nội đêm không ngủ” vừa qua với doanh số tăng 300%, lượng khách tăng 200%.

Lưu ý việc vừa có ca mắc Covid-19 mới tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Chu Ngọc Anh đề nghị cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. “Hà Nội đã 106 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, tuy nhiên, nguy cơ vẫn hiện hữu nên các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục đề cao cảnh giác. Thành phố quyết tâm không để xảy ra làn sóng dịch thứ ba”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nói.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 24-11 đến 1-12, Việt Nam ghi nhận thêm 35 ca mắc mới. Đặc biệt, sau 88 ngày không ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng, đến ngày 30-11, Bộ Y tế công bố trường hợp bệnh nhân 1.347 (BN 1.347) tại thành phố Hồ Chí Minh có liên quan tới BN 1.342 (là người đang cách ly tại nhà). Ngày 1-12, ghi nhận thêm 2 ca mắc tại cộng đồng (BN 1.348, BN 1.349).

Tại Hà Nội, trong những tuần qua không ghi nhận ca mắc Covid-19. Hiện trên địa bàn thành phố không còn đối tượng F1, F2 phải cách ly. Thành phố có 17 khách sạn làm nơi cách ly tập trung, trong đó có 3 cơ sở làm nơi cách ly của các tổ bay. Thời gian qua, các khách sạn đã cách ly được 1.000 người là tổ bay, tiếp viên hàng không, chưa có hiện tượng lây nhiễm tại các khách sạn. Tuy nhiên, Sở Y tế đánh giá, nguy cơ lây nhiễm dịch từ các tổ bay và tiếp viên hàng không khá cao, vì thế đối tượng này cần phải được thực hiện cách ly một cách nghiêm túc.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, việc xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh là điều đáng lo ngại với không chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh mà với cả các tỉnh, thành phố khác. Sáng 1-12, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch thành phố đã đi kiểm tra khu cách ly tổ bay của Vietnam Airlines tại quận Long Biên. Tại đây, đơn vị đã cơ bản thực hiện tốt công tác cách ly theo quy định.

Đánh giá kết quả 5 đoàn kiểm tra của thành phố, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, nhiều địa phương đã nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, việc giám sát cách ly tại các khách sạn vẫn chưa được chặt chẽ do hệ thống camera tại các khách sạn không đầy đủ. Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải tại các khách sạn vẫn chưa thực hiện nghiêm túc nên có nguy cơ phát tán các mầm bệnh qua rác thải ra cộng đồng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng cho rằng, việc người dân thực hiện phòng, chống dịch tại các địa phương theo “thông điệp 5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) còn chưa nghiêm túc.

Ông Nguyễn Khắc Hiền đề xuất, cần thực hiện nghiêm túc việc cách ly đối với các tổ bay, tiếp viên hàng không đủ 14 ngày; việc cách ly tại nhà phải bảo đảm tiêu chuẩn có phòng riêng; các bệnh viện phải bảo đảm nghiêm túc công tác phòng, chống dịch; các sự kiện phải bảo đảm đủ điều kiện phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, khử khuẩn) thì mới được phép cho tổ chức…

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Công an thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã cho biết, tiếp tục tăng cường việc phòng, chống dịch trên các phương tiện công cộng, tại các siêu thị, nơi tập trung đông người. Tuy nhiên, hiện tượng người dân chủ quan, không đeo khẩu trang tại nơi công cộng vẫn còn. Tới đây, các đơn vị, địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, tăng cường xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang.

Quyết liệt yêu cầu người dân phòng, chống dịch theo tinh thần “5K”

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, ngày 1-12, Thủ tướng đã họp và yêu cầu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phải quyết liệt hơn nữa trong các biện pháp phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương khắc phục ngay những tồn tại ở các khu cách ly; siết chặt quản lý, quy trình người cách ly, nhất là với tổ bay; quản lý chặt chẽ người nhập cảnh; thực hiện khoanh vùng, dập dịch ngay khi phát hiện ca bệnh; tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện phòng, chống dịch theo tinh thần “5K”.

Bên cạnh đó, đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu, Sở Y tế thường xuyên liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh để kiểm soát chặt chẽ các trường hợp có liên quan đến bệnh nhân mới mắc Covid-19; làm tốt công tác phòng dịch ở nơi công cộng, sự kiện nào không cần thiết thì dừng tổ chức; thực hiện nghiêm phòng dịch ở các bệnh viện.

“Thành phố sẽ tiếp tục đi kiểm tra ở các quận, huyện. Nơi nào chủ quan để xảy ra dịch sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu”, Trưởng ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố nói.

Bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch cho thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đã nhiều lần làm việc với Hà Nội nhằm hỗ trợ thành phố, đặc biệt trong công tác xét nghiệm sớm.

Thứ trưởng đề nghị, Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện phòng, chống dịch trên tinh thần “5K”, nhất là ở khu vực đông người như chợ, trung tâm thương mại, phố đi bộ; kiểm tra các cơ sở y tế công lập, tư nhân trên địa bàn; triển khai cách ly 14 ngày với tổ bay; đối với các chuyên gia, phải thực hiện nghiêm túc công tác xét nghiệm; nâng cao năng lực xét nghiệm cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế cam kết sẽ điều động các đơn vị trung ương để hỗ trợ cho Hà Nội trong công tác khám, chữa bệnh, nâng cao năng lực điều trị, kiểm soát, xét nghiệm…

“Hy vọng, với sự nỗ lực, quyết liệt của Hà Nội và các bộ, ngành sẽ không để dịch xảy ra tại Hà Nội”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Chỉ đạo cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh một lần nữa nhấn mạnh, những kết quả phòng, chống dịch mà Hà Nội đạt được trong thời gian qua là do tinh thần đoàn kết của các cấp ủy và sự đồng thuận của các tổ dân phố, nhân dân.

Thay mặt thành phố Hà Nội, đồng chí Chu Ngọc Anh ghi nhận, biểu dương các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đã thể hiện trách nhiệm cao trong việc kiểm soát dịch và thực hiện “mục tiêu kép” phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh biểu dương những việc đã làm được, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, như: Người dân còn chủ quan trong việc thực hiện phòng, chống dịch theo tinh thần “5K”, đặc biệt là việc không nghiêm túc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, các chợ dân sinh.

Đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh vào một số biện pháp cần thực hiện quyết liệt, như: Tăng cường tuyên truyền người dân nghiêm túc phòng, chống dịch theo tinh thần “5K”, đặc biệt là phải đeo khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ tại các khu cách ly tập trung, trong đó có các tổ bay; các bệnh viện, cơ sở y tế, phòng khám tư phải bảo đảm phòng, chống dịch; nâng cao năng lực xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội; quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép; tập trung xử lý khoanh vùng, dập dịch nhanh đối với trường hợp phát hiện ra ca bệnh…

Bên cạnh đó, đồng chí Chu Ngọc Anh yêu cầu các đơn vị, địa phương phải nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. “Các địa phương phải chủ động thực hiện việc rà soát, kiểm tra việc phòng, chống dịch trên địa bàn để từ đó có đánh giá khách quan và chủ động hơn trong việc phòng, chống dịch”, đồng chí Chu Ngọc Anh yêu cầu.

Tới đây, Hà Nội sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vì thế Thủ đô không được để xảy ra bất cứ sai sót nào trong phòng, chống dịch.

“Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Hà Nội quyết tâm không để xảy ra làn sóng dịch thứ ba”, đồng chí Chu Ngọc Anh chỉ đạo. (Hà Nội mới trang 1)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 1: “Hà Nội phải an toàn, không được sai sót trong phòng chống Covid-19”

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/9/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 03/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 08/7/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận